Thay đổi tư duy, tầm nhìn

(ĐTTCO) - Khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp là hoạt động mang tính khoa học, sáng tạo và kinh doanh, bao gồm cả thành công lẫn thất bại, nhưng không phải là hoạt động bao cấp, tùy hứng, càng không phải phong trào thi đua, hình thức. Thực tế cho thấy, cần có những điều chỉnh nhận thức sâu sắc hơn, các hành động mạnh mẽ và toàn diện, cả từ phía Nhà nước, hiệp hội DN, và người dân để hình thành “hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia”.

(ĐTTCO) - Khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp là hoạt động mang tính khoa học, sáng tạo và kinh doanh, bao gồm cả thành công lẫn thất bại, nhưng không phải là hoạt động bao cấp, tùy hứng, càng không phải phong trào thi đua, hình thức. Thực tế cho thấy, cần có những điều chỉnh nhận thức sâu sắc hơn, các hành động mạnh mẽ và toàn diện, cả từ phía Nhà nước, hiệp hội DN, và người dân để hình thành “hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia”.

Xác lập thị trường mục tiêu

Năm 2016 có ý nghĩa đặc biệt khi DN (DN) không chỉ tiếp cận thị trường Việt Nam với một phân khúc cho 90 triệu dân, mà DN đang bán hàng với phân khúc tương tự ở 9 quốc gia Đông Nam Á (Cộng đồng kinh tế ASEAN-AEC) và 8 quốc gia thành viên khác tham gia TPP (12 quốc gia trừ 4 quốc gia nằm trong AEC). Do vậy, nếu bạn khởi nghiệp vì mục tiêu “build to last” (xây để trường tồn), đây là lúc bạn cần tính toán lâu dài xem sản phẩm của bạn có tiềm năng đi xa đến đâu và 5 năm tới sẽ thế nào. Nếu bạn khởi nghiệp vì mục tiêu “build to sell” (xây dựng để bán), thì hãy nhớ rằng rất ít nhà đầu tư sẽ để mắt đến bạn vì bạn chỉ nhắm vào thị trường nội địa. Bởi với 90 triệu dân, Việt Nam chưa phải là thị trường hấp dẫn để bán sản phẩm. Sẽ thuyết phục hơn nếu bạn chứng minh cho nhà đầu tư thấy bạn và sản phẩm của bạn sẽ thành công ở một tầm rộng lớn hơn.

Với thị trường hơn 600 triệu dân, trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và tiềm năng đạt vị trí thứ 4 vào năm 2050 nếu xu hướng tăng trưởng hiện nay tiếp tục, AEC sẽ là một thị trường tiềm năng cho dòng vốn đầu tư đổ vào khu vực sản xuất kinh doanh, các ngành dịch vụ và du lịch. Thêm vào đó, nhờ lợi thế có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, sự đa dạng hấp dẫn trong cảnh quan, xu hướng hợp tác phát triển mạnh mẽ, sự lưu chuyển nguồn nhân lực, loại bỏ các rào cản về thuế quan… đang tạo ra những cơ hội mới. Còn TPP với những nền kinh tế phát triển hơn nhiều so với Việt Nam, đang đặt bạn trước những cơ hội và thách thức mới.

Chưa bao giờ thị trường Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển lại gần với DN Việt Nam như vậy. Những rào cản kỹ thuật khắt khe của những thị trường này tạo ra phép thử với chất lượng sản phẩm dịch vụ của DN. Nếu thành công ở những thị trường này, không có lý gì DN không có cơ hội thành công toàn cầu. Tuy nhiên, các DN cũng cần thay đổi tầm nhìn và tư duy cạnh tranh, bởi không dừng lại cạnh tranh trên thị trường nhà, DN sẽ phải cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu mạnh mẽ. Vì vậy, nếu chưa tính đến những thị trường này trong chiến lược phát triển và cạnh tranh của mình, DN khởi nghiệp sẽ không chỉ mất cơ hội trên chính thị trường mình mà còn mất cơ hội vươn ra thế giới.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia

Việc số DN dừng hoạt động và phá sản bằng tổng số DN đăng ký mới và quay lại hoạt động cùng thời gian, cho thấy bức tranh về DN còn nhiều khó khăn, nhưng tinh thần khởi nghiệp vẫn đang được nuôi dưỡng. Hiện cả nước có khoảng nửa triệu DN đang hoạt động. Mỗi năm nước ta cũng có thêm vài chục ngàn DN mới thành lập, hàng ngàn ý tưởng sáng tạo và kinh doanh khác chờ được hỗ trợ khởi nghiệp. Động lực khởi nghiệp không chỉ từ nhu cầu mưu sinh, kiếm sống, mà còn từ khát khao hoàn thiện bản thân, cống hiến cho đất nước, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội...

Hội thảo “Bánh xe khởi nghiệp” với chủ đề “Thế nào là một ý tưởng khởi nghiệp tốt?” do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ TPHCM tổ chức.

Hội thảo “Bánh xe khởi nghiệp” với chủ đề “Thế nào là một ý tưởng khởi nghiệp tốt?”



do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ TPHCM tổ chức.

Năm 2016 được chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và khởi nghiệp thành công trong môi trường chuyên nghiệp là điều kiện cần để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo và xây dựng cộng đồng DN, doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đảm nhận vai trò xung kích, nắm bắt cơ hội và tạo động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Để khởi nghiệp thành công, ngoài năng lực, kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường, mô hình quản trị kinh doanh, mục tiêu, tiềm năng thị trường và ý chí khởi nghiệp của bản thân doanh nhân và DN, còn cần môi trường - “bà đỡ” khởi nghiệp chuyên nghiệp và lành mạnh.

Để có môi trường đó, Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý, bảo đảm các dịch vụ công thiết yếu, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, kinh doanh và cạnh tranh công bằng; phát triển các thể chế chuyên biệt, đặc thù để hỗ trợ khởi nghiệp, các chương trình khởi nghiệp, nhất là các quỹ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm DN, các công viên khoa học, các văn phòng tư vấn và các dịch vụ hỗ trợ DN, doanh nhân kinh doanh thuận lợi và giúp giảm chi phí (vốn, thông tin, kế toán, địa điểm mặt bằng, thủ tục...). Các hiệp hội, địa phương và ngành cũng cần mở rộng các cuộc giao lưu và đào tạo, thi khởi nghiệp trên toàn quốc; tìm các nhà đầu tư tài trợ cho những dự án có tính khả thi; thành lập Quỹ Khởi nghiệp kết hợp vốn tư nhân và Chính phủ, tăng cường tuyên truyền trách nhiệm xã hội và văn hóa kinh doanh...

Các tin khác