Sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng

Kỳ vọng cú hích Tây Bắc

(ĐTTCO) - Hàng loạt chỉ đạo quyết liệt xóa treo của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tại các dự án treo của khu đô thị Tây Bắc, cũng như khai thông hệ thống giao thông cho thấy thị trường BĐS khu vực Tây Bắc sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới.

(ĐTTCO) - Hàng loạt chỉ đạo quyết liệt xóa treo của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tại các dự án treo của khu đô thị Tây Bắc, cũng như khai thông hệ thống giao thông cho thấy thị trường BĐS khu vực Tây Bắc sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới.

Từ xóa treo

Tại các buổi tiếp xúc với cử tri Hóc Môn và Củ Chi thời gian gần đây, người dân nơi đây đã than phiền với Bí thư rất nhiều về hàng loạt dự án treo tại khu vực Tây Bắc như khu đô thị Tây Bắc, dự án Công viên Safari Sài Gòn (Củ Chi), dự án khu công nghiệp DIC (Hóc Môn)… Trong đó dự án khu đô thị Tây Bắc có quy mô lớn nhất. Tại buổi làm việc với huyện Củ Chi ngày 18-2, Bí thư Thành ủy đã giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT) phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch dự án khu đô thị Tây Bắc, nhưng mãi đến ngày 11-5 vừa qua Sở QH-KT mới họp với huyện Củ Chi để rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu đô thị này. Vì vậy, trong lần làm việc mới đây, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng Sở QH-KT làm việc quá chậm chạp, khó chấp nhận, đến ngày 21-7, Sở QH-KT phải hoàn tất việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch dự án khu đô thị Tây Bắc.

Tương tự, với các khu quy hoạch viện trường y tế, khu công nghiệp Hóa Dược, Bàu Đưng…, sau khi nghe đề xuất từ huyện Củ Chi và Sở QH-KT, ông Thăng đồng ý xóa quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch theo hướng người dân đã kiến nghị. Thời hạn ông Thăng đưa ra cho Sở QH-KT thực hiện cũng vào ngày 21-7. Về dự án công viên Sài Gòn Safari với 475ha, có tổng mức đầu tư 500 triệu USD, bỏ hoang từ năm 2004 đến nay tại An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (Củ Chi), Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết vừa qua UBND TP đã quyết định cho thanh tra toàn diện dự án Safari Củ Chi. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng việc cần làm hiện nay là triển khai dự án (trong quý III), giao các cơ quan chức năng phải làm việc với dân về các vướng mắc đền bù.

Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với CTCP Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup) về đề xuất đầu tư dự án công viên Sài Gòn Safari tại huyện Củ Chi. Sau cuộc họp, TP đã chấp thuận cho Vinpearl tổ chức nghiên cứu đầu tư dự án, đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp các sở ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ công ty này thực hiện nhanh các thủ tục cần thiết theo đúng quy định để sớm triển khai dự án. Trong đề án trình trước đó, TP cũng nhắc nhở phía Vingroup điều chỉnh giảm tỷ lệ đất dành cho sân golf và khách sạn để dành thêm diện tích đất cho các hoạt động dã ngoại, thể thao ngoài trời khác, tăng tỷ lệ đất dành cho khu vườn thú; đa dạng, phong phú các loại hình hoạt động... Vingroup cũng cần điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000, đề xuất 2-3 phương án để lựa chọn phương án tối ưu, gửi lấy ý kiến Sở QH-KT và các sở, ngành có liên quan xem xét, thẩm định, trình UBND TP trong tháng 6-2016.

Đến kết nối giao thông

Để kết nối giao thông giữa quận 12 với khu vực trung tâm TPHCM và các tỉnh lân cận được thuận lợi, Bộ Giao thông-Vận tải có chủ trương giao UBND TPHCM thực hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn quận 12. Các dự án được đề xuất nhằm tăng cường năng lực giao thông tại cửa ngõ phía Bắc TP kết nối với các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên, tạo hành lang giao thông thông thoáng, tránh hiện tượng ùn tắc giao thông. Cụ thể, tuyến đường sắt trên cao số 5, đoạn từ nút giao thông Trạm 2 đến ngã tư An Sương đã được liên danh Yên Khánh, Cái Mép, Vinaconex và Vinaconex - PVC (PVV) xin TP tham gia theo hình thức đối tác công tư.

Một góc khu dân cư tại huyện Hóc Môn được phân lô bán nền.

Một góc khu dân cư  tại huyện Hóc Môn được phân lô bán nền.

Trong khi đó, dự án hầm chui An Sương mặc dù đã được Sở Giao thông-Vận tải TPHCM phê duyệt với tổng vốn đầu tư 514 tỷ đồng từ tháng 10-2015, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Để dự án đúng tiến độ, mới đây liên danh Thái Sơn, Khánh An, Vinaconex và PVV đề xuất xin được thực hiện dự án. Một dự án giao thông trọng điểm khác trên địa bàn quận 12 cũng vừa được nhiều doanh nghiệp xin tham gia thực hiện, đó là dự án xây dựng cầu Vàm Thuật và nâng cấp mở rộng đường Vườn Lài. Tháng 9-2015, Tập đoàn Vingroup đề xuất tham gia đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng đường Vườn Lài và xây dựng cầu Vàm Thuật theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Nguồn vốn đối ứng của dự án là tiền sử dụng đất khu đất phía Nam của Quốc lộ 1 tại phường An Phú Đông, quận 12. Ngoài ra, vừa qua Bộ Quốc phòng cũng đồng ý chuyển giao hơn 20ha đất quân sự khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cho TP quản lý, sử dụng với mục đích phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển giao thông để tháo gỡ nút thắt cho cửa ngõ Tây Bắc.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, cho rằng xét về thế đất khu Tây Bắc có nhiều lợi thế như cao ráo, nước ít nhiễm phèn hơn các khu vực khác. Hạn chế lớn nhất của khu vực này là kết nối giao thông với trung tâm TP. Nếu các dự án giao thông nói trên được triển khai, chắc chắn thị trường BĐS Tây Bắc sẽ sôi động. Đặc biệt nếu có sự tham gia của Tập đoàn Vingroup vào các hoạt động đầu tư về du lịch, giao thông… chắc chắn vùng đất này sẽ nhanh chóng thay đổi trong thời gian ngắn. Hiện nay giá đất tại khu vực Củ Chi, Hóc Môn và một số khu vực quận 12 còn khá rẻ, dự báo sẽ có đợt tăng nóng trong thời gian gần đây.

Các tin khác