CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA KHỞI NGHIỆP

Kết nối ý chí nhà nước-cộng đồng

(ĐTTCO) - Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa thay mặt cộng đồng doanh nghiệp (DN) đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN. Theo đó xác định 5 năm tới sẽ là giai đoạn quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển DN. Tuy nhiên, để mục tiêu này trở thành hiện thực, không chỉ đơn giản hô khẩu hiệu, mà chính là sự chung sức, chung lòng của cả bộ máy chính trị, cộng đồng DN và hệ thống các cơ quan quản lý liên quan.

(ĐTTCO) - Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa thay mặt cộng đồng doanh nghiệp (DN) đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN. Theo đó xác định 5 năm tới sẽ là giai đoạn quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển DN. Tuy nhiên, để mục tiêu này trở thành hiện thực, không chỉ đơn giản hô khẩu hiệu, mà chính là sự chung sức, chung lòng của cả bộ máy chính trị, cộng đồng DN và hệ thống các cơ quan quản lý liên quan.

Thực trạng DN Việt

Theo thống kê, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây (kể từ ngày có Luật DN), Việt Nam có 941.000 DN đã được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31-12-2015, cả nước có 513.000 DN còn hoạt động (chiếm 54,5%), nhưng cũng có tới 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau (chiếm 45,5%). Điều đáng nói, khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhất là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trong năm 2015 là 80.000 DN và chỉ riêng trong quý I-2016 tiếp tục có gần 23.000 DN ngừng hoạt động và giải thể (tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước). Số DN hoạt động hiệu quả chưa cao cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong số DN đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, chỉ có 42% DN có lãi, trong khi 58% DN còn lại thua lỗ hoặc hòa vốn. Con số 42% này dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc chỉ chưa đầy một nửa số DN kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các DN còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Thực trạng báo động của DN Việt Nam đã được cộng đồng DN phản ánh đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại với DN tổ chức tại TPHCM cuối tháng 4 vừa qua. Tại buổi đối thoại này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đã báo cáo tình hình hoạt động của DN, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng; kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN. Theo ông Lộc, 5 năm tới là một giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Trong quá trình ấy, DN chính là lực lượng quyết định thành bại của đất nước trong hội nhập và nâng cao nội lực của DN, là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở nhận diện tình hình DN như trên, ông Lộc đề nghị 5 năm tới nên được xác định là giai đoạn quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển DN. Do đó, VCCI đề nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được 2 yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.

 Rót vốn cho các startup có sức bật

Các DN trẻ theo mô hình khởi nghiệp (startup) hình thành vài năm gần đây nhưng dễ rơi vào vòng luẩn quẩn, sức cạnh tranh yếu vì vốn mỏng. Việc ra đời quỹ đầu tư khởi nghiệp là rất cần thiết trong lúc này. Điều đó đòi hỏi vai trò bà đỡ của Nhà nước cũng như một môi trường hỗ trợ hiệu quả. Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TPHCM (HSIF) chính thức ra mắt ngày 17-5 vừa qua được đánh giá là động thái cần thiết, nhất là khi phong trào khởi nghiệp đang được khởi xướng rộng rãi khắp cả nước như hiện nay. Quỹ này được sáng lập bởi Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TPHCM, với quy mô nguồn vốn trong giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 100 tỷ đồng. Dù nguồn vốn này còn khiêm tốn so với nhu cầu của các startup, nhưng việc ra đời HSIF được cho là bước đi cụ thể nhằm giúp DN khởi nghiệp ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển được dự án khởi nghiệp sáng tạo của mình. Đây cũng là quỹ đầu tư đầu tiên của TPHCM hướng đến các hoạt động bảo trợ và đầu tư cho DN khởi nghiệp hướng đến các sản phẩm đổi mới, có định hướng công nghệ.

Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc HFIC, cho rằng quỹ này cần hướng đến quy mô rộng lớn hơn. Phía HFIC với vai trò là cố vấn chuyên môn trong công tác thẩm định đầu tư của quỹ sẽ giúp các startup Việt Nam phát triển bền vững hơn. Ông Quốc cũng lưu ý nên đặt hàng các DN nội đang thành công để họ “kèm cặp” các DN mới trong bước đầu khởi nghiệp. Cần làm sao để DN lớn đã phát triển, các DNNVV như các startup cũng phải được phát triển theo. Theo TS. Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, khoảng gần 10 năm trước, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài từng rất quan tâm tới các DN công nghệ trẻ của Việt Nam. Nhưng do sức ép phải bảo toàn vốn cho nhà đầu tư, nên các quỹ đầu tư quốc tế cũng không dám mạo hiểm rót vốn vào mà chỉ đầu tư nhỏ giọt để các startup tiềm năng tạo dựng được thương hiệu, từ đó bán lại cổ phần với giá cao hơn cho các quỹ đầu tư khác theo kiểu “gặt lúa non”. Hạn chế này khiến nhiều startup Việt Nam chưa kịp tạo được đà phát triển tốt đã lại rơi vào cảnh thiếu vốn, phải tập trung làm thương hiệu theo yêu cầu của nhà đầu tư hơn là tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt thực sự.

Trên thực tế, để ra đời một quỹ đầu tư khởi nghiệp như vậy không phải là chuyện đơn giản. Các DN trẻ theo mô hình startup hình thành từ vài năm nay nhưng chưa có nhiều thành công bởi thiếu các điều kiện phát triển ban đầu như văn phòng, nhân lực, nguồn vốn, mô hình kinh doanh. Nhất là đối với giai đoạn đầu, khi DN startup mới chỉ có ý tưởng công nghệ chứ chưa thực sự có nguồn thu, họ sẽ rất khó gọi vốn đầu tư từ các quỹ. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, để khởi nghiệp thành công, cần tạo ra một môi trường “vườn ươm” để các “hạt giống” startup có điều kiện nảy mầm tốt nhất.

Dự án sản xuất và kinh doanh Chè Shan Tuyết bó đướt – dự án top 5 Cuộc thi Khởi nghiệp 2015 - đang bước đầu triển khai thực tế và nhận được sự quan tâm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Dự án sản xuất và kinh doanh Chè Shan Tuyết bó đướt – dự án top 5 Cuộc thi Khởi nghiệp 2015



- đang bước đầu triển khai thực tế và nhận được sự quan tâm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Nhà nước chung tay

Theo các chuyên gia, chúng ta cần coi việc phát triển hệ thống vườn ươm công nghệ là công cụ đòn bẩy quan trọng trong hỗ trợ phát triển DN khởi nghiệp bằng khoa học và công nghệ, thương mại hóa công nghệ và thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ, liên kết khoa học với sản xuất, thị trường, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”.

Khu vực tư nhân là nền tảng và trụ cột để nhân rộng mô hình của sự phát triển khởi nghiệp. Do đó, các vườn ươm, quỹ đầu tư, các hoạt động phục vụ cho khởi nghiệp phải làm đầu tàu tạo điều kiện và khuyến khích DN khởi nghiệp. Các quỹ đầu tư hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp không nên giao nhiều cơ quan nhà nước quản lý, mà chủ yếu để các tổ chức cộng đồng quản lý, với các quy chế chặt chẽ, tránh tình trạng lợi ích nhóm thao túng, chi phối. Điều này sẽ tránh được lối làm việc hành chính quan liêu và cản trở DN khởi nghiệp.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Theo đó, Nhà nước hỗ trợ vốn mồi cho DN trong giai đoạn đầu, có thể bằng cách trực tiếp đầu tư, tài trợ hoặc đối ứng đầu tư với các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư. Giai đoạn phát triển DN khởi nghiệp càng sớm, tỷ lệ đối ứng của Nhà nước càng cao. Giới chuyên gia cũng đề nghị, Nhà nước cần chung tay chia sẻ những rủi ro trong hoạt động đầu tư mạo hiểm vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Đơn cử như rủi ro đối với ngân hàng có thể được chia sẻ thông qua hoạt động bảo lãnh công nghệ trong tín dụng hoặc rủi ro đối với nhà đầu tư có thể được chia sẻ khi Nhà nước đối ứng với vốn đầu tư. Ngoài ra, Nhà nước cần tham gia hoạt động đầu tư mạo hiểm cho các lĩnh vực công nghệ có thể mang lại nhiều lợi ích như công ích sinh học, vật liệu mới mà các nhà đầu tư chưa mấy mặn mà.

Một điểm khá quan trọng, là cần thành lập các quỹ hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, xây dựng quỹ đầu tư cho DN khởi nghiệp theo mô hình hợp tác công - tư thuộc Chính phủ, nhằm mục đích kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ từ các thành phần xã hội cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng. Ngoài ra, cần phải có chính sách khuyến khích thành lập vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm. Quỹ đầu tư mạo hiểm ngoài vốn nhà nước nhất thiết phải có vốn của tư nhân, kể cả nước ngoài. Thực tế, các quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò là những thực thể chủ đạo không thể thiếu, mang lại nguồn vốn đầu tư cần thiết giúp DN khởi nghiệp phát triển.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, quan sát các mô hình phát triển khởi nghiệp nhiều nước càng thấm thía hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Trong đó, toàn xã hội phải xây dựng được ý thức mỗi người cần có trách nhiệm tự thân và phải hỗ trợ khởi nghiệp. Ở Israel, DN khởi nghiệp thành công hầu hết đều dựa trên nền tảng giáo dục đó. Họ được giáo dục rằng đã là DN phải có trách nhiệm hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ cộng đồng thúc đẩy khởi nghiệp. Đây gần như là trách nhiệm hiển nhiên và công việc chính của DN Israel, đôi lúc nó trở thành đạo đức xã hội. Điều này ở Việt Nam dường như vẫn còn khá mơ hồ. Khi những cán bộ ở trong bộ máy chính quyền chưa cảm nhận được vai trò của mình trong thúc đẩy khởi nghiệp, sẽ khó hy vọng một quốc gia khởi nghiệp. Hỗ trợ khởi nghiệp cần bắt đầu từ ý thức, trách nhiệm của bộ máy nhà nước, vai trò cán bộ lãnh đạo.

Các tin khác