Gian nan giảm sở hữu chéo

(ĐTTCO) - Sở hữu chéo giữa các TCTD vẫn luôn tồn tại và là vấn đề NHNN tập trung giải quyết. Mặc dù giới hạn sở hữu đã có quy định rõ ràng, nhưng các NH vi phạm chỉ mới rục rịch thoái vốn ở vài trường hợp. Trong khi đó, những trục trặc trong vấn đề nhân sự tại một NH gần đây cũng có bóng dáng của vấn đề sở hữu chéo.

(ĐTTCO) - Sở hữu chéo giữa các TCTD vẫn luôn tồn tại và là vấn đề NHNN tập trung giải quyết. Mặc dù giới hạn sở hữu đã có quy định rõ ràng, nhưng các NH vi phạm chỉ mới rục rịch thoái vốn ở vài trường hợp. Trong khi đó, những trục trặc trong vấn đề nhân sự tại một NH gần đây cũng có bóng dáng của vấn đề sở hữu chéo.

Vượt rào Thông tư 36

VietinBank vừa đăng ký bán 16,87 triệu cổ phần, chiếm 5,48% vốn tại Saigonbank để giảm sở hữu xuống 15,12 triệu cổ phần, tương đương với 4,91% vốn. Thời gian dự kiến thực hiện là quý II-2016 với giá khởi điểm 10.800 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số lượng cổ phiếu của Saigonbank mà VietinBank sở hữu được tự do chuyển nhượng. Nếu phiên đấu giá thành công, VietinBank sẽ thu về khoảng hơn 182 tỷ đồng tính theo giá khởi điểm. Trước khi thực hiện việc giảm sở hữu này, VietinBank nắm giữ 10,39% vốn điều lệ Saigonbank. Áp dụng theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, VietinBank đã vi phạm giới hạn sở hữu tại một TCTD khác (tối đa 5% vốn). Nhưng đến nay VietinBank là đơn vị đầu tiên trong năm nay cụ thể bước đi trong lộ trình giảm sở hữu chéo.

Để xử lý vấn đề sở hữu chéo, ngay từ năm 2010 NHNN đã ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động và đến năm 2014 lại ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD. Đặc biệt, Thông tư 06/2015/TT-NHNN ban hành năm 2015 quy định rõ thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55, Luật Các TCTD. Tuy nhiên, vấn đề sở hữu chéo vẫn chưa được giải quyết triệt để.

TS. Vũ Đình Ánh

Vietcombank cũng đang nắm giữ 7,16% vốn tại NH Quân đội (MB), 8,19% cổ phần Eximbank, 5,07 vốn tại NH Phương Đông (OCB) và 10,91% vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Xi măng. Cũng theo quy định tại Thông tư 36, NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của NH đó. Là NH nắm cổ phần tại nhiều TCTD khác, cổ đông Vietcombank đã đặt nhiều câu hỏi cho ban lãnh đạo về kế hoạch thoái vốn, nhưng Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Đến nay kế hoạch hoạt động của Eximbank vẫn chưa có gì cụ thể, bởi ĐHCĐ của NH này đã 2 lần không thành công, các cổ đông vẫn chưa thông qua bất kỳ nội dung nào về phương hướng hoạt động. Đặc biệt, Eximbank cũng không đề cập đến việc sẽ thoái 8,76% vốn đang nắm giữ tại Sacombank trong 2 lần ĐHCĐ vừa qua. Chưa giải quyết được vấn đề nhân sự, nên NH này khó có bước đi cụ thể trong việc giảm sở hữu chéo tại Sacombank trong thời gian tới. Trong khi đó theo giới phân tích, Eximbank đang đối mặt với vấn đề mới, đó là 1 trong 2 đại diện của nhóm cổ đông đang nắm giữ trên 10% vốn tại nhà băng này từng là lãnh đạo chủ chốt của NH khác.

Như vậy, mặc dù Thông tư 36 đã quy định rất rõ ràng, nhưng ngoại trừ 2 thương vụ sáp nhập góp phần giảm sở hữu chéo giữa các NH như Sacombank-Southernbank và Maritimebank-MDB, thì đến nay việc giảm sở hữu lẫn nhau giữa các TCTD vẫn chưa có bước đột phá. Theo một chuyên gia tài chính, sở dĩ việc thoái vốn của các NH diễn ra chậm do thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu NH bán thấp cũng không có người mua, trong khi về mặt thủ tục phải đợi ý kiến từ NHNN.

Maritimebank là NH đột phá giảm sở hữu chéo khi sáp nhập MDB vào. Ảnh: LONG THANH

Maritimebank là NH đột phá giảm sở hữu chéo khi sáp nhập MDB vào. Ảnh: LONG THANH

Chỉ giữ NH tốt

Phải chịu áp lực thoái vốn tại các TCTD khác, nhưng có lẽ Vietcombank đã có sẵn kế hoạch khi công bố việc xin giữ lại cổ phần sở hữu tại MB. Theo Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, nguyên nhân do MB là NH có hoạt động hiệu quả. Như vậy Vietcombank sẽ còn cân nhắc thực hiện thoái vốn tại các đơn vị là OCB, Saigonbank hay Eximbank, bởi mục tiêu chỉ giữ lại cổ phần tại 2 TCTD khác. “Việc thoái vốn sẽ dựa trên tín hiệu của thị trường và tín hiệu từ các TCTD để có những định hướng phù hợp” - ông Thành cho biết thêm. Trong khi đó, nếu tính về giá trị khoản đầu tư của NH này tại OCB và Saigonbank thấp hơn khoảng 100 tỷ đồng, còn phần vốn tại Eximbank đến nay vẫn chưa có diễn biến mới mặc dù trước đó có thông tin Vietcombank còn chờ ý kiến từ phía NHNN.

Trong khi đó, một đơn vị khác là Maritimebank có thương vụ thoái vốn thu hút sự quan tâm của thị trường. Maritimebank đã kịp bán khoảng 4% vốn điều lệ tại MB, tương đương hơn 64 triệu cổ phiếu cho 3 nhà đầu tư trong nhóm các nhà đầu tư thuộc Dragon Capital vào tháng 2-2016 để giảm sở hữu tại MB. Kết quả hiện tại Maritimebank chỉ còn nắm dưới 5% tại MB từ mức 8,96% trước đó. Giá trị thương vụ này dù không được tiết lộ, nhưng thị trường ước tính Maritimebank có thể thu về khoảng 1.000 tỷ đồng theo thị giá của MB tại thời điểm công bố. Theo đó, lợi nhuận năm 2016 của Maritimebank có thể sẽ khả quan hơn. Rõ ràng, việc thoái vốn NH trong tình hình thị trường hiện nay có thể không phải dễ dàng, song ở những đơn vị làm ăn hiệu quả, việc chuyển nhượng không hẳn đã khó bởi vẫn có những tổ chức sẵn sàng mua hoặc giữ lại.

Nhìn lại giai đoạn vừa qua, những thương vụ sáp nhập NH, mua lại giá 0 đồng của NHNN đã góp phần rất lớn trong việc giảm tỷ lệ sở hữu chéo giữa các TCTD và TCTD yếu kém. Dù vậy, đến nay sở hữu chéo trong lĩnh vực NH vẫn là một vấn đề cần được tập trung giải quyết càng sớm càng tốt. Nhiều trường hợp cố tình vi phạm dẫn đến sở hữu chéo NH cũng cần phải được theo dõi và xử lý kịp thời.

Các tin khác