Giải mã big plans của VHC

(ĐTTCO) - Đối phó với Farm Bill; tăng cường marketing; hoàn thiện nguồn nhân lực là những kế hoạch lớn (big plans) được CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đề ra để tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Nhưng phía sau những big plans của VHC cũng ẩn chứa nhiều giả thuyết thú vị.

(ĐTTCO) - Đối phó với Farm Bill; tăng cường marketing; hoàn thiện nguồn nhân lực là những kế hoạch lớn (big plans) được CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đề ra để tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Nhưng phía sau những big plans của VHC cũng ẩn chứa nhiều giả thuyết thú vị.

Đối phó với Farm Bill

Phần đầu tiên trong báo cáo thường niên (BCTN) của doanh nghiệp (DN) niêm yết sẽ là thông điệp của Chủ tịch HĐQT, nhưng trong báo cáo của VHC, Farm Bill lại là vấn đề được nói đến trước tiên. Farm Bill là Đạo luật Nông nghiệp của Hoa Kỳ kéo dài 5 năm thay đổi một lần, quy định việc sử dụng ngân sách để điều hành ngành nông nghiệp và trợ cấp cho những vấn đề nhất định trong ngành. Từ lúc Farm Bill 2014 được thông qua, Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã ra thông báo từ tháng 3-2016 sẽ chính thức triển khai quy định mới về chương trình thanh tra các loài cá thuộc họ Siluriformes, bao gồm catfish và các loài cá da trơn khác, trong đó có cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Các quốc gia và các nhà sản xuất như VHC có lộ trình chuyển đổi 18 tháng để FSIS thực hiện đầy đủ chương trình kiểm tra. Nghĩa là từ nay cho đến cuối năm 2017, VHC vẫn có thể xuất khẩu cá tra một cách bình thường vào thị trường Hoa Kỳ. Nhưng song song với đó, công ty sẽ phải nộp hồ sơ để FSIS đánh giá tính tương đồng của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm so với hệ thống tại Hoa Kỳ và nếu xác định tương đồng, FSIS sẽ tiến hành kiểm tra và phê duyệt từng cơ sở có thể xuất khẩu cá da trơn sang thị trường này. Hiểu một cách nôm na, VHC sẽ phải đối mặt với nhiều quy định khắt khe, những hàng rào kỹ thuật phức tạp hơn để xuất khẩu được sản phẩm vào thị trường chiếm đến 60% doanh thu của mình.

Vậy VHC đã chuẩn bị những gì để đối phó với thách thức rất lớn này? Tại ĐHCĐ được tổ chức vào ngày 23-5 vừa qua, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trương Thị Lệ Khanh đã bổ nhiệm bà Nguyễn Ngô Vi Tâm làm Tổng giám đốc thay cho mình. Việc bổ nhiệm này là động thái quan trọng để triển khai big plans hoàn thiện nguồn nhân lực như VHC đã công bố. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm trước đây là Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của VHC, vị trí tương đương Phó tổng giám đốc của công ty (VHC không có chức danh Phó tổng giám đốc), là cử nhân luật và thạc sĩ quản trị kinh doanh. Trong vụ kiện chống bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ suốt 10 năm, bà giữ vai trò chủ chốt làm việc với luật sư và Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, giúp VHC có được mức thuế xuất khẩu 0% trong nhiều năm qua. Bổ nhiệm tổng giám đốc có chuyên môn ngành luật cho thấy VHC đang tập trung cao độ để đối phó và vượt qua Farm Bill.

Trao đổi với các NĐT, bà Trương Thị Lệ Khanh cho biết vì lý do khách quan nên sẽ không nói chắc chắn về khả năng vượt qua, nhưng lại rất tự tin về khả năng sẽ thu được những kết quả thuận lợi. Mặt khác, theo tiết lộ của “nữ tướng” VHC, khi các cơ quan quản lý liên quan đến ngành cá da trơn của Hoa Kỳ đã bày tỏ rằng “không nằm ngoài suy nghĩ của chúng tôi”.

Thay đổi cơ cấu cổ đông

Ngoài việc đối phó với Farm Bill, với chuyên môn về luật của mình, bà Vi Tâm còn có lợi thế trong việc hoàn thiện hệ thống quản lý, củng cố các quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, chặt chẽ. Những ai đã từng tham quan hoặc làm việc cùng VHC đều có cảm giác công ty đã và đang chuẩn hóa các quy trình hoạt động, cách làm việc, giao tiếp…  và vị tân tổng giám đốc nhiều khả năng sẽ thúc đẩy quy trình này nhanh chóng hơn nữa.

Tại buổi gặp gỡ với các chuyên gia phân tích đến từ CTCK, quỹ đầu tư mới đây, trước câu hỏi của giám đốc phân tích một CTCK lớn về việc VHC lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng, quý I-2016 nhưng lại chỉ đặt kế hoạch lãi sau thuế cả năm 2016 là 350 tỷ đồng, liệu có quá thận trọng hay không? Bà Trương Thị Lệ Khanh đã cho biết nguyên nhân vì công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động marketing trong năm nay, điều này ảnh hưởng đến chi phí theo chiều hướng gia tăng và cũng sẽ tác động đến lợi nhuận. Với các chiến lược marketing và quảng bá thương hiệu, VHC kỳ vọng sẽ gia tăng doanh số các sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì chỉ những sản phẩm chế biến thô (hàng fillet thông thường). Các sản phẩm giá trị gia tăng như các loại thực phẩm chế biến sẵn, người mua chỉ cần hấp hoặc có thể sử dụng ngay, có biên lợi nhuận cao hơn 10-15% so với hàng fillet được đặt mục tiêu sẽ đóng góp 5% tổng doanh thu của VHC trong thời gian tới.

Các chiến lược marketing (thị trường) hay branding (thương hiệu) sẽ giúp VHC tăng doanh số và tất nhiên tạo ra kỳ vọng tích cực về sự tăng trưởng của VHC. Trong khi đó, kiện toàn về quản trị, kiểm soát nội bộ sẽ giúp bộ máy công ty vận hành trơn tru. Cả hai động thái này tuy khác, nhưng đều có một hệ quả chung đó là sự thu hút với các NĐT, đặc biệt là các NĐT tổ chức, nước ngoài vốn đã ưa chuộng VHC trong nhiều năm qua. Một chi tiết đáng chú ý là VHC cũng đẩy mạnh các hoạt động IR trong thời gian gần đây và được đánh giá là có tính chuyên nghiệp rất cao.

Vĩnh Hoàn là DN xuất khẩu cá tra hàng đầu.

Vĩnh Hoàn là DN xuất khẩu cá tra hàng đầu.

Một NĐT đã có nhiều năm theo dõi VHC chia sẻ tại ĐHCĐ vừa rồi rằng đã không kịp đặt câu hỏi về khả năng VHC sẽ tiếp nhận những NĐT mới hay không? Câu hỏi này được đặt ra dựa trên rất nhiều yếu tố, chẳng hạn hiện tại Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh đang nắm giữ 45,6 triệu CP VHC, tương đương hơn 49% cổ phần của công ty, một tỷ lệ lớn đối với người đã sáng lập VHC. Và giả sử nếu tỷ lệ này giảm xuống trong thời gian tới cũng không có gì ngạc nhiên, vì ảnh hưởng của bà Khanh tại VHC có lẽ không chỉ nằm ở số CP mà bà đang sở hữu. Một giả thiết khác cũng được tính đến là Farm Bill ngoài tính chất thách thức cũng là cơ hội cho VHC đa dạng hóa các sản phẩm, thị trường của mình. Chẳng hạn, công ty đã đẩy mạnh việc bán hàng trực tiếp cho các cơ sở sản xuất thực phẩm, nhà hàng tại nước ngoài và phát triển khá tốt trong thời gian gần đây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công ty sẽ cần thêm nguồn vốn để đầu tư và tiếp tục phát triển. Với 924 tỷ đồng vốn điều lệ cho một DN xuất khẩu cá tra hàng đầu không phải là lớn và nếu có thêm vốn để phục vụ cho tăng trưởng sẽ có nhiều điểm thuận lợi. Nếu có thêm vốn, VHC có thể đẩy mạnh các hoạt động marketing, bán hàng, thậm chí tiến hành M&A hoặc mua cổ phần chi phối các cơ sở chế biến thực phẩm công ty phân phối, chuỗi nhà hàng tại nước ngoài.

Năm 2016, VHC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất tăng trưởng 18%, đạt gần 7.700 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ đạt 350 tỷ đồng. Năm nay cũng là một cột mốc quan trọng để Vĩnh Hoàn thực hiện 3 mục tiêu trọng tâm: tiếp tục đa dạng hóa thị trường, phát triển thị trường mới, giúp gia tăng doanh thu đồng thời làm tiền đề để gia tăng biên lợi nhuận và lợi nhuận trong vòng 3-5 năm tới; thực hiện doanh số đạt khoảng 6 triệu USD cho dự án collagen, tiến tới mức doanh số 15 triệu USD trong các năm tiếp theo; đạt doanh số các sản phẩm giá trị gia tăng tối thiểu 8 triệu USD, phát triển lên mức 20 triệu USD trong 3 năm tiếp theo.

Các tin khác