Đừng quá lo khi thanh khoản thị trường giảm

(ĐTTCO)-Các phiên suy giảm vừa qua cùng với sự co hẹp của dòng vốn là một điểm tốt vì sự suy giảm này theo chiều giảm bán là chủ yếu, cụ thể hơn là áp lực bán giá rẻ đã giảm xuống.

(ĐTTCO)-Các phiên suy giảm vừa qua cùng với sự co hẹp của dòng vốn là một điểm tốt vì sự suy giảm này theo chiều giảm bán là chủ yếu, cụ thể hơn là áp lực bán giá rẻ đã giảm xuống.

 

Sau khi đạt mức điểm cao nhất trong hơn nửa năm qua vào ngày 17/05, VN-Index đã giảm 4 phiên liên tục và tăng nhẹ trở lại vào ngày 24/05. Điều khiến nhiều người đang theo dõi thị trường cảm thấy chán nản là cùng với sự đi xuống của chỉ số thì thanh khoản trên sàn HOSE cũng đi xuống.

Thị trường chứng khoán không hồ hởi

Phiên giao dịch đầu tuần được kỳ vọng là một phiên giao dịch hứng khởi nhờ sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Barack Obama mang đến những cơ hội hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ nước Mỹ.

Tuy nhiên, không như mong đợi, dòng tiền đã co lại khi không có thông tin nào ảnh hưởng ngay và trực tiếp đến các doanh nghiệp niêm yết. Các doanh nghiệp lớn như Vietjet Air hay các startup với những ý tưởng kinh doanh mới mẻ nhận được nhiều quan tâm hơn trong chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ Obama. 

Giá trị khớp lệnh thị trường chứng khoán rơi xuống mức thấp nhất trong rất nhiều tháng qua, chưa đến 1.400 tỷ đồng.

Như vậy, 3 phiên gần nhất, sàn HOSE chỉ khớp lệnh gần 100 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch chỉ nhích qua con số 1.600 tỷ đồng một chút mặc dù khối ngoại vẫn mua ròng (nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biến).

Trong nửa năm gần đây chưa khi nào VN-Index giảm điểm quá 4 phiên liên tục và thanh khoản giảm không phải lúc nào cũng là điều quá phải lo lắng.

Thanh khoản giảm do lực bán đã cạn?

Sự sụt giảm của thanh khoản thường phản ánh tâm lý thận trọng, chờ đợi của nhà đầu tư khi xu hướng của VN-Index chưa thực sự rõ ràng. Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt, các phiên suy giảm vừa qua cùng với sự co hẹp của dòng vốn là một điểm tốt vì sự suy giảm này theo chiều giảm bán là chủ yếu, cụ thể hơn là áp lực bán giá rẻ đã giảm xuống.

Nói một cách văn vẻ, việc VN-Index đóng cửa tại giá đỏ trong 4 phiên liên tiếp và dòng tiền khớp lệnh giảm đều qua các phiên (giảm khoảng 200 tỷ mỗi phiên) là một sự vận động tương tự như chiếc lò xo đang được dồn nén lại.

“Khi khởi đầu, cần lực rất nhẹ để làm lò xo co lại nhưng càng về sau áp lực cần mạnh hơn mới có thể làm lò xo ngắn hơn. Thị trường cũng thế, những phiên đầu sẽ nhiều nhà đầu tư đưa ra quyết định bán nhanh chóng khiến dòng tiền cao nhưng càng giảm dần thì không nhiều người bán nữa do không có nhiều động lực để họ hành động thế.” – các chuyên gia nhận xét.

Khi “lò xo” đã ngắn hết mức và lực bán đã cạn dần thì kịch bản lạc quan đối với VN-Index là lò xo sẽ bật lại.

Tuy nhiên, mặc dù phiên 24/05, VN-Index tăng nhẹ trở lại nhưng thanh khoản không cải thiện rõ rệt. Do đó, chưa thể nói lên điều gì. Thị trường cần sự xác nhận mạnh hơn về thanh khoản trong những phiên tăng giá.

Các tin khác