CPI tăng 8 tháng liên tiếp

(ĐTTCO) - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 2,28% so với cùng kỳ năm trước.

(ĐTTCO) - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 2,28% so với cùng kỳ năm trước.

 

So với cùng kỳ 5 năm qua, CPI tháng 5 năm nay có mức tăng cao nhất. Đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp chỉ số giá đi lên.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, ở mức 2,39%. Đứng thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,88% và đứng thứ ba là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, tăng 0,56%.

Tám nhóm hàng còn lại có mức tăng nhẹ, cụ thể: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,36%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; bưu chính viễn thông tăng 0,03%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,02%.

Theo Tổng cục Thống kê, có nhiều nguyên nhân dẫn tới CPI tháng 5 tăng.

Cụ thể, nhóm lương thực tăng là do thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký và tác động của khô hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL.

Chỉ số nhóm thực phẩm tăng chủ yếu tăng ở nhóm hàng thịt sau khi xảy ra hiện tượng thủy sản chết bất thường ở biển miền Trung khiến cho lượng thủy hải sản tiêu thụ ít đi, cùng với việc thương lái thu gom lợn hơi để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Việc giá xăng, dầu tăng vào các ngày 20/4 và 5/5 cũng dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,21%. Việc tăng giá này cũng góp phần khiến giá nhóm giao thông tăng mạnh.

Ngoài ra, giá dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 4,72% do từ 1/5 Nhà nước thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000đ ồng/tháng.

Không tính vào CPI, chỉ số giá vàng tăng 1,45% do biến động giá thế giới. Tỉ giá USD/VND tương đối ổn định.

Tổng cục Thống kê cũng tính lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 1,87% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,78%.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng CPI tháng 5 ở mức trung bình, mục tiêu về kiểm soát lạm phát năm 2016 vẫn khả thi.

Tuy nhiên, bà Ngọc cũng lưu ý việc điều chỉnh giá các dịch vụ như y tế, giáo dục, điện... phải hết sức cân nhắc tới điểm, tránh thực hiện dồn dập cùng lúc sẽ tác động lớn đến CPI.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần hết sức chú ý đến các yếu tố khác sẽ tác động đến chi phí hàng hóa, tác động gián tiếp tới CPI trong thời gian tới như các loại phí BOT…

Các tin khác