Phát triển công nghiệp, lo ngại môi trường

Có hệ thống xử lý nhưng không đạt chuẩn

(ĐTTCO) - Phát triển công nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu để nước ta thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, công nghiệp khai thác khoáng sản là các ngành kinh tế gây tác động mạnh nhất đến môi trường. Để gắn kết sự phát triển với kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường đang là thách thức với các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường và xã hội.

Có hệ thống xử lý nhưng không đạt chuẩn

Sau 30 năm đổi mới, tiềm năng công nghiệp của Việt Nam đã tăng vượt bậc cả về số lượng các cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất, tỷ trọng trong GDP toàn ngành kinh tế, trình độ công nghệ. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), trên địa bàn cả nước ước tính có 15 khu kinh tế (KKT) ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước hơn 697.800ha; 28 KKT cửa khẩu thuộc địa bàn 21/25 tỉnh biên giới đất liền; 298 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 81.000ha. Trong đó, 209 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 54.060ha; 878 cụm công nghiệp với tổng diện tích 32.841ha.

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, với chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP chiếm 42-43%. Nhưng với tốc độ tăng trưởng nhanh về công nghiệp và khai thác khoáng sản, nếu không gắn kết có hiệu quả với kiểm soát ô nhiễm môi trường, nước ta sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới.

PGS.TS Lê Trình, Viện Khoa học môi trường và phát triển

Nhìn chung, các KCN đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế, xã hội. Tính đến năm 2012, các KCN đang tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp và gần 1,8 triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên, ngoài một số KCN chú trọng đầu tư các hệ thống xử lý chất thải và tuân thủ tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường,  công tác quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm ở nhiều nơi còn nhiều hạn chế. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm, tạo sức ép lớn đến môi trường và xã hội trong nhiều năm gần đây. Ước tính có khoảng 79% tổng số KCN đang hoạt động đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, các công trình này dù đã đi vào hoạt động, nhưng nhiều nơi hiệu quả xử lý không cao, chưa đạt quy định của các Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (QCVN).

 Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi tập trung nhiều KCN và dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này cao nhất nước, nhưng tình trạng vi phạm các quy định về môi trường vẫn xảy ra. Ô nhiễm do nước thải công nghiệp kết hợp với nước thải đô thị đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nhiều kênh rạch ở vùng ven TPHCM như Tham Lương, Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ… Nhiều doanh nghiệp dùng các thủ đoạn xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch, như Công ty Hào Dương, Phạm Thu, Tường Trung, Tân Nhật Dũng; hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường như CTCP Sonadezi Long Thành-Đồng Nai. Ðặc biệt nghiêm trọng là Công ty Vedan (Đài Loan) đã bơm xả trực tiếp một lượng lớn dịch thải sau lên men với nồng độ các chất ô nhiễm rất cao ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm sông trên phạm vi rộng.

Bùn đỏ thải ra từ các mỏ bauxit chứa hàm lượng cao các chất kiềm, kim loại.

Bùn đỏ thải ra từ các mỏ bauxit chứa hàm lượng cao các chất kiềm, kim loại.

Báo động lưu lượng và khối lượng chất thải

Theo thống kê của Bộ TN-MT, hiện nay lưu lượng nước thải phát sinh tại 209 KCN nếu được lấp đầy sẽ là 600.000m3/ngày đêm, khoảng 11,1m3/ha /ngày đêm. Theo tốc độ tăng trưởng công nghiệp 7%/năm, đến năm 2020 lưu lượng nước thải từ các KCN khoảng 900.000m3/ngày đêm, tăng hơn năm 2014 tới 1,5 lần. Đó là chưa kể nước thải từ các cơ sở nằm ngoài KCN, cụm công nghiệp, nhất là từ các mỏ khoáng sản (khai thác than, bauxit, titan, wolfram, chì, kẽm...) còn lớn hơn nhiều so với lưu lượng nước thải từ các KCN. Bên cạnh đó, mỗi ngày các KCN thải ra khoảng 8.000 tấn chất thải rắn, tương đương 3 triệu tấn/năm. Lượng chất thải rắn đang tăng lên cùng với việc gia tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN. Tổng chất thải rắn từ các KCN năm 2015 khoảng 6-7,5 triệu tấn, đến năm 2020 dự báo tăng lên 9-13,5 triệu tấn, gấp 1,8 lần.

Ngoài ra, trong chất thải rắn công nghiệp, lượng chất thải rắn nguy hại chiếm tỷ lệ đến 20-30%. Do vậy ảnh hưởng của chất thải rắn công nghiệp và khai thác khoáng sản đến sức khỏe, cảnh quan và các hệ sinh thái tự nhiên sẽ rất nghiêm trọng nếu công tác kiểm soát loại chất thải này kém hiệu quả. Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp và khai thác khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 các ngành công nghiệp điện tử, hóa chất, lọc hóa dầu, luyện kim sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng GDP công nghiệp. Đây là các ngành không chỉ phát sinh khối lượng lớn chất thải mà còn gây nguy cơ cao đối với môi trường và sức khỏe do chất thải chứa hàm lượng lớn các chất có độc tính cao.

Nước thải từ Formosa Hà Tĩnh có lưu lượng đến 45.000m3/ngày đêm, chứa hàm lượng rất cao phenol, xyanua, crom, COD, các chất rắn lơ lửng. Nước thải từ các liên hợp lọc hóa dầu chứa hàm lượng cao các chất hữu cơ bền vững, dầu mỡ, kim loại nặng, phenol. Công nghiệp điện tử - ngành tạo giá trị xuất khẩu rất lớn trong vài năm gần đây và nhiều năm tới - tạo ra khối lượng lớn chất thải rắn có chứa các kim loại bán dẫn, đất hiếm, đặc biệt một số kim loại nặng có độc tính rất cao như As, Se, Sb, Hg… Do đó chất thải rắn điện tử có thể được xem là chất thải nguy hại. Nước thải, chất thải rắn, đặc biệt bùn đỏ từ các mỏ bauxit chứa hàm lượng cao các chất kiềm, kim loại. Do vậy các chuyên gia cảnh báo sự gia tăng các thành phần có độc tính cao trong các loại chất thải sẽ là nguồn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chất lượng môi trường, đa dạng sinh học và tổn thất về kinh tế.

Các tin khác