Hệ lụy Trung Quốc vươn ra toàn cầu (K3)

Kỳ 3: Xu thế đối đầu thế giới (ĐTTCO) - Báo chí quốc tế không ít lần hình tượng hóa rằng “Trung Quốc đang mua cả Hoa Kỳ”, đề cập tới việc những công ty hàng đầu xứ cờ hoa đã và đang bị các chủ đầu tư đại lục mua lại. Mặc dù vậy, có thể nói Hoa Kỳ dẫu đóng vai trò quan trọng nhất nhưng cũng chỉ là một phần trong luồng chảy của dòng tiền từ Trung Quốc, một nền kinh tế đang bắt đầu ở giai đoạn thoái trào và buộc phải bành trướng sức ảnh hưởng ra các thị trường khác.

Kỳ 3: Xu thế đối đầu thế giới

(ĐTTCO) - Báo chí quốc tế không ít lần hình tượng hóa rằng “Trung Quốc đang mua cả Hoa Kỳ”, đề cập tới việc những công ty hàng đầu xứ cờ hoa đã và đang bị các chủ đầu tư đại lục mua lại. Mặc dù vậy, có thể nói Hoa Kỳ dẫu đóng vai trò quan trọng nhất nhưng cũng chỉ là một phần trong luồng chảy của dòng tiền từ Trung Quốc, một nền kinh tế đang bắt đầu ở giai đoạn thoái trào và buộc phải bành trướng sức ảnh hưởng ra các thị trường khác.

Cạnh tranh giành giật lợi nhuận, thị phần

3 công ty dầu khí quốc gia lớn nhất của Trung Quốc (Sinopec, Petrochina và CNOOC) là một thí dụ khác cho hiện tượng đối đầu, cạnh tranh nhau của các doanh nghiệp có vốn nhà nước nhưng theo đuổi lợi nhuận. Một mặt, các công ty này nhận được sự hỗ trợ lớn từ các thể chế chính phủ khác nhau, bao gồm nguồn tài chính để đầu tư ra nước ngoài, điều khiến các CEO phương Tây luôn phải than phiền là sự cạnh tranh không công bằng. Các dự án đầu tư nước ngoài của chính quyền Trung Quốc, thí dụ như trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thường liên quan đến các thỏa thuận chính trị trong lĩnh vực hàng hóa. Một khoản cho vay 2 tỷ USD lãi suất thấp của Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cho Angola có thể là lý do để Sinopec mà không phải là Shell và Công ty TNHH Dầu khí Tự nhiên của Ấn Độ nhận được giấy phép đầu tư ở một trong những giếng dầu quan trọng nhất của Angola. Mặt khác, Sinopec, Petrochina hay CNOOC không phải do nhà nước điều hành. Mối quan hệ của các công ty này với chính quyền Trung Quốc rất phức tạp và thường có những lợi ích đan xen bên trong.

Một nghiên cứu gần đây tổng kết, trong khi các công ty dầu khí lớn mô tả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của họ theo khía cạnh hỗ trợ cho mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, thì “hành động của Trung Quốc dường như chủ yếu bị chi phối bởi các động lực thương mại, để tận dụng các cơ hội có sẵn trên thị trường toàn cầu”. Kết quả là, doanh nghiệp Trung Quốc hành động không khác nhiều so với các công ty dầu khí phương Tây, cạnh tranh với nhau để giành thị phần hay hợp đồng. Quyền tự quyết của họ xuất phát từ quy mô của công ty, điểm mạnh tương đối so với hệ thống quản lý năng lượng của chính quyền trung ương, cũng như các chi nhánh đã được niêm yết quốc tế, tăng thêm sự tự do tài chính. Mặc dù chính phủ có quyền hạn chỉ định và bãi nhiệm tổng giám đốc của các công ty, nhưng không phải lúc nào quyền sở hữu cũng tương đương với quyền kiểm soát. Thêm nữa, các công ty dầu khí Trung Quốc hiếm khi hợp tác với nhau. Trong hợp đồng dầu khí mới đây ở Brazil, chính chính phủ Brazil là tác nhân buộc những công ty Trung Quốc kết hợp các gói thầu của họ với nhau.

Một phân tích đầy đủ hơn về quá trình quốc tế hóa của chủ nghĩa tư bản Trung Quốc là cần thiết để tránh sai lầm khi mô tả OFDI của Trung Quốc hầu hết bị chi phối bởi chính sách. Trung Quốc không phải là một thực thể đồng nhất đang “mua toàn thế giới”, cũng không phải là quốc gia đang định hướng quá trình quốc tế hóa của các công ty trong nước theo bất kỳ kế hoạch toàn diện tổng thể nào. Thậm chí đối với các công ty nhà nước, quyền sở hữu chính phủ không phải lúc nào cũng là quyền kiểm soát. Định nghĩa đúng hơn về các công ty này là doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước chứ không phải doanh nghiệp do nhà nước điều hành.

Nền kinh tế Trung Quốc mang đậm yếu tố của hình thức chủ nghĩa tư bản phi tự do.
Nền kinh tế Trung Quốc mang đậm yếu tố của hình thức chủ nghĩa tư bản phi tự do.

Tái cấu trúc cạnh tranh toàn cầu

Bằng cách “vươn ra toàn cầu” các công ty đa quốc gia mới nổi của Trung Quốc đã trở thành những đối thủ cạnh tranh thật sự đối với các công ty quốc tế khác đang tồn tại trên thị trường. Tiến trình quốc tế hóa theo kiểu Trung Quốc đang gia tăng và từ đó thâm nhập vào thị trường của các công ty đa quốc gia sẽ dẫn đến việc tái cấu trúc quan hệ cạnh tranh toàn cầu. Có những lo ngại rằng Trung Quốc đủ lớn và đủ sức ảnh hưởng để trở thành bên định giá (price maker), có thể bóp méo giá cả và thị trường thế giới. Trong thời gian hiện tại, dòng vốn FDI đi ra của Trung Quốc chưa đủ lớn để bóp méo tổng giá cả tài sản toàn cầu, tuy nhiên điều này sẽ thay đổi trong những năm tới.

Xu hướng “vươn ra toàn cầu” của các công ty Trung Quốc còn khiến những giới hạn cạnh tranh gia tăng. Do đó không có gì ngạc nhiên khi các công ty đa quốc gia như BP hay ExxonMobile (trong lĩnh vực năng lượng, cùng với Sinopec, Petrochina hay CNOOC), Hewlett-Packard hay Dell (trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cùng với Lenovo), Ericsson, Nokia Siemens Networks hay Cisco (trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông, cùng với Huawei hay ZTE) hay Caterpillar và Komatsu của Nhật Bản (trong lĩnh vực công nghiệp máy móc xây dựng), lo lắng về tương lai phát triển. Một tương lai mà trong đó các công ty Trung Quốc có thể đối đầu trực tiếp với họ và, cùng lúc, trở nên độc lập hơn với mạng lưới sản xuất toàn cầu thống trị bởi phương Tây. Các công ty này lo sợ sẽ thua cuộc trong trận chiến giành các đơn hàng lớn từ những nền kinh tế mới nổi và đang hưng thịnh khác.

Hoạt động “vươn ra toàn cầu” của Trung Quốc ẩn chứa nhiều yếu tố căng thẳng với xu hướng đối đầu không khoan nhượng trên bàn cờ kinh tế thế giới. Các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài đang cạnh tranh trong cùng một lĩnh vực sản phẩm với các công ty đa quốc gia của phương Tây và các công ty từ những nền kinh tế mới nổi khác, làm gia tăng áp lực trên thị trường thế giới vốn đã khó khăn với việc dư thừa công suất. Nền kinh tế Trung Quốc được điều tiết bởi nhà nước, mang đậm yếu tố của hình thức chủ nghĩa tư bản phi tự do, nên bị cộng đồng quốc tế xem xét với mối nghi ngại lớn.

Trung Quốc hủy hoại kinh tế toàn cầu

Phòng Thương mại Liên minh châu Âu ở Trung Quốc (EUCC) cảnh báo sản xuất dư thừa trong các ngành công nghiệp nặng ở Trung Quốc không chỉ hủy hoại kinh tế toàn cầu mà còn đe dọa tăng trưởng kinh tế của nước này. “Bắc Kinh không tuân thủ chính những biện pháp mà nước này đưa ra trong thập niên qua để giải quyết vấn đề năng suất dư thừa” - Chủ tịch EUCC Joerg Wuttke chỉ trích.

Các số liệu thống kê cho thấy chỉ tính riêng sản lượng thép của Trung Quốc đã nhiều hơn 4 lần tổng sản lượng của Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nga - 4 nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới. Trong khi đó, sản lượng xi măng “ra lò” tại Trung Quốc trong 2 năm qua đã tương đương con số của Hoa Kỳ sản xuất trong suốt thế kỷ 20. Trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại, EU vừa mở cuộc điều tra chống bán phá giá mới nhằm vào ngành thép Trung Quốc.

Các tin khác