Không thể duy trì thói quen cũ

(ĐTTCO) - Quá trình sử dụng vốn ODA tại Việt Nam đang tồn tại thói quen phi thị trường là cấp phát. Chính phủ vay hoặc đứng ra bảo lãnh vay vốn nhưng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sử dụng vốn cứ nghĩ là được cấp như ngân sách. Trong bối cảnh viện trợ không hoàn lại dần mất đi, cần đặt nguồn vay ODA trong thị trường vốn để quản lý và giám sát. TS. ĐỖ ĐỨC ĐỊNH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi, đã nhận định như vậy khi trao đổi với ĐTTC.

(ĐTTCO) - Quá trình sử dụng vốn ODA tại Việt Nam đang tồn tại thói quen phi thị trường là cấp phát. Chính phủ vay hoặc đứng ra bảo lãnh vay vốn nhưng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sử dụng vốn cứ nghĩ là được cấp như ngân sách. Trong bối cảnh viện trợ không hoàn lại dần mất đi, cần đặt nguồn vay ODA trong thị trường vốn để quản lý và giám sát. TS. ĐỖ ĐỨC ĐỊNH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi, đã nhận định như vậy khi trao đổi với ĐTTC.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, kể từ tháng 7-2017 nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải chuyển từ vay ODA sang các khoản vay thương mại với lãi suất cao hơn, ân hạn vay ngắn hơn, điều này sẽ gây khó khăn gì cho Việt Nam?

TS. ĐỖ ĐỨC ĐỊNH:  - Nếu vay thương mại chắc chắn lãi suất cao. Thực chất lãi suất ODA thời gian qua thấp và thời gian vay dài, cộng thêm các chi phí tiêu cực, thất thoát, các điều kiện nước cho vay áp đặt… còn cao hơn vay thương mại rất nhiều. Đương nhiên khi nguồn vay ODA giảm, lãi suất thương mại cao sẽ tạo áp lực rất lớn trong vấn đề trả nợ. Hơn nữa sự sụt giảm của nguồn vốn này trong bối cảnh nền kinh tế có nhu cầu lớn cho phát triển hạ tầng, sẽ buộc Chính phủ phải tính tới những kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu quốc tế, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước (DNNN), rồi các phương án nhượng quyền khai thác hạ tầng để quay vòng vốn tái đầu tư. Nhìn trên tổng thể, việc giảm dần tỷ lệ vay ODA có tác động tích cực đến cơ cấu nợ công, giảm áp lực nợ công, tạo thuận lợi trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Từ trước đến giờ chúng ta có tư duy Nhà nước là người ký khi vay, không trực tiếp sử dụng đồng tiền nên khó kiểm soát được hiệu quả vốn vay. Trong đàm phán Hiệp định vay vốn ODA cũng cần phải tính tới những gì doanh nghiệp trong nước làm được, những gì chưa đáp ứng được, yêu cầu công nghệ buộc phải để cho nhà thầu nước ngoài làm. Có như vậy mới phát huy được tối đa hiệu quả dòng vốn ODA, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp trong nước và giúp các doanh nghiệp tiếp cận được công nghệ mới.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5-7%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế cần đạt được 10.567 ngàn tỷ đồng, tương đương 480 tỷ USD. Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước của bộ, ngành, địa phương ước đạt 3.570 ngàn tỷ đồng (180 tỷ USD), nguồn đầu tư FDI ước đạt 1.462 ngàn tỷ đồng (68 tỷ USD), nguồn ODA và vay ưu đãi khoảng 39,5 tỷ USD, còn lại được huy động từ các khu vực khác trong xã hội. Điều này cho thấy nguồn vay ODA cũng có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế hàng năm.

 - Việc vay thêm 39,5 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ tác động thế nào đến vấn đề nợ công, thưa ông?

- Nợ công đã sát trần Quốc hội giao, vì vậy áp lực rất lớn. Nhưng nền kinh tế cũng cần tăng trưởng. Bản chất nguồn vay ODA và vay ưu đãi là vay giá rẻ, vấn đề là sử dụng nguồn vay đó thế nào, sao cho hiệu quả. Tư duy vay càng nhiều càng tốt vẫn tiếp tục kéo dài. Chúng ta không thể tiếp tục tư duy cũ được. Không nên tìm mọi cách để vay, như vậy rất nguy hiểm. Thế giới cũng có chuyện vay để đảo nợ như Việt Nam hiện nay, nhưng nếu không tính toán sẽ đến lúc vay không đủ để trả nợ.  Nếu chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ tư duy vay sẽ khác, số lượng vay sẽ khác. Có 2 dạng vay của Nhà nước, dạng vay tư nhân. Trong nền kinh tế thị trường đầy đủ Nhà nước chỉ đầu tư vào những dự án mang tầm quốc gia tư nhân không làm, như dự án về an ninh quốc phòng, hạ tầng then chốt, lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường vùng khó khăn và những dự án cấp bách.

- Trong tiếp nhận nguồn vay ODA và vay ưu đãi, đã xuất hiện những lo ngại về bẫy chi phí trong các dự án ODA và vay ưu đãi. Vậy ông nhìn nhận thế nào?

- Tác động khi vay ODA là cả mong muốn và không mong muốn. Chúng ta đi vay, về nguyên tắc là tiền của mình nhưng làm được việc đó rất khó. Thường Việt Nam hay ký kết các hiệp định vay vốn có điều kiện ràng buộc  do bên cho vay đưa ra. Trên thế giới đến nay chỉ có 2 quốc gia thành công khi đi vay ODA là Nhật Bản và Hàn Quốc. Kinh nghiệm sử dụng ODA tại Nhật Bản là họ vay vốn đầu tư gián tiếp về tự đầu tư và chỉ mất 20 năm để trở thành nước công nghiệp phát triển. Từ mức thu nhập 100USD/người Nhật Bản chỉ mất dưới 20 năm để có được thu nhập đầu người khoảng 10.000USD/người và nằm trong nhóm các nước phát triển. Trường hợp tương tự là Hàn Quốc cũng vay vốn gián tiếp về để phát triển hạ tầng, công nghiệp điện tử nay đã thành nước công nghiệp phát triển. Nhìn lại Việt Nam sau hơn 20 năm đi vay ODA mới là nước thoát nghèo, thu nhập đầu người đang ở ngưỡng  2.300USD/người và rất dễ tái nghèo. Các nước vay ODA về người của họ làm là chính, còn Việt Nam vay ODA về người nước ngoài làm là chính, ta là phụ. Đây là sự khác biệt.

- Theo ông thời gian tới cần làm gì để nâng cao hiệu quả đầu tư ODA?

- Vốn là cần thiết nhưng chúng ta cần có sự chọn lựa phù hợp, nếu chọn lựa sai chúng ta sẽ trả giá cho những sai lầm của mình. Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả chậm tiến độ, đội vốn, công nghệ cũ từ các dự án ODA đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, rồi đạm Ninh Bình… sử dụng nguồn vay ODA của Trung Quốc. Ngay trong khu vực Đông Nam Á đã có những bài học như mới đây Indonesia đã từ chối 1 dự án ODA Trung Quốc quy mô đầu tư 5,5 tỷ USD xây dựng đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung sau khi nhà thầu Trung Quốc thắng thầu. Lý do nhà thầu Trung Quốc bỏ cuộc là chính phủ Indonesia đã yêu cầu đưa vào hợp đồng dự án 2 điều khoản, là giữ nguyên giá trúng thầu, không được trượt giá và điều khoản không được đưa công nghệ rác vào dự án.

Hơn nữa trong sử dụng ODA cần tập trung vốn để làm những dự án trọng điểm, không nên đầu tư dàn trải tất cả địa phương, chỉ nên dồn vốn vào những dự án quan trọng có sức lan tỏa cao. Mặt khác khi thẩm định dự án ODA cần đánh giá kỹ hiệu quả dự án. Thay đổi tư duy cấp phát, xin cho, vì nếu xin được thì các địa phương cứ xin. Điều này cần thay đổi. Không nên cấp vốn ODA một cách quá dễ dàng.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác