Công trình sai phép, không phép: Giơ cao đánh khẽ

(ĐTTCO)- Thời gian qua, hàng loạt công trình xây dựng sai phép, không phép tại TPHCM bị xử lý theo hướng phạt tiền và cho tồn tại phần diện tích sai phạm. Cách xử lý giơ cao đánh khẽ này theo các chuyên gia sẽ tạo ra tiền lệ xấu và giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật.

(ĐTTCO)- Thời gian qua, hàng loạt công trình xây dựng sai phép, không phép tại TPHCM bị xử lý theo hướng phạt tiền và cho tồn tại phần diện tích sai phạm. Cách xử lý giơ cao đánh khẽ này theo các chuyên gia sẽ tạo ra tiền lệ xấu và giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật.

Con voi chui lọt lỗ kim

Theo tìm hiểu, tại chung cư Bình Trưng Tây (quận 2), chủ đầu tư là CTCP Xây dựng giao thông thương mại Bảo Sơn đã có hành vi xây dựng sai với nội dung Giấy phép xây dựng 212/GPXD ngày 13-12-2011. Theo đó, công ty thay đổi diện tích sàn từ tầng 4 đến tầng 16 và điều chỉnh tăng 112 căn (từ 313 căn lên 425 căn). Trong khi đó, tại dự án 180A Nguyễn Tri Phương (phường 9, quận 5), chủ đầu tư cũng tự ý thay đổi thiết kế và chuyển công năng tầng trệt từ bãi giữ xe và khu sinh hoạt cộng đồng thành 8 căn hộ để bán với thời hạn 70 năm; xây dựng thêm tầng lửng tầng trệt; xây dựng nới rộng thêm nhà kho và chuyển đổi 2 căn nhà kho thành căn hộ để cho thuê trong thời hạn 70 năm; xây dựng vi phạm về chiều cao công trình từ 12,1m theo thỏa thuận kiến trúc quy hoạch thành 16,58m.

Về nguyên tắc, một khi phát hiện sai phạm ở các công trình xây dựng là phải xử lý nghiêm, nhất là áp dụng hình thức cưỡng chế tháo dỡ đối với những công trình cơi nới, xây vượt tầng, bởi làm phá vỡ quy hoạch, tăng áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Còn nếu cứ vi phạm lại được nộp phạt để tồn tại chẳng răn đe được ai cả và tạo tiền lệ xấu để hợp pháp hóa cho các công trình sai phạm.

Cách đây đúng 1 năm, nhiều khách hàng mua căn hộ dự án khu thương mại - dịch vụ - căn hộ cao tầng Hiệp Thành trên đường Lê Văn Khương (phường Hiệp Thành, quận 12) tỏ ra hoang mang khi phát hiện chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Đình Khiêm ngưng xây dựng sau khi xây dựng đến tầng 10 vì chưa có giấy phép xây dựng. Điều đáng nói là một cao ốc đồ sộ được xây dựng trái phép trong 4 năm lên đến tầng 10, nhưng mãi đến cuối năm 2014, cơ quan chức năng mới phát hiện là chưa có giấy phép xây dựng và bắt buộc ngưng thi công. Trước đây, qua kiểm tra dự án căn hộ “Đảo Kim Cương” (quận 2) do Công ty Bình Thiên An làm chủ đầu tư, cơ quan chức năng phát hiện tất cả các block chung cư này đều xây vượt tầng so với quy định. Cụ thể là block 16 tầng được chủ đầu tư xây thành 17 tầng, block 18 tầng xây thành 19 tầng, block 19 tầng cơi lên 21 tầng, block 20 xây thành 21, block 24 tầng xây lên 25 và block 25 tầng xây lên 26 tầng.

 Sở Xây dựng TPHCM cho biết năm 2015 cơ quan này đã phát hiện và xử lý 2.866 trường hợp vi phạm về hoạt động xây dựng, tăng 322 vụ so với năm 2014. Trong đó, xây dựng không phép chiếm 1.367 vụ với tỷ lệ 47,7%. So với năm 2014, số trường hợp xây dựng không phép trong năm 2015 vẫn còn phổ biến (các quận Thủ Đức, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh...). Ngoài ra, trong năm 2015, Sở Xây dựng TPHCM đã phát hiện 786 trường hợp (chiếm tỷ lệ 27,4%) xây dựng sai phép. Sở Xây dựng lý giải sở dĩ trong năm 2015 số vụ vi phạm về hoạt động xây dựng tăng so với năm 2014 do lực lượng thanh tra xây dựng đã tăng lượt kiểm tra công trình xây dựng.

Chung cư Hiệp Thành xây đến tầng 10 cơ quan chức năng mới phát hiện chưa có giấy phép.

Chung cư Hiệp Thành xây đến tầng 10 cơ quan chức năng mới phát hiện chưa có giấy phép.

Chưa đủ sức răn đe

Có thể thấy, việc xử lý các công trình sai phép, trái phép hiện nay chưa đủ sức răn đe, thiếu cương quyết và đầy cảm tính. Lấy thí dụ, chung cư Bình Trưng Tây mặc dù chủ đầu tư xây dựng sai phép, điều chỉnh tăng hơn 112 căn hộ nhưng cơ quan chức năng chỉ ban hành quyết định phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng. Mức phạt này không thấm gì so với lợi nhuận thu được từ số căn hộ tăng thêm. Thay vì xử lý nghiêm sai phạm của chủ đầu tư, Sở Xây dựng còn đề xuất TP cho phép chủ đầu tư giữ lại phần diện tích sai phép và hoàn tất các thủ tục để điều chỉnh giấy phép xây dựng. Lý do cho tồn tại nhằm hạn chế phát sinh kinh phí cho việc thực hiện cưỡng chế, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp và lãng phí cho xã hội.

Mới đây, Sở Tư pháp TP cũng đề xuất 2 giải pháp xử lý vi phạm xây dựng tại dự án Chung cư Bình Trưng Tây. Phương án 1 là buộc tháo dỡ phần công trình sai phép theo quy định tại Điều 13 Nghị định 180/2007/NĐ-CP nhằm đảm bảo xử lý nghiêm theo quy định. Tuy vậy, cơ quan này cũng lưu ý phương án này nếu buộc tháo dỡ, sau đó Công ty Bảo Sơn vẫn phải điều chỉnh giấy phép và xây dựng lại đúng nội dung đã tháo dỡ để đảm bảo đúng quy hoạch đã được quận 2 chấp thuận điều chỉnh. Điều này gây lãng phí tài sản và làm cho biện pháp tháo dỡ không còn cần thiết”. Do đó, Sở Tư pháp đề xuất áp dụng phương án 2 là giữ lại phần diện tích sai phép và hoàn chỉnh các thủ tục điều chỉnh giấy phép; Công ty Bảo Sơn phải nộp số lợi bất hợp pháp bằng 50% giá trị phần xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP.

Trong khi đó, có một nghịch lý lâu nay là người dân chỉ cần chở một xe cát hay bao xi măng về nhà là ngay lập tức có thanh tra xây dựng đến gõ cửa. Trường hợp phát hiện vi phạm, dù nhỏ nhưng người dân thường phải chịu hình thức cưỡng chế phá dỡ công trình. Trong khi đó, không ít công trình cao ốc đồ sộ cấp phép xây 10 tầng doanh nghiệp xây lên 11 tầng, cấp phép 20 tầng xây lên 21-22 tầng lại không cơ quan nào phát hiện. Những công trình xây dựng sai phép với quy mô như vậy liệu có qua mắt lực lượng thanh tra xây dựng rất đông đảo đóng tại địa bàn được không? “Trường hợp xui xẻo tố các cơ quan chức năng mới vào cuộc thanh tra, tạm đình chỉ và nhanh chóng hợp thức hóa sai phạm, làm sao cả bên cho và bên xin đều có lợi” - một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng chia sẻ.

Các tin khác