Gây cấn trước ĐHCĐ Eximbank lần 2

(ĐTTCO) - Theo kế hoạch ngày mai 24-5, NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2016 lần hai. Đây là sự kiện được rất nhiều cổ đông và nhà đầu tư quan tâm, bởi một thương hiệu NH rất lớn lại đang trong bối cảnh lợi nhuận quý I-2016 không được khả quan, tranh giành quyền lực giữa các nhóm cổ đông và vấn đề số lượng thành viên HĐQT đang trở nên khá nóng bỏng.

(ĐTTCO) - Theo kế hoạch ngày mai 24-5, NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2016 lần hai. Đây là sự kiện được rất nhiều cổ đông và nhà đầu tư quan tâm, bởi một thương hiệu NH rất lớn lại đang trong bối cảnh lợi nhuận quý I-2016 không được khả quan, tranh giành quyền lực giữa các nhóm cổ đông và vấn đề số lượng thành viên HĐQT đang trở nên khá nóng bỏng.

Theo điều lệ NH, đại hội thường niên lần thứ hai chỉ cần đủ 51% cổ phần có quyền biểu quyết tham gia sẽ được tiến hành, nên sẽ không khó để tiến hành như dự định. Trước khi đại hội diễn ra, thông tin về lợi nhuận của NH không mấy khả quan trong quý đầu năm được công bố. Theo báo cáo tài chính quý I-2016, lợi nhuận trước thuế của NH chỉ đạt 30,46 tỷ đồng, bằng 6% cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm do cả chi phí hoạt động và chi phí dự phòng đều tăng mạnh. Trong đó chi phí hoạt động ở mức 662 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, chính vì vậy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 368 tỷ đồng, giảm gần 32%. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tăng cao đột biến với 337 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận trước thuế của NH đạt thấp.

Trong chi phí dự phòng có khoảng 148,12 tỷ đồng là dự phòng nợ xấu (chủ yếu dự phòng riêng) và 189 tỷ đồng dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC. Eximbank cũng cho biết NH thay đổi chính sách trích lập dự phòng ngay từ đầu năm thay vì đến cuối năm như trước. Tính tới cuối quý I, dự phòng lũy kế của Eximbank 917,58 tỷ đồng (tăng 5,48% so với đầu năm), chiếm 1,11% tổng cho vay khách hàng; tổng nợ xấu của NH tăng thêm 726 tỷ đồng lên 2.301 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,79% tổng dư nợ, tăng so với mức 1,86% vào cuối năm 2015. Trong đó nợ nhóm 3-5 tăng mạnh, nợ nhóm 5 (nợ khả năng mất vốn) tăng 15,78% so với đầu năm lên 928 tỷ đồng (chiếm 1,13% tổng dư nợ).

Ngoài vấn đề tài chính, nhân sự cấp cao vẫn tiếp tục trở thành tâm điểm trước thềm đại hội thường niên năm nay và có thể khiến cho HĐQT bị phân tâm. Đây có thể là lý do khiến đại hội thường niên 2016 lần thứ nhất của Eximbank không thành công. Trong đại hội lần 1 có 2 nhóm cổ đông lớn sở hữu hơn 10% vốn của Eximbank đã không có mặt. Nhóm một do bà Nguyễn Thị Xuân Loan, nguyên Chủ tịch NH Nam Á, làm đại diện sở hữu 11,82% cổ phần Eximbank và nhóm hai do ông Phạm Hữu Phương, nguyên Trưởng văn phòng đại diện NHNN, làm đại diện sở hữu 10,42% cổ phần.

Trước đó, Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 12-5-2015 đã thông qua nội dung số lượng 11 thành viên HĐQT và chỉ bầu ra 9 thành viên. Tuy nhiên, ông Cao Xuân Ninh, đại diện cho cổ đông lớn là Vietcombank, đã có đơn xin từ nhiệm vào tháng 3-2016. Như vậy, hiện tại số lượng thành viên HĐQT của Eximbank chỉ còn lại 8 người. Trong tài liệu họp ĐHCĐ 2016 lần thứ nhất có 2 tờ trình khác nhau, một với nội dung đề nghị số lượng thành viên HĐQT của Eximbank là 9 thành viên như hiện tại, việc bổ sung số lượng thành viên HĐQT sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật. Tờ trình thứ hai 2 nhóm cổ đông có cùng yêu cầu đưa vào chương trình họp đại hội 2016 nội dung bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT. Song vì 2 nhóm cổ đông đã không tham dự nên đại hội đã không được biểu quyết về nội dung này.

Trong lần chia sẻ với báo chí trước đại hội lần hai vào cuối tuần qua, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT, cho biết nguyện vọng của HĐQT hiện nay muốn giữ số lượng 9 thành viên sẽ đảm bảo được hiệu quả hoạt động của NH trong giai đoạn này. “Ngay cả các thành viên HĐQT hiện tại cũng không nhận thù lao vì NH còn khó khăn về tài chính. Dù vậy chúng tôi vẫn đưa ý kiến của 2 nhóm cổ đông vào nội dung đại hội thường niên để các cổ đông là người quyết định cuối cùng” - ông Tùng nhấn mạnh. Đồng quan điểm, người đại diện cho cổ đông tổ chức nước ngoài (Nhật Bản) đang sở hữu 15% vốn, cũng cho rằng số lượng 9 thành viên HĐQT là đủ để vận hành và phù hợp với tình hình tài chính khó khăn của Eximbank tại thời điểm này. Theo vị này, NH còn nhiều vấn đề về tài chính cần phải quản lý hiệu quả, đẩy nhanh tái cấu trúc để trở lại hoạt động bình thường như trước đây, do vậy càng có nhiều thành viên HĐQT quy trình lấy ý kiến để đạt được sự đồng thuận sẽ phức tạp hơn.

Những lùm xùm của Eximbank cho thấy đến thời điểm hiện nay mặc dù đã có HĐQT mới, nhưng sự đấu tranh quyền lực giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank vẫn chưa chấm dứt. Dường như chưa có nhóm cổ đông nào nắm hoàn toàn quyền kiểm soát NH này cho đến trước kết quả của đại hội thường niên lần 2. Có một số nghi vấn cho rằng hiện đang diễn ra một cuộc đua giữa các nhóm cổ đông lớn nhằm vận động sự ủng hộ của các lá phiếu của cổ đông. Điều đáng bàn là đang diễn ra trong bối cảnh Eximbank đang gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Các tin khác