Bộc lộ nhiều vấn đề hậu M&A

(ĐTTCO) - Trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống NHTM, các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trên nguyên tắc tự nguyện đã diễn ra mạnh mẽ, hỗ trợ sắp xếp lại hệ thống NH. Tuy nhiên, hậu M&A đã phát sinh nhiều vấn đề mà các NHTM sẽ mất nhiều năm xử lý để có thể hoạt động ổn định, nên cho đến nay M&A đã lắng dịu và trước mắt chưa có thêm thương vụ mới nào.

(ĐTTCO) - Trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống NHTM, các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trên nguyên tắc tự nguyện đã diễn ra mạnh mẽ, hỗ trợ sắp xếp lại hệ thống NH. Tuy nhiên, hậu M&A đã phát sinh nhiều vấn đề mà các NHTM sẽ mất nhiều năm xử lý để có thể hoạt động ổn định, nên cho đến nay M&A đã lắng dịu và trước mắt chưa có thêm thương vụ mới nào.

Căng thẳng hậu M&A

Thời điểm Sacombank sáp nhập Southernbank, giới phân tích nhận định NH sau sáp nhập sẽ nằm trong top 5 NH có tài sản lớn nhất và có mạng lưới lớn thứ 2 trong hệ thống. Khi đó, nhận định về thương vụ M&A này, một vị chuyên gia có tên tuổi trong lĩnh vực tài chính cũng cho rằng, Sacombank có nền tảng là NH lớn trong khối NHTMCP, tầm cỡ như vậy mới tái cấu trúc được Southernbank, vì trong giai đoạn khó khăn, những NH nào có tỷ lệ nợ xấu cao mà gánh thêm một NH nữa sẽ rất khó, trong khi Sacombank thuận lợi vì có tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Dù vậy, khi tiến hành M&A, phía Sacombank cũng ước tính lợi nhuận trước thuế sẽ giảm 70% trong giai đoạn 2015-2017, từ mức 3.000 tỷ đồng năm 2014 lợi nhuận trước thuế sau sáp nhập sẽ còn 1.002 tỷ đồng năm 2015, tăng nhẹ lên 1.132 tỷ đồng năm 2016 và sau đó tăng lên 1.332 tỷ đồng năm 2017. Nhiều ý kiến cho rằng, ước tính này xuất phát từ việc NH sau sáp nhập đối mặt với nợ xấu nhận từ Southernbank, cộng với nợ xấu sẵn có của Sacombank trước sáp nhập, trong khi Sacombank đã chậm hơn các NH lớn khác trong việc xử lý vấn đề nợ xấu và dự kiến sẽ phải dùng lợi nhuận trong ít nhất 3 năm tới để trích lập dự phòng nợ xấu trước khi có thể hoạt động bình thường trở lại.

Mặc dù đã có dự báo trước, nhưng từ sau sáp nhập đến nay, những khó khăn Sacombank đối mặt đang gây ra nhiều lo ngại cho sức khỏe của NH này. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2015, Sacombank đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV lỗ 521,4 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tính đến ngày 31-12-2015, Sacombank có 3.448 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ nhóm 5 chiếm 3.070 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.005 tỷ đồng hồi đầu năm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I-2016, Sacombank đạt 199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ bằng 1/4 kết quả cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 161 tỷ đồng, giảm 74%, tỷ lệ nợ xấu cuối kỳ là 2,28%, tăng so với mức 1,85% tại thời điểm đầu năm. Trong tháng 4, Sacombank đã trình đơn xin được gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2015 và đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng ý gia hạn, nhưng Sacombank không đặt ra thời hạn cụ thể. Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của NH cũng được dời sang tháng 6, lý do Sacombank đưa ra là chờ hướng dẫn và phê duyệt của NHNN đối với kế hoạch tái cơ cấu Sacombank, nên điều này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh kiểm toán năm 2015, trong đó một số chỉ tiêu quan trọng có thể sẽ được điều chỉnh.

Sau khi nhận sáp nhập MHB, BIDV đã ghi nhận tổng tài sản năm 2015 tăng 30,8% so với năm trước, đạt 850.670 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 34.187 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 7.948 tỷ đồng, nhưng phải trừ phần lỗ lũy kế của MHB chuyển giao khi sáp nhập nên lợi nhuận chỉ còn 7.473 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, tổng số nợ xấu của BIDV hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2014 và chiếm 1,62% tổng dư nợ. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tiếp tục tăng cao, gần 60% so với cùng kỳ lên 5.193 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng số nợ xấu. Năm nay, mức chi trả cổ tức công bố tại ĐHĐCĐ chỉ 8,5% bằng cổ phiếu, thấp hơn kế hoạch 9% mà cổ đông đã thông qua từ năm trước và kế hoạch cổ tức năm 2016 đặt ra thấp hơn với tỷ lệ từ 7%. Theo Ban điều hành BIDV, việc trả cổ tức của NH phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đặc biệt sau khi sáp nhập MHB, số lượng cổ phần của BIDV tăng lên, do đó việc giữ cổ tức như kế hoạch ban đầu rất khó.

Với thương hiệu khá lớn trong làng NH, nhưng Sacombank đã phải gặp nhiều khó khăn khi sáp nhập Southernbank. Ảnh: LONG THANH
Với thương hiệu khá lớn trong làng NH, nhưng Sacombank
đã phải gặp nhiều khó khăn khi sáp nhập Southernbank. Ảnh: LONG THANH

 Lắng dịu sau giai đoạn bùng nổ

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai đoạn tái cơ cấu các TCTD năm 2011-2015, một trong những biện pháp cơ bản là M&A các TCTD trên nguyên tắc tự nguyện đã được diễn ra mạnh mẽ. NHNN cũng đã đề ra mục tiêu, đến năm 2017 số lượng NH trong hệ thống sẽ giảm xuống còn 15-17 NH. Nhưng muốn vậy phải đẩy mạnh con đường M&A, song sau thời điểm bùng nổ như vừa rồi hoạt động này đang tạm thời im ắng.

Năm 2015 cũng đã có nhiều NH lên kế hoạch M&A nhưng bất thành và chưa có tiến triển mới. Trong năm 2016 chỉ có PGBank công bố đang trong quá trình xin chấp thuận của NHNN về việc sáp nhập vào VietinBank và dự kiến quá trình sáp nhập sẽ hoàn thành trong quý II-2016. Còn trường hợp Saigonbank vào Vietcombank dù đã được Thống đốc NHNN chấp thuận về mặt chủ trương từ tháng 1-2015, nhưng trong ĐHĐCĐ vừa diễn ra, Vietcombank chỉ thông báo với cổ đông là vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để tiến hành sáp nhập, trong khi Saigonbank không nhắc đến việc M&A trong ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra. Với báo cáo kết quả kinh doanh của Saigonbank tại ĐHĐCĐ cho thấy, nếu NH nào nhận sáp nhập Saigonbank cũng sẽ đối mặt gánh nặng xử lý nợ xấu của NH này. Theo giải trình mới của lãnh đạo NH với cổ đông, năm 2015 NH đã trích lập một khoản dự phòng hơn 268 tỷ đồng, đồng thời năm 2016 nợ xấu chắc chắn sẽ còn tăng nữa do khách hàng chủ yếu ở khu vực nông thôn miền Tây và miền Trung, nhưng năm nay do thiên tai hạn hán, ngập mặn… xảy ra nên dự kiến các khoản vay này sẽ phát sinh nợ xấu.

Các vấn đề của Sacombank hậu sáp nhập sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động M&A trong ngành NH trong tương lai. Cho dù Sacombank có thương hiệu tốt trong mảng NH bán lẻ và có mạng lưới rộng, nhưng do tồn tại nhiều vấn đề sáp nhập Southernbank nên quá trình tái cơ cấu của NH sẽ còn mất nhiều thời gian, ngay cả sau khi đã nhận được hướng dẫn của NHNN. Năm 2015, NHNN khuyến khích hoạt động M&A, vì coi đây là phương thức đẩy nhanh hoạt động tái cơ cấu ngành NH, nhưng những vấn đề phát sinh quá nhiều và đang bộc lộ. Do đó, năm nay ngoại trừ việc sáp nhập VietinBank và PGBank sắp hoàn tất, trước mắt chưa có thêm thương vụ sáp nhập mới nào.

Các tin khác