Vốn ODA: Bất cập cơ chế huy động và sử dụng

(ĐTTCO) - Kể từ tháng 7-2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA mà phải chuyển sang vay ưu đãi và tiến tới vay thương mại. Khi đó nguồn ODA đã vay phải rút ngắn thời gian trả nợ từ 30-40 năm xuống 15-20 năm và tăng lãi suất lên 2-3,5% thay vì mức 1%/năm hiện nay. Trong bối cảnh này, cần một cơ chế huy động và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn, tư duy cấp phát ODA cần được thay thế bằng cơ chế cho vay lại, thậm chí có tính lãi theo tỷ lệ phù hợp để nâng cao trách nhiệm sử dụng nguồn vay ODA và vay ưu đãi.

(ĐTTCO) - Kể từ tháng 7-2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA mà phải chuyển sang vay ưu đãi và tiến tới vay thương mại. Khi đó nguồn ODA đã vay phải rút ngắn thời gian trả nợ từ 30-40 năm xuống 15-20 năm và tăng lãi suất lên 2-3,5% thay vì mức 1%/năm hiện nay. Trong bối cảnh này, cần một cơ chế huy động và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn, tư duy cấp phát ODA cần được thay thế bằng cơ chế cho vay lại, thậm chí có tính lãi theo tỷ lệ phù hợp để nâng cao trách nhiệm sử dụng nguồn vay ODA và vay ưu đãi.

Vay thêm 4-5 tỷ USD/năm

Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2016-2020 (Đề án ODA 2016-2020), cho thấy tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi được ký kết trong 5 năm (2011-2015) đạt trên 27,78 tỷ USD, cao hơn 31,47% so với giai đoạn 2006-2010. Trong đó vốn vay ODA và vay ưu đãi đạt trên 26,5 tỷ USD, chiếm 95,48%; ODA viện trợ không hoàn lại khoảng 1,25 tỷ USD, chiếm khoảng 4,52%. Tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2011-2015 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, ước đạt 22,3 tỷ USD, bình quân khoảng 4,46 tỷ USD/năm.

Khi các địa phương vay lại phải tính đến chuyện hoàn trả. Hiện nay vốn ODA đang dàn trải quá nhiều nơi. Chính phủ nên tập trung nguồn vốn ODA vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm, thu hẹp phạm vi cấp phát từ ngân sách, giảm tính bao cấp của Nhà nước trong sử dụng vốn vay nước ngoài. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn vay, hạn chế tình trạng dự án chậm tiến độ, đội vốn và đầu tư tràn lan. Nếu không làm được điều này con đường vay nợ mới của nước ngoài để trả nợ cũ là không thể tránh khỏi.

TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính trị thế giới

Trong giai đoạn 2016-2020 Chính phủ đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi đạt 5-6 tỷ USD/năm. Bởi theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), đến nay tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa giải ngân của các chương trình, dự án đã ký kết chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 sang giai đoạn 2016-2020 còn gần 22 tỷ USD. Bên cạnh nguồn vay đã ký kết này, trong 5 năm tới Chính phủ sẽ xem xét, đàm phán và ký kết thêm các hiệp định vay ODA và vay ưu đãi với tổng giá trị khoảng 20-25 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa mỗi năm Việt Nam sẽ ký kết các hiệp định vay thêm 4-5 tỷ USD.

 Cơ cấu vốn vay ODA và vay ưu đãi những năm qua cho thấy nhóm 6 ngân hàng phát triển ADB, AFD, JICA, KfW, KEXIM, WB chiếm tỷ lệ cho vay vượt trội. Tổng vốn vay giai đoạn 2011-2015 của nhóm 6 nhà tài trợ này đạt khoảng 26,3  tỷ USD, trong đó có 4,5 tỷ USD vay kém ưu đãi. Cụ thể, Nhật Bản (thông qua JICA) là quốc gia tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, đạt trên 10 tỷ USD; tiếp đó là WB trên 8 tỷ USD; ADB gần 6 tỷ USD… Nguồn vốn ODA tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua được thực hiện dưới 3 hình thức: vốn ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%, vay ưu đãi chiếm 80%, hình thức hỗn hợp chiếm 8-10%. Tổng nguồn vay ODA mà Việt Nam đã ký kết vay từ các đối tác, tổ chức tài chính quốc tế trong 20 năm đạt 73,68 tỷ USD, trong đó đã giải ngân khoảng 53,9 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2020 các bộ, ngành địa phương cần huy động khoảng 39,5 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Trong đó, bộ, ngành Trung ương cần khoảng 21 tỷ USD, các địa phương cần 18,5 tỷ USD. Theo đề xuất, nhu cầu vốn này sẽ đầu tư cho 1.203 dự án trong các lĩnh vực giao thông vận tải, phát triển đô thị, nông nghiệp phát triển nông thôn, môi trường, giáo dục, y tế và khoa học công nghệ.

Hiệu quả vốn vay ODA thấp

Theo Bộ KH-ĐT, xét theo lĩnh vực trong 5 năm qua, giao thông vận tải là lĩnh vực nhận nhiều nguồn vay ODA và vay ưu đãi nhất, đạt khoảng 9,9 tỷ USD; tiếp đó là môi trường, cấp thoát nước, chống biến đổi khí hậu và phát triển đô thị khoảng 5,18 tỷ USD; năng lượng và công nghiệp 4,76 tỷ USD; nông nghiệp phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo 2,63 tỷ USD, y tế xã hội 1,29 tỷ USD, giáo dục đào tạo 0,93 tỷ USD, các ngành khác khoảng 3 tỷ USD. Đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn ODA và nguồn vay ưu đãi trong giai đoạn 2011-2015 cũng ghi nhận những kết quả khác nhau về hiệu quả sử dụng nguồn vay ODA. Bên cạnh những dự án được đánh giá là thành công trong phát triển hạ tầng giao thông, như dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga hành khách T2 Nội Bài… vẫn còn những siêu dự án thiếu hiệu quả.

Xu hướng vốn ODA dành cho Việt Nam trong thời gian tới giảm là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Cơ hội lớn nhất khi giảm vay ODA, Việt Nam thoát được bẫy chi phí. Chi phí đầu tư cho 1 dự án ODA, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng rất cao, nên so với lãi suất thấp và kỳ hạn dài chưa hẳn đã có lợi. Đã đến lúc nền kinh tế không nên trông đợi quá nhiều vào ODA, nếu như không muốn nói thoát ly khỏi ODA càng sớm càng tốt.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn,

Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Điều đáng lo ngại, hàng loạt dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi đang rơi vào tình trạng đội vốn. Như dự án tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, tổng mức đầu tư ban đầu 783 triệu EUR, đến nay  đã phải điều chỉnh lên 1,176 tỷ EUR, tăng gần 400 triệu EUR. Tương tự, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 553 triệu USD, sau vài năm triển khai đã được điều chỉnh lên 868 triệu USD, đội vốn đầu tư 315 triệu USD, gấp 1,6 lần so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Tại TPHCM các dự án metro cũng đang có suất đầu tư cao ngất ngưởng. Cụ thể, dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt năm 2007 khoảng 1,07 tỷ USD, đến nay được điều chỉnh lên 2,47 tỷ USD, tăng 1,4 tỷ USD. Dự án metro tuyến Bến Thành - Tham Lương phê duyệt tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD, đến thời điểm này đã được điều chỉnh lên hơn 2 tỷ USD, tăng hơn 700 triệu USD so với mức phê duyệt.

 Đứng thứ 3 trong nhóm ngành vay và sử dụng nhiều vốn ODA là lĩnh vực năng lượng và công nghiệp nhưng cũng không hiệu quả. Điển hình là dự án Nhà máy đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đầu tư từ nguồn vốn tự có và nguồn vay ODA từ Trung Quốc. Tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2005 khoảng 667 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc khoảng 250 triệu USD. Từ năm 2012 nhà máy này được đưa vào vận hành nhưng luôn thua lỗ (đến hết năm 2015 lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng), phải dừng hoạt động. Nguyên nhân do công nghệ thiết bị lạc hậu, thường xuyên xảy ra sự cố, chi phí lãi vay tăng cao.

Quang cảnh bên ngoài Nhà máy đạm Ninh Bình.

Quang cảnh bên ngoài Nhà máy đạm Ninh Bình.

Cho vay lại ODA và tính lãi

Thực tế, trong huy động và sử dụng vốn vay ODA những năm qua được thực hiện theo tư duy cấp phát và xin cho, dẫn tới thực trạng sử dụng vốn ODA không nghĩ đến trả nợ tại nhiều địa phương. Hệ quả, hàng loạt dự án ODA tại các địa phương sử dụng vốn vay lãng phí, không phát huy hiệu quả. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy trong giai đoạn 2005-2015, Chính phủ đã vay 15 tỷ USD vốn ODA cho các địa phương đầu tư chương trình, dự án. Trong số đó, khoảng 92,2% (tương đương 14 tỷ USD) được phân bổ, cấp phát cho các địa phương. Vì được cấp phát nên hầu hết địa phương sử dụng vốn ODA có hiệu quả không cao. Theo nhiều chuyên gia, vốn ODA là khoản vay phải trả trong tương lai, kèm theo những điều khoản có lợi cho các nhà thầu đến từ nước cung cấp ODA. Vì thế, đồng vốn ODA luôn có 2 mặt. Bản chất của ODA là lãi suất thấp, vay dài hạn nhưng đi cùng với nó là những ràng buộc rất chặt chẽ. Nước đi vay không có quyền quyết định số phận gói tiền đó mà phải sử dụng theo đúng mục đích hoặc định hướng của bên cho vay.

Đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đã chỉ ra so với nhiều nước, sử dụng ODA của Việt Nam cao hơn nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao. Thí dụ, giá thành 1km đường cao tốc của Việt Nam xây bằng vốn ODA cao gấp 2,5 lần Hoa Kỳ. Để khắc phục điều này, Việt Nam cần có chính sách công khai minh bạch các dự án ODA. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cán bộ và quy hoạch các dự án phát triển của mình. Nếu cứ quy hoạch, vẽ dự án ra như hiện nay để rồi chạy tiền, xin vốn ODA, chắc chắn sẽ chỉ làm nghèo thêm đất nước. Bởi theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2020 dư nợ vay ODA và vốn vay ưu đãi dự kiến khoảng 55 tỷ USD, chiếm khoảng 26% dư nợ công và 15% GDP.

Vì thế, chủ trương cho các địa phương, bộ ngành hay doanh nghiệp vay lại nguồn vốn ODA Chính phủ vay từ các đối tác phát triển được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tâm lý xin cho và cấp phát trong huy động và sử dụng nguồn vay ODA và vay ưu đãi. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh việc cho vay lại vốn ODA, các cơ quan quản lý cần tách bạch rõ ràng những dự án Nhà nước cần đầu tư trực tiếp bằng vốn vay ODA, những dự án nào không cần thiết để tư nhân nhằm làm giảm áp lực rất lớn về vốn vay. Lâu nay Nhà nước đang đầu tư tất cả. Nếu không tách bạch rõ được dự án nào, lĩnh vực nào Nhà nước cần làm, lĩnh vực nào tư nhân cần làm, việc đầu tư bằng ODA không thể phát huy hết hiệu quả từng đồng vốn.

Các tin khác