Bác sĩ nước

Ông Masagi có một thông điệp đơn giản: "Nếu cần nước, hãy gọi tôi!". Hàng ngàn người có nhu cầu, vì vậy điện thoại của ông đổ chuông hàng chục lần 1 ngày. Dường như số “bệnh nhân” của “Bác sĩ Nước” là bất tận. "Tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về nước khi còn nhỏ" - Masagi nói. "Tôi thường phải dậy từ lúc 3 giờ sáng để ra suối lấy nước. Vì vậy, tôi đã thề rằng sẽ tìm ra giải pháp khi lớn lên. Tôi bỏ công việc kỹ sư cơ khí vào năm 2002 để tìm cách giải quyết vấn đề nước của Ấn Độ".

(ĐTTCO) - 70% cơ thể người là nước, nhưng cho đến nay vẫn còn tới 783 triệu người chưa tiếp cận được với nước sạch. Uống và tắm nước bẩn có thể gây tử vong, vì vậy có rất nhiều nỗ lực để tìm ra những giải pháp đơn giản mang lại nước sạch cho người dân. Tại Ấn Độ, có một người nổi tiếng với biệt danh “Bác sĩ Nước”. Đó là ông Ayyappa Masagi.

Ông Masagi có một thông điệp đơn giản: "Nếu cần nước, hãy gọi tôi!". Hàng ngàn người có nhu cầu, vì vậy điện thoại của ông đổ chuông hàng chục lần 1 ngày. Dường như số “bệnh nhân” của “Bác sĩ Nước” là bất tận. "Tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về nước khi còn nhỏ" - Masagi nói. "Tôi thường phải dậy từ lúc 3 giờ sáng để ra suối lấy nước. Vì vậy, tôi đã thề rằng sẽ tìm ra giải pháp khi lớn lên. Tôi bỏ công việc kỹ sư cơ khí vào năm 2002 để tìm cách giải quyết vấn đề nước của Ấn Độ".

Ấn Độ đang trải qua một cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng. Khoảng 330 triệu người đang phải chịu đựng tình trạng thiếu nước sau 2 năm liền có lượng mưa ít. Những hồ chứa khô cạn. Nhiều nông dân thậm chí đã tự tử vì không thể trồng trọt hay chăn nuôi. Hàng ngàn người dân ở các vùng hạn hán đã đổ xô đến các thành phố. Theo tính toán của ông Masagi, chỉ cần có thể hứng và lưu trữ được 30% nước lượng mưa trong 1 năm, thì dân Ấn Độ cũng đủ dùng trong 3 năm".

Để chứng minh điều đó, vào năm 2014 ông đã mua 84 mẫu đất cằn cỗi gần Chilamathur, một khu vực hạn hán nổi tiếng của bang Andhra Pradesh, 110km về phía Đông Bắc Bangalore. "Gió ở đây nóng như lửa, nhưng tôi nói với các đối tác rằng trong một năm tôi sẽ biến nó thành một nơi chứa nước”. Ý tưởng của Masagi rất đơn giản: hứng nước, lọc và lưu trữ nước mưa ở dưới mặt đất. "Ngày nay, hầu hết các vùng đất nông nghiệp đều có địa hình bằng phẳng. Vì vậy khi mưa rơi nước không được giữ lại, đất bề mặt chỉ có thể hấp thụ một lượng nước nhỏ. Chúng ta không thể hứng tất cả nước mưa, nhưng chỉ cần hứng được 20% cũng có thể giúp thỏa mãn nhu cầu về nước của nông dân" - ông nói.

Hệ thống của Masagi gồm các hầm có cấu trúc gồm bùn, cát, đất, sỏi và đá cuội. Cứ mỗi 1 mẫu Anh đất nông nghiệp có 8 hầm như vậy, và chúng được lấp đầy bằng hỗn hợp sỏi và cát. Khi trời mưa hoặc có lũ, nước sẽ ngấm qua sỏi, cát và đi vào lòng đất. Khi đất ngậm đủ nước, nước sẽ nổi lên trở lại qua cát, sỏi để tạo thành các dòng suối tự nhiên. "Quá trình này xảy ra từ từ, và kể từ khi nước được lưu trữ bên dưới bề mặt, toàn bộ diện tích đất luôn ngậm nước" - ông Masagi giải thích.

Ông Masagi bên một cấu trúc thu hoạch nước mưa.

Ông Masagi bên một cấu trúc thu hoạch nước mưa.

Đến nay, ông đã xây dựng một mạng lưới 25.000 hầm cát nhỏ và 4 hồ lớn dùng để hứng và lưu trữ nước mưa ở Chilamathur. Không một giọt nước nào được phép thoát ra sông, ra biển. Tất cả nước mưa đều được lưu giữ lại trong lòng đất, khi cần thiết người ta chỉ cần khoan một cái giếng nông là có nước. Lớp đất mặt của các hầm nói trên có thể dùng trồng cây. Khoảng 60% cây sẽ hình thành rừng, trong khi 40% là cây ăn quả để tạo ra thu nhập. Người ta cũng trồng ngũ cốc và rau quả, năm tới sẽ xây dựng một trang trại bò sữa. Kế hoạch là xây dựng một trang trại hữu cơ bền vững, hoàn toàn tự cung cấp về nước và phân bón.

Ông Masagi cũng đang tích cực đào tạo các "chiến binh nước" để chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vấn đề về nước của mình. Ông đã viết 7 cuốn sách và đào tạo được hơn 100 chuyên gia ở Ấn Độ và cả nước ngoài, trong đó có Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ. "Nếu bạn chỉ nói suông không ý nghĩa gì. Bạn phải làm một cái gì đó để chứng minh điều mình nói. Hiện chính phủ rất quan tâm và đang sao chép mô hình của tôi. Một khi thay đổi được ý thức của cộng đồng, chúng ta cũng thay đổi được ý thức chính trị và từ đó có thể nhân rộng mô hình này ra khắp thế giới".

(Theo BCC, Guardian)

Các tin khác