Hệ lụy Trung Quốc vươn ra toàn cầu (K2)

Kỳ 2: Nhà nước hà hơi tiếp sức (ĐTTCO) - Để đạt được mục tiêu chiến lược vươn ra thế giới, trong những năm 2000, Trung Quốc đã thúc đẩy công cuộc tìm kiếm các dự án đầu tư sinh lời và những thị trường mới tiềm năng trên toàn cầu thông qua các chính sách kinh tế đối ngoại cụ thể. Từ đó, không chỉ ở châu Á, doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu “đổ bộ” vào các nước châu Phi, Mỹ Latin, châu Âu…

 Kỳ 2: Nhà nước hà hơi tiếp sức

(ĐTTCO) - Để đạt được mục tiêu chiến lược vươn ra thế giới, trong những năm 2000, Trung Quốc đã thúc đẩy công cuộc tìm kiếm các dự án đầu tư sinh lời và những thị trường mới tiềm năng trên toàn cầu thông qua các chính sách kinh tế đối ngoại cụ thể. Từ đó, không chỉ ở châu Á, doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu “đổ bộ” vào các nước châu Phi, Mỹ Latin, châu Âu…

Hệ lụy Trung Quốc vươn ra toàn cầu (K1)

Nỗ lực nâng cấp doanh nghiệp

Tầm quan trọng của việc hỗ trợ về chính sách đối với nỗ lực vươn ra thế giới của các công ty Trung Quốc, ở mức độ lớn, bắt nguồn từ tham vọng phát triển thiên về kinh doanh nhằm gia nhập vào phân khúc thị trường công nghệ cao. Và không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước được hỗ trợ. Ngày nay, các công ty tư nhân lớn cũng được các lãnh đạo nhà nước coi như “nhà vô địch của quốc gia”, xứng đáng nhận được các hỗ trợ về chính sách. Một động cơ khác thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hỗ trợ cho chiến lược đầu tư ra nước ngoài là những biến động kinh tế-xã hội đáng lo ngại của quốc gia này. Một trong các vấn đề quan trọng mà chính phủ đã xác định vào những năm 2000 là các công ty mới chỉ cạnh tranh bằng cơ chế lương thấp. Do đó, cũng giống như các nền kinh tế mới nổi trước đây, Trung Quốc muốn tiến lên trong chuỗi giá trị và phát triển những nguồn lực sáng tạo nội sinh thêm lớn mạnh. Nhiều nỗ lực rộng khắp đã được thực hiện nhằm kết hợp tính sáng tạo của doanh nghiệp với các năng lực của nhà nước. Xu hướng hỗ trợ các công ty tiến ra toàn cầu, ở một mức độ lớn, xuất phát từ những nỗ lực “nâng cấp” này - và rõ ràng, các công ty đã được hỗ trợ thậm chí lớn hơn nhiều so với các nền kinh tế mới nổi khác cũng đang khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài.

Các chính sách khác nhau của nhà nước có thể phân thành nhiều loại, bao gồm hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư nước ngoài, sử dụng quan hệ ngoại giao chính thức để thúc đẩy quan hệ kinh tế và đàm phán với chính phủ nước ngoài nhằm thiết lập các hiệp định đầu tư song phương. Kết quả là, quan chức nhà nước rất quan tâm đến việc duy trì những mối liên kết gần gũi với các cơ sở sản xuất và thị trường. “Xu hướng này phản ánh một khác biệt so với các nước, là hầu như chuyến công du nước ngoài nào của các quan chức cấp cao Trung Quốc hiện nay, đều bao gồm việc đi thăm các chi nhánh của Huawei tại nước ngoài” - các nhà quan sát đúc kết.

Các công ty Trung Quốc tận dụng những khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp của nhà nước, bao gồm các khuyến khích tài khóa, bảo lãnh tài chính và tín dụng từ các quỹ đầu tư quốc gia hoặc ngân hàng nhà nước để tiến hành các dự án khai thác nguyên liệu thô hay mua lại các công ty nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và một số bộ xây dựng các cơ chế quản lý riêng thúc đẩy quá trình quốc tế hóa. Các công ty đầu tư ra nước ngoài cũng nhận được sự hỗ trợ thông qua các mạng lưới thông tin quốc tế (tập hợp dữ liệu toàn cầu, liên kết nghiên cứu) hay các cơ chế đảm bảo rủi ro (trợ giúp bảo hiểm, các thỏa thuận bảo hộ lẫn nhau).

“Cuộc chơi” không sòng phẳng

Ngược lại với nhiều công ty đa quốc gia phương Tây, hầu hết các công ty Trung Quốc ít phụ thuộc vào thị trường vốn quốc tế hơn. Thay vào đó, họ dựa nhiều hơn vào các khoản cho vay từ ngân hàng nhà nước và các quỹ nội địa. Đặc biệt trong những năm bất ổn toàn cầu sau năm 2007-2008, nguồn vốn này cho phép các công ty tích lũy nguồn lực dự trữ. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EXIM) đảm nhiệm vai trò đặc biệt trong phương diện này bởi vì nó cung cấp các chương trình bảo hiểm, tín dụng và bảo lãnh cho các công ty Trung Quốc. Thêm nữa, các công ty có thể nhận được những khoản tín dụng ưu đãi để đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các “lĩnh vực trọng yếu” như các dự án thăm dò tài nguyên. Các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài được thành lập nhằm khai thác, tận dụng công nghệ tiên tiến quốc tế để ứng dụng, thúc đẩy tính cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc cho rằng, để phát triển và cải thiện nền kinh tế, các công ty quốc gia (có vốn nhà nước hoặc không) “phải được chăm sóc và nuôi dưỡng để thực hiện đầy đủ các chức năng mà công ty chi nhánh của nước ngoài khó có thể thực hiện”. Quan điểm chính sách này bắt nguồn từ chiến lược phát triển ưu tiên với lập luận rằng nếu các công ty Trung Quốc có khả năng cạnh tranh toàn cầu, thì họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào thị trường trong nước, vốn đã dư thừa năng lực sản xuất. Mục tiêu của quá trình này là cải tiến nền kinh tế, đồng thời ngăn chặn các công ty đa quốc gia của nước ngoài thâu tóm ngành công nghiệp trong nước.

Khác xa nền kinh tế kế hoạch hóa, nền kinh tế chính trị của Trung Quốc là sự kết hợp giữa tập trung và phân hóa, đại diện cho hệ thống quản lý đa cấp được phân mảng, trong đó, các chỉ thị chính sách trung ương thường không được áp dụng đồng bộ. Do đó, khó có thể hiểu được nền kinh tế Trung Quốc nếu không đề cập đến sự phân mảng đa dạng dưới cấp độ trung ương cũng như vai trò của cạnh tranh giữa các công ty Trung Quốc, thậm chí giữa các doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Liên quan đến hình thức không đồng nhất của chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc, được điều tiết bởi nhà nước, các nhà hoạch định chính sách không trực tiếp định hướng các doanh nghiệp lớn. Mặc dù chính quyền trung ương đã đưa ra “các hướng dẫn” chung để hỗ trợ OFDI với những điều kiện thuận lợi cho các công ty tuân thủ những hướng dẫn này, một loạt công ty hoạt động ngoài khuôn khổ vẫn được hỗ trợ từ nhà nước theo kiểu “xin-cho”. Rất nhiều dự án được giám sát ở cấp dưới, tạo nhiều điều kiện dễ dãi, cạnh tranh thiếu minh bạch. Việc phân mảng nhà nước Trung Quốc thành một hệ thống quản lý phức tạp dẫn đến những xung đột bùng nổ, không chỉ giữa các cơ quan trung ương chịu trách nhiệm về thương mại và chính sách đối ngoại mà còn giữa chính quyền trung ương và các địa phương.

Cơn sốt đầu tư chưa hạ nhiệt

Từ đầu năm tới nay giới đầu tư Trung Quốc đã “rót” hơn 70 tỷ USD vào Hoa Kỳ và châu Âu, bất chấp những khó khăn trong nước. Nhưng liệu những khoản đầu tư này có thực sự bền vững? Tờ Financial Times gần đây trích báo cáo của hãng luật Baker & McKenzie và Công ty tư vấn Rhodium Group cho biết, giới đầu tư Trung Quốc đã đổ vào Hoa Kỳ và châu Âu khoảng 38 tỷ USD trong năm 2015. Trong đó, đầu tư vào Hoa Kỳ là 15 tỷ USD, châu Âu là 23 tỷ USD. Phần lớn trong số này là đổ vào bất động sản và tài chính.

Các chuyên gia lo ngại, Trung Quốc là nước có thặng dư vốn nhưng lại chưa có công nghệ cao như Nhật Bản và Hàn Quốc nên sẽ khó có thể phát triển bền vững. Mục tiêu của Trung Quốc là dịch chuyển các cơ sở sản xuất thâm dụng nhiều lao động, hàng hóa giá rẻ và công nghệ không cao ra nước ngoài. Đây chính là hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc. Việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài còn giúp các doanh nghiệp Trung Quốc có cơ hội tiếp cận với những công nghệ mới và lợi dụng được “hai thị trường, hai nguồn tài nguyên”, tham gia mạnh hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong những đại dự án Trung Quốc đầu tư ra ngoài trong vòng 15 năm lại đây, nhiều dự án còn tạo ra hệ quả xấu. Đó là thúc đẩy tham nhũng ở những nước đến đầu tư, hoạt động không minh bạch, hoặc mức độ lan tỏa của dự án đối với người dân địa phương đó rất thấp, thấp hơn nhiều so với các dự án của các nước khác.

-----------------------

Bài 3: Xu thế đối đầu thế giới

Các tin khác