Bùng nổ cho vay tiêu dùng

• Liên kết bộ ba nhà sản xuất, phân phối và CTTC

• Liên kết bộ ba nhà sản xuất, phân phối và CTTC

(ĐTTCO)-Tài chính tiêu dùng (TCTD) vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển cũng như thu hút các công ty tài chính (CTTC) tham gia. Tuy nhiên, tại một số phân khúc, đặc biệt là lĩnh vực cho vay mua trả góp các sản phẩm điện tử, mức độ cạnh tranh đã trở nên sôi động và khốc liệt.

Sức ép cả trong lẫn ngoài

Từ năm 2015 trở về trước, Home Credit, FECredit và ACS là 3 thương hiệu mua trả góp có tần suất hiện diện cao nhất tại các hệ thống bán lẻ hàng công nghệ như Thế giới di động, FPT Shop, Viễn Thông A… Nhưng đến đầu năm 2016, xuất hiện cái tên thứ 4 là HD Saison. Truy cập vào phần mua trả góp trên website của FPT Shop sẽ thấy hiện ra cả 4 cái tên vừa nêu, trong khi tại một số siêu thị của Thế giới di động không còn thấy sự hiện diện của nhân viên tư vấn ACS, thay vào đó là HD Saison. Nếu muốn sử dụng dịch vụ của ACS có thể gọi lên tổng đài hoặc truy cập webiste. Từ 3 thành 4, nghĩa là số đơn vị tăng thêm 33%. Nói một cách nôm na, nếu thị trường chung không tăng trưởng với tỷ lệ tương ứng, cũng có nghĩa sẽ có 1 CTTC bị giảm thị phần. Tỷ lệ tăng trưởng bao nhiêu phải trải qua một thời gian và đo lường bằng nhiều công cụ mới rõ, nhưng điều có thể thấy trước mắt là sự chật chội trên thị trường cũng như sức ép cho từng đơn vị.

 Nhân viên HD Saison tư vấn cho khách hàng vay TCTD mua trả góp xe gắn máy.

Nhân viên HD Saison tư vấn cho khách hàng vay TCTD mua trả góp xe gắn máy. 

Chẳng hạn, trong trường hợp hệ thống bán lẻ chỉ chấp nhận 3 thương hiệu trả góp được đặt nhân viên tại cửa hàng, nghĩa là sẽ có 1 cái tên bị loại bỏ. Ngoài sức ép trong 4 thương hiệu vừa nêu, CTTC cũng đang chịu sức ép từ các đối thủ tiềm tàng là các CTTC được các ngân hàng thương mại (NHTM) mua lại trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, những CTTC được NH mua lại dường như vẫn đang ở giai đoạn tái cấu trúc, đang chuẩn bị chứ chưa thực sự đẩy mạnh tham gia thị trường. Ngoại trừ FECredit với VPBank đứng sau, hay HD Saison với HDBank hậu thuẫn, là 2 CTTC đã hiện diện hơn 5 năm qua trên thị trường.

Sức ép hiện tại và cả tiềm tàng đã và đang buộc các CTTC buộc phải chạy hết tốc lực để giữ vị thế cho mình. Giai đoạn 2007-2012 sản phẩm chủ đạo trên thị trường TCTD là cho vay mua xe máy trả góp, nhưng từ 2013 đến nay đã chuyển thành smartphone, tablet, laptop. Về lãi suất, từ mức lãi suất lên đến 50%/năm, hiện tại các chương trình mua trả góp lãi suất 0% được xem là vũ khí cạnh tranh chủ lực của CTTC. Xu hướng dịch chuyển của sản phẩm hay lãi suất thực ra đều hướng đến mục tiêu tăng trưởng thị phần, trong đó yếu tố tăng trưởng được đặc biệt đề cao vì thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai phá. Tuy nhiên, khi đối thủ xuất hiện ngày càng nhiều, ngoài việc mở rộng các CTTC sẽ phải tính đến chuyện giữ vững những gì đang có. Theo đó, CTTC thường có 2 cách thức hoặc gia tăng số lượng sản phẩm, hoặc khai thác tối đa những gì đang có. Theo số liệu của NHNN chi nhánh TPHCM, cuối năm 2010, cho vay tiêu dùng kể cả vay mua bất động sản (BĐS) chỉ chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ, nhưng đến cuối năm 2015 tỷ lệ này đã lên đến 6,8% tổng dư nợ và đạt khoảng 90.000 tỷ đồng.

Lợi thế lãi suất 0%

Tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nên TCTD cũng rất quan trọng. Tỷ trọng vay tiêu dùng được coi là động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động tài chính, tín dụng nói riêng. Nhu cầu vay tiêu dùng của người Việt Nam đang ngày một tăng để chi trả các khoản như mua sắm, chữa bệnh, đi học… Hiện nay, dân số trong độ tuổi từ 25-45 tuổi chiếm tỷ trọng lớn và đây cũng là nhóm khách hàng có nhu cầu chi tiêu nhiều nhất, cũng là nhóm khách hàng được các CTTC quan tâm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu,
chuyên gia tài chính-ngân hàng

Nhìn lại hoạt động của CTTC trong khoảng 10 năm qua không thấy có nhiều sự mới mẻ về sản phẩm, bao gồm cho vay tiền mặt, cho vay mua trả góp xe máy và hàng điện tử, một số sản phẩm khác mới dừng ở mức độ thử nghiệm. Trong khi đó, xu hướng giảm lãi suất khá rõ ràng. Các dịch vụ trả góp của ACS có lãi suất khá mềm, thủ tục xét duyệt khá nhanh dành cho các thành viên, đó là những lợi thế ACS đã xây dựng được trong những năm qua, nhưng giờ đây có thể trở nên kém ấn tượng trước các gói lãi suất 0% của các CTTC khác.

Ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Home Credit Vietnam, dự báo sau 2 năm nữa số hợp đồng trả góp với lãi suất 0% có thể lên đến 80% tổng số hợp đồng. Một trong những lợi thế của NHTM là nguồn vốn, qua đó có thể tác động đến lãi suất. Nhưng với việc các CTTC đẩy lãi suất xuống 0% tại nhiều sản phẩm, xem ra lãi suất sắp tới cũng không còn là lợi thế. Câu hỏi của người tiêu dùng có lẽ không nằm ở việc trả góp lãi suất bao nhiêu % nữa mà chuyện 0% sẽ là mặc định.

Trước đây, để có chỗ tại các cửa hàng bán lẻ, CTTC phải trả một khoản phí nhất định, nhưng hiện giờ họ đã nhận được sự hỗ trợ ngược lại từ phía nhà phân phối lẫn nhà sản xuất. Điều này cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa 3 bên nhà phân phối, nhà sản xuất và CTTC đối với sản phẩm trả góp 0%. Câu hỏi được đặt ra đối với sản phẩm này là nếu 0%, CTTC thu lợi nhuận từ đâu? 0% dành cho suốt giai đoạn trả góp hay chỉ một vài tháng? Liệu CTTC có bẫy người tiêu dùng không?

Thực tế, hầu hết gói 0% hiện nay dành cho suốt thời kỳ trả chậm, nghĩa là CTTC sẽ không có thu nhập từ lãi cho vay. Tuy nhiên lại có sự chia sẻ từ phía nhà sản xuất và nhà phân phối thông qua các khoản hoa hồng. Ông Friedrich Weiss cho biết, trước đây đã từng trao đổi với một số nhà sản xuất để triển khai chương trình này nhưng đều bị từ chối. Trong khi hiện nay trung bình mỗi tháng có 1 đơn vị đề xuất với Home Credit về việc hợp tác triển khai chương trình 0%. Đến cuối 2015, tính riêng mảng cho vay trả góp xe máy và hàng lâu bền (như điện tử, điện máy, hàng nội thất…), số dư nợ của những hợp đồng có sử dụng ưu đãi của Home Credit chiếm đến 71% tổng dư nợ của 2 mảng này. So với năm 2014, số lượng hợp đồng sử dụng sản phẩm và chương trình ưu đãi trong năm 2015 tăng gấp 8 lần và dư nợ của các hợp đồng sử dụng sản phẩm ưu đãi tăng gấp 8,7 lần so với năm 2014.

Nhờ 0% doanh số của nhà bán lẻ lẫn nhà sản xuất sẽ tăng và đương nhiên khoản hoa hồng CTTC được hưởng cũng tỷ lệ thuận theo đó. Quay ngược lại vấn đề, nếu CTTC muốn triển khai 0%, 2 yếu tố bắt buộc phải có đó là nguồn vốn và nhân lực. Một điều dễ thấy, dù một số CTTC có NH hoặc các tập đoàn lớn đứng sau hậu thuẫn, nhưng không thể lúc nào cũng dựa vào nguồn hỗ trợ từ công ty mẹ, thay vào đó phải tự xây dựng lợi thế cho mình. Thị phần tăng trưởng, nghĩa là số người vay tăng, đồng thời áp lực đổ vốn để triển khai các chương trình nhằm thu hút thị phần đều cần phải có vốn. Và lúc này đây, việc huy động vốn lại trở thành áp lực đối với các CTTC.

Củng cố nguồn vốn, nguồn lực 

Chương trình mua trả góp lãi suất 0% đã tạo ra sự khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh cho TCTD và mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế, bởi đã giúp người đi vay giảm áp lực trả nợ, đặc biệt những người có thu nhập thấp. Trong khi đó, CTTC, nhà sản xuất và phân phối bán được sản phẩm của mình và kích thích sản xuất. Để đảm bảo lợi ích của các bên, hợp đồng vay trả góp cần công khai, rõ ràng, dễ hiểu, đặc biệt là điều khoản về thu nợ, trả nợ, xử lý nợ. Mặt khác, ngoài nâng cao năng lực quản trị rủi ro, CTTC cũng cần nâng cao khả năng tư vấn, xét duyệt để khách hàng đảm bảo sẽ trả được nợ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh,
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM

Việc tăng vốn điều lệ là một giải pháp, nhưng rõ ràng công ty không thể cứ tăng vốn điều lệ liên tục khi dòng vốn rót vào CTTC không có tính đại chúng cao như một số ngành khác. Giải pháp kế tiếp của CTTC là việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu hay chứng chỉ tiền gửi dành cho các tổ chức, doanh nghiệp. Hiện nay, CTTC có thể huy động vốn từ các tổ chức với lãi suất khoảng 12%, dù cao nhưng muốn huy động được cũng không phải dễ. Bởi các CTTC cho vay trả góp tín chấp, không có tài sản đảm bảo, nghĩa là họ đi vay từ tổ chức khác cũng không có tài sản để thế chấp. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng hiện nay ước tính 4-5%. Cho dù CTTC cho rằng đang kiểm soát tốt nợ xấu, song những doanh nghiệp, đơn vị có khả năng bỏ tiền vào sẽ phải cân nhắc.

Giải quyết được vấn đề nguồn vốn thôi chưa đủ, các CTTC còn phải đối mặt với bài toán nhân sự cũng áp lực không kém. Phó tổng giám đốc một CTTC có vốn nước ngoài chia sẻ để bắt tay với 200 cửa hàng bán lẻ hồi đầu năm nay, công ty ông đã phải tuyển hơn 500 nhân viên. Chỉ trong thời gian ngắn, tuyển ồ ạt và đào tạo không kỹ lưỡng dẫn đến chất lượng dịch vụ kém. Nhưng nếu đào tạo quá kỹ lưỡng có thể không theo kịp tiến độ phát triển hệ thống. Thí dụ, hệ thống bán lẻ A có 100 cửa hàng, bắt tay với CTTC B để cho vay mua trả góp, yêu cầu của A với B có thể là các nhân viên có ngoại hình, thậm chí chiều cao phải từ 1m58 trở lên. Trung bình 1 ngày cửa hàng hoạt động 14 tiếng, từ 8 giờ đến 22 giờ nên phải có 2 nhân viên phụ trách, nghĩa là B phải đáp ứng cho A 400 người. Để có đủ nhân viên B sẽ phải tuyển chọn từ 500-600 người. Nếu A yêu cầu B trong vòng 2 tháng phải đáp ứng được con số 400 nhân viên, đồng nghĩa mỗi tháng B phải tuyến 250-300 người, trung bình 10 người/ngày, đòi hỏi bộ phận nhân sự phải hoạt động hết công suất. Thực tế cho thấy đã có CTTC từng thử nghiệm cả mô hình cộng tác viên, nghĩa là nhân viên tiếp cận với khách hàng để tiến hành những thủ tục đơn giản, còn việc xét duyệt đưa về trung tâm.

Các tin khác