Những “hành tinh đen” (K3): Cội nguồn thảm họa

(ĐTTCO) - Trong quá trình hoạt động của mình, một số công ty đã gây ra những thảm họa môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái trên trái đất. Có những thảm họa để lại hậu quả kéo dài hàng chục năm sau đó. Giải Hành tinh Đen các năm 2010-2011 được trao cho những công ty như vậy.

(ĐTTCO) - Trong quá trình hoạt động của mình, một số công ty đã gây ra những thảm họa môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái trên trái đất. Có những thảm họa để lại hậu quả kéo dài hàng chục năm sau đó. Giải Hành tinh Đen các năm 2010-2011 được trao cho những công ty như vậy.

Vụ tràn dầu thế kỷ

Ngày 20-4-2010, giàn khoan Deepwater Horizon của đại gia dầu mỏ BP nằm khoảng 64km về phía Tây Nam bờ biển Louisiana đã phát nổ, khiến 11 người thiệt mạng và 17 người bị thương. Sự cố khiến giàn khoan bốc cháy và chìm, gây ra tràn dầu ở một khu vực rộng lớn trong vịnh Mexico, trở thành thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Theo ước tính ban đầu của BP, sự cố làm dầu tràn ra biển khoảng 1.000-5.000 thùng (160-790m3) mỗi ngày. Tuy nhiên, tổ chức Flow Rate Technical Group (FRTG) ước tính lượng dầu tràn phải lên tới 62.000 thùng/ngày. Tổng lượng dầu tràn ra trong sự cố khoảng 4,9 triệu thùng (780.000m3), với sai số ±10%. Theo hình ảnh chụp từ vệ tinh, vụ tràn dầu ảnh hưởng trực tiếp lên 180.000km2 đại dương, tương đương diện tích của bang Oklahoma. Khoảng nửa triệu tấn khí, 80% trong đó là khí methane, đã rò rỉ ra biển sau vụ nổ giàn khoan.

Tính đến đầu tháng 6-2010, người ta đã dọn sạch dầu trên 201km bờ biển Louisiana và dọc theo Mississippi, Florida và Alabama. Tuy nhiên, bùn dầu xuất hiện ở Intracoastal, trên bãi biển Pensacola và bờ biển Gulf Islands National Seashore. Đến cuối tháng 6, dầu lan tới vịnh Park Estates... Tính đến tháng 7-2011, khoảng 790km bờ biển ở tiểu bang Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida đã bị ô nhiễm dầu và tổng cộng 1.728km đã nhiễm dầu từ khi sự cố tràn dầu bắt đầu. Đến tháng 12-2012, khoảng 546km đường bờ biển vẫn cần được làm sạch. Sự cố tràn dầu đã khiến BP bị nêu danh trong giải Hành tinh Đen của Ethecon năm 2010.

3 năm sau sự cố, các nhà khoa học cho biết đã phát hiện những con cá có những khiếm khuyết. Theo những kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Đại học California, cùng các nhà nghiên cứu đến từ Louisiana và Nam Carolina, các phôi cá killifish tiếp xúc với trầm tích từ khu vực nhiễm dầu trong năm 2010 và 2011 có những bất thường trong quá trình phát triển, như nang, ruột và các cơ quan tim mạch của con cá có kích thước nhỏ hơn bình thường. Cá killifish là một loài chỉ thị môi trường, thường được sử dụng để dự đoán sự phơi nhiễm và các rủi ro về sức khỏe.

Tháng 9-2015, các nhà chức trách Hoa Kỳ công bố báo cáo điều tra đối với vụ tràn dầu năm 2010. Theo đó, trong những ngày trước khi xảy ra vụ việc, BP đã có nhiều quyết định sai lầm như phủ xi măng lên miệng giếng dầu tràn, cũng như trong quản lý và xử lý sự cố sau đó. Ngày 5-10-2015, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết BP chấp nhận nộp phạt 20,8 tỷ USD cho các thiệt hại do sự cố tràn dầu Deepwater Horizon. Ngoài ra, BP còn phải thanh toán 5,5 tỷ USD cho các hình phạt liên quan tới Đạo luật Nước sạch của liên bang. 5 bang bị ảnh hưởng trong sự cố tràn dầu là Alabama, Florida, Lousiana, Mississippi và Texas sẽ nhận được khoản tiền lớn để trang trải cho các thiệt hại liên quan. Ngoài các khoản nộp phạt, BP cũng mất 28 tỷ USD cho công tác dọn dẹp và đền bù sau sự cố tràn dầu.

Khủng hoảng hạt nhân Fukushima

Theo sau trận động đất và sóng thần Sendai vào tháng 3-2011, hàng loạt sự cố đã xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO). Sau đó, các sự cố khác cũng diễn ra tại nhà máy điện Fukushima 2 và Onagawa. Ngày 11-3-2011, Nhật Bản tuyên bố "tình trạng khẩn cấp điện hạt nhân". Chính quyền Fukushima đã cho di tản 45.000 người sống trong bán kính 20km xung quanh nhà máy số 1. Tại nhà máy số 2, chính quyền cho di tản dân cư trong khu vực bán kính 3km và khuyến cáo những người sống trong phạm vi 10km không nên rời khỏi nhà. Cả 2 nhà máy hạt nhân đều cách thành phố 30 triệu dân Tokyo khoảng 250km về hướng Đông Bắc. Ngày 11-4-2011, Cơ quan Năng lượng hạt nhân Nhật Bản xác định mức khủng hoảng sự cố Fukushima 1 ở mức 7, mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế. Vì thảm họa này, Ethecon đã chọn TEPCO làm chủ nhân giải Hành tinh Đen năm 2011.

Tháng 7-2012, một ủy ban điều tra của quốc hội Nhật Bản khẳng định sự cố Fukushima I là “thảm họa nhân tạo”, không chỉ do động đất/sóng thần gây ra. Báo cáo cuối cùng của Ủy ban Điều tra độc lập cho biết: “Sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima TEPCO là kết quả của sự thông đồng giữa chính phủ, những nhà quản lý và Công ty TEPCO. Chúng tôi tin rằng nguyên nhân cốt lõi do thiếu sự quản lý của các bên đối với các hệ thống điều khiển, không phải là những vấn đề liên quan đến năng lực của cá nhân cụ thể nào”. Một báo cáo trước đó của TEPCO cho rằng mức độ khủng khiếp của thảm họa động đất/sóng thần đã vượt qua sức tưởng tượng và họ không thể đoán trước được. Tuy nhiên, một nhóm các học giả và nhà báo độc lập đã đăng tải những phát hiện cho rằng TEPCO có thể và lẽ ra phải làm được nhiều hơn nữa.

Một con bồ nông bị dính dầu trong thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico.

Một con bồ nông bị dính dầu trong thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico.

Theo kết luận của Viện An toàn Hạt nhân Pháp (IRSN), vụ nhà máy Fukushima 1 bị sóng thần/động đất tàn phá đã đổ một lượng lớn chất caesium 137 vào biển và đây là vụ ô nhiễm phóng xạ hạt nhân ở đại dương lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, từ ngày 21-3 đến giữa tháng 7-2011 đã có 27,1 peta bequerel (đơn vị đo phóng xạ) chất phóng xạ caesium 137 tuôn vào biển. Caesium là một thành tố nguyên tử tan biến rất chậm, phải mất 30 năm mới giảm phân nửa tính phóng xạ của nó. Ngoài ra, IRSN còn phát hiện chất phóng xạ iodine 131 cũng đã tràn ra biển rất nhiều, dù 8 ngày sau giảm 50% mức hoạt động. Các dòng hải lưu phân tán caesium 137 khá mạnh, nhưng nó vẫn tồn tại khoảng 0,004 becquerel trong mỗi lít nước biển của Thái Bình Dương, tức cao gấp đôi so với thập niên 1960.

Theo sau thảm họa rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nhiều báo cáo cho biết một số loài thực vật, động vật trong khu vực xung quanh thảm họa đã phát sinh biến dị. Tính đến tháng 3-2016, Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết công tác xử lý ô nhiễm vẫn đang diễn ra tại 1/3 số thành phố bị ảnh hưởng. Một báo cáo của Đài NHK cho thấy trong số 43 thành phố tại tỉnh Fukushima, chỉ có 14 thành phố hoàn toàn sạch ô nhiễm. Còn theo thống kê của chính phủ Nhật Bản và Cơ quan Tái thiết, hơn 3.400 người sống sót sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011 đã qua đời vì những vấn đề sức khỏe liên quan đến thảm họa này, đa số ở tỉnh Fukushima. Các số liệu cho thấy 37% người dân bị giảm thu nhập, 22% hoàn toàn không có thu nhập, trong khi các sức ép chi tiêu hộ gia đình như ăn uống, đi lại và những vật dụng thiết yếu ngày càng tăng tại các khu vực bị ảnh hưởng. 

Các tin khác