Những “hành tinh đen” (K2): Nhà tài trợ hủy diệt

(ĐTTCO) - Năm 2013, giải Hành tinh Đen được trao cho các lãnh đạo và cổ đông chủ chốt của Ngân hàng Deutsche Bank (DB), bởi định chế này đã cấp ngân sách rất lớn cho các hoạt động hủy diệt trái đất như khai thác mỏ than, phá rừng, chiến tranh...

(ĐTTCO) - Năm 2013, giải Hành tinh Đen được trao cho các lãnh đạo và cổ đông chủ chốt của Ngân hàng Deutsche Bank (DB), bởi định chế này đã cấp ngân sách rất lớn cho các hoạt động hủy diệt trái đất như khai thác mỏ than, phá rừng, chiến tranh...

Ngày 22-5-2014, một số lượng lớn thành viên các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã biểu tình trước đại hội thường niên của DB ở Frankfurt, nhằm phản đối các chính sách kinh doanh phá hoại của ngân hàng. Họ cũng trao giải thưởng Hành tinh Đen cho DB. "Giải thưởng được trao cho 2 CEO Fitschen và Jain cũng như các cổ đông lớn của DB, vì họ đã tham gia bằng nhiều cách vào sự hủy diệt trái đất chúng ta, biến nó thành một hành tinh đen" - Axel Köhler Schnura của Tổ chức Ethecon nói. "Một ngân hàng tuyên bố hành động theo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội không thể tìm cách hưởng lợi từ các hoạt động làm thay đổi khí hậu nghiêm trọng, vi phạm nhân quyền và các thỏa thuận quốc tế về vũ khí” - Thomas Küchenmeister, Giám đốc Facing Finance, nói.

Làm đen trái đất

Các nhà môi trường đặc biệt là chỉ trích việc DB cung cấp tài chính cho các hoạt động khai thác mỏ than. "DB thích thể hiện như một nhà bảo vệ khí hậu và đại sứ khí hậu" - Heffa Schücking, Giám đốc tổ chức môi trường Urgewald, nói. "Đồng thời, nó lại là một trong những định chế cung cấp tài chính hàng đầu cho ngành công nghiệp than trên toàn thế giới. Từ năm 2005 đến tháng 1-2014, DB đã cung cấp cho các công ty than lớn trên toàn thế giới tới hơn 15 tỷ EUR. Họ không né tránh việc tài trợ các công ty gây tranh cãi như Coal India hay Glencore, tiếp tay cho họ tàn phá môi trường quy mô lớn và làm thay đổi khí hậu. Sự trái ngược giữa lời nói và hành động thực tế của DB đã đến lúc phải chấm dứt. DB phải tránh xa các dự án và các công ty phá hoại” - Schücking nói.

Từ hội nghị thượng đỉnh khí hậu Copenhagen đến Paris, các nhà băng đã hỗ trợ ngành than, một trong những ngành gây ô nhiễm nhất, với hàng trăm tỷ USD. Cụ thể, từ năm 2009 đến năm 2014, các ngân hàng đã tài trợ 257 tỷ USD cho ngành khai thác than. DB là 1 trong 10 ngân hàng đầu tư lớn nhất vào hoạt động khai thác than trên toàn thế giới, dù Đức là đất nước rất tích cực trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch. Trước áp lực chỉ trích và phản đối từ các nhà hoạt động môi trường nhiều năm qua, mãi đến ngày 15-3 vừa qua DB mới tuyên bố sẽ thay đổi chính sách về ngành than trong đại hội cổ đông mới đây. Trước đó, DB hoàn toàn thiếu các chính sách hạn chế kinh doanh với ngành công nghiệp than. Tuy nhiên, các biện pháp mới khá mơ hồ, nhiều lỗ hổng và bị giới hạn.

Trong 92 trang của một báo cáo phát triển bền vững DB chỉ dành một đoạn để nói đến việc thay đổi chính sách than. Theo đó, ngân hàng này sẽ dần rút vốn khỏi các dự án khai thác than theo kiểu “gọt núi”, tức khai thác hết mỏ than ngọn núi cũng bị san phẳng. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, khai thác than theo kiểu gọt núi chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong công nghiệp khai thác than hiện nay và đang giảm dần. Cụ thể, sản xuất than theo kiểu gọt núi đã giảm 62% trong 5 năm qua, chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng ở Hoa Kỳ năm 2014. Chính sách mới của DB không áp dụng cho phần lớn các khoản tài trợ trị giá 13,8 tỷ USD ngân hàng này đã chi cho ngành công nghiệp than trong vòng 5 năm qua. Ngoài ra, tuyên bố mới của DB không đặt bất kỳ khung thời gian cho việc rút vốn khỏi hoạt động khai thác than theo kiểu gọt núi. Đáng lưu ý, các ngân hàng lớn như Bank of America, Citigroup, JP Morgan, Wells Fargo... đã đưa ra chính sách rút vốn khỏi hoạt động khai thác than kiểu gọt núi từ nhiều năm trước và gần đây đã phát hành những cam kết giảm tài trợ cho ngành than nói chung.

Nuôi dưỡng bất ổn

DB cũng bị chỉ trích vì dự định tham gia dự án xây dựng cảng than ở Bờ Đông Australia, một cảng biển nước sâu chỉ cách rạn san hô lớn nhất trái đất Great Barrier Reef 50km. Tony Brown, Chủ tịch Whitsunday Charter Boat Industry Association, nói: “DB không nên xem xét hỗ trợ tài chính cho việc mở rộng cảng than vì các vấn đề về môi trường”. Trước áp lực lớn của các nhà hoạt động môi trường, DB đã quyết định không cấp vốn cho dự án này. Tuy nhiên, DB tham gia tài trợ cho các nhà sản xuất vũ khí lớn - sản xuất vũ khí hạt nhân và máy bay không người lái. Vì vậy, ngân hàng này đã thu lợi lớn từ các giao dịch vũ khí toàn cầu. Theo trang BankTrack, mối quan hệ kinh doanh của DB với các nhà sản xuất vũ khí hạt nhân lên tới gần 3 tỷ EUR. Ngân hàng dường như không nhắm đến mục tiêu giải trừ quân bị toàn cầu "Global Zero", vốn được chính phủ liên bang Đức ủng hộ.

Liên minh các NGO cũng chỉ trích việc DB cung cấp các dịch vụ tài chính cho các công ty dầu cọ như Wilmar International chiếm đoạt đất đai của người dân ở Indonesia, Uganda, Nigeria và Liberia. Theo một nghiên cứu mới của tổ chức môi trường Friends of the Earth ở Indonesia, Liberia, Uganda và Nigeria, Wilmar vẫn tiếp tục các hoạt động phá rừng và chiếm đất, bất chấp lời hứa sẽ dừng lại. Năm 2013, Wilmar công bố chính sách mới: "Không phá rừng, không than bùn, không khai thác". Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho biết công ty này vẫn tiếp tục các hoạt động phá rừng và chiếm đất, mâu thuẫn với chính sách mới của họ. Tại Indonesia, Wilmar tiếp tục mua dầu cọ từ Bumitama Agri, đang vận hành một trang trại trồng cọ không có giấy phép. Tại Nigeria, Wilmar vẫn lấy đất rừng trong vùng lân cận của khu bảo tồn AFI, gần Công viên Quốc gia Okwangwo Cross River, trong đó có những vạt rừng có giá trị bảo tồn cao.

Hoạt động khai thác than đã khiến cả thị trấn Mud (Tây Virginia, Hoa Kỳ) phải dời đi do lở đất.
Hoạt động khai thác than đã khiến cả thị trấn Mud (Tây Virginia, Hoa Kỳ) phải dời đi do lở đất.

Sự tham gia liên tục của DB trong đầu cơ thực phẩm cũng nhận nhiều chỉ trích. Theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), giá lương thực đã tăng lên mức cao kỷ lục năm 2013. Các tổ chức phát triển và định chế đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng việc thâu tóm hàng hóa tương lai của các ngân hàng có ảnh hưởng lớn đến giá thực phẩm và có thể đẩy giá lương thực lên. David Hachfeld, chuyên gia đầu cơ lương thực tại Oxfam, nói. "Trong khi các ngân hàng khác đã giảm mảng kinh doanh này, DB vẫn cung cấp vốn cho khách hàng đầu tư đặt cược vào việc giá các mặt hàng nông sản sẽ tăng cao. Nếu giá nông sản bùng nổ, người dân ở các nước đang phát triển có thể không còn khả năng mua thức ăn”.

(Còn tiếp)

Các tin khác