Đô thị TPHCM: Tiến ra biển hay hướng Đông?

(ĐTTCO) - Tiến ra biển là một trong những hướng phát triển chính của TPHCM trong Quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, xây dựng một TP hướng ra phía biển trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng không phải là một điều dễ dàng.

(ĐTTCO) - Tiến ra biển là một trong những hướng phát triển chính của TPHCM trong Quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, xây dựng một TP hướng ra phía biển trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng không phải là một điều dễ dàng.

Bất lợi khi tiến ra biển Đông

Thực tế, từ những năm 1990, chính quyền TPHCM đã có chủ trương phát triển TP  ra hướng Nam. Chính quyền TPHCM đã biến một khu vực rộng lớn hàng ngàn ha đất bỏ hoang (vì nhiễm phèn) ở phía Nam TP  trở thành khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Hiệp Phước, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, khu đô thị Phú Mỹ Hưng... Tuy nhiên, theo các chuyên gia đô thị, cần xem lại hướng phát triển ưu tiên của đô thị TPHCM trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Bởi lẽ, phía Nam TP là khu vực thấp nhất của đô thị - cửa thoát nước của đô thị ra biển Đông - nên khi khu vực này bị đô thị hóa nhanh, thiếu thận trọng (xóa bỏ thảm thực vật, lấp kênh rạch xây công trình), đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thoát nước của đô thị - cản trở dòng chảy. Bằng chứng là thời gian ngập úng đô thị (khi có mưa lớn hoặc triều cường dâng cao) hiện nay dài hơn trước đây.

Phát triển đô thị hướng ra biển là hướng đi đúng của TP. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, chiến lược và biện pháp thực hiện phải hợp lý, có tầm nhìn xa, quan trọng nhất là TP không phải chịu cảnh ngập lụt và môi trường sinh thái được bảo đảm.

Chưa kể, phần lớn khu vực phía Nam TP có cao độ bằng 0 (bằng mực nước biển), khi mực nước biển dâng cao hay mưa lớn đều tác động trực tiếp đến khu vực này. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, do biến đổi khí hậu, các cơn mưa kéo dài (vũ lượng trên 1.000mm) trên địa bàn TPHCM xuất hiện nhiều hơn; đồng thời mực triều cường cũng liên tục tăng cao (năm 2010: 1,45m; 2013: 1,5m; 2015: 1,68m) đã gây ngập nặng tại quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh... Vì vậy, TPHCM cần thận trọng khi quy hoạch phát triển một đặc khu kinh tế tại khu vực phía Nam như dự định. Bởi trước đây, năm 2004, dự án TP cảng Hiệp Phước cũng đã được quy hoạch tại khu vực phía Nam, nhưng đến nay câu hỏi bao giờ khu vực này chìm trong nước vẫn ám ảnh các nhà đầu tư nên dự án vẫn bất động.

 GS. Volker Martin, Đại học Brandenburg (Đức), một chuyên gia về quy hoạch đô thị, cho rằng hướng Nam và khu vực phía Nam của TP cần hạn chế phát triển đô thị, chỉ nên xây dựng một số khu dân cư có độ nén cao phục vụ cho hoạt động của hệ thống cảng biển Hiệp Phước. “Không nên xây dựng dàn trải, vừa tốn kinh phí xử lý nền móng vừa lấn chiếm hết đất của hệ thống kênh rạch... Và nên nhớ, hướng Nam là hướng thoát nước cho toàn bộ TP” - ông nói. Trong bài viết của mình về khu Nam Sài Gòn, ông Volker Martin nhận định: “Mối nguy hiểm trong tương lai cho Phú Mỹ Hưng không phải là tiếng ồn mà là khả năng dễ bị tổn thương khi mực nước biển dâng. Đây là một thách thức lớn cho sự an toàn của Phú Mỹ Hưng cũng như khu vực lân cận ở phía Nam vốn có nền đất thấp bằng mực nước biển”.

Dự án mở rộng đường Rừng Sác - Cần Giờ lên đến 6 làn xe để mở đường ra biển đã hoàn thành giai đoạn 1. Bên cạnh đó, dự án Khu công nghiệp - đô thị - cảng Hiệp Phước sau khi hoàn thành, cùng với việc thông xe tuyến đường Bắc - Nam giai đoạn 2 kết nối trung tâm TP với cụm cảng này trong thời gian chỉ 30 phút, đã mở ra bước phát triển mới cho TPHCM hướng ra biển. Tuy vậy, nhiều chuyên gia lại cho rằng vùng trũng cũng chính là ưu thế của TPHCM biến nguy cơ thành cơ hội. Trong chiến lược phát triển, TPHCM đã tính đến điều này và chia ra từng vùng để quy hoạch chiều cao đất xây dựng. Theo đó, cao độ xây dựng sẽ từ 2-2,5m. Theo bà Vũ Thúy Hải, Phân viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), cao độ xây dựng theo quy hoạch đã được căn cứ trên dữ liệu thống kê tần suất ngập hiện có, trên mực nước biển dâng đến năm 2025 cộng thêm phần an toàn. Khi đó, khu đô thị mới sẽ được xây dựng trên phần cao độ được thiết kế này; còn đối với phần đô thị hiện hữu là bài toán chống ngập đang được giải quyết với giải pháp đê bao ngăn triều, cống…

 Thuận lợi hướng Đông?

Thực ra, đô thị TPHCM được quy hoạch phát triển về các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và cả hướng lên trời và ngầm xuống đất. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là trong từng thời điểm phải xác định được hướng nào cần ưu tiên phát triển trước (theo nguyên lý, vùng nào thuận lợi sẽ phát triển trước); nếu không sẽ mất chủ động trong quản lý (tập trung đầu tư vào khu vực chưa cần đầu tư, đầu tư tràn lan... kém hiệu quả kinh tế). Trong giai đoạn hiện nay, ông Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TPHCM, và KTS. Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch TPHCM, đều có quan điểm và đề xuất: coi hướng Đông là địa bàn phát triển chủ đạo của đô thị TPHCM trong giai đoạn tới.

Hướng Đông là địa bàn có rất nhiều tiềm năng phát triển. Cơ sở khoa học và pháp lý cho sự phát triển của khu vực này đã được xác lập. Vấn đề còn lại là chính quyền TP cần có những chính sách và giải pháp phù hợp để khai thông các tiềm năng.

Theo đó, về đặc điểm tự nhiên, khu vực phía Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, có địa hình khá phong phú so với các khu vực khác và ít chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Vùng cao nằm ở Đông Bắc quận 9 và Thủ Đức có độ cao trung bình 10-25m so với mực nước biển. Vùng thấp nằm giáp với sông Sài Gòn và sông Đồng Nai có cao độ trung bình 1m và có cảnh quan sông nước rất đặc trưng (ngoài sông Sài Gòn và Đồng Nai còn có sông Tắc, Rạch Chiếc, rạch Ông Nhiêu...). Theo quy hoạch vùng TPHCM, hướng Đông sẽ kết nối với đô thị Biên Hòa, Nhơn Trạch, Dầu Giây (Đồng Nai); Long Hải, Vũng Tàu... (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngoài ra, hướng này có quy mô đất lớn, địa hình cao, nền đất cứng... rất thuận lợi phát triển các khu đô thị. Hơn nữa, trong khu vực hướng Đông cũng có nhiều dự án công trình giao thông lớn như sân bay Long Thành, cảng Cái Mép, Thị Vải...

 Chưa kể, theo quy hoạch chung xây dựng TPHCM, khu vực phía Đông đang xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, khu đại học quốc gia, khu công viên lịch sử văn hóa các dân tộc, khu thể dục thể thao Rạch Chiếc... Hiện một số công trình giao thông trọng điểm kết nối khu vực này với trung tâm TPHCM đã được đầu tư, như: Đại lộ Đông Tây - Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đường vành đai phía Đông (cầu Phú Mỹ nối Nguyễn Văn Linh qua quận 2, quận 9), tuyến metro số 1... Trong tương lai gần, giao thông khu vực phía Đông sẽ rất thuận lợi cho đầu tư và phát triển đô thị.

Thuận lợi để phát triển đô thị TPHCM ra hướng Đông là cơ sở hạ tầng đang dần hoàn chỉnh và đặc biệt là tuyến metro trên cao từ TPHCM ra Suối Tiên đang gấp rút thi công. Ảnh: LONG THANH

Thuận lợi để phát triển đô thị TPHCM ra hướng Đông là cơ sở hạ tầng đang dần

hoàn chỉnh và đặc biệt là tuyến metro trên cao từ TPHCM ra Suối Tiên đang gấp rút thi công.

Ảnh: LONG THANH

Tuy nhiên, ngoại trừ một số tuyến đường chính, nút giao thông lớn và vài dự án nhỏ, cục bộ, về cơ bản hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội của khu vực này vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa tạo kết nối tốt với các đô thị xung quanh; quy hoạch xây dựng còn nhiều bất cập, đầu tư dàn trải, chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan còn hạn chế, còn tình trạng phát triển tự phát... Vì vậy, để phía Đông trở thành khu vực phát triển chủ đạo của đô thị - xây dựng nơi đây thành vùng đô thị hóa mạnh mẽ, theo hướng hiện đại, đa chức năng và đóng vai trò trung tâm dịch vụ cho sự phát triển của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hầu hết các chuyên gia đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch khu vực này theo hướng quy hoạch phân khu (không giới hạn địa giới hành chính); đẩy mạnh các dự án hạ tầng giao thông kết nối; xây dựng kế hoạch phát triển đô thị có sự phối hợp đa ngành; tăng cường thu hút đầu tư vào các dự án thương mại, dịch vụ cùng với các dự án phát triển đô thị quy mô lớn...

Các tin khác