Ngành phần mềm VN tăng trưởng mạnh

(ĐTTCO)-Ngành phần mềm phát triển sôi động cả về quy mô, số lượng công ty làm dịch vụ gia công phần mềm với nước ngoài.

(ĐTTCO)-Ngành phần mềm phát triển sôi động cả về quy mô, số lượng công ty làm dịch vụ gia công phần mềm với nước ngoài.

 

Trong 5 năm, từ 2011 - 2015, sự suy giảm chung của kinh tế thế giới và khó khăn kinh tế trong nước đã khiến ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam sụt giảm nhiều về tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó lại ghi nhận sự phát triển sôi động cả về quy mô, số lượng công ty làm dịch vụ gia công phần mềm với nước ngoài.

Theo Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), từ 2011 - 2015, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam vẫn duy trì đạt mức tăng trưởng ở mức 10 - 15%/năm.

Đáng chú ý, tuy có sự chững lại của thị trường trong nước nhưng lại ghi nhận sự phát triển sôi động cả về quy mô, số lượng công ty làm dịch vụ gia công phần mềm với nước ngoài. Thị trường xuất khẩu của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đạt tốc độ phát triển từ 30 - 40%/năm.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp công nghệ thông tin đang chủ động đón bắt làn sóng chuyển dịch thị trường dịch vụ gia công phần mềm của các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản. Hiện, Việt Nam là đối tác tin cậy của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu vẫn duy trì tăng trưởng 20 - 30%/năm.

“Các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam ở tầm nhỡ nhỡ nên phù hợp cả về công nghệ và giá đối với một số thị trường quốc tế. Ở đó các doanh nghiệp có lợi thế vì Việt Nam là nước phát triển công nghệ thông tin mà giá lại cạnh tranh. Đây cũng là những môi trường cạnh tranh không quyết liệt, đi lại dễ dàng để có thể lan ra các nước khác.

Tuy nhiên, cái khó ở thị trường nước ngoài là thái độ làm việc. Tuân thủ nghiêm túc chất lượng và thực tiễn kinh doanh, môi trường làm việc. Điều này có nghĩa chúng ta phải thay đổi bản thân nhiều hơn là khó khăn từ công việc và thị trường”, ông Bình cho biết.

Doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam đã tăng từ 2 tỷ USD năm 2010 lên trên 3 tỷ USD năm 2015. Dự kiến nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ cần khoảng 400.000 người trong khi toàn bộ hệ thống giáo dục hiện chỉ có thể cung ứng khoảng 250.000 người.

Các tin khác