Đâu chỉ người tiêu dùng hưởng lợi

(ĐTTCO) - Khi thị trường bán lẻ được mở cửa hoàn toàn, các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới sẽ ào ạt vào Việt Nam. Thực tế này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa, nhưng bù lại người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

(ĐTTCO) - Khi thị trường bán lẻ được mở cửa hoàn toàn, các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới sẽ ào ạt vào Việt Nam. Thực tế này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa, nhưng bù lại người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Bởi lẽ, đối với người tiêu dùng, chuyện Metro bị, hay được, doanh nghiệp Thái Lan mua lại, để trở thành Công ty TNHH MM Mega Việt Nam, hay Big C Việt Nam cũng vừa đổi chủ (cũng là doanh nghiệp Thái Lan), thì điều đó cũng không quan trọng bằng chất lượng dịch vụ, hàng hóa mà các siêu thị này mang lại. Và nay, không chỉ Big C, Metro, đã xuất hiện thêm nhiều cái tên khác như Lotte, Aeon và dự kiến sẽ còn thêm nhiều ông lớn bán lẻ khác đang nhăm nhe nhảy vào thị trường Việt Nam.

Thực tế đã cho thấy sự có mặt của các doanh nghiệp bán lẻ lớn từ nước ngoài đã mang đến cho người tiêu dùng nhiều lợi ích. Còn nhớ thời gian đầu hoạt động của 2 đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ là Big C và Metro đã mang đến một luồng gió mới, khiến không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi mà cả những đại diện kênh phân phối nhỏ lẻ trung gian cũng có phần lợi ích. Vẫn những hàng hóa đó, nhưng hàng chục ngàn khách hàng được cấp thẻ hội viên Metro luôn có quyền mua được hàng với giá thấp hơn thị trường bên ngoài 10-15%. Sự bùng nổ của các hoạt động bán lẻ và phân phối bán lẻ cũng tạo sự cạnh tranh khá gay gắt giữa các bên bán lẻ khiến không còn tình trạng độc quyền để hưởng lợi nhuận cao như trước.

Tuy vậy, đâu chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh, từ cung cách bán hàng mới, mà sâu xa ra, cả nền kinh tế cũng có những lợi ích nhất định. Bởi các doanh nghiệp ngoại vẫn phải bán các sản phẩm trong nước, không thể bán 100% sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có công cụ kiểm soát được hoạt động của họ. Trong bối cảnh Việt Nam đã “hòa mạng” thương mại quốc tế, chuyện doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào thị trường nội địa là điều hết sức bình thường. Vì thế, các doanh nghiệp trong nước, dù có lợi thế “sân nhà”, “khán giả nhà” nhưng không tận dụng được lợi thế đó chỉ nên trách mình. Hiện nay, với những hiệp định thương mại, những định chế quốc tế Việt Nam đã và sẽ tham gia, doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải chấp nhận cuộc chơi, bắt buộc phải đổi mới, thay đổi cung cách phục vụ mới hòng có phần.

Có thể có ai đó tỏ ra lo ngại sự "xâm lăng" của hàng hóa nước ngoài hay khả năng thị trường bán lẻ trong nước bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Nhưng xét ở góc độ khác, đây cũng là động lực để các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị cũng như những người sản xuất hàng hóa trong nước đổi mới và tiếp thu những tiến bộ của thế giới trong hoạt động thương mại, từ khâu sản xuất, cung ứng đến phân phối, lưu thông. Nền sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo các tiêu chuẩn thương mại sẽ khó có đất để tồn tại. Có thể nói, sớm hay muộn, chợ truyền thống với kiểu buôn bán tùy tiện xưa nay sẽ dần nhường chỗ cho siêu thị. Người nông dân muốn cung cấp hàng cho siêu thị cũng sẽ phải liên kết với nhau và buộc phải sản xuất quy củ, bài bản hơn.

(Hà Nội)

Các tin khác