Cần làm rõ trách nhiệm về ATTP

Biết thế, nhưng người dân vẫn cứ phải nhắm mắt để ăn những loại thực phẩm không an toàn, vì không ăn không được. Còn người sản xuất vì lợi nhuận cũng sẵn sàng bất chấp các quy định của pháp luật, bất chấp các quy chuẩn về đạo đức xã hội để sản xuất và đem bán những thực phẩm độc hại ra thị trường. Các doanh nghiệp, cũng vì siêu lợi nhuận mà sẵn sàng đầu độc người tiêu dùng bằng chất cấm, bằng hóa chất…

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết từ Chính phủ đến các ban, ngành, địa phương đang thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc lập lại trật tự công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Thực tế chưa khi nào vấn đề ATTP lại gây lo lắng, bất an cho người dân như hiện nay. Thậm chí, trên nghị trường Quốc hội, một đại biểu từng nói rằng: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại gần như hiện nay”.

Biết thế, nhưng người dân vẫn cứ phải nhắm mắt để ăn những loại thực phẩm không an toàn, vì không ăn không được. Còn người sản xuất vì lợi nhuận cũng sẵn sàng bất chấp các quy định của pháp luật, bất chấp các quy chuẩn về đạo đức xã hội để sản xuất và đem bán những thực phẩm độc hại ra thị trường. Các doanh nghiệp, cũng vì siêu lợi nhuận mà sẵn sàng đầu độc người tiêu dùng bằng chất cấm, bằng hóa chất…

Nghiêm trọng, bất an là thế, nhưng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng phải nói là chậm trễ và thiếu sự quyết liệt. Đơn cử như trong việc nhập khẩu chất salbutamol, mặc dù nhu cầu để làm thuốc chữa bệnh mỗi năm chỉ là vài kg. Nhưng các cơ quan chức năng không hiểu do làm ngơ, buông lỏng trách nhiệm hay vì lợi ích nào đó mà để cho các đơn vị nhập khẩu đến 10 tấn. Để rồi rất nhiều trong số đó được bán ra ngoài để người chăn nuôi biến nó thành chất tạo nạc. Chỉ đến khi dư luận vào cuộc, xã hội phản ứng mạnh mẽ thì các bộ, ngành mới vội vã vào cuộc có biện pháp ngăn chặn và xử lý…

Điều đáng nói nữa là đang có những khoảng trống rất lớn về trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan quản lý trong quản lý ATTP. Do đó, dù chất cấm có bày bán công khai; lợn, gà, cá, tôm có tha hồ sử dụng kháng sinh, chất tạo nạc; rau phun chất kích thích xanh mướt… cũng chẳng có cá nhân quản lý nào bị quy kết trách nhiệm. Vậy mà, khi được hỏi về trách nhiệm trong công tác quản lý vệ sinh ATTP, cả 3 bộ Công Thương, Y tế, Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đều thừa nhận chưa bao giờ có văn bản gửi chính quyền địa phương yêu cầu xử lý cán bộ vì thiếu trách nhiệm trong quản lý vệ sinh ATTP. Theo tôi, đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất vệ sinh ATTP như hiện nay.

Mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã thẳng thắn tuyên bố, nếu không làm rõ được trách nhiệm, khó tạo ra sự chuyển biến về công tác vệ sinh ATTP. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, phải quy trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra tình trạng vi phạm vệ sinh ATTP. Tôi rất tâm đắc động thái này. Đã đến lúc người đứng đầu chính quyền địa phương và các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm về ATTP trên địa bàn mình. Bởi lẽ, không thể để vấn đề lớn như thế, dân đang kêu mà chỉ xử lý chung chung, không ai chịu trách nhiệm.

Cụ thể, theo tôi cần xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm ATTP. Các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác này. Bên cạnh đó, phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý ATTP, nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, trước mắt lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể, nhất là thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát nhằm tạo chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP.

(TPHCM)

Các tin khác