Vấn nạn chuyển giá lách thuế

(ĐTTCO) - Sau hành động “bỏ trốn” của các ông chủ doanh nghiệp (DN) FDI dường như loại hình DN này còn vướng nhiều vấn đề, khi báo chí liên tục đưa tin về các sai phạm liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế. Có khá nhiều nghịch lý khi các DN FDI liên tục báo lỗ trong khi lại mở rộng sản xuất kinh doanh, bởi do hầu hết đều được hưởng ưu đãi về thuế suất và hỗ trợ đầu tư.

(ĐTTCO) - Sau hành động “bỏ trốn” của các ông chủ doanh nghiệp (DN) FDI dường như loại hình DN này còn vướng nhiều vấn đề, khi báo chí liên tục đưa tin về các sai phạm liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế. Có khá nhiều nghịch lý khi các DN FDI liên tục báo lỗ trong khi lại mở rộng sản xuất kinh doanh, bởi do hầu hết đều được hưởng ưu đãi về thuế suất và hỗ trợ đầu tư.

Kẽ hở trong luật?

Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, một DN FDI hàng đầu trong thị trường nước giải khát sau 20 năm báo lỗ đến năm 2014 đã công bố có lãi và đóng khoản thuế 20 triệu USD tại Việt Nam. Nguyên nhân thua lỗ được phía DN đưa ra do chi phí nguyên phụ liệu nhập từ công ty mẹ có giá rất cao, chiếm tới 70-85% giá vốn. Nhiều ý kiến cho rằng đây là thủ thuật chuyển giá. Thực ra chuyển giá là việc các DN, chi nhánh DN ở các quốc gia khác nhau thực hiện thay đổi giá một cách bất thường, lên cao hoặc xuống thấp trong giao dịch xuất, nhập khẩu nhằm hưởng lợi về thuế (không phù hợp với giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra thông thường). Trên thực tế, khi một DN có hành vi chuyển giá có thể kết luận là trốn thuế, nếu có đủ các tài liệu chứng cứ liên quan.

Vậy yếu tố và hình thức thông thường để nhận định có sự chuyển giá tại DN như thế nào? Thứ nhất, lỗ trên 3 năm hoặc lỗ âm nguồn vốn chủ sở hữu nhưng vẫn hoạt động và tăng doanh thu, tăng quy mô. Thứ hai, hiệu quả kinh doanh không đáng kể nhưng luôn có sự tài trợ từ các khoản vay của các công ty liên kết giao dịch, công ty mẹ hoặc các chủ sở hữu phần góp vốn. Thứ ba, công ty chỉ có một khách hàng hoặc vài khách hàng trong nhiều năm liên tục, thường bán sản phẩm chỉ bằng giá thành sản xuất không bao gồm chi phí quản lý, chi phí bán hàng…

Có nhiều hình thức thực hiện chuyển giá trong phát sinh mối quan hệ liên kết, như chuyển giá thông qua việc đầu tư vốn bằng tài sản và mua tài sản cố định với giá cao. Chuyển giá thông qua việc mua nguyên vật liệu với giá cao hơn giá bán buôn thông thường. Chuyển giá thông qua việc sản phẩm sản xuất trong nước nhưng xuất khẩu rồi lại nhập khẩu, sau đó bán trong nước sản xuất dưới tên một công ty khác trong mối liên kết… Hiện tại cơ sở pháp lý để xác định giá thị trường có liên quan đến hành vi chuyển giá chủ yếu là nội dung trong Thông tư 66/2010/TT-BTC ban hành 22-4-2010, hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Tuy nhiên, có nhiều lý do để việc xử lý của cơ quan quản lý thị trường và thanh tra thuế chưa được thực hiện triệt để. Có thể do các quy định chưa được cụ thể về các hành vi vi phạm và chưa phân định rõ đơn vị chịu trách nhiệm xử lý. Vì chưa có kết luận chính xác nào về việc áp dụng biện pháp chuyển giá để giảm khoản thuế phải đóng, nên các DN hiện nay thường đi theo xu hướng áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để giảm chi phí trong kinh doanh.

Coca Cola sau 20 năm báo lỗ đến năm 2014 đã công bố có lãi và đóng thuế 20 triệu USD.

Coca Cola sau 20 năm báo lỗ đến năm 2014 đã công bố có lãi và đóng thuế 20 triệu USD.

Có quá ưu đãi?

Theo chính sách hiện hành, các DN FDI được dành khá nhiều ưu đãi. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn một vài vấn đề. Đơn cử, một DN hội viên của Amcham VietNam đăng ký hoạt động ở TPHCM cách đây 11 năm và sau đó mở nhà máy ở Cần Thơ, đã gặp phải khá nhiều nhập nhằng khi đăng ký ưu đãi thuế ở Cần Thơ nhưng lại không được cơ quan đăng ký ưu đãi thuế tại TPHCM công nhận hiệu lực. Đây là một thí dụ về bất cập trong quản lý, nhưng nhìn ở một khía cạnh mở rộng hơn, mỗi DN FDI cần phải nắm rõ phạm vi được hưởng ưu đãi để tự chủ động trong mọi trường hợp.

Hiện tại, Luật Đầu tư 2014 được điều chỉnh rộng hơn, khuyến khích không chỉ các đầu tư lĩnh vực, địa bàn ưu đãi, mà còn khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Cụ thể một vài trường hợp dự án đầu tư được hưởng ưu đãi như DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư… Ngoài ra lĩnh vực được ưu đãi đầu tư mở rộng, tăng từ 7 lên 13 lĩnh vực. Địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; hoặc khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Tùy theo tính chất từng dự án sẽ được hưởng các hình thức ưu đãi khác nhau như: áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn, hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập DN; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư; hoặc miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

Thời gian qua, các DN FDI thường mắc phải nhiều nghi án chuyển giá và trốn thuế. Bên cạnh những lợi nhuận lớn không thể phủ nhận, hành vi này chắc chắn sẽ mang lại rủi ro do trực tiếp tác động vào thị hiếu người tiêu dùng và đánh giá của dư luận, đồng thời phải chịu chế tài pháp luật xử lý. Trong trường hợp cần thiết, các chủ DN cần có sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý để vận hành DN theo hướng đúng đắn nhất. 

Các tin khác