PLC sẽ khó khăn trong 2016

(ĐTTCO) - CTCP Hóa dầu Petrolimex (PLC) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hóa dầu trong nước nhờ thị phần và quy mô lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi thế này đang dần mất đi và dự báo PLC sẽ không dễ dàng đạt được mục tiêu trong năm 2016.

(ĐTTCO) - CTCP Hóa dầu Petrolimex (PLC) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hóa dầu trong nước nhờ thị phần và quy mô lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi thế này đang dần mất đi và dự báo PLC sẽ không dễ dàng đạt được mục tiêu trong năm 2016.

Áp lực chi phí tài chính

Theo BCTC quý IV-2015, doanh thu thuần cả năm của PLC đạt 6.196 tỷ đồng (tăng 1,6% và đạt 114,3% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 328,6 tỷ đồng (tăng 23,1% và đạt 120,4% kế hoạch). Lợi nhuận từ mảng nhựa đường tăng trưởng đủ để bù đắp cho sự sụt giảm của kinh doanh dầu nhờn và hóa chất, giúp cho doanh thu tiếp tục tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.

Cơ hội đầu tư vào PLC chỉ rõ nét kể từ nửa cuối năm 2017, khi chu kỳ tăng của mảng nhựa đường quay trở lại. Tuy nhiên, với NĐT dài hạn, mức cổ tức tiền mặt của công ty tiếp tục được duy trì ở mức cao (tối thiểu đạt 20%) thì PLC cũng là mã CP đáng để xem xét ở thời điểm hiện tại.

Biên lợi nhuận gộp tiếp tục mở rộng từ 15% lên 18%, giúp cho lợi nhuận sau thuế tăng nhanh hơn so với doanh thu thuần. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự thành công này là doanh thu từ mảng nhựa đường tiếp tục tăng trưởng tích cực (tăng 9,2%) nhờ các dự án giao thông trọng điểm đang thi công ở giai đoạn cuối cùng với nhu cầu sử dụng nhựa đường lớn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ. Thêm vào đó, nhờ nguồn vốn đầu tư xây dựng giao thông đa dạng (trái phiếu chính phủ, ODA), nhiều dự án được đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân, giúp cho chu kỳ nhập nhựa đường từ các dự án được rút ngắn.

 Nếu nhìn vào những con số này có thể đánh giá năm 2015 là năm thành công với PLC, nhưng nếu soi kỹ NĐT sẽ thấy những dấu hiệu bất ổn. Chẳng hạn, doanh thu từ mảng dầu nhờn suy giảm (giảm 9,3%) do hợp đồng pha chế nhớt thuê của PLC với Nippon Oil (Nhật Bản) đã chấm dứt từ năm 2014 và giá bán thành phẩm sụt giảm do ảnh hưởng từ giá dầu. Dấu hiệu bất ổn này đã phần nào được thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I-2016 được PLC công bố tại ĐHCĐ được tổ chức vào trung tuần tháng 4. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý I-2016 của PLC chỉ đạt 43 tỷ đồng (giảm 27,1%). Trong đó, phần lớn lợi nhuận đến từ mảng dầu nhờn và mảng nhựa đường được ước tính đang hoạt động ở mức hòa vốn và mảng hóa chất vẫn tiếp tục trong tình trạng khó khăn khi lỗ nhẹ. Theo giải trình của PLC, nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng hạ tầng đang chậm lại, nguồn vốn giải ngân mới vào các dự án không nhiều trong 3 tháng đầu năm, khiến cho nhu cầu đối với sản phẩm nhựa đường giảm mạnh so với cùng kỳ. Đồng thời giá nhựa đường phản ứng khá chậm khi giá dầu phục hồi trong quý I khiến lợi nhuận thu hẹp.

Đáng chú ý cơ cấu nguồn vốn của PLC trở nên mất cân đối trong năm 2015 khi tăng cường vay nợ ngắn hạn để tài trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu nhựa đường tăng đột biến. Tính tới thời điểm cuối năm 2015, dư nợ vay ngắn hạn 2.510,1 tỷ đồng (tăng 118,3%) khiến cho tỷ lệ dư nợ vay/tổng tài sản tăng mạnh từ 32,1% (năm 2014) lên 61,2% (năm 2015). Bên cạnh đó, PLC cũng sử dụng các khoản vay bằng ngoại tệ (USD) để tài trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu nhựa đường. Theo nhận định của CTCK Vietcombank (VCBS), việc sử dụng đòn bẩy cao, đặc biệt tại các khoản vay nợ ngắn hạn, cùng với dư nợ ngoại tệ lớn trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá đang có xu hướng tăng, sẽ tạo ra thêm áp lực từ chi phí tài chính trong năm 2016. Với việc sử dụng đòn bẩy cao và dư nợ ngoại tệ lớn, áp lực từ chi phí tài chính trong năm 2016 của PLC sẽ tăng lên cùng với lộ trình tăng lãi suất và sự mạnh lên của đồng USD trong năm nay. Ước tính, chỉ cần tỷ giá USD/VNĐ tăng 1% lỗ từ chênh lệch tỷ giá của PLC sẽ tăng lên 25 tỷ đồng.

Quang cảnh ĐHCĐ 2016 của PLC.

Quang cảnh  ĐHCĐ 2016 của PLC.

Lo ngại công nợ

Tại ĐHCĐ, cổ đông chất vấn lãnh đạo PLC về hiện tượng tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng mạnh. Theo thống kê, tổng lượng nợ quá hạn trong năm 2015 lên tới 733,9 tỷ đồng (tăng 44,3%) trên tổng số 1.191 tỷ đồng phải thu từ khách hàng. Trong đó, PLC đã thận trọng đánh giá có thể thu hồi được 530,8 tỷ đồng và đã trích lập đầy đủ 203,1 tỷ đồng dự phòng cho các khoản chịu rủi ro không thu hồi được. Theo ý kiến từ lãnh đạo PLC, việc nợ xấu lớn là đặc thù của ngành do quy trình giải ngân tại các công trình thường diễn ra phức tạp dẫn tới việc chậm trễ trong thanh toán. Trong lịch sử, tốc độ giải ngân vốn đầu tư rất tốt nhưng tỷ lệ nợ khó đòi vẫn tăng mạnh. Hơn nữa, khách hàng chủ yếu của PLC là các công ty thi công thuộc nhà nước, do đó rủi ro về công nợ được đánh giá không quá cao.

Những năm gần đây, PLC đã đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để tận dụng cơ hội từ các thị trường mới nổi như Lào, Campuchia hay Myanmar. Kể từ quý IV-2015, PLC đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nhựa đường sang Lào để đón đầu các dự án đầu tư công chuẩn bị hoàn thiện, đồng thời bù đắp cho sự giảm sút của nhu cầu tiêu thụ trong nước. Thế nhưng, do PLC vẫn chưa có kho tích trữ nhựa đường nóng tại Lào khiến cho việc bán hàng khá thụ động và tốn kém chi phí vận chuyển. Ở thị trường Campuchia, hoạt động không được thuận lợi như ở Lào khi thị trường nhựa đường nóng tại đây đã bị Thái Lan chiếm lĩnh, chỉ còn dư địa cho các sản phẩm nhựa đường nhũ tương và Polymer để PLC có thể thâm nhập. Thậm chí, các doanh nghệp Thái Lan còn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của PLC ngay tại thị trường Việt Nam. Điển hình là việc đại gia ngành nhựa đường Thái Lan Tipco Asphalt Pcl (TASCO) lên kế hoạch mua lại 41 nhà máy sản xuất tại Việt Nam và Indonesia trong năm 2016 để mở rộng địa bàn ra khu vực ASEAN. Tại Việt Nam, TASCO đã bỏ ra 61,8 triệu USD để mua lại Colas S.A (Pháp). Ông Vũ Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PLC, thừa nhận PLC yếu thế về vốn so với các doanh nghiệp ngoại vì họ sử dụng tín dụng bằng USD có lãi suất thấp từ nước ngoài.

Các tin khác