Hoàn thiện thể chế, gỡ bỏ rào cản

(ĐTTCO) - Chính phủ đang quyết liệt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách nhất định. Làm gì để tháo gỡ, dần xóa những khoảng cách này? ĐTTC trích đăng các ý kiến tâm huyết của lãnh đạo DN, doanh nhân xung quanh vấn đề này.

(ĐTTCO) - Chính phủ đang quyết liệt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách nhất định. Làm gì để tháo gỡ, dần xóa những khoảng cách này? ĐTTC trích đăng các ý kiến tâm huyết của lãnh đạo DN, doanh nhân xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Khắc Tâm, ĐB Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng:

"Quét rác" bộ máy công quyền

Ngày mai (29-4) tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị lớn với chủ đề: “DN Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế đất nước”. Đây là việc được đông đảo giới doanh nhân, người dân chờ đợi, bởi sau 41 năm thống nhất đất nước, khát vọng hội nhập và phát triển bằng bạn bằng bè của Nhân dân ta vẫn còn nguyên vẹn. Vào thời điểm này, chúng ta đang đứng trước một giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với tương lai, vận mệnh của đất nước.  

Đó là, trong 5 năm tới, nếu không quyết liệt đổi mới, tạo ra xung lực mới cho phát triển, không tận dụng được những thời cơ, lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, thì đất nước chúng ta sẽ tụt hậu rất xa so với phần còn lại của thế giới. Sau hơn 20 ngày nhận trọng trách đứng đầu Chính phủ, chúng ta đã thấy được hình ảnh xông pha, gần gũi với địa phương, cơ sở của Thủ tướng, đặc biệt là việc ông truyền đi thông điệp rõ ràng trong việc bảo vệ quyền đầu tư sản xuất kinh doanh chính đáng của người dân theo Hiến pháp và các đạo luật có liên quan.

 Là một đại biểu Quốc hội, chủ tịch hiệp hội DN ở địa phương, đồng thời là một doanh nhân, tôi rất cảm động trước tinh thần quyết liệt của Thủ tướng, tôi kỳ vọng Thủ tướng sẽ làm việc không mệt mỏi để thực hiện bằng được việc này. Như đã nhiều lần phát biểu trước Quốc hội, tôi luôn nhấn mạnh rằng một đất nước phát triển nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào môi trường thể chế (bao gồm hệ thống luật pháp, chủ trương, chính sách và bộ máy thực thi công vụ). Việt Nam đã có nền tảng thể chế tương đối tốt. Hiến pháp 2013 khẳng định quyền tự do kinh doanh, quyền con người, “bộ đôi” Luật Đầu tư, Luật DN được Quốc hội ban hành sau đó đã tiệm cận được các tiêu chí tiến bộ của thế giới. Vậy mà, mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã đưa ra con số thống kê có đến 7.000 điều kiện kinh doanh được đặt ra. Điều khủng khiếp này cho thấy tình trạng trên bảo dưới không nghe, phép vua thua lệ làng, bộ máy hành chính nhũng nhiễu đang cản đường đổi mới, cản đường phát triển của đất nước ta.

Vụ việc chủ quán cà phê Xin Chào ở TPHCM bị khởi tố oan và sự vào cuộc khẩn trương của báo chí, xã hội, với ý kiến kịp thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng và các cơ quan bảo vệ pháp luật cho thấy một tinh thần mới. Hy vọng, từ câu chuyện cụ thể này, chúng ta sẽ có một phong trào rộng khắp ở mọi lúc, mọi nơi, nhằm “quét rác” trong bộ máy công quyền, tiến tới xác lập môi trường đầu tư-kinh doanh lành mạnh.

Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc CTCP Dược Hậu Giang:

Cần lắng nghe và giải quyết nhanh ách tắc

DN luôn có rất nhiều điều muốn gửi gắm đến các nhà lãnh đạo của  đất nước. Song điều chúng tôi kỳ vọng nhiều nhất là các lãnh đạo hãy lắng nghe DN nhiều hơn và hỗ trợ giải quyết nhanh những khó khăn cho DN. Hiện nay khi có bất cứ khó khăn nào để trình tới lãnh đạo cấp cao, phải mất quá nhiều thời gian từ tỉnh, bộ đến Trung ương và có nhiều trường hợp khi DN nhận được câu trả lời cơ hội đã qua đi.  

Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay DN còn gặp nhiều khó khăn nhưng phần nhiều phải tự nỗ lực để hội nhập sâu vào khu vực và thế giới. Nói về câu chuyện TPP, một vấn đề đang rất nóng hiện nay, tôi quan niệm vào TPP mình phải sống chung với lũ, tức lũ đến đâu mình theo đến đó nhưng không thể để nó cuốn trôi. Ở Dược Hậu Giang, chúng tôi đang thực hiện mấy nhóm công việc sau: đầu tư đổi mới trang thiết bị; đổi mới hệ thống quản trị; củng cố nguồn nhân lực. Trong quá trình này chúng tôi phải chấp nhận sự thay đổi. Hiện chúng tôi đang thuê chuyên gia nước ngoài với hợp đồng 3 năm để cùng DN có những điều chỉnh tích cực, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh hội nhập. Khi thuê chuyên gia chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, ngoài chi phí tốn kém, thủ tục phức tạp, ngay chính cán bộ công nhân viên cũng cảm thấy lo lắng bởi sự khác biệt về ngôn ngữ, cũng như sự nghiêm khắc trong tư duy của người nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi giải thích rất rõ với người lao động rằng nếu không làm như vậy về lâu dài DN có thể chết.

 Ngoài ra, để phù hợp với xu thế hội nhập. Dược Hậu Giang cũng đang từng bước chuyển đổi chiến lược của mình. Trước đây chúng tôi không phân phối thuốc cho các tập đoàn nước ngoài, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây chúng tôi đang từng bước làm việc này. Nó giúp chúng tôi quen với các công ty toàn cầu và thông qua đó họ chia sẻ với mình nhiều kinh nghiệm để sẵn sàng đón đầu cơ hội mới. Hội nhập mang lại cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho DN, song với bề dày 42 năm hình thành và phát triển, thương hiệu được định vị trên thị trường nhờ những sản phẩm chất lượng, Dược Hậu Giang đang tự tin bước tới.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA. Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Transimex-SaiGon:

Khai phá tiềm năng logistics nội địa

Một nghiên cứu gần đây của WB dự báo tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 12%/năm trong vài năm tới, tương ứng với kim ngạch đạt khoảng 623 tỷ USD vào năm 2020. Thống kê của VLA cho thấy chi phí logistics của Việt Nam bằng 25% GDP mỗi năm, cao hơn rất nhiều so với Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Thái Lan. Điều này cho thấy tiềm năng trong lĩnh vực logistics của Việt Nam rất lớn. Đặc biệt, trong thời gian tới khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nền kinh tế thế giới với các FTA như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các FTA đã ký song phương và đa phương như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (RCEP); FTA với Liên minh châu Âu… ngành logistics Việt Nam càng có thêm nhiều tiềm năng phát triển.  

Bên cạnh đó, vận chuyển nội địa đang được xác định là mảng dịch vụ còn tiềm năng rất lớn. Các yếu tố hỗ trợ cho logistics nội địa như dân số Việt Nam đang tiến đến 100 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng chắc chắn sẽ tăng mạnh. Đặc biệt, hiện các DN nói chung và DN trong ngành logistics nói riêng đang rất kỳ vọng vào những chính sách mới của Chính phủ. Theo đó, cộng đồng DN mong muốn những định hướng, chính sách mới sẽ hỗ trợ tốt cho DN và ngành logistics Việt Nam phát triển.

 Hiện Đề án “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam” do Bộ Công Thương giao VLA tham gia ban soạn thảo, đặc biệt phần thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, phát triển dịch vụ này ở nước ta. Riêng với Transimex-Saigon, công ty đã nhận ra tiềm năng to lớn của ngành logistics và lên nhiều kế hoạch đón đầu. Cu thể, Transimex-Saigon sẽ mua lại 35% Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex). Nếu Transimex-Saigon trở thành cổ đông chiến lược thành công sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Lộc và hoạt động logistics nội địa. Bên cạnh đó, công ty đang tập trung hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên toàn quốc, mở rộng hàng không; đưa Trung tâm Logistics Transimex tại khu công nghệ cao vào hoạt động có hiệu quả, hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ, bảo đảm năng lực cung cấp dịch vụ logistics tổng thể cho khu công nghệ cao và khu vực...

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP May Garmex Sài Gòn:

Hỗ trợ chính sách giúp DN hội nhập

Dệt may đang là một trong những ngành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, trong 20 năm phát triển đã tăng 32 lần kim ngạch xuất khẩu. Dự báo đến năm 2020, khi các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt 30 tỷ USD và năm 2025 có thể đạt 55 tỷ USD, gấp đôi năm 2015. Tuy nhiên, con số trên chỉ có thế thực hiện khi nguồn cung nguyên liệu phát triển tương ứng, hay nói cách khác việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành may mang tính quyết định cho DN giành thắng lợi và gia tăng hiệu quả. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2014 đạt gần 23 tỷ USD và năm 2015 trên 27 tỷ USD. Tuy nhiên, đáng buồn 30% DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 70% doanh số, còn 70% DN Việt Nam chỉ chiếm 30%, tương đương 7 tỷ USD.  

Nếu không thay đổi phương thức kinh doanh, dù hội nhập DN Việt vẫn mãi kiếp làm thuê, lợi thế hội nhập sẽ không còn ý nghĩa. Vì thế bên cạnh nỗ lực đổi mới tư duy kinh doanh của DN, kỳ vọng Chính phủ và các cơ quan hữu quan sẽ quan tâm chỉ đạo, phối hợp cùng các hiệp hội ngành nghề và DN để nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích DN may mặc chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng), hay OBM (sở hữu nhãn hiệu riêng) như ưu đãi tín dụng để mua nguyên phụ liệu do Việt Nam sản xuất, kích cầu đầu tư thiết bị chuyên dùng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực kinh doanh, kỹ thuật… Cần có chính sách khuyến khích DN có kinh nghiệm tham gia dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi như phát triển mẫu, nguyên phụ liệu… Cụ thể, thống kê, phân tích cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, từ đó tổng hợp, dự báo nhu cầu nguyên liệu theo chủng loại để làm cơ sở hoạch định cơ cấu sản xuất sản phẩm hỗ trợ, hoạch định đầu tư công nghệ, chiến lược sản phẩm, khai thác tối ưu năng lực thiết bị… Nút thắt của công nghiệp hỗ trợ là xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Do đó cần quy hoạch một số khu/cụm công nghiệp chuyên ngành như nhuộm, xi mạ, thuộc da… với các chính sách ưu đãi như vay vốn kích cầu đầu tư cơ sở hạ tầng cụm trong đầu tư cũng như với các nhà đầu tư thứ cấp; hỗ trợ tín dụng, khuyến khích sản xuất sản phẩm mới; ưu đãi chi phí duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, chi phí thuê đất…

 2017-2018 là giai đoạn giao thoa hội nhập khi các FTA đồng loạt có hiệu lực, trong đó mỗi cam kết đều có đặc điểm, ưu thế, ràng buộc riêng. Do đó, nếu các cơ quan chậm thay đổi thái độ làm việc, phong cách quản lý hay thủ tục, chắc chắn sẽ gây tắc nghẽn trong đầu tư, các khâu trong quy trình sản xuất kinh doanh.

Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty BlueScope Việt Nam:

Vận dụng lợi thế công trình xanh vào sản xuất

Phát triển bền vững không còn là khái niệm mới nhưng chưa bao giờ trở thành vấn đề mang tính sống còn như hiện nay, đặc biệt khi biến đổi khí hậu diễn ra trên diện rộng và môi trường đang bị hủy hoại đến mức báo động. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra cái chết cho 141.000 người/năm và con số này dự kiến tăng lên 250.000 người trước năm 2050. Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), sự nóng lên của trái đất sẽ đẩy 100 triệu người lâm vào cảnh đói khổ, thiếu lương thực, thuốc men và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày trước năm 2030. 

Đối với DN, phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm xã hội và môi trường trong xu thế hội nhập, mà còn là ưu thế cạnh tranh trong việc đáp ứng các yêu cầu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Khi đó, các yêu cầu về tính bền vững trong sản xuất trở thành đòi hỏi bắt buộc. Trong bối cảnh chi phí sản xuất ngày càng tăng cao khiến lợi thế nhờ nhân công giá rẻ và chi phí thấp sẽ không tồn tại lâu. Thay vào đó là hiệu quả dài hạn trong chi phí sản xuất và năng suất là bài toán các DN cần phải tính toán để tăng lợi thế cạnh tranh. Với xu thế hội nhập thế giới và các yêu cầu này, DN Việt Nam cần có cái nhìn dài hạn và phát triển bền vững hơn để chủ động tuân thủ các yêu cầu và chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng uy tín và thương hiệu. Riêng đối với DN dệt may và da giày, cơ hội khi tham gia các FTA như TPP là rất lớn. Do đó, yếu tố phát triển bền vững là điều kiện tiên quyết giúp DN chủ động tận dụng cơ hội và xây dựng nền tảng cạnh tranh vững chắc.

 Để tận dụng những cơ hội trên, công trình xanh thực sự là công cụ hiệu quả để DN đạt các chỉ tiêu sản xuất bền vững, đáp ứng yêu cầu của đối tác và hưởng lợi lâu dài do các công trình xanh mang lại. Thực tế, công trình xanh được thiết kế theo tiêu chí tiết kiệm năng lượng và nước rất nghiêm ngặt, giúp giảm đáng kể chi phí vận hành. Trung bình, một công trình xanh tiết kiệm được khoảng 20% điện năng và 40% lượng nước sạch so với các công trình bình thường. Về lâu dài, công trình xanh sẽ giảm được rủi ro về chi phí vận hành trước xu thế tăng giá điện và giá nước như hiện tại. Có thể kể đến là sức khỏe người lao động được đảm bảo, kéo theo năng suất lao động gia tăng. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia về công trình xanh, thời gian hoàn vốn trung bình là 1-3 năm, ít có hạng mục có thời gian hoàn vốn trên 5 năm. Đứng về khía cạnh kinh doanh, làm công trình xanh có thể tốn kém thêm chi phí nhưng đây là những khoản đầu tư tăng thêm, không mất đi. Các chi phí này sẽ đi vào các thiết bị giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành. Sau thời gian hoàn vốn, thường 1-5 năm, các thiết bị này sẽ trở thành những cỗ máy sinh lời cho chủ đầu tư.  

Hứa Thùy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt:

Cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý

Hồ tiêu Việt thành lập năm 2012, doanh thu năm đầu chỉ đạt vỏn vẹn 200 triệu đồng. Dù ít được chú ý nhưng hồ tiêu là một ngành giàu tiềm năng, bởi vậy chỉ 2 năm sau khi ra đời, Hồ tiêu Việt đã đạt doanh thu lên đến 20 tỷ đồng nhờ vào xuất khẩu sản phẩm chế biến thô. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Hồ tiêu Việt đứng trước những thách thức về chất lượng sản phẩm và năng lực tài chính. Đó là việc phía đối tác nước ngoài đề ra những quy định chặt chẽ về chất lượng, chẳng hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải ở mức thấp nhất có thể.  

Để đáp ứng được điều này không đơn giản. Nguyên nhân đến từ đất trồng càng về sau càng bạc màu nên nông dân buộc phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn để giữ cây không bị bệnh, dù họ không muốn. Tôi kỳ vọng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đến ngành hồ tiêu có thể quy hoạch được các vùng trồng trọt theo hướng bền vững hơn.

 Một hiện tượng cũng khá phổ biến là tại một số thời điểm đã xuất hiện thương lái nước ngoài đẩy giá thu mua hồ tiêu cao hơn giá thị trường, khiến các DN trong nước gặp khó, nếu không mua không có hàng, nhưng nếu mua phải đẩy giá cao hơn khiến toàn thị trường bị nhiễu loạn. Theo tôi, ngoài những kiến thức chuyên môn, người nông dân cũng cần có tư duy chặt chẽ hơn trong kinh doanh để tạo ra sự gắn kết với DN trong nước. Việc doanh số của Hồ tiêu Việt tăng 100 lần chỉ sau vài năm thành lập, ngoài nỗ lực của DN còn có sự hỗ trợ rất lớn từ cơ quan quản lý. Từ khi mới thành lập, chúng tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, như hỗ trợ chi phí tham dự các hội chợ trong, ngoài nước để tạo mối quan hệ với đối tác nước ngoài. Đặc biệt cần thường xuyên tổ chức các hội nghị để hướng dẫn sản xuất, chế biến sản phẩm sạch, mời chuyên gia nước ngoài tư vấn chiến lược cho sự phát triển của DNNVV. Bên cạnh đó, tôi cũng mong thời gian tới, cơ quan quản lý có thể làm tốt hơn nữa bằng việc hỗ trợ không chỉ nguồn vốn, mà còn cả kiến thức, công nghệ cho nông dân, dù việc này có thể tốn nhiều thời gian, công sức hơn so với khi làm với DN.

Hiện nay, giá trị xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt khoảng 1,2 tỷ USD/năm, một con số không nhỏ. Nhưng điều đáng tiếc ở đây là các DN xuất khẩu vẫn gặp những thách thức không đáng có. Hiện tại chưa có trung tâm kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm toàn diện, một số trung tâm chỉ kiểm nghiệm hồ tiêu xuất khẩu theo các tiêu chí đơn giản. Gặp trường hợp đối tác yêu cầu kiểm định phức tạp, chặt chẽ hơn, DN trong ngành thậm chí phải gửi sản phẩm sang Nhật Bản, Hà Lan… để kiểm định, hoặc kiểm định ngay tại quốc gia xuất khẩu, mất rất nhiều thời gian. Nếu các bộ, ngành triển khai được trung tâm kiểm định có chất lượng sẽ hạn chế đáng kể việc hàng xuất đi bị trả lại, và tôi nghĩ giá trị xuất khẩu của ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Ông Nguyễn Dư Lực,  Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư  BĐS Hưng Lộc Phát:


Công khai minh bạch trong thủ tục đầu tư

 

Hiện nay công tác quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS còn nhiều bất cập, chưa phát huy được vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, điều tiết vĩ mô và kiểm soát hoạt động của thị trường, giúp thị trường hoạt động một cách ổn định, lành mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS, quản lý sử dụng đất đai, giao dịch chưa được thường xuyên, liên tục.

Thủ tục hành chính liên quan đến thị trường BĐS như thủ tục đầu tư, giao đất, hoạt động xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất… còn phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng chung đến thị trường. Bên cạnh đó, chính sách thuế, phí liên quan đến BĐS chưa thực sự là công cụ góp phần công khai, minh bạch và điều tiết thị trường, hạn chế đầu cơ; phương pháp tính thuế và thủ tục nộp thuế có điểm còn chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, dễ thất thu thuế.

Chúng tôi, những nhà đầu tư trong lĩnh vực này đang mong mỏi một môi trường đầu tư lành mạnh, thủ tục đầu tư minh bạch, rõ ràng tạo sự cạnh tranh làm mạnh. Theo đó, cần tạo một hành lang pháp lý ổn định, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư để có một thị trường BĐS phát triển bền vững, doanh nghiệp yên tâm xây nhà, người dân yên tâm mua nhà.

Các tin khác