Đức trọng người mở cõi dải đất hình chữ S

Danh tướng lẫy lừng mệnh bạc

(ĐTTCO) - LTS: Hành trình mở cõi về phía Nam của cha ông ta có từ thời Lý, sau đó trải qua các thời đại phong kiến lãnh thổ Đại Việt được mở rộng dần. Đến năm 1635, chúa Nguyễn Phúc Nguyên dời thủ phủ vào Phú Xuân-Huế, mở ra thời kỳ Nam tiến mạnh mẽ để hình thành dải đất hình chữ S nước Việt ngày nay. Trong quá trình gian khổ đó, nước ta có hàng chục nhân vật lịch sử có công lao to lớn trong việc mở cõi, an dân giữ gìn vùng đất mới, chống giặc xâm lấn… đã được Nhân dân tôn thờ; trong đó nổi bật là Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) và Nguyễn Cư Trinh (1716-1767).

Danh tướng lẫy lừng mệnh bạc

Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm Canh Dần (1650) tại xã Chương Tín huyện Phong Lộc, nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; là con thứ 3 của danh tướng Nguyễn Hữu Dật - người sinh nhiều con trai, trong đó có 4 người là tướng giỏi: Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hữu Tín - là những vị tướng có công lao to lớn trong việc phò tá các chúa Nguyễn giữ vững bờ cõi và phát triển đất nước phía đàng Trong.

Nguyễn Hữu Cảnh là con nhà gia thế, hậu duệ 19 đời của khởi tổ Nguyễn Bặc, 9 đời của hậu tổ Nguyễn Trãi, cháu nội của Triều văn hầu Nguyễn Triều Văn. Xuất thân trong một gia đình võ tướng, am tường quốc sự, lớn lên trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hữu Cảnh sớm dấn thân vào cuộc chiến, phụng mạng là một “thống binh” cầm quân xông pha trận mạc phò chúa an dân, giữ yên bờ cõi khi tuổi đời mới đôi mươi, nên được người đương thời suy tôn là Hắc Hổ - vì ông sinh năm Dần, nước da ngâm đen, dáng người hùng dũng.

Được chúa Nguyễn Phúc Chu tin cẩn, Nguyễn Hữu Cảnh với tài thao lược, bản lĩnh hơn người đã lập nhiều chiến công hiển hách. Vào những năm 1690-1691, vua Chămpa là Kế Bà Tranh bỏ bang giao, không tiến cống, muốn xâm chiếm lãnh thổ, mang quân qua biên giới sát hại cư dân phủ Diên Ninh (Diên Khánh). Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu phái quan Tổng binh Nguyễn Hữu Cảnh mang binh lính bình định biên cương. Ông đã dẹp yên bờ cõi, bắt được Bà Tranh cùng bọn thần tử quấy nhiễu mang về Phú Xuân, sáp nhập các phần đất của Chiêm Thành vào đàng Trong, lập ra phủ Bình Thuận. Vị quan trấn thủ đầu tiên vùng đất mới mở - Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã nhanh chóng thiết lập hệ thống hành chính, tổ chức khẩn hoang, lập ấp ổn định cuộc sống Nhân dân. Công việc bình định vừa xong, một nhóm người Thanh - đứng đầu là A Bân, xúi giục bè đảng dấy loạn, ông lại nhận lệnh đi dẹp loạn, được cử làm trấn thủ dinh Bình Khương (nay là Khánh Hòa, Ninh Thuận).

Tháng 2-1698, vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược. Vùng đất này lúc đó theo nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes mô tả là: Quạnh hiu, hoang mạc; từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Đại trở lên toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm. Cuốn Phủ biên Tạp lục cũng ghi nhận: Từ thế kỷ 13 đến 17 vùng đất Nam bộ vẫn trong tình trạng hoang hóa, chỉ có một số nhóm người quần tụ thưa thớt và người Khmer nghèo khổ đi tìm cuộc sống… Theo đường biển, đội thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng sông Đồng Nai, tụ quân tại Cù lao Phố - cảng sầm uất nhất vùng này bấy giờ, và đặt bản doanh tại đây. Ông nghiên cứu thực địa, thấy đất đai rộng mênh mông nhưng toàn sình lầy rừng rậm, thiếu nhân lực khai khẩn nên sinh hoạt người dân lưu tán rất tạm bợ.

Với tinh thần quật khởi bất chấp khó khăn, Nguyễn Hữu Cảnh nhanh chóng vạch ra kế sách khai hoang lập ấp, ổn định dân tình, thiết lập cơ sở hành chính thôn xã; lập Gia Định phủ trên phần đất từ sông Đồng Nai đến sông Tiền và chính thức cho sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Nguyễn Hữu Cảnh lấy Đồng Nai đặt huyện Phước Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt dinh Trấn Biên ở Biên Hòa và dinh Phiên Trấn ở Gia Định. Mỗi trấn có lưu thủ đứng đầu quản trị, dưới có cai bạc coi về ngân khố, ký lục coi về hành án, đồng thời ông cũng lập thêm một đơn vị hành chính ở Sa Hà (Hạnh Thông Tây - Gò Vấp).

Tượng Nguyễn Hữu Cảnh tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù lao Phố, Biên Hòa.

Tượng Nguyễn Hữu Cảnh tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh

ở Cù lao Phố, Biên Hòa.

Sau hơn 8 năm quan hệ hữu hảo, vua Chân Lạp là Nặc Thu lại cho quân qua đốt phá nhà cửa dân chúng ở vùng biên, cướp bóc dân buôn. Vì vậy, mùa thu năm 1699 chúa Nguyễn Phúc Chu lại lệnh cử Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm thống suất vào Nam lo giữ biên cương. Tháng 2-1670 đại quân Nguyễn Hữu Cảnh đóng bản doanh tại Rạch Cá (Long Hồ-Vĩnh Long bây giờ), sau đó mang thủy binh tiến thẳng đến thành La Bích (Nam Vang) đánh tan quân Nặc Thu. Sau khi vua Chân Lạp quy hàng, Nguyễn Hữu Cảnh đến thăm hỏi, khích lệ dân chúng cùng giữ gìn tinh thần hòa hiếu, cùng chung sống hòa bình dù là người Khmer, Hoa hay Việt. Tháng 4-1700 Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở đồn Cây Sao (Chợ Mới- An Giang) và báo tin thắng trận về kinh. Cùng thời gian này ông lâm trọng bệnh và ngày 16-5 đã trút hơi thở cuối cùng tại Rạch Gầm, Mỹ Tho và mất khi mới 51 tuổi. Nhà Nguyễn đã truy phong công trạng của Nguyễn Hữu Cảnh là “Thượng đẳng thần”, “Khai quốc công thần”. Người dân mang ơn ông sâu nặng, nên từ Quảng Bình quê nhà đến Quảng Nam, Đồng Nai, Sài Gòn, An Giang, Cần Thơ… đều có đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ngay cả người Cao Miên cũng lập miếu thờ ông tại Nam Vang.

 Khoan hòa, an dân Đồng Nai địa thế hãi hùng

Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um

Câu ca dao này khái quát miền đất Nam bộ lúc bấy giờ. Thực tế trong một thời gian dài đây là vùng hoang dã chưa khai phá, là nơi bôn tẩu, ẩn nấp của những phe phái thất thế bị các triều đình truy nã trong cuộc chiến tranh giành quyền lực; là nơi tụ hội của các phần tử bất hảo; nơi lánh nạn của những người nghèo nhiều dân tộc bị áp bức đi lánh nạn… Vì vậy vị quan trấn thủ đầu tiên Nguyễn Hữu Cảnh khi thiết lập hệ thống cai quản, tổ chức Nhân dân khẩn hoang lập ấp ổn định cuộc sống đã thực hiện chính sách hòa đồng sắc tộc Chăm-Việt-Hoa, đã được người dân đồng tình ủng hộ. Ở vùng đất mới nhiều thành phần dân cư ô hợp nhưng Nguyễn Hữu Cảnh luôn thực hiện chính sách khoan hòa, an dân, không truy bức dân tộc và thành phần nào nên được Nhân dân suy tôn. Ông còn chiêu mộ những người nghèo, lưu dân tứ xứ đến khai hoang, chia ấp định vùng, số đông dân chúng trở nên an cư lạc nghiệp. Chỉ riêng địa bàn Đồng Nai-Gia Định chỉ trong thời gian ngắn đã nới rộng thêm hàng ngàn dặm vuông, dân số tăng thêm 4 vạn hộ, nhà cửa bắt đầu mọc lên sầm uất, khách ngoại bang đi lại dễ dàng, giao lưu thuyền bè ra vào tấp nập.

Công Lễ Thành Hầu đi mở đất

Ngàn năm con cháu mãi còn ghi

Nguyễn Hữu Cảnh thuộc lớp người đầu tiên khai cơ, thiết lập hệ thống quản lý Nhà nước trên miền đất mới. Học giả Trần Bạch Đằng nhận xét: “Ý nghĩa quan trọng nhất của việc làm này là ở chỗ dân lưu tán được thừa nhận là công dân của nước Việt Nam; ruộng đất khai hoang được vào sổ bộ chính thức, làng mạc được bảo vệ. Sự xác lập cương vực quốc gia đã tránh những mối đe dọa về quân sự, pháp lý từ bên kia biên giới, bảo vệ an toàn cuộc sống người dân. Vì vậy, dân khẩn hoang coi ông như đại diện của Tổ quốc, thỏa mãn cả yêu cầu quyền lợi và tình cảm của dân lưu tán”.

Sự khai phá, xác định chủ quyền người Việt ở vùng đất mới của Nguyễn Hữu Cảnh là cơ sở để chúa Nguyễn từng bước thu phục các vùng đất khác. Từ khi Gia Định phủ ra đời, thế lực của triều Nguyễn trên vùng đất Nam bộ ngày càng mạnh, ngược lại thế lực của Chân Lạp ngày càng suy yếu do nội bộ tranh giành ngai vàng. Sự kiện đất Hà Tiên được Mạc Cửu dâng cho chúa Nguyễn, được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt mở ra bước ngoặt trong hành trình mở cõi: Chỉ trong vòng nửa thế kỷ, chúa Nguyễn đã chiếm lĩnh vùng đất rộng lớn phương Nam. Nguyễn Hữu Cảnh - vị tướng khai biên xuất sắc, nhà chính trị tài giỏi, nhân hậu… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm thức người dân Nam bộ. Người Việt, Hoa, Chăm… đều nhớ ơn ông, đã lập đền thờ hoặc lập bài vị ở nhiều nơi với niềm tiếc thương, thờ cúng đến ngày nay.

Từ ngày vâng lệnh Trấn Bình Khương,

Bờ cõi mở thêm mấy dặm trường.

Vun bón cột nền nơi tổ phụ,

Dãi dầu tên đạn giúp quân vương.

Giặc ngoài vừa nép bên màn hổ,

Sao tướng liền sa giữa giọt tương!

Người hoàn tất hành trình mở cõi

Nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Cư Trinh (20-1-1716 – 20-1-2016), Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức hội thảo “Nguyễn Cư Trinh: Quê hương, thời đại và sự nghiệp”. PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết hội thảo nhằm làm sáng rõ thêm, có cái nhìn toàn diện hơn về nhân vật lịch sử Nguyễn Cư Trinh. Theo tài liệu hội thảo, Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) là người có công lao rất lớn trong việc giúp nhà Nguyễn mở rộng tiếp lãnh thổ, ổn định chính trị trên vùng đất mới, đưa ra nhiều quyết sách phát triển kinh tế. Ông là người khép lại hành trình mở cõi về phương Nam, kéo nét bút cuối cùng hoàn thiện bản đồ hình chữ S của nước Việt ngày nay.

Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước chẳng thể yên. Cho nên nếu ngày thường không chăm dùng ân huệ để cốt kết lòng người, thì đến khi có việc xảy ra, còn mong chờ vào đâu? Trộm nghĩ, thói tệ bạc chất chứa trong dân gian đã nhiều. Nếu cứ thủ thường như cũ, không biết tùy thời thêm bớt và thiết lập kỷ cương, thì một ấp cũng khó giữ được, huống chi một nước. Nay, có 3 việc gây tệ hại cho dân là nuôi lính, nuôi voi và nộp tiền án kiện, chưa kể những sự nhũng nhiễu khác không sao kể xiết…”.

NGUYỄN CƯ TRINH

(Theo Đại Nam thực lục)

Nguyễn Cư Trinh là một danh sĩ thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và Định vương Nguyễn Phúc Thuần, quê ở xã An Hòa, huyện Hương Trà nay thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tổ tiên ông là người họ Trịnh ở Hà Tĩnh từng làm Binh bộ Thượng thư dưới triều Lê. Cha Nguyễn Cư Trinh là hậu duệ đời thứ 7, nổi tiếng tài văn chương, làm tri huyện Minh Linh. Chúa Nguyễn Phúc Chu mến mộ, nên ban cho quốc tính - được đổi sang họ Nguyễn. Năm 1740, Nguyễn Cư Trinh thi đỗ Hương Cống, được bổ làm quan qua các chức vụ: Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị), Tuần phủ Quảng Ngãi, Ký lục dinh Bố Chánh (Quảng Bình), Lại bộ kiêm Tào vận sứ, Tướng Nghi Biểu hầu.

Thời Nguyễn Phúc Khoát, dân tộc Hré ở Đá Vách (Quảng Ngãi) nổi dậy chống đối, quấy nhiễu cuộc sống người dân hàng chục năm, làm chúa Nguyễn lo lắng. Năm 1750 chúa Nguyễn sai Nguyễn Cư Trinh đến làm tuần phủ để trừ giặc an dân. Tại đây ông làm tập thơ Nôm (Sãi Vãi) phổ biến cho dân chúng và binh sĩ nhằm khích lệ tinh thần; vừa tổ chức Nhân dân địa phương cùng binh sĩ hăng hái lập đồn điền, tăng gia sản xuất, vừa lập trạm canh phòng các nơi xung yếu, thực hiện chính sách kinh tế-quốc phòng. Trước sức mạnh đó, bọn giặc sợ uy lực, đã kéo nhau ra hàng, Nguyễn Cư Trinh không giam cầm mà còn tha bổng, cho về quê hoàn lương làm ăn. Tin dẹp yên giặc mà không hao binh tổn tướng đã làm chúa rất đỗi hả hê.

Công nghiệp lớn của Nguyễn Cư Trinh là mở nước, an dân. Sách Việt Nam sử lược ghi: Nặc Nguyên làm vua Chân Lạp thường hay cho quân hà hiếp Nhân dân vùng biên giới, lại thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Bắc để lập mưu đánh chúa Nguyễn. Năm 1753 chúa Nguyễn lệnh Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên, đến năm 1755 Nặc Nguyên thua bỏ thành Nam Vang chạy trốn sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ bảo vệ. Năm sau Mạc Thiên Tứ có thư gửi triều đình nói Nặc Nguyên xin dâng hai phủ Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công) để chuộc tội và xin cho về nước. Nhờ chính sách “dĩ địch chế địch” và “tầm thục”, Nguyễn Cư Trinh đã khéo léo thu cả vùng đất đồng bằng sông Cửu Long còn lại về cho Đại Việt như trên bản đồ ngày nay. Sau khoảng 11 năm trấn giữ biên cương phía Nam, năm 1765 Nguyễn Cư Trinh được chúa Nguyễn Phúc Thuần gọi về kinh nắm Bộ Lại.

Ngoài tài văn võ, Nguyễn Cư Trinh còn nổi tiếng là người liêm chính, có phong thái của một trạch thần (bầy tôi dám can ngăn). Khi Nguyễn Phúc Thuần lên nối ngôi chúa, quyền thần Trương Phúc Loan ỷ thế lộng quyền, Nguyễn Cư Trinh bày tỏ ý kiến thẳng thừng: “Chốn triều đình bàn việc có định chế, Phúc Loan sao dám vô lễ như thế, sắp muốn chuyên quyền chăng? Trong nước sinh loạn tất là người ấy!” (Sách Đại Nam thực lục).

Không chỉ là một danh tướng, một nhà chính trị khôn khéo, Nguyễn Cư Trinh còn là một trung thần yêu nước thương dân. Ông luôn dùng “tâm công” để bình thiên hạ, bất đắc dĩ mới dùng vũ lực, luôn chỉ ra mặt sai trái của bộ máy cai trị: “Xưa nay các quan ở phủ và huyện chỉ trông cậy vào sự tra hỏi, bắt bớ mà kiếm lộc. Nay, xin định lệ cấp bổng lộc thường xuyên cho họ, đồng thời, căn cứ vào sự thanh liêm hay tham lam, sự siêng năng hay lười biếng của họ để tiến hành thăng giáng hoặc truất bỏ quan chức”. Ông rất đồng cảm với cuộc sống dân đen, trình tấu: “Nên để cho dân được yên, không nên khuấy động họ. Vì yên thì dễ trị, khuấy động dễ sinh loạn. Nay, nếu cứ sai người đi săn bắn ở núi rừng, hết đòi gà lại đòi ngựa, bọn chúng không hề theo ý tốt của bề trên mà chỉ lo quấy rối Nhân dân. Bọn giả mạo ấy đi đến đâu là ở đó có náo loạn, thì người ta oán hận là điều không tránh khỏi”.

Các thư dâng lên không được chúa trả lời, Nguyễn Cư Trinh bèn dâng sớ xin từ chức, về quê. Trong lịch sử, những người như Nguyễn Cư Trinh không nhiều. Được thăng quan tiến chức, hưởng bổng lộc triều đình cũng không thay đổi được đạo làm quan của ông: Ấy là phục vụ cho dân, cho nước, chứ không phải để bóc lột người khác, ức hiếp dân lành. Năm 1767, ông bị bệnh và mất, đến đời Minh Mạng ông được truy tặng là Khai quốc công thần, Hiệp Biên đại học sĩ và cho tòng tự ở Thái Miếu (Huế).

Ngoài sự nghiệp chính trị, Nguyễn Cư Trinh còn để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Về văn thơ của ông, Lê Quý Đôn nhận xét: “Toàn bộ sự nghiệp văn học của ông gắn với tâm sự và chí khí kinh bang tế thế. Một số bài thơ có khí vị lối thơ biên tác phảng phất sôi nổi, hùng tráng; vừa lắng đọng, trầm tĩnh, bi hoài. Một số bài khác lại phản ánh tâm sự cô đơn, phiền muộn của một người đầy lòng ưu ái, thấy rõ tình hình thối nát của tập đoàn phong kiến đàng Trong, thấu hiểu cảnh sống cơ cực, đau khổ của người dân, muốn bàn nói mưu ngay, lẽ phải, nhưng đều không được nghe theo”.

… Lịch sử việt Nam đã sản sinh 2 vị danh tướng có sự trùng hợp kỳ lạ. Nối tiếp nhau mở cõi hình thành hoàn chỉnh bản đồ hình chữ S nước Việt; một lòng đau đáu vì nước, vì dân; 2 lần mang quân chinh phục buộc vua Chân Lạp đầu hàng; cùng ra đi khi tuổi đời 51, để lại Nhân dân niềm tiếc thương vô hạn…

Các tin khác