Cuộc đua ngàn tỷ các CTCK

(ĐTTCO) - Khoảng nửa thập niên trước, số lượng các CTCK có vốn điều lệ (VĐL) đạt mức 1.000 tỷ đồng trở lên chỉ đếm trên một bàn tay với những cái tên như SSI, Kim Long (KLS), VN Direct (VND)… Nhưng giờ đây, số lượng CTCK có vốn ngàn tỷ đồng đang gia tăng khá nhanh chóng.

(ĐTTCO) - Khoảng nửa thập niên trước, số lượng các CTCK có vốn điều lệ (VĐL) đạt mức 1.000 tỷ đồng trở lên chỉ đếm trên một bàn tay với những cái tên như SSI, Kim Long (KLS), VN Direct (VND)… Nhưng giờ đây, số lượng CTCK có vốn ngàn tỷ đồng đang gia tăng khá nhanh chóng.

Không còn là đặc quyền

CTCK Rồng Việt (VDS) hiện có VĐL 700 tỷ đồng, tại ĐHCĐ được tổ chức cách đây chưa lâu, công ty dự kiến tăng VĐL lên hơn 1.000 tỷ đồng bằng cách phát hành 35 triệu CP với giá 1.0. Dù là một thương hiệu khá mạnh trên TTCK, nhưng VDS không thường xuyên xuất hiện trong top 10 về thị phần môi giới. CTCK IB (VIX) dù ra đời từ khá lâu, nhưng đã trải qua vài lần đổi chủ và đổi tên và sẽ cần thêm thời gian để định vị thương hiệu, hình ảnh của mình, nhưng cũng mạnh dạn đặt kế hoạch tăng VĐL từ 667,6 tỷ đồng lên 1.151 tỷ đồng. Hồi đầu 2015, KIS Việt Nam (KIS) dù mới bắt đầu xuất hiện trong top 10 thị phần đã tăng VĐL từ hơn 260 tỷ đồng lên hơn 1.100 tỷ đồng.

Song song với sự thanh lọc những CTCK sống vật vờ mà ít NĐT nhớ tên, thị trường lại đồng thời xuất hiện cuộc đua tăng vốn lên mốc ngàn tỷ đồng và cả cuộc cạnh tranh tăng vốn giữa các CTCK có vốn ngàn tỷ đồng với nhau. Điều này là xu hướng tất yếu, bởi lẽ sắp tới đây khi phái sinh được triển khai, thị trường có thêm sản phẩm mới sẽ bắt buộc CTCK phải có thêm vốn để triển khai nghiệp vụ. Vốn ngàn tỷ giờ không còn là đặc quyền của các ông lớn mà trở thành tiêu chí bắt buộc để CTCK tồn tại, phát triển.

Rõ ràng vốn ngàn tỷ giờ không còn là đặc quyền của các ông lớn nữa, mà phạm vi đã được mở rộng. Từ con số chưa tới 5, số lượng CTCK có vốn ngàn tỷ đồng giờ sắp hơn 10 và có lẽ không lâu nữa có thể chạm mốc 20. Ước tính hiện khoảng chục CTCK có VĐL trong tầm 500 đến dưới 1.000 tỷ đồng, với một loạt tên tuổi như Maybank KimEng (MBKE), BSC, BVSC, FPTS, VCBS… Với tên tuổi, lợi thế kinh doanh của các CTCK này, việc tăng VĐL lên mốc 1.000 tỷ đồng không có gì khó khăn. BVSC, MBKE đều có thể nhận được sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ; FPTS với hướng phát triển tập trung vào công nghệ giao dịch cũng là lợi thế để hút vốn; VCBS là tên tuổi lâu năm… Chỉ bằng phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 hoặc 1:1, cũng có thể phát hành riêng lẻ cho một số NĐT chiến lược là các CTCK có thể tăng được VĐL của mình.

 Tuy nhiên, trong cuộc đua tăng vốn, cần chú ý đến 2 vấn đề. Thứ nhất, trường hợp của KLS với việc tăng VĐL lên hơn 2.000 tỷ đồng vào năm 2010, đã trở thành CTCK có tốc độ tăng vốn nhanh bậc nhất vào thời điểm đó. Song,, việc sử dụng nguồn vốn không hợp lý, thậm chí có lúc phải đem gửi tiền ở ngân hàng, đã dẫn đến một kết cục không ai mong muốn. Thứ hai, trường hợp của KIS có thể phát triển khá tốt trong thời gian gần đây, nhưng xét về mặt thương hiệu, bề dày lịch sử vẫn kém đôi chút so với các CTCK có tên tuổi khác như BVSC, BSI, VCBS…

Câu hỏi đặt ra là vì sao KIS vẫn có thể tăng VĐL với tốc độ khá nhanh như vậy? Câu trả lời có lẽ nằm ở định hướng cũng như hoạt động của công ty, sau khi tăng VĐL thị phần tiếp tục tăng và lọt vào top 10. Nghĩa là việc tăng vốn đồng thời phải kết hợp với một kế hoạch kinh doanh, sử dụng vốn kèm theo, mà kế hoạch hay chiến lược dù có chặt chẽ đến mấy cũng phải xây dựng trên các giả định, ước tính và không tránh khỏi những rủi ro.

Thí dụ, một CTCK tăng VĐL từ 500 tỷ lên 1.000 tỷ đồng, để phát triển hệ thống môi giới cũng đồng thời xây dựng những kế hoạch phát triển đội ngũ nhân sự, tăng cường hệ thống công nghệ, nâng chất lượng dịch vụ… tất cả đều phải thực hiện một cách đồng bộ. Có nhiều vốn, tất nhiên CTCK có thể cấp margin nhiều hơn cho khách hàng, tuy nhiên nếu không có khách CTCK bị chôn vốn, nên bắt buộc phải tuyển nhân viên, mà như vậy chi phí cũng nhiều hơn.

Ngựa mới và ngựa cũ

Đó là chưa nói đến việc sau khi tuyển một đội quân môi giới hùng hậu lại gặp phải lúc thị trường xuống, nếu cắt giảm đến lúc thị trường phục hồi sẽ trở tay không kịp, mất khách, nhưng tiếp tục “nuôi quân” phải tốn kém. Chính những rủi ro này có thể là nguyên nhân quan trọng khiến các CTCK cực kỳ thận trọng trong việc tăng vốn và đi theo tiêu chí an toàn hơn: Phát triển từng bước, phù hợp với năng lực của mình. Nhưng mặt khác, cũng phải xem xét một số CTCK chưa tham gia hoặc không thể tham gia vào cuộc đua tăng vốn, cũng như phát triển môi giới có sự trì trệ ở đây hay không? Tên tuổi, bề dày thành tích có thể là một lợi thế, nhưng cũng khiến một số CTCK gặp sức ì, thiếu đi sự linh hoạt và bị vượt qua.

Trong khi các CTCK “mới nổi” lại có lợi thế “không sợ hãi” với những kế hoạch đột phá. Trước việc một số CTCK “mới” nhưng tăng vốn nhanh chóng, cùng với kế hoạch tham vọng, các CTCK kỳ cựu nhiều khả năng sẽ phải thay đổi chính mình để bắt kịp xu hướng nếu không muốn bị tụt lại phía sau.

Một cuộc đua cũng cực kỳ thú vị khác, đó là giữa những CTCK đã có VĐL ngàn tỷ đồng từ lâu với nhóm mới cán đích. Tất nhiên, khi bị thu hẹp về khoảng cách, dù chỉ là về vốn, các CTCK tốp đầu cũng phải có những hành động để xác lập vị thế và đẳng cấp của mình. Đơn cử, mặc dù thị phần đứng thứ 2 thị trường nhưng VĐL của CTCK TPHCM (HCM) hiện là 1.273 tỷ đồng, thấp hơn VĐL của một loạt CTCK khác như SSI (4.800 tỷ đồng), Agriseco (2.120 tỷ đồng), VND (1.550 tỷ đồng). Tất nhiên, lợi thế của CTCK không chỉ có VĐL nhưng rõ ràng VĐL thấp là một thiệt thòi.

Cần nhắc lại việc HCM liệt kê nguyên nhân lý giải cho sự sụt giảm lãi ròng của năm 2015 là mức độ cho vay margin không thay đổi nhưng lãi suất có chiều hướng giảm cùng với sự cạnh tranh gay gắt của CTCK. Dù thị trường có nhiều thách thức, thanh khoản khó tăng, nhưng thử đặt giả thiết nếu VĐL tăng lên, HCM sẽ có nhiều lợi thế để cho vay nhiều hơn, thì dù lãi suất giảm vẫn có thể lấy giá trị lớn hơn để bù lại. Và rõ ràng khi số CTCK có VĐL vượt 1.000 tỷ đồng tăng lên, áp lực cạnh tranh với HCM cũng sẽ gia tăng đáng kể thay vì chỉ có những đối thủ truyền thống như SSI.

Các tin khác