Xung lực mới từ hội nhập

(ĐTTCO) - Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới và tham gia vào sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trong đó, FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ tự do hóa rất sâu rộng, cơ chế thực thi chặt chẽ và chế tài xử phạt khi vi phạm nghiêm ngặt. Cho đến thời điểm này, tác động của các FTA chưa lớn, song trong 3 năm tới sẽ là áp lực rất lớn khi kinh tế Việt Nam sẽ phải đi theo xu thế phát triển của thời đại.

(ĐTTCO) - Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới và tham gia vào sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trong đó, FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ tự do hóa rất sâu rộng, cơ chế thực thi chặt chẽ và chế tài xử phạt khi vi phạm nghiêm ngặt. Cho đến thời điểm này, tác động của các FTA chưa lớn, song trong 3 năm tới sẽ là áp lực rất lớn khi kinh tế Việt Nam sẽ phải đi theo xu thế phát triển của thời đại.

Bước chuyển không thể tránh

Kinh tế thế giới đang chuyển đổi từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang công nghệ cao do công nghệ thông tin dẫn dắt; từ sản xuất vật chất sang phát triển các ngành dịch vụ; từ thị trường quốc gia sang thị trường thế giới và khu vực, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng chứ không chỉ xuất khẩu vào các thị trường riêng lẻ.

Tác động tích hợp của các hiệp định theo hướng tích cực rất lớn. Song cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, không tự nó biến thành sức mạnh trên thị trường, mà phải thông qua chủ thể là Nhà nước và DN. Trong giai đoạn 2016-2018, không phải tất cả các hiệp định đều tác động đầy đủ (dù theo lộ trình cam kết) mà theo thời gian có hiệu lực đã xác định và điều kiện giả định.

Cùng với việc hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia là xu hướng cá thể hóa doanh nghiệp (DN) và sự xuất hiện của “kinh tế chia sẻ”. Theo đó phân bố lao động theo nguồn lực sang tối đa hóa hiệu quả hoạt động thị trường. Có nghĩa từ chạy theo tốc độ tăng trưởng sang coi trọng chất lượng tăng trưởng bảo đảm phát triển bền vững; từ Nhà nước chỉ huy sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Từ những chuyển đổi đó, tiến trình công nghiệp hóa được rút ngắn, nước (DN) đi sau có thể đuổi kịp, thậm chí vượt nước (DN) đã có trình độ phát triển cao hơn nếu có chiến lược đúng.

 Cơ hội từ các hiệp định FTA đưa đến cho Việt Nam là: thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu, tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô thị trường rộng lớn; tiếp thu công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; điều chỉnh quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước theo hướng cân bằng hơn; tạo dựng khuôn khổ cho cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao vị thế của Việt Nam tại một khu vực phát triển năng động. Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt trên cả 3 cấp độ (sản phẩm, DN và chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh). Trong đó, khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương nếu sản phẩm không cạnh tranh được, và nếu không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh cũng không thâm nhập được vào thị trường các nước có FTA với Việt Nam dù họ có đưa thuế nhập khẩu về 0%, ngược lại sản phẩm của họ dễ dàng vào nước ta. Kéo theo đó, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm, tạo sức ép về mặt xã hội.

Quan trọng yếu tố nội tại

Hiện có nhiều tổ chức quốc tế đưa ra các dự báo về kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2016-2017, thậm chí đến 2020. Đặc điểm nổi bật trong các dự báo mới nhất của các tổ chức này là hạ mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu so với dự báo tăng trưởng trong năm 2016 thấp hơn 2015. Có thể thấy những yếu tố bên ngoài tác động đến tăng trưởng của mỗi quốc gia là bất định, ẩn chứa những rủi ro riêng. Vì vậy, việc dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian 2016-2018 là rất khó. Ngay cả các tổ chức dự báo có uy tín cũng phải thường xuyên điều chỉnh dự báo. Tuy nhiên, đối với Việt Nam từ những dự báo, có thể nhận định những yếu tố bên ngoài tác động đến tăng trưởng kinh tế là tích cực. Nhưng như vậy là chưa đủ, cần phải xem xét yếu tố bên trong. Chẳng hạn, kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn nhưng vẫn còn những hạn chế yếu kém như: cân đối ngân sách rất căng thẳng, nợ công tăng cao; nợ xấu chưa được xử lý tốt; DN trong nước rất khó khăn; tiến trình tái cơ cấu diễn ra chậm, chưa đạt yêu cầu trên cả 4 nội dung (tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu nông nghiệp)…

Những hạn chế yếu kém này dẫn đến xu thế tiêu cực đang diễn ra từ đầu năm 2016, tác động đến khả năng tăng trưởng trong năm 2016 và cả những năm sau. Cụ thể, lãi suất huy động đang tăng ở tất cả các tổ chức tín dụng và ở tất cả các kỳ hạn, rất khó giữ mặt bằng lãi suất cho vay như năm 2015, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực DN trong nước; tình hình khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Nam Trung bộ, Tây nguyên, ĐBSCL, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vụ này mà còn ảnh hưởng đến cả vụ sau, năm sau. Tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp quý I giảm 1,23%, tăng trưởng công nghiệp cũng thấp thua cùng kỳ năm 2015 (6,72% so 8,74%), kéo theo tăng trưởng quý I-2016 chỉ đạt 5,46%. Như vậy, trong năm 2016 vừa có lực đẩy lại vừa có lực cản sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Từ 2017, lực đẩy sẽ mạnh hơn còn lực cản sẽ phụ thuộc vào nỗ lực giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế nước ta, nhất là việc thực hiện tiến trình tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Hội nhập sẽ là cơ hội thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu.
Hội nhập sẽ là cơ hội thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu.

Thử dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 3 năm, có thể thấy tác động của các FTA chưa lớn, kinh tế thế giới năm 2016 phục hồi chậm, tình hình kinh tế trong nước đã xuất hiện những dấu hiệu khó hơn năm 2015. Nếu tiến trình tái cơ cấu triển khai quyết liệt sẽ phải đánh đổi tăng trưởng. Trong ngắn hạn tăng trưởng sẽ sụt giảm, nhưng đây là sự sụt giảm lành mạnh và có thể được bù đắp bởi sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Trong năm 2016, còn có sự chuyển giao lãnh đạo các cấp chính quyền, sẽ mất một thời gian để khởi động bộ máy mới. Từ những lý do trên, tăng trưởng năm 2016 chỉ ở mức 6,5%, thậm chí thấp hơn tùy thuộc vào kết quả của tái cơ cấu 4 nội dung trọng tâm và cải thiện môi trường kinh doanh.

Đến giai đoạn 2017-2018, nhiều khả năng TPP sẽ có hiệu lực trong năm 2017, trừ FTA Việt Nam-EU, các FTA đã kết thúc đàm phán cũng sẽ có hiệu lực, tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng, kinh tế thế giới được dự báo tăng rõ hơn. Đây là những yếu tố bên ngoài thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Trong nước, bộ máy quản lý các cấp đã đi vào hoạt động ổn định, tạo động lực mới, phong trào khởi nghiệp sẽ mạnh hơn trong năm 2017, từ đó sẽ xuất hiện nhiều DN mới, là nhân tố quyết định cho tăng trưởng. Có thể dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ cao hơn năm 2016 và năm 2018 sẽ còn cao hơn, nhưng dự báo chỉ nêu được xu thế để định hướng cho DN hành động, thực tiễn có thể khác, DN cần theo dõi sát tình hình để có hành động phù hợp.

------------------------------

(*) Nguyên là Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương); người có đóng góp rất lớn trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP.

Các tin khác