Quỹ phát triển DN tiếp sức kinh tế tư nhân

(ĐTTCO)-Cuối tuần qua, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ra mắt Quỹ phát triển doanh nghiệp. Việc thành lập quỹ này sẽ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, phát huy tối đa tiềm năng.

(ĐTTCO)-Cuối tuần qua, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ra mắt Quỹ phát triển doanh nghiệp. Việc thành lập quỹ này sẽ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, phát huy tối đa tiềm năng.

 

Đây cũng là động lực, niềm tin nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động hiện nay.

Để hiểu rõ hơn hoạt động của Quỹ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông.

- Thưa ông, việc ra mắt Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Trước hết, chúng tôi tập trung vào khối doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất và chế tác với những sản phẩm đổi mới và sáng tạo. Đây là các lĩnh vực còn ít và các doanh nghiệp Việt Nam đang muốn vươn ra thị trường.

Vì vậy, những doanh nghiệp này cần phải phát huy hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đa phương và song phương, đặc biệt là thương mại thế hệ mới. Muốn tận dụng được hết cơ hội đó thì chúng ta phải có hàng hóa chất lượng để cạnh tranh ngay chính trên sân nhà và thế giới.

Đây là một nỗ lực đòi hỏi sự nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; đồng thời, cũng là nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

- Vậy theo ông, doanh nghiệp cần phải có điều kiện và được hưởng lợi gì từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa?

- Trước hết, chúng tôi sẽ lựa chọn những sản phẩm hàng hóa đúng với mục tiêu phát triển của đất nước. Doanh nghiệp không những chỉ nhận được các hỗ trợ về tài chính thuần túy mà còn được hỗ trợ về năng lực quản trị kinh doanh, nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách thị trường. Đấy là những yếu tố để đảm bảo cho doanh nghiệp thành công.

Và nếu doanh nghiệp thành công sẽ an toàn cho hệ thống tài chính, ngân hàng, tín dụng. Hai điều này tương tác với nhau và sẽ tạo nên sự khác biệt so với những gói tín dụng trước đây.

Chúng tôi đã chọn ra ba đối tượng là đối tác ban đầu với cơ quan hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ngân hàng thương mại. Đây chỉ là bước đầu. Chúng tôi hy vọng nếu mô hình thành công ngoài nguồn vốn 2.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho Quỹ sẽ thu hút các nguồn vốn của khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

Về phía ngân hàng, chúng tôi tạo nên một cái nếp để thẩm định, lựa chọn các hợp đồng, đề án tín dụng của doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu và an toàn tín dụng cho ngân hàng. Nhưng ngược lại, ngân hàng cũng có cách tiếp cận khác so với cách tiếp cận truyền thống hiện nay, đó là yêu cầu phải có tài sản thế chấp.

Đối với Quỹ này, thế chấp không phải là điều kiện tiên quyết mà là tạo sự an toàn tín dụng bằng năng lực quản trị, minh bạch trong tài chính, sổ sách; tiếp đến là nâng cao năng lực về khoa học công nghệ, đảm bảo thị trường đầu ra của sản phẩm.

- Ông nhận định như thế nào về khối doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay và trong thời gian tới, khối doanh nghiệp này sẽ phát triển như thế nào?

- Đi sâu vào từng lĩnh vực, từng ngành, trong thời gian qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa có những điểm mạnh và điểm yếu. Qua quá trình khảo sát, tôi rất mừng vì thấy có rất nhiều sản phẩm của khối doanh nghiệp này từ đổi mới sáng tạo, từ khoa học công nghệ, từ trí tuệ của người Việt đã làm được rất tốt. Tôi nghĩ nếu có cơ chế hỗ trợ ban đầu thì những sản phẩm của nhà sáng chế, nhà khoa học sẽ giải quyết được những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Chúng tôi tiếp cận để hỗ trợ cho doanh nghiệp, khi những sản phẩm này ra đời, thì năng lực cạnh tranh rất cao. Doanh nghiệp sẽ cạnh tranh được cả về chất lượng, giá thành để thắng ngay trên sân nhà. Đó là điều hướng tới của chúng tôi.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng một dự thảo về hình thành và cách thức hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho những doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Xin ông cho biết những thông tin xung quanh dự thảo này ?

- Quỹ đầu tư mạo hiểm là nguồn vốn để giúp cho những doanh nghiệp, những cá nhân, có những sản phẩm đổi mới sáng tạo nhưng họ không biết thương mại hóa như thế nào?

Tôi cho rằng bước đầu là bước khó nhất, ban đầu các bạn trẻ huy động vốn của gia đình, bạn bè; nhưng tiếp theo, cần có dòng vốn. Gọi là mạo hiểm nhưng thực ra là mạo hiểm trong tính toán, chứ không phải là mạo hiểm rủi ro, liều lĩnh, mà không có tính toán, không có cơ sở.

Theo tôi, đầu tư cho khoa học công nghệ là tuyệt vời nhất, nhân văn nhất và hứng khởi nhất. Bởi đầu tư 1 đồng nhưng có thể lãi ra 100 đồng. Tất cả những doanh nghiệp lớn trên thế giới như Facebook, Google đều là những doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng ta nên nhớ, khởi nghiệp là từ ý tưởng, những công nghệ, đổi mới sáng tạo, mà có nền tảng là khoa học công nghệ.

Hiện, các quỹ mạo hiểm như Quỹ đầu tư thiên thần, Quỹ hạt mầm... nằm trong nhóm đó. Các quỹ này giúp cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo, bắt đầu từ ý tưởng cho đến là sản phẩm mẫu, tiếp đến là kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, tiếp thị... để đến khi đưa sản phẩm ra được thị trường.

- Thưa ông, điểm mở của Quỹ đầu tư mạo hiểm so với những hình thức khác là như thế nào?

- Điểm mở này, chúng tôi xác định khác với Quỹ đầu tư chứng khoán mà nhiều người hiểu là bị chi phối bởi Quỹ đầu tư chứng khoán. Quỹ đầu tư chứng khoán là đầu tư vào doanh nghiệp, mà doanh nghiệp là thương mại hóa sản phẩm, đã hoạt động trên thị trường. Còn đây là nằm ở đoạn trước sản phẩm thương mại hóa. Cho nên, cách ứng xử, nhìn nhận và đánh giá, cách quản lý khác so với Quỹ đầu tư chứng khoán.

Chúng tôi đưa ra cái khung mang tính định hướng, nghĩa là giữa nhà sáng chế, nhà sáng tạo, là chủ của các sản phẩm đó phải cam kết điều kiện gì với người cấp vốn. Và người cấp vốn, yêu cầu điều kiện gì? Đó là quan hệ, cam kết của nhà sáng chế, sáng tạo với người cấp vốn, Nhà nước không can thiệp vào.

Chúng ta cần nhìn nhận đó là nguồn tài chính hợp pháp, tồn tại trong xã hội, thì doanh nghiệp sẽ dám làm chứ không nhập nhèm là đưa hình sự hóa một cách không hợp lý.

- Xin cám ơn ông.

Các tin khác