Thế giới ngầm đồ cổ (K2): Ung dung ngoài pháp luật

Không ai quan tâm

(ĐTTCO) - Patterson đã hỗ trợ các hoạt động phá hoại di sản văn hóa ở quê nhà Trung Mỹ của ông trong suốt nửa thế kỷ, nhưng cho đến nay ông vẫn chưa bị pháp luật trừng trị. Trường hợp của ông không phải cá biệt, điều đó cho thấy thực tế đáng buồn trong nỗ lực bảo vệ các di sản nhân loại hiện nay.

Không ai quan tâm

Trong hàng thập niên, việc làm ăn của Patterson diễn ra theo cách như sau: Những tay môi giới người Mexico của ông sẽ định kỳ đến Munich để giới thiệu các món hàng mới. “Họ hợp tác với những người khai quật phi pháp. Họ phải nắm được những vụ khai quật đang diễn ra ở đâu. Họ quen biết tất cả người làm nghề trộm mộ” - Patterson nói. Những người Mexico biết những thứ Patterson thích. Họ sẽ gửi cho ông hình ảnh các địa điểm khai quật để ông chọn những món hàng mình thích. "Người của tôi sẽ mang hàng đến bất cứ đâu tôi muốn, dù tôi ở Trung Quốc hay Paris” - Patterson kể. Theo Patterson, chính những người Mexico mới buôn lậu, còn ông không liên quan. “Đó là cách họ kiếm tiền. Họ có địa chỉ liên lạc, bạn bè. Họ cũng phải hối lộ” - Patterson cho biết.

Trong những năm 1970, UNESCO đã thông qua một công ước nhằm ngăn chặn việc buôn bán bất hợp pháp các hiện vật văn hóa, nhưng nhiều quốc gia đã thất bại trong việc phê chuẩn. Trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, hầu như ở những nước giàu không ai quan tâm đến việc số lượng lớn các cổ vật bị khai quật và buôn bán bất hợp pháp. Patterson đã hưởng lợi từ tình trạng vô luật pháp này. Mãi đến năm 1983, Hoa Kỳ mới phê chuẩn công ước UNESCO về bảo vệ các hiện vật văn hóa. 1 năm sau đó, những vấn đề với Patterson đã bắt đầu phát sinh. FBI cáo buộc Patterson đã cố gắng bán một bức bích họa Maya giả cho một đại lý nghệ thuật ở Boston và bị phán án treo. Chỉ 1 năm sau, ông bị bắt tại sân bay Houston vì đã mang những quả trứng rùa từ Mexico. Một tòa án ở Dallas đã kết án ông 3 tháng tù giam vì vi phạm lệnh quản chế của mình. Tuy nhiên, ông được thả ra chỉ 4 tuần sau đó.

Nhiều lần thoát nạn

Năm 1997, Patterson đã tổ chức một triển lãm lớn tại Santiago de Compostela, Tây Ban Nha. Cuộc triển lãm được chính quyền khu vực Galicia tài trợ và lễ khai mạc có sự tham dự của 2 người đoạt giải Nobel Hòa bình Trung Mỹ là Rigoberta Menchú và Óscar Arias, người 2 lần làm Tổng thống Costa Rica. Những nhà sưu tập khác cũng tham gia triển lãm. Các hiện vật đều là bất hợp pháp và được rửa sạch thông qua cuộc triển lãm này. Thị trưởng Santiago rất muốn mua toàn bộ bộ sưu tập của Patterson để cho một bảo tàng mới, nhưng không được vì 2 nhà khảo cổ học nổi tiếng từ Hoa Kỳ cảnh báo chính quyền Galicia rằng nhiều mẫu vật là giả. Patterson đã kiện 2 người này tội vu khống, đòi bồi thường thiệt hại 63 triệu USD, nhưng sau đó đã rút đơn khiếu nại.

Với việc Santiago rút lại việc mua bán, Patterson rơi vào cảnh thiếu tiền mặt và các hiện vật triển lãm được đưa vào kho. 10 năm sau, năm 2007, một phần bộ sưu tập bị Peru thu giữ. Patterson đã bán căn hộ ở Monte Carlo để trả phí lưu kho tại Santiago. Sau đó ông chuyển bộ sưu tập đến Munich vào tháng 3-2008, nhưng nhà chức trách Tây Ban Nha đã báo vụ việc này cho Interpol, đồng thời phát động một cuộc truy lùng quốc tế đối với các cổ vật bị biến mất. Bộ sưu tập đã bị các công tố viên ở Munich thu giữ vào tháng 4-2008.

Vào tháng 12-2012, một tòa án hình sự tại Santiago de Compostela đưa Patterson ra tòa vì vi phạm quy định xuất khẩu liên quan đến các hiện vật văn hóa bị chuyển đến Munich. Nhưng bị cáo đã không có mặt tại phiên tòa. Một bác sĩ người Đức cấp cho Patterson giấy chứng nhận sức khỏe kém, không thể đi xa. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau Patterson đã bay sang Costa Rica. Dù vậy, chính phủ Peru đã yêu cầu lệnh bắt quốc tế đối với Patterson và ông đã bị bắt giữ tại sân bay Madrid trong chuyến trở về và bị giam giữ chờ dẫn độ. Ông được thả ra vì lý do sức khỏe 10 tháng sau đó, nhưng được lệnh ở lại Tây Ban Nha. Dù vậy, Patterson đã lập tức đi Đức. Vào cuối năm 2014, Patterson bị bắt ở Munich vì bán 1 đầu lâu cổ Olmec cho một doanh nhân gần Starnberg với giá 85.000EUR. Ông được tại ngoại, nhưng 1 năm sau đó bị tòa án Munich phán án 1 năm 3 tháng tù treo vì gian lận.

Thế giới ngầm đồ cổ (K2): Ung dung ngoài pháp luật ảnh 1

Nhiều cổ vật ở Trung  Mỹ đã bị cướp bóc, buôn lậu với sự hỗ trợ của Patterson.

Có luật cũng như không

Khi bộ sưu tập của Patterson đã bị chính quyền bang Bavaria (Đức) thu giữ vào tháng 4-2008. 1 năm trước đó, Đức đã phê chuẩn Công ước 1970 của UNESCO và các bộ sưu tập Patterson dường như là những thử nghiệm hoàn hảo. Mexico, Guatemala, Peru, Colombia, Ecuador và Costa Rica đều đòi trả lại những cổ vật về nơi xuất xứ. Họ cho rằng nước mình đều đã có luật cấm xuất khẩu di vật khảo cổ và đã đệ đơn khiếu nại với tòa án Munich.

Trong nhiều tháng, 6 nguyên đơn đã cố gắng đòi đưa chuyên gia của họ đến kiểm tra bộ sưu tập của Patterson, nhưng chính quyền Munich từ chối. 1 tháng sau, tòa án Munich đã bác bỏ khiếu kiện của 6 quốc gia. Tòa án cho rằng luật liên quan đến việc hồi hương của các vật thể văn hóa không thể áp dụng trong trường hợp này, bởi các nước nguồn không duy trì đăng ký truy cập công khai với các cổ vật được liệt kê. Mexico đã đệ đơn tố tụng dân sự và thu giữ 691 cổ vật Mexico, tuy nhiên tòa án tiểu bang Bavaria ở Munich dỡ bỏ việc thu giữ 4 năm sau đó đối với tất cả cổ vật, ngoại trừ 2 bức tượng nhỏ bằng gỗ. Một tòa án dân sự ở Munich sau đó trao trả 2 bức tượng cho Mexico, nhưng vụ án vẫn chưa giải quyết. Tất cả cổ vật còn lại được giao lại cho Patterson - một kết quả tồi tệ nhất đối với thử nghiệm đầu tiên của đạo luật được Đức phê chuẩn năm 2007. Vụ án Patterson hoàn toàn không phải ngoại lệ. Trong một báo cáo trình quốc hội năm 2013, chính phủ Đức đã đưa ra kết luận về tính hiệu quả của đạo luật năm 2007 rằng không có cổ vật nào được trả lại nhờ đạo luật đó.

Dự thảo luật mới do Ủy viên Văn hóa Grütters nhằm giúp việc hồi hương các cổ vật như vậy đơn giản hơn, chủ yếu bằng cách yêu cầu các chủ sở hữu cổ vật đưa ra được giấy phép xuất khẩu - điều họ không thể làm vì hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều có luật cấm xuất khẩu di sản cổ. Tuy nhiên, dự luật chỉ áp dụng cho các cổ vật đã được đưa vào Đức từ năm 2007. Tất cả cổ vật nhập khẩu trước đó về cơ bản sẽ được hợp pháp hóa. Đối với các lái buôn sừng sỏ như Patterson, người đã buôn đồ cổ trong hàng thập niên qua, dự luật chẳng khác gì món quà lớn. Ông hầu như không bị ảnh hưởng bởi luật mới, bởi tất cả cổ vật đều được ông mang về trước năm 2007.

Các tin khác