Khát vọng vươn tầm thịnh vượng

Cũng chính vào lúc này, khi hội nhập ngày càng sâu rộng, ta mới thấy điểm mạnh yếu của chính mình rõ hơn. Và có thể nói, chưa bao giờ khát vọng vươn tầm kiến tạo quốc gia thịnh vượng, không để đối tác bỏ lại phía sau, tỏ rõ bản lĩnh con cháu Lạc Hồng trong việc xây dựng đất nước, lại cháy bỏng như hiện nay. Điều này rất dễ hiểu, bởi trong sân chơi chung ít ai chấp nhận vị trí “chiếu dưới”, và mệnh lệnh đổi mới-phát triển là xu hướng chung của thời đại, không còn đường khác, không còn đường lùi, nếu muốn tiến lên con đường ấm no hạnh phúc.

(ĐTTCO) - Công cuộc Đổi mới 30 năm qua đã đưa đất nước phát triển toàn diện mọi mặt. Việt Nam đã vượt thoát khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. Vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Đến thời điểm này, Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tầm vóc và sức ảnh hưởng lớn trên quy mô toàn cầu, sánh vai cùng các nước trên con đường phát triển.

Cũng chính vào lúc này, khi hội nhập ngày càng sâu rộng, ta mới thấy điểm mạnh yếu của chính mình rõ hơn. Và có thể nói, chưa bao giờ khát vọng vươn tầm kiến tạo quốc gia thịnh vượng, không để đối tác bỏ lại phía sau, tỏ rõ bản lĩnh con cháu Lạc Hồng trong việc xây dựng đất nước, lại cháy bỏng như hiện nay. Điều này rất dễ hiểu, bởi trong sân chơi chung ít ai chấp nhận vị trí “chiếu dưới”, và mệnh lệnh đổi mới-phát triển là xu hướng chung của thời đại, không còn đường khác, không còn đường lùi, nếu muốn tiến lên con đường ấm no hạnh phúc.

Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, đột phá quan trọng tạo sự thành công trong công cuộc Đổi mới lần thứ nhất năm 1986 là đưa được khái niệm “kinh tế nhiều thành phần” vào Văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng. Cũng từ đó đất nước phát triển vượt bậc, lột xác và tư duy kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân ngày càng hoàn thiện. Ngày 9-12-2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09/NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Ngày 13-10-2004, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ giới doanh nghiệp, trao quyết định công nhận Ngày Doanh nhân Việt Nam, lúc đó Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát biểu: “Nếu không có một đội ngũ doanh nhân đủ trình độ, có năng lực cạnh tranh cao, không có những thương hiệu Việt Nam đi khắp thế giới thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đào thải. Việt Nam không thể thoát được đói nghèo”.

Từ một thành phần bị cải tạo, ngờ vực và rẻ rúng, sau “cột mốc” Đổi mới, được nhìn nhận là một động lực của phát triển, lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã có sự phát triển vượt bậc ngoài mong đợi. Đến nay khu vực kinh tế này đã đóng góp trên 50% GDP nền kinh tế, tạo 60% việc làm cho xã hội. Vậy doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã mạnh chưa? Đáng tiếc là chưa. Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2015 mới công bố cho thấy bức tranh đáng lo ngại: Năm 2015 tốc độ tăng trưởng nước ta cao hơn các năm trước nhưng chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI, chiếm đến 71% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó quy mô doanh thu, lao động, kim ngạch xuất khẩu doanh nghiệp trong nước ngày càng giảm dần. Mặt khác loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp nội địa, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam hầu như đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu, khả năng tận dụng các cơ hội hội nhập mang lại còn khiêm tốn, chưa sẵn sàng đối đầu cạnh tranh…

Nhìn vào hiện trạng nền kinh tế, nhiều nhà phân tích đã bày tỏ sự tiếc nuối: Sự phát triển của kinh tế thế giới đã chỉ ra rằng, ở đâu nhìn nhận kinh tế tư nhân là động lực thì ở đó kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh. Chưa có mô hình nào chứng minh đưa đất nước tiến tới thịnh vượng nhờ dựa vào kinh tế nhà nước và FDI. Tiến trình cải cách thể chế kinh tế nước ta nhìn chung đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Quan điểm xác định xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, không làm thay doanh nghiệp, mà tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo phát triển sản xuất kinh doanh, là đúng đắn nhưng bước đi lại rụt rè, không dứt khoát. Cũng vì thế nước ta đã bỏ lỡ quá nhiều thời cơ phát triển. Nhìn lại 10 năm gia nhập WTO, các chuyên gia cho rằng ta không những chưa “tiến ra biển lớn” được, mà lại thua trên sân nhà. Nhìn lại 30 năm Đổi mới, nếu ta thực hiện nhất quán phương châm Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, người dân được làm những gì pháp luật không cấm, thì bước tiến của nền kinh tế sẽ khác, tiềm lực của nền kinh tế mạnh mẽ hơn, đủ sức chịu va đập trước cơn sóng hội nhập.

Sau 30 năm Đổi mới, vấn đề cải cách thể chế vẫn đặt ra bức thiết. Làm rõ chức năng và giảm phạm vi, mức độ tham gia của khu vực Nhà nước vào các hoạt động kinh tế, đầu tư tiếp tục là những khuyến nghị được giới chuyên gia quốc tế đưa ra khi bàn thảo về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường giai đoạn 2016-2020. Bởi lẽ, thành phần này vẫn chiếm tỷ trọng 40% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, “lấn át” đầu tư khu vực tư nhân và “bóp méo” việc phân bổ thị trường do sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Thực tế đầu tư công thời gian qua phần lớn hiệu quả thấp, gây lãng phí ngân sách, thậm chí tạo ra gánh nặng nợ công, nợ xấu lớn trong nền kinh tế nhưng người ta vẫn cứ làm, “vì nhiều bộ, ngành vừa điều tiết, vừa là chủ sở hữu Nhà nước, đưa ra chính sách và hưởng lợi từ những chính sách đó” - WB khuyến cáo.

Sau 30 năm Đổi mới, bước vào mùa Xuân thứ 41 của nước Việt Nam thống nhất, vận hội mới của đất nước, cho cộng đồng doanh nghiệp đang mở ra khi Nghị quyết lần thứ XII của Đảng lần đầu tiên xác định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”; “Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp quốc gia”. Bước đột phá mới về tư duy cộng thêm quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cấp môi trường kinh doanh theo chuẩn mực thế giới, phấn đấu đưa Việt Nam đứng vào top 4 trong khối ASEAN, thật sự đã dấy lên niềm hy vọng mới; thúc đẩy tháo gỡ những rào cản làm thui chột ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp.

Kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, một là tận dụng được các cơ hội của hội nhập để vững bước đi lên; hai là sẽ đi ngang và rơi vào sự trì trệ của bẫy thu nhập trung bình. Từ khóa của sự phát triển đã được tìm thấy: Kinh tế tư nhân, quốc gia khởi nghiệp. Điều này đánh thức khát vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, về việc biến giấc mơ vươn tầm thịnh vượng thành hiện thực, khát khao cống hiến vì sự phồn vinh của dân tộc và đất nước. Là “kỹ sư trưởng” đổi mới thể chế kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh từng phát biểu: “Môi trường kinh doanh thông thoáng, rõ ràng, minh bạch, thủ tục đơn giản sẽ thúc đẩy mọi người có tiền, có ý tưởng thành lập doanh nghiệp. Khi đó nguồn lực của người dân sẽ không nằm trong ngân hàng, khi đó đất nước sẽ phát triển”.

Các tin khác