Cổ đông ức vì cổ tức

(ĐTTCO) - Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, cổ tức tiếp tục là điểm nóng trong phiên thảo luận vì đa số các NHTM chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Đồng thời, một số NH cũng tiếp tục điệp khúc không chia cổ tức khiến cổ đông bức xúc vì nhiều năm liên tiếp không được nhận đồng cổ tức nào.

(ĐTTCO) - Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, cổ tức tiếp tục là điểm nóng trong phiên thảo luận vì đa số các NHTM chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Đồng thời, một số NH cũng tiếp tục điệp khúc không chia cổ tức khiến cổ đông bức xúc vì nhiều năm liên tiếp không được nhận đồng cổ tức nào.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu

Năm nay, Vietcombank đã làm “nức lòng” cổ đông khi đưa ra phương án phân phối lợi nhuận năm 2015, trong đó lợi nhuận phân phối là 5.183 tỷ đồng, sau khi trừ thù lao thành viên HĐQT độc lập và trích lập các quỹ, cổ tức sẽ được chia bằng tiền mặt 10%, ngoài ra Vietcombank cũng sẽ phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu. OCB, LienVietPostBank cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với mức 4,5%. Theo tờ trình dự kiến tại ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 28-4, các cổ đông của VIB sẽ biểu quyết việc chia cổ tức tiền mặt 8,5%.

Việc chia hay không chia cổ tức thường do HĐQT, tức các cổ đông lớn quyết định và cổ đông nhỏ phải chấp nhận. Nếu NH niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán sẽ tạo thanh khoản cho cổ phiếu, từ đó cổ đông mới có thể lấy lại tiền của mình. Nhưng NH vẫn chần chừ với kế hoạch lên sàn mà cũng không chia cổ tức cho cổ đông trong nhiều năm liền, là bỏ qua quyền lợi và không bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ. Cổ đông được xem là chủ NH, nhưng làm chủ như thế này thà làm công còn sướng hơn.

Một cổ đông bức xúc

Tuy nhiên, cũng trong mùa ĐHĐCĐ năm nay, hàng loạt NHTM đã trình cổ đông phương án trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu. Cụ thể, VPBank chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông với tỷ lệ 13,07% trên tổng mệnh giá cổ phần phổ thông, ACB chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:1 thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Hay không ít cổ đông của NamABank cũng đã thất vọng khi NH đưa ra mức chia cổ tức năm 2015 chỉ 5% bằng cổ phiếu. Với cổ đông SHB sau 2 năm liền nhận cổ tức bằng cổ phiếu đã đề nghị đưa vào nghị quyết đại hội nội dung trả cổ tức bằng tiền mặt, nhưng theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, việc trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt hay cổ phiếu nên để ĐHĐCĐ năm sau quyết định. VietABank nhiều năm không chia cổ tức vừa trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức là 7,5% thông qua việc phát hành cổ phiếu, dùng nguồn lợi nhuận sau thuế để phát hành cổ tức cho cổ đông. Công bố tài liệu họp vào sát ngày diễn ra ĐHĐCĐ, BIDV đã bất ngờ giảm mức chi trả cổ tức xuống còn 8,5% và trả bằng cổ phiếu, trong khi theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, tỷ lệ chi trả cổ tức là trên 9%.

 Theo ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch VPBank, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp VPBank tăng vốn điều lệ, qua đó cải thiện các chỉ số an toàn vốn theo quy định của NHNN. Còn đại diện Ban điều hành BIDV cho biết, việc trả cổ tức của NH phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt sau khi sáp nhập MHB, số lượng cổ phần của BIDV tăng lên, do đó việc giữ cổ tức như kế hoạch ban đầu là rất khó. Lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn 12 tháng ở mức 7%, nên kế hoạch chi cổ tức 8,5% cho năm 2015 và từ 7% trở lên trong năm 2016 cũng đã đảm bảo cổ tức cao hơn lãi suất tiết kiệm. Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB, cũng chia sẻ với cổ đông, đối với phần chia cổ tức, NH phải thực hiện theo chỉ đạo NHNN, đồng thời việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp tăng vốn điều lệ cho NH là điều cần thiết để nâng cao năng lực hoạt động. NamABank giải trình việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là để có vốn đầu tư, duy trì và phát triển NH trong tương lai. Trong năm 2016, NamABank tiếp tục mở rộng mạng lưới, đầu tư hệ thống trang thiết bị, nhân sự nên phải đảm bảo yêu cầu về năng lực tài chính.

Không có một đồng cổ tức

Tuy nhiên, chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn chưa phải là thiệt thòi nhất đối với các cổ đông NH, vì năm nay một số NHTMCP không chia cổ tức. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, Techcombank tiếp tục thông báo không chia cổ tức, phần lợi nhuận còn lại có thể phân phối của Techcombank đạt 2.215 tỷ đồng được duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Đây là năm thứ 4 Techcombank không chia cổ tức cho cổ đông.

Việc chia cổ tức phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng thông thường phải giữ lại để tăng vốn và tái đầu tư, vì nếu làm ra lợi nhuận chia hết rất khó phát triển. Cổ đông muốn nhận cổ tức cao, nhưng sự an toàn của hệ thống quan trọng hơn. Trong giai đoạn còn nhiều khó khăn, NH phải ưu tiên trích dự phòng rủi ro đầy đủ trước khi chia cổ tức cho cổ đông.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát NHNN tại TPHCM

Tương tự, SCB năm nay cũng tiếp tục không chia cổ tức. Trước câu hỏi của cổ đông về chính sách chi trả cổ tức năm nay được áp dụng như thế nào, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết NH sẽ xem xét việc trả cổ tức sau khi bù hết thặng dư âm vốn chủ sở hữu, trên cơ sở tối ưu hóa lợi ích của cổ đông, hài hòa với mục tiêu phát triển dài hạn của NH.

 Theo chương trình đại hội của Techcombank, phần thảo luận diễn ra sau khi các cổ đông biểu quyết các tờ trình, nhưng ngay sau phần đọc báo cáo của HĐQT, một số cổ đông đã không đồng ý và lập tức bày tỏ bức xúc về cách tổ chức đại hội và việc không chia cổ tức trong 4 năm liên tục ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông. Cổ đông của Techcombank đề nghị đại diện NHNN cho biết NH không chia cổ tức có được không? HĐQT trả lời khi nào sẽ chia cổ tức cho cổ đông vì góp vốn vào NH hàng chục tỷ mà không được một đồng lời nào suốt 4 năm qua. Cổ đông còn cho biết sẽ làm đơn gửi kiểm toán NHNN, làm đơn sang các cơ quan điều tra xem NH làm vậy có đúng luật không.

 Cổ đông nhỏ chịu thiệt

Những năm gần đây, các NHTM vẫn giai đoạn tái cơ cấu, sắp tới, 10 NHTM sẽ thí điểm áp dụng chuẩn mực hệ số an toàn vốn đợt đầu tiên theo Basel II với những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành, trong khi các NH còn lại cũng cần tăng vốn để đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo Điều 59 Luật các TCTD, cổ đông có quyền quyết định tỷ lệ cổ tức, nhưng đối chọi lại luật cũng quy định NHNN có thể áp dụng một số biện pháp liên quan đến việc chia cổ tức để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống. Những điều nói trên đã tác động đến cổ tức của cổ đông trong những năm gần đây. Đứng ở góc độ cổ đông, việc phản ứng với vấn đề chia cổ tức của NH cũng có nguyên nhân. Cổ đông của BIDV cho rằng, lợi nhuận thuần cho cổ đông rất cao so với NH khác mà họ còn chia 10% cổ tức, còn BIDV lại giảm xuống 8,5% mà lại trả bằng cổ phiếu và kế hoạch cổ tức 7% cho năm 2016 quá thấp. Theo đó, cổ đông đề nghị cổ tức năm 2015 nên ở mức 9% bằng tiền mặt, nếu khó khăn có thể chia làm 2 đợt chứ không phải chỉ ở mức 8,5% bằng cổ phiếu, hoặc nếu cần tăng vốn thì trả cổ tức bằng tiền mặt rồi phát hành cho cổ đông hiện hữu để các cổ đông có tiền mua cổ phiếu…

Một cổ đông phát biểu tại ĐHĐCĐ của SCB.

Một cổ đông phát biểu tại ĐHĐCĐ của SCB.

Một nguyên nhân nữa xuất phát từ thù lao của HĐQT. Theo cổ đông NamABank, mức chia cổ tức 5% chưa hợp lý, đồng thời ngân sách hoạt động và thù lao HĐQT, ban kiểm soát từ 15 tỷ đồng năm 2015 tăng lên 18 tỷ đồng năm 2016 quá cao. Cổ đông Techcombank cũng bức xúc, trong số 2.215 tỷ đồng lợi nhuận, lãnh đạo đã tự chia thù lao trong số lợi nhuận này, tổng thù lao năm 2015 của HĐQT là hơn 28 tỷ đồng, tức thù lao mỗi người tới 4-5 tỷ đồng, trong khi cổ đông là chủ NH lại không được một đồng cổ tức nào. Còn cách SCB trích lập quỹ thù lao HĐQT theo tỷ lệ 1,5% trên chi phí hoạt động thay vì trên lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng theo cổ đông là không hợp lý. Cổ đông cho rằng, các NH khác tính thù lao dựa trên lợi nhuận để HĐQT phát huy năng lực, làm nhiều lợi nhuận thì được hưởng nhiều, còn với cách tính thù lao như vậy, khả năng thu nhập cao vì doanh thu cao, nhưng chi phí quá nhiều nên lợi nhuận thấp và đề xuất NH thay đổi lại tham số tính toán lợi ích, thù lao HĐQT. Song theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, thù lao HĐQT đề ra là con số chấp nhận được, vấn đề này đã được bàn luận nhiều tại ĐHĐCĐ năm ngoái, năm nay HĐQT đã đề ra mức 11 tỷ đồng, thấp hơn năm trước, đây là thiện chí của HĐQT trong quá trình điều hành, quản trị NH.

Việc NHNN can thiệp vào cổ tức NH, theo ông Phan Đình Tân, Chủ tịch HĐQT NamABank, hoạt động NH có tính đặc thù, để đảm bảo hoạt động an toàn, NHNN phải giám sát chặt trong đó có cả giám sát cổ tức. Và dù cổ đông có bức xúc, sau các giải trình của lãnh đạo các NHTM về việc chia cổ tức cũng như về mức thù lao của HĐQT, cổ đông của các NHTM cuối cùng cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt” và thông qua các phương án phân phối lợi nhuận do NH đề ra. 

Các tin khác