KẾ HOẠCH 5 NĂM 2016-2020

Cải cách mạnh mẽ, nâng cao tiềm lực kinh tế

(ĐTTCO) - Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020, với 19 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó về kinh tế có 9 chỉ tiêu, xã hội có 6 chỉ tiêu và về môi trường có 4 chỉ tiêu. Ở giác độ kinh tế vĩ mô, các chỉ tiêu đáng chú ý như đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 6,5-7%/năm để đến năm 2020 đạt GDP/người 3.200-3.500USD…

(ĐTTCO) - Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020, với 19 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó về kinh tế có 9 chỉ tiêu, xã hội có 6 chỉ tiêu và về môi trường có 4 chỉ tiêu. Ở giác độ kinh tế vĩ mô, các chỉ tiêu đáng chú ý như đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 6,5-7%/năm để đến năm 2020 đạt GDP/người 3.200-3.500USD…

Trách nhiệm nặng nề

Nhìn về tiềm năng và cơ hội phát triển những chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết không phải là cao, thậm chí còn thấp so với yêu cầu thoát nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” trong dài hạn (nếu GDP tăng bình quân 7,2%/năm, sau 10 năm số tuyệt đối tăng gấp đôi, nhưng GDP/người sẽ tăng thấp hơn do tăng dân số). Nhưng nếu nhìn từ tình hình kinh tế đang đặt ra, nhất là những khó khăn trong năm 2016, các chỉ tiêu trên vẫn là thách thức. Đó là nông nghiệp khó khăn kép; doanh nghiệp trong nước phục hồi chậm; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sự vận hành các loại thị trường còn vướng mắc… 

Nếu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế; bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng,thực hiện vai trò Nhà nước thực sự  là “bà đỡ” đối với doanh nghiệp, tận dụng cơ hội của hội nhập, thì giai đoạn 2016-2020 chính là thời kỳ nền kinh tế nước ta có thời cơ mới để phát triển nhanh và bền vững, thực hiện sứ mệnh công nghiệp hóa đất nước.

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015 tại kỳ họp thứ 10 và 11 của Quốc hội khóa 13, Chính phủ đã nêu rõ những mặt tích cực như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; kinh tế phục hồi, với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68% và bình quân 5 năm đạt 5,91%... Đồng thời nêu  9 nhóm vấn đề còn hạn chế yếu kém, trong đó về kinh tế đang tồn tại các vấn đề đáng lưu ý như : kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn khó khăn; huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm... Trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 nhiều chỉ tiêu về kinh tế không đạt được như tốc độ tăng  GDP ( bình quân 5,91%/năm so với mục tiêu từ 6,5-7%/năm); tổng đầu tư xã hội/GDP, đặc biệt các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng tăng trưởng đều chậm được cải thiện.

 Tuy từ giữa năm 2013 nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi, nhưng tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm. Sự giảm giá lương thực thực phẩm trên thị trường thế giới những năm gần đây, cùng với sự chậm tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp đã đưa nền sản xuất nông nghiệp nước ta đứng trước viễn cảnh cực kỳ khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại và sẽ khó khăn hơn khi mở cửa thị trường nội địa. Nền công nghiệp gia công kéo dài, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, dẫn đến nhiều ngành công nghiệp khó tồn tại khi thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan, trước mắt là khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Thị trường tài chính phát triển không đồng bộ, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm chưa đóng vai trò là kênh tải vốn trung, dài hạn cần thiết cho nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng thương mại đang trong giai đoạn tái cơ cấu phải đảm nhận phần lớn nguồn vốn ngắn hạn lẫn trung-dài hạn cho nền kinh tế, nên vẫn đang gặp khó khăn.

Trong 5 năm qua kênh đầu tư công đã có tác động đáng kể đến sự tăng tổng cầu, kích thích tăng trưởng, nhưng trong những năm tới phải cắt giảm nợ công, giảm lượng trái phiếu chính phủ phát hành, nên dư địa của chính sách tài khóa kích thích tổng cầu sẽ không còn nhiều. Bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả chưa có giải pháp để tinh gọn, mà còn có khả năng tăng thêm trong các năm tới, khi triển khai các luật mới về tổ chức bộ máy nhà nước; cải cách hành chính và xây dựng thể chế để bảo đảm tự do, bình đẳng kinh doanh chưa đạt yêu cầu; các loại thị trường vận hành còn vướng mắc, hiệu quả chưa cao… Những khó khăn trên đang đặt trách nhiệm nặng nề và cũng là thách thức đối với Chính phủ thực hiện các mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra trong 5 năm tới.

Thách thức và triển vọng

Ngay trong năm 2016, chúng ta vừa phải giải quyết những tồn tại ngắn hạn, nhất là giải quyết vấn đề suy giảm trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng khô hạn kéo dài trong nhiều tháng qua, vừa phải  thực hiện các mục tiêu trung-dài hạn liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chuẩn bị điều kiện để hội nhập khu vực và quốc tế, nhất là thực hiện các hiệp định kinh tế đa phương và song phương thế hệ mới. Do đó, trong Nghị quyết của Quốc hội nêu trên đã đề ra mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh".

Về mặt chính sách, vẫn kiên trì áp dụng các chính sách nhằm tăng cường các yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời có sự linh hoạt hơn về chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp, nông thôn; lĩnh vực xuất khẩu. Trước mắt trong năm 2016, Nghị quyết của Quốc hội đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có một số giải pháp về kinh tế: Điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, nhất là tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ nợ công, cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, xử lý có hiệu quả nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ đọng thuế, triệt để thực hành tiết kiệm. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế trong nước, thực hiện các giải pháp có hiệu quả hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, cải thiện môi trường đầu tư… Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng… Tuy giữa chính sách và thực tiễn của cuộc sống vẫn có khoảng cách nhất định, nhưng nhờ vào những cải cách về thể chế kinh tế đã và đang triển khai, tạo điều kiện cho nền kinh tế vận hành mang tính thị trường hơn, nguồn lực xã hội có điều kiện huy động tốt hơn và nhất là những thách thức trong hội nhập cũng chính là cơ hội để vượt qua những hạn chế của chính mình để phát triển.

Hệ thống NH vừa tái cơ cấu, vừa đảm nhận phân bổ nguồn vốn nền kinh tế. Ảnh: LONG THANH

Hệ thống NH vừa tái cơ cấu, vừa đảm nhận phân bổ nguồn vốn nền kinh tế.

Ảnh: LONG THANH

Tóm lại, nếu so với thời điểm năm 2011, khi bắt đầu kế hoạch 5 năm 2011-2015, thì năm 2016 khởi đầu  kế hoạch 5 năm 2016-2020 có những thuận lợi cơ bản hơn như: lạm phát được kiềm chế, thị trường tiền tệ ổn định hơn; thể chế kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện hơn; hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông tốt hơn… Nhưng ở chiều ngược lại tiềm lực kinh tế trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp truyền thống suy yếu. Lãi suất cao, khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế, nợ xấu chưa được giải quyết căn cơ, tâm lý nhà đầu tư còn e dè… Vì vậy, năm 2016 chưa thể có sự đột phá đáng kể về các loại thị trường, đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng mức tăng của năm 2015 là rất gay go. 

Các tin khác