Nhật Bản đối tác kinh tế quan trọng của TPHCM

(ĐTTCO)-Ngày 22-4, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị “Xúc tiến đầu tư và du lịch Việt Nam - Nhật Bản năm 2016” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) tổ chức. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; ông Iijima Isao, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản cùng chủ trì hội nghị.

(ĐTTCO)-Ngày 22-4, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị “Xúc tiến đầu tư và du lịch Việt Nam - Nhật Bản năm 2016” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) tổ chức. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; ông Iijima Isao, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản cùng chủ trì hội nghị.

 

Đây là hoạt động nổi bật trong khuôn khổ lễ hội Hoa anh đào diễn ra tại TPHCM nhằm giới thiệu chính sách mời gọi đầu tư nước ngoài, trong đó thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào TPHCM ở các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng, môi trường, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, thực phẩm.

Phía Nhật Bản có các doanh nghiệp (DN) trong 9 lĩnh vực tham gia hội nghị, gồm: dược phẩm, thiết bị y tế và quản lý bệnh viện; môi trường; vận chuyển; nông nghiệp; công nghệ thông tin; du lịch; thiết kế cảnh quan; biến đổi khí hậu (trong đó có công nghệ trồng rừng ngập mặn); tài chính.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Với những lợi thế so sánh quan trọng như vị trí địa lý thuận lợi, chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng đang ngày càng được hoàn thiện, lực lượng lao động dồi dào, và là trung tâm kinh tế của cả nước, TPHCM đã và đang là điểm đến quan trọng, lâu dài của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Đối với TPHCM, Nhật Bản là một trong những đối tác vô cùng quan trọng. Hiện nay, TPHCM đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Osaka, Hyogo, Shiga, TP Yokohama, Osaka và đã ký kết Thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế với Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp vùng Kansai Nhật Bản.

Về du lịch, những năm gần đây, du khách Nhật Bản luôn đứng ở vị trí thứ nhất hoặc nhì trong tốp 10 thị trường khách quốc tế đến TPHCM, với 350.000 lượt khách Nhật Bản đến TPHCM và 85.000 khách TPHCM đến Nhật Bản trong năm 2015.

Về số liệu cụ thể, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết, tính từ ngày 1-1-1988 đến 15-3-2016, Nhật Bản có 865 dự án còn hiệu lực tại TPHCM, với tổng vốn đầu tư đạt 2,87 tỷ USD, đứng thứ 6 về tổng vốn đầu tư từ các quốc gia, vùng lãnh thổ tại TPHCM. Bốn ngành nghề và lĩnh vực thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản lớn nhất tại TPHCM, gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; kinh doanh bất động sản.

Nhật Bản cũng là một trong những đối tác tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam với tổng số vốn khoảng 27 tỷ USD trong 20 năm qua. Trong đó có một số dự án được triển khai tại TPHCM, như: xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực các kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ giai đoạn 1 và 2, xây dựng đại lộ Đông Tây...

Để tiếp tục thúc đẩy đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, ông Masuda Chikahiro, Phó Trưởng đại diện Jica Việt Nam, nhìn nhận, cuối năm 2015 khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và nay là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Việt Nam thực sự trở thành cứ điểm về sản xuất hàng hóa để xuất khẩu đến nhiều quốc gia.

Do vậy, cải cách thủ tục hành chính, đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam là yêu cầu bức thiết. Việc thực hiện Sáng kiến chung Việt - Nhật đã bước vào giai đoạn thứ 6, trong đó tập trung vào các vấn đề như chi phí vận tải, giao thông, môi trường. Đặc biệt phía Nhật Bản cũng đang tiến hành nhiều bước để đầu tư mạnh cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, Jica đã cử 39 tình nguyện viên cao cấp từ Nhật Bản tham gia đánh giá hoạt động của các DN tại Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho DN. Ngoài ra, Jica cũng xây dựng các nhóm công tác liên quan đến thủ tục hành chính, thuế, hải quan để tư vấn, hỗ trợ cho nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.

Theo nhận định của ông Masuda Chikahiro, hiện còn 2 vấn đề khó khăn mà các DN Nhật Bản đang tìm cách vượt qua, đó là tỷ lệ thu mua nội địa hóa nguyên liệu đầu vào chỉ dừng ở mức 33%, rất thấp so với các nước trong khu vực đã vượt mức 50%; Việt Nam chưa có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ các DN Nhật Bản. Phía Việt Nam cần xem xét và giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong Sáng kiến chung Việt - Nhật để hoàn thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng chí Nguyễn Thành Phong mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của chính phủ và cộng đồng DN Nhật Bản qua việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vốn ODA và lựa chọn TPHCM như một điểm đến ưu tiên trong làn sóng đầu tư, đặc biệt đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm và du lịch.

TPHCM luôn chào đón, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư, kinh doanh lâu dài và có hiệu quả tại TPHCM.

Tại hội nghị, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC đã giới thiệu đến các DN Nhật Bản 4 dự án lớn mà TPHCM đang mời gọi đầu tư:

1. Lĩnh vực đường sắt đô thị: Theo Quyết định số 101/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống metro được quy hoạch gồm 10 tuyến. Trong đó có tuyến monorail số 2 với tổng chiều dài 27,2km; hình thức kêu gọi đầu tư là PPP, BOT… tổng mức đầu tư (ước tính) 715 triệu USD; tuyến monorail số 6 có tổng chiều dài 6,365km đi ngầm, bao gồm 7 ga ngầm, hình thức đầu tư ODA, BOT… tổng mức đầu tư (ước tính) 1,33 tỷ USD.

2. Lĩnh vực xử lý nước thải: Dự án hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn thuộc lưu vực số 2, được TP lựa chọn làm dự án tiên phong để triển khai thực hiện theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư dự kiến là 49,54 triệu USD cho dự án nhà máy xử lý nước thải và 270,5 triệu USD cho dự án hệ thống thu gom.

3. Về lĩnh vực thương mại: Dự án khu thương mại ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành. Hình thức kêu gọi đầu tư là PPP; hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi; thời gian lựa chọn nhà đầu tư là năm 2016, tổng mức đầu tư 312,05 triệu USD.

4. Về du lịch: Dự án Saigon Safari là công viên du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á, là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loại động thực vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam. Các khu chức năng có tính chất mở nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường. Saigon Safari dự kiến được xây dựng tại huyện Củ Chi, có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch tại Việt Nam, trở thành điểm đến của du khách trong nước cũng như du khách quốc tế.

Các tin khác