Thế giới ngầm đồ cổ (K1): Dự luật của Đức

(ĐTTCO) - Buôn lậu cổ vật cũng hấp dẫn không kém buôn lậu ma túy, vũ khí và đều diễn ra trong bí mật. Hiện nay “ngành công nghiệp” siêu lợi nhuận này đang bùng nổ tại các khu vực chiến tranh ở Trung Đông và Bắc Phi, nhưng hầu như không ai biết gì về các ông trùm liên quan.

(ĐTTCO) - Buôn lậu cổ vật cũng hấp dẫn không kém buôn lậu ma túy, vũ khí và đều diễn ra trong bí mật. Hiện nay “ngành công nghiệp” siêu lợi nhuận này đang bùng nổ tại các khu vực chiến tranh ở Trung Đông và Bắc Phi, nhưng hầu như không ai biết gì về các ông trùm liên quan.

Đức vừa công bố một dự luật mới nhằm tìm cách loại bỏ việc buôn bán đồ cổ. Dự luật này nhắm đến những người như Leonardo Patterson, một tay buôn đồ cổ sừng sỏ. Bởi từ trường hợp của ông đã hé lộ ánh sáng vào thế giới tăm tối của hoạt động buôn bán đồ cổ.

Ông trùm Patterson

Leonardo Patterson không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần các quan chức hải quan, cán bộ thuế, nhà điều tra và cảnh sát hình sự xuất hiện ở căn hộ của ông tại Munich. Họ đã quen thuộc mọi ngóc ngách trong căn hộ 2 phòng của ông ở phía Đông Bắc thành phố: bàn thờ bằng đá với cây thập giá vàng và sách cầu nguyện; các bức tranh sơn dầu đen ở trên giường, miêu tả cảnh Chúa Giêsu bị 2 người đàn ông đánh; ảnh lưu niệm với Đức Giáo Hoàng; những chiếc đầu lâu người Maya trên bàn. Luật sư bào chữa của Patterson cũng không thể nói chính xác những quan chức đó xuất hiện thường xuyên ở căn hộ của Patterson như thế nào. Ông ước tính mỗi năm một lần, giống như người quen tạt ngang qua để ghé thăm, chỉ khác là mỗi lần họ đều mang theo lệnh khám xét. Sau đó, họ sẽ đóng gói những bằng chứng cần thiết vào các thùng giấy carton.

Nguyên quán ở Costa Rica, Patterson đã kinh doanh trong ngành nghệ thuật cổ khoảng nửa thế kỷ. Bây giờ ông đã 74 tuổi, nhưng các nhà chức trách vẫn đang theo đuổi ông. Đầu tiên là FBI, sau đó Scotland Yard và cuối cùng là cảnh sát Tây Ban Nha, Peru, Mexico, Guatemala và dĩ nhiên có cả cảnh sát Đức. Tại London, họ đã tịch thu chiếc mặt nạ vàng Peru của ông. Ở Munich, Patterson bị buộc phải giao 2 đầu lâu bằng gỗ của Mexico. Thời kỳ vàng son của Patterson là vào những năm 1990. Khi đó ông sống ở Munich, đi bằng xe sang Rolls Royce do tài xế riêng chở. Ông thậm chí có đội polo riêng với 4 cầu thủ và 12 con ngựa. "Tôi làm ăn rất khấm khá vào lúc đó, vì có những công cụ tốt” - ông nói. "Công cụ tốt" là cách Patterson gọi những cổ vật bất hợp pháp. Nhìn bề ngoài, có thể nhiều người sẽ đánh giá thấp Patterson bởi cách ăn vận và nói chuyện rất bình dân. Nhưng đó là bí mật thành công của ông. Làm sao bạn nghi ngờ một người ăn nói bình dị, giật cục và khá khó khăn trong việc tìm kiếm từ ngữ thích hợp? Ông chưa bao giờ học tiếng Đức và nói một số từ tiếng Anh bằng giọng Caribbean.

Quen biết rộng

Những người như Patterson được gọi một cách lịch sự là thương nhân cổ vật. Nhưng với một hoạt động kinh doanh chỉ có 50% hợp pháp, cách gọi phù hợp hơn là “lái buôn đồ cổ”. Họ hưởng lợi từ đồ cổ trên một thị trường rộng lớn của các quốc gia nghèo dù đã thông qua luật chống đưa cổ vật ra khỏi đất nước, nhưng không có đủ tiền để thực thi các lệnh cấm. Trong khi tại những nước giàu có, nơi những lái buôn đồ cổ sống, nhà chức trách có khả năng ngăn chặn việc cướp bóc cổ vật, nhưng lại không thường xuyên làm. Các nước này quan niệm rằng những cổ vật đó không phải là di sản văn hóa của họ, và việc cướp mộ, buôn lậu cổ vật không diễn ra ở nước họ.

Những người như Patterson hưởng lợi từ bản chất 2 mặt của thị trường cổ vật. Những người có thể đưa cổ vật từ bóng tối ra ánh sáng hợp pháp. Và trong hàng thập niên, Patterson là một trong những tay chơi sừng sỏ nhất của ngành công nghiệp này. Những người quan tâm đến đồ cổ nghệ thuật thời tiền Columbo ở New York, Sydney, Paris, Geneva hay Munich đều khó có thể bỏ qua người Costa Rica này. Ông có thể cung cấp đủ thứ: Hộp sọ của người Maya, chiến binh gốm từ Jalisco, những tượng đất sét mỉm cười từ nền văn hóa Totonac hoặc một con báo đốm bằng đá từ Xochipala. Patterson cũng có mối quan hệ rất rộng. Ông quen biết nhiều chính trị gia ở Costa Rica, bao gồm cả Ngoại trưởng và Tổng thống. Và ở trong chuỗi quen biết của ông không thiếu nhà sưu tập, đôi khi là một kẻ làm tiền giả, hay có thể là một người vừa cướp được vài cổ vật ở các ngôi đền ẩn trong các khu rừng ở Trung Mỹ...

Leonardo Patterson trong căn hộ của mình ở Munich.

Leonardo Patterson trong căn hộ của mình ở Munich.

Hủy hoại di sản nhân loại

Nhằm triệt để ngăn chặn việc buôn bán đồ cổ bất hợp pháp, bà Monika Grütters, Ủy viên văn hóa của chính phủ Đức, đã trình bày một dự thảo luật mới nghiêm ngặt hơn, nhưng vẫn gặp nhiều chống đối. Tại phiên điều trần ngày 14-4 mới đây, 14 chuyên gia được mời đến nói chuyện với Ban Văn hóa và Truyền thông của quốc hội Đức, nơi đang bị chia rẽ về dự thảo luật. Một số gọi dự thảo là "tốt, cần thiết”, nhưng những người khác lại nói "không thể chấp nhận". Trong khi đó, Dorothee Hansen của bảo tàng Kunsthalle Bremen cảnh báo dự thảo luật "thiếu rõ ràng về định nghĩa người sưu tập hợp pháp”, có thể dẫn đến việc nhiều người sẽ không cho bảo tàng mượn các cổ vật để trưng bày. Nếu được thông qua, luật mới sẽ khiến việc buôn bán cổ vật trở thành bất hợp pháp ở Đức nếu không có giấy phép xuất khẩu từ nước xuất xứ.

Hiện nay, buôn lậu cổ vật cũng rất sôi động tại Trung Quốc hay Costa Rica. Một cựu chiến binh Trung Mỹ như Leonardo Patterson cũng hoạt động theo những luật lệ tương tự như một lái buôn Thổ Nhĩ Kỳ. Những đoạn video từ thành phố Palmyra ở Syria, nơi những di tích cổ bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cướp phá gần đây, cùng với những hình ảnh từ các cuộc cướp phá cổ vật ở Iraq, Afghanistan và Mali, đã nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này. Hiện nay nhiều người đã hiểu rõ vấn đề không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến các nước liên quan, mà đe dọa các di sản văn hóa của nhân loại. Nghệ thuật khảo cổ khác với nghệ thuật hiện đại ở một điểm mấu chốt: người ta chỉ có thể hiểu được hết giá trị của tác phẩm khi biết được nó xuất xứ từ đâu và tìm thấy như thế nào. Những điều đó sẽ không thể biết được nếu nó bị khai quật trái phép. Những cổ vật khai quật trái phép có thể rất đẹp, nhưng lại bị đánh mất các giá trị lịch sử.

(Còn tiếp)

Trong cuộc chiến chống hoạt động buôn bán đồ cổ phi pháp, các nhà chức trách thu được kết quả tối thiểu cho những nỗ lực tối đa. Báo Spiegel (Đức) đã thu thập nhiều tài liệu từ các tòa án ở Đức, Tây Ban Nha, cũng như tiến hành nhiều cuộc điều tra riêng. Theo đó, Đức và nhiều nước đã thất bại trong việc ngăn chặn nạn buôn lậu và cướp bóc đồ cổ.

Các tin khác