Đánh cược tỷ giá

(ĐTTCO) - Từ năm 2015 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá hối đoái từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Điều này cho thấy các DN Việt Nam vẫn còn rất mạo hiểm trong hoạt động kinh doanh khi lơ là bảo hiểm tỷ giá, trong khi các DN FDI rất chú trọng sử dụng công cụ này cho các khoản thanh toán quốc tế.

(ĐTTCO) - Từ năm 2015 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá hối đoái từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Điều này cho thấy các DN Việt Nam vẫn còn rất mạo hiểm trong hoạt động kinh doanh khi lơ là bảo hiểm tỷ giá, trong khi các DN FDI rất chú trọng sử dụng công cụ này cho các khoản thanh toán quốc tế.

Lỗ tỷ giá hối đoái

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I-2016 vừa công bố lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) đạt 1.753 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của PPC cũng ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 261,54 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với khoản lỗ 109 tỷ đồng trong quý I-2015 do đồng yen tăng nóng trong những tháng đầu năm. Năm 2015 PPC cũng đã lỗ chênh lệch tỷ giá lên đến 283,5 tỷ đồng.

Không nên mạo hiểm “đánh quả” vì DN không có kinh nghiệm kinh doanh ngoại tệ, hiểu biết về thị trường ngoại tệ, cách hoán đổi ngoại tệ. Nguy cơ các NH kinh doanh ngoại tệ cũng không chỉ dồn tiền vào một ngoại tệ mà đầu tư vào nhiều ngoại tệ để bù trừ cho nhau. DN Việt Nam nên sử dụng bảo hiểm tỷ giá để bảo vệ hoạt động kinh doanh. Dĩ nhiên hợp đồng đó có thể đắt nhưng DN có thể biết sẽ mua với giá bao nhiêu để tránh được rủi ro.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Trong thuyết minh báo cáo tài chính năm 2015, tính đến ngày 31-12-2015, PPC nợ NH Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) hơn 4.360 tỷ đồng. Khoản vay trên được thực hiện bằng đồng yen theo Hợp đồng 002/2006/HDCVL ngày 30-11-2006 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho PPC vay lại từ nguồn vốn vay của JBIC. Khoản vay có thời hạn 22 năm 6 tháng, trả gốc và lãi mỗi năm 2 kỳ với số tiền gốc bằng nhau cho mỗi kỳ là 1.124 tỷ yen, kỳ thanh toán cuối cùng là ngày 20-3-2028. PPC phải trả lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay theo từng hiệp định là 2,5%/năm và phí cho vay lại của EVN là 0,2%/năm. Lãi vay mà PPC phải trả trong năm 2015 là 120,22 tỷ đồng, nhưng cộng thêm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá nên khoản tiền trả cho JBIC lên tới 403,89 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2015 doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng 36% so với năm trước với 10.800 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại giảm 34% xuống còn 2.071 tỷ đồng. Theo ACV, nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm là AVC có 4 khoản vay ngoại tệ dài hạn với 70,6 tỷ yen để đầu tư vào dự án nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 sân bay Nội Bài theo các hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Nhật Bản. Năm 2014, khi đồng yen giảm mạnh so với VNĐ, ACV đã lãi chênh lệch tỷ giá gần 1.500 tỷ đồng, nhưng năm 2015 đồng yen biến động tăng nên công ty phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 640 tỷ đồng.

Bên cạnh các DN lỗ chênh lệch tỷ giá đồng yen, nhiều DN cũng đang có khoản lỗ tỷ giá từ ngoại tệ khác, như Viettel Global lỗ ròng từ tỷ giá hơn 600 tỷ đồng trong năm 2015, khoản lỗ này gấp hơn 5 lần so với năm 2014. Nguyên nhân do một số đồng nội tệ của các quốc gia châu Phi mà Viettel đầu tư đã giảm giá mạnh so với USD. Yếu tố này cộng với việc tăng cường đầu tư vào một số thị trường mới khiến cho Viettel Global lỗ nặng tại châu Phi, cho dù doanh thu từ thị trường này tăng trưởng tới 26%. Còn theo giải trình của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch, một trong các nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế quý I-2016 chỉ đạt 318,64 tỷ đồng, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái là do lỗ chênh lệch tỷ giá 58,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là 314,3 tỷ đồng.

Vì sao lơ là bảo hiểm tỷ giá?

Cuối năm 2014, nhiều NH lớn trên thế giới nhận định đồng yen sẽ giao dịch ở mức 123 JPY/USD vào cuối năm 2015, nhưng thực tế đồng yen đã chạm mốc 120 yen/USD vào thời điểm đó. Đến giữa tháng 4, đồng yen tiếp tục tăng lên mức 108 yen/USD, tính từ đầu năm đồng yen tăng giá 19% so với USD.

Thực ra NHNN đã can thiệp bằng việc cấp phép cho hàng loạt NHTM thực hiện các nghiệp vụ quyền lựa chọn trong ngoại hối và khuyến cáo các DN tự bảo vệ mình bằng công cụ bảo hiểm tỷ giá. Song tính đến nay chỉ có các DN FDI tham gia bảo hiểm tỷ giá, trong khi DN Việt Nam (bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thường xuyên giao dịch vay mượn ngoại tệ ở mức vài trăm tỷ đồng) vẫn chấp nhận rủi ro và đã thua lỗ khi tỷ giá biến động mà không mua bảo hiểm tỷ giá.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, khi DN Việt Nam sẵn sàng chấp nhận rủi ro mà không cần bảo hiểm cho khoản vay ngoại tệ, nên khi đến hạn trả nợ phải dùng VNĐ mua ngoại tệ để trả nợ vay gặp tỷ giá tăng sẽ lỗ, điển hình như USD tăng 5% trong năm 2015 đã khiến nhiều DN bị lỗ chênh lệch tỷ giá. Công cụ bảo hiểm tỷ giá có thể ngăn ngừa rủi ro này thông qua hợp đồng kỳ hạn mua ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng. Khi DN mua hợp đồng kỳ hạn, NH cam kết sẽ bán lượng ngoại tệ trong tương lai với mức giá ấn định tại hợp đồng, dù ngoài thị trường biến động như thế nào. Tuy nhiên, phần lớn DN Việt Nam chưa quan tâm loại bảo hiểm này, do trước đây NHNN giữ ổn định tỷ giá và cam kết tỷ giá trong một biên độ nhất định, nên nhiều DN ỷ lại và không cần phải mua bảo hiểm kỳ hạn với mức phí đắt đỏ.

Hơn nữa, tâm lý DN cho rằng tỷ giá tương lai được tính trên hợp đồng kỳ hạn quá cao và họ kỳ vọng tỷ giá sẽ thấp hơn mức đó nên đánh cược không mua bảo hiểm, đến thời điểm trả nợ mới mua ngoại tệ theo giá thị trường. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng không biết về việc mua bảo hiểm kỳ hạn như vậy.

Lãnh đạo một NH cho biết, NH tư vấn cho DN sử dụng công cụ bảo hiểm tỷ giá, nhưng nhiều DN lỗ đến lần thứ 3, thứ 4 mới chấp nhận ký hợp đồng bảo hiểm tỷ giá. Còn phần lớn DN nhà nước không quan tâm đến dịch vụ này, trong khi khoản lỗ này cũng có thể coi là thất thoát tài sản. Thậm chí có những DN Việt Nam vẫn đang sẵn sàng “đánh quả” với các ngoại tệ khác như EUR, yen, france, đồng bảng và chấp nhận rủi ro. Nếu các ngoại tệ này giảm giá sẽ có lãi như PPC và AVC đã lãi tỷ giá hối đoái một khoản lớn trong năm 2014.

Các tin khác