Cổ phiếu NH khó đoán định

(ĐTTCO) - Giá giảm và thanh khoản thấp là nỗi niềm của nhà đầu tư khi trót nắm cổ phiếu (CP) NH. Thời hoàng kim giá CP NH cao gấp 20-50 lần mệnh giá nhưng cũng chính những NH này giờ chỉ còn 3.000-5.000 đồng/CP. Đằng sau sự èo uột và phân hóa này ắt hẳn phải có lý do?

(ĐTTCO) - Giá giảm và thanh khoản thấp là nỗi niềm của nhà đầu tư khi trót nắm cổ phiếu (CP) NH. Thời hoàng kim giá CP NH cao gấp 20-50 lần mệnh giá nhưng cũng chính những NH này giờ chỉ còn 3.000-5.000 đồng/CP. Đằng sau sự èo uột và phân hóa này ắt hẳn phải có lý do?

Nghịch lý thị giá

Một cổ đông của NamAbank thắc mắc với hội đồng quản trị (HĐQT) tại sao NH làm ăn ổn định nhưng thị giá CP trên thị trường chỉ bằng một nửa giá trị sổ sách? Bà Võ Thị Tuyết Nga, Phó Tổng giám đốc, cho biết đây là điều không mong muốn của HĐQT, giá trị thực của CP NamAbank hiện nay đang cao hơn mệnh giá (10.000 đồng) và việc thị giá thấp có thể là do nhiều góc nhìn khác nhau của nhà đầu tư. Theo dõi giá CP NamAbank trên thị trường OTC đang được rao bán ở mức giá 4.500-5.000 đồng/CP, bằng nửa so với mệnh giá. Không riêng NamAbank, nhiều NH chưa niêm yết khác cũng được giao dịch CP trên OTC với mức giá khá thấp, như Maritimebank có mức giá khoảng 2.500-3.000 đồng/CP; LienVietPostbank, OCB, PVcombank, SeAbank khoảng 5.000 đồng/CP; NH có thị giá nhỉnh hơn là VPBank và HDBank khoảng 8.000 đồng/CP; trong khi các NH trong diện sẽ sáp nhập với NH lớn như PGBank vẫn có nhà đầu tư đăng bán với mức giá 11.000 đồng/CP.

Một thực tế hiện nay là giá CP NH đang thấp hơn mặt bằng chung khá nhiều, điều này chứng tỏ lòng tin vào hệ thống NH, sự minh bạch, chuẩn xác của số liệu khá thấp. Nếu sự thực nợ xấu của hệ thống NH đang dưới 3% là một con số quá lý tưởng. Như vậy, cũng không cần phải xem nợ xấu là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế và Nhà nước cũng không phải cấp tập tìm giải pháp xử lý nợ xấu.

Phần lớn câu giải thích của các lãnh đạo NH về việc tại sao vẫn chưa niêm yết CP đều là do thị trường chưa thuận lợi, nên giá CP èo uột vì không có thanh khoản. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT KienLongbank, nhận định việc niêm yết CP trên sàn chứng khoán sẽ nâng cao tính minh bạch hoạt động của NH, tạo thuận lợi trong việc giao dịch của cổ đông. Tuy nhiên do tình hình diễn biến thị trường thời gian qua chưa thuận lợi, CP ngành NH chưa được nhà đầu tư quan tâm nhiều, nên niêm yết sẽ không có lợi nhiều cho cổ đông. Hay trường hợp NamAbank mấy năm gần đây đều thông qua chủ trương niêm yết CP, năm 2016 HĐQT tiếp tục được ủy quyền lựa chọn thời điểm để đưa CP lên thị trường chứng khoán, nhưng điều kiện kèm theo là thị trường phải thuận lợi.

 Tại phương án được cổ đông thông qua, TPbank sẽ tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành CP ưu đãi cổ tức cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Khối lượng phát hành hơn 29 triệu CP, tương đương 4,999% vốn vốn điều lệ TPbank sau khi tăng vốn. Giá phát hành 13.800 đồng/CP, tổng số tiền đầu tư là 403 tỷ đồng. IFC sẽ được hưởng cổ tức ưu đãi 8,5%/năm. Theo quan điểm của Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú, ở thời điểm cuối năm 2011, thị giá của TPbank ở mức 4.000 đồng/CP. Khi được NHNN duyệt phương án tái cơ cấu, giá CP tăng lên 6.000 đồng/CP. Cách đây vài ngày, MobiFone rao bán đấu giá với giá khởi điểm 8.900 đồng/CP. Do đó theo lãnh đạo TPbank, việc IFC mua xấp xỉ 14.000 đồng/CP đã chứng tỏ tiềm năng của NH dưới con mắt của tổ chức nước ngoài này.

Đó là câu chuyện về giá của những NH chưa niêm yết. Còn những NH khác được niêm yết giá CP đang ở một mức cao hơn. Vietcombank là CP dẫn đầu với thị giá lên tới 45.700 đồng/CP. NH có mức giá cao thứ 2 là ACB khoảng 18.200 đồng/CP. ACB sau một thời gian dài bị nhà đầu tư xa lánh đã dần lấy lại niềm tin mặc dù kết quả kinh doanh không cải thiện nhiều. Những NH có nguồn gốc nhà nước khác như VietinBank, BIDV đang được giao dịch quanh mức 15.000-17.000 đồng/CP. Trong khi đó những CP NH khác như NVB (NH Quốc dân) và SHB (Sài Gòn-Hà Nội) cũng chỉ mức giá 5.000-7.000 giống như những NH chưa lên sàn khác.

Vì đâu nên nỗi

Bằng một nửa thị giá là mức giá phổ biến của nhiều NH chưa niêm yết hiện nay. Vậy liệu mức giá này có phản ánh được giá trị thực của NH hay không? Để có một câu trả lời chính xác thật ra không dễ dàng. Giá bao nhiêu là tùy theo sự đánh giá khác nhau của nhà đầu tư và tùy thuộc vào nhiều yếu tố. CP là một mặt hàng khá “đặc thù” nên không có một mức giá chung phổ biến cho tất cả các nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẵn sàng trả với mức giá nào tùy thuộc vào cách đánh giá tương lai của NH đó, mức độ chi trả của họ và những lý do vô hình khác.

Theo lãnh đạo của NamAbank, giá trị thực của CP NH này cao hơn mệnh giá nhưng thực tế vẫn có cổ đông sẵn sàng bán chỉ bằng nửa mệnh giá trên các sàn OTC. Hay như  IFC sẵn sàng mua CP của TPbank với mức giá gần 14.000 đồng/CP, cao hơn 50% mức giá MobiFone muốn bán. Việc tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như IFC mua giá TPbank ắt hẳn cũng đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Thực tế, nếu theo các số liệu trên báo cáo chính thức thì TPbank không phải là quá tệ. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình 3 năm gần đây của NH này trên 12%. Hiện tại TPbank không còn lỗ lũy kế nhưng giá trị sổ sách vẫn thấp hơn so với mệnh giá. Do vậy, nếu NH này hoàn thành việc tái cấu trúc triệt để mức giá trên cũng không hẳn là quá cao.

Theo một chuyên gia nhận định, nếu chỉ xuất phát từ lý do tài chính đơn thuần rất khó lý giải tại sao giá của nhiều CP NH đang giao dịch trên OTC chỉ quanh mức 5.000 đồng/CP, trong khi báo cáo lợi nhuận và cổ tức khá tốt. Có lẽ nguyên nhân đằng sau đó là do nhà đầu tư quá lo sợ những rủi ro của hệ thống NH khi mà nhiều con số không minh bạch. Chẳng hạn DongAbank từ một NH đều đặn công bố con số tài chính khá tốt bỗng nhiên “suýt” bị NHNN mua lại với giá 0 đồng. Do vậy việc cẩn trọng của nhà đầu tư đối với những CP có nhiều thông tin mập mờ cũng là điều dễ hiểu.

Trên sàn niêm yết xét về các chỉ số cơ bản những NH như BIDV, VietinBank có chỉ số không thua kém bao nhiêu so với Vietcombank, thậm chí tỷ lệ nợ xấu của BIDV và VietinBank còn thấp hơn nhiều so với Vietcombank. Tuy nhiên, giá CP hiện nay Vietcombank đang cao hơn BIDV và VietinBank từ 2,5-3 lần. Chỉ số giá CP trên thu nhập (P/E) của Vietcombank lên đến 23 lần, trong khi đó BIDV và VietinBank chỉ quanh mức 10 lần. Có chuyên gia cho rằng tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank cao nhưng thật, trong khi đó các NH khác có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn trong khi xét trên thực tế việc quản lý nợ không được đánh giá cao như Vietcombank. 

Các tin khác