Nóng nhân sự cấp cao

(ĐTTCO) - Hai nhân vật từng là lãnh đạo cấp cao của NamABank vừa đắc cử HĐQT sau chưa đầy năm thôi nhiệm. Trong khi đó, cổ đông nước ngoài tại ACB bất ngờ xin rút sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia biệt phái hỗ trợ NH. Việc sắp xếp lãnh đạo NH tiếp tục được đưa ra trong kỳ đại hội thường niên năm nay, nhưng không phải NH nào cũng thuận lợi như các trường hợp này.

(ĐTTCO) - Hai nhân vật từng là lãnh đạo cấp cao của NamABank vừa đắc cử HĐQT sau chưa đầy năm thôi nhiệm. Trong khi đó, cổ đông nước ngoài tại ACB bất ngờ xin rút sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia biệt phái hỗ trợ NH. Việc sắp xếp lãnh đạo NH tiếp tục được đưa ra trong kỳ đại hội thường niên năm nay, nhưng không phải NH nào cũng thuận lợi như các trường hợp này.

Từ yếu tố nội

ĐHĐCĐ 2016 kéo dài trọn 1 ngày của NamABank thu hút sự chú ý với việc ông Nguyễn Quốc Toàn được bầu trở lại ghế nóng Chủ tịch HĐQT sau 9 tháng rời vị trí này. Tại ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 7-2015, ông Nguyễn Quốc Toàn xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2011-2016 và được thay thế bởi ông Phan Đình Tân. Tại thời điểm đó, việc từ nhiệm này đã gây bất ngờ cho nhà đầu tư vì cá nhân ông Toàn và những người có liên quan là nhóm cổ đông lớn nhất, với sở hữu cổ phần chiếm hơn 11,6% tại NH này.

Làn sóng biến động nhân sự cấp cao của các NH vẫn đang tiếp tục diễn ra sau giai đoạn 1 tái cơ cấu hệ thống NH. Đặc biệt, khi hoạt động sáp nhập NH còn sôi động, biến động nhân sự tại các NH được dự báo tiếp tục nóng trong thời gian tới.

Một trường hợp trở lại khác tại NamABank là ông Trần Ngô Phúc Vũ cũng thu hút sự quan tâm của thị trường. Theo thông báo từ NamABank, việc trở lại của ông Trần Ngô Phúc Vũ xuất phát từ nguyện vọng và sự tin tưởng của cổ đông NH, với mong muốn bổ sung nhân sự quản trị điều hành nhằm phục vụ mục tiêu lâu dài là tự tái cơ cấu thành công. Ông Vũ được bầu trở lại vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2016-2021) sau khi có đơn xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc NH vào tháng 3-2015 vì lý do cá nhân. Cùng với ông Vũ, một Phó Tổng giám đốc của NamABank là ông Trần Ngọc Tâm khi đó cũng có đơn xin từ nhiệm. Không lâu sau, 2 nhân sự này được nhóm cổ đông nắm hơn 20% tổng cổ phần biểu quyết đề cử vào HĐQT Eximbank. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ bất thường để bầu mới HĐQT Eximbank diễn ra vào giữa tháng 12-2015 không có tên 2 ông trong danh sách ứng cử.

 Như vậy, NamABank đã chốt được danh sách HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, với sự trở lại của những cựu lãnh đạo cấp cao đã được dự báo trước. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu ở một số NH khác việc sắp xếp nhân sự cấp cao lại không hề dễ dàng trong mùa ĐHĐCĐ năm nay như NamABank. Chẳng hạn, trước khi xin hủy việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về số lượng thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016-2020 vào đầu tháng 3 vừa qua, Sacombank dự kiến số lượng thành viên HĐQT từ 5-7 người, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Số lượng thành viên Ban kiểm soát dự kiến 3 người, đều là thành viên chuyên trách. Việc lấy ý kiến cổ đông này dự kiến thực hiện từ ngày 23-3 đến 11-4, nhưng việc này không được đưa vào nội dung họp ĐHĐCĐ thường niên 2016 trong văn bản điều chỉnh mới đây. Lý do Sacombank đưa ra là việc quyết định số lượng thành viên HĐQT và Ban kiểm soát phải thực hiện trực tiếp tại đại hội. Do đó vấn đề nhân sự tại Sacombank vẫn còn là một câu hỏi lớn dành cho cổ đông.

Đến yếu tố ngoại

Standard Chartered (SCB) là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đang nắm giữ 15% cổ phần của ACB. SCB vừa là cổ đông vừa là đối tác chiến lược của ACB đến nay đã tròn 10 năm, kể từ năm 2005. Tại Đại hội thường niên 2016, ông Julian Fong Loong Choon, đại diện cho phần vốn của SCB, đã được cổ đông thông qua đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT ACB nhiệm kỳ 2013-2017. Tuy nhiên, sự thay đổi này đã khiến nhiều cổ đông của ACB phải đặt câu hỏi liệu tổ chức này có tiếp tục đầu tư vào ACB hay sẽ rút vốn sau khi thôi cử người đại diện?

Lo ngại này không phải không có lý do, bởi theo quy định hiện nay, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài muốn rút khỏi NH Việt Nam phải rút ra khỏi HĐQT trước 18 tháng trước ngày chuyển nhượng cổ phần. Do đó, việc cổ đông ACB quan tâm là điều khó tránh khỏi. Theo phần trả lời của đại diện SCB, kế hoạch của NH là dự án BOT nhằm cung cấp nhân sự, cùng nhau vận hành và chuyển giao. Vào giai đoạn 2011-2012, SCB cử những chuyên gia biệt phái sang làm việc để cùng điều hành ACB, với mục đích từng bước đào tạo những người thay thế. Kết quả, trong những năm qua, SCB đã đào tạo được những nhà quản trị có năng lực điều hành thay thế chuyên gia của SCB. Do đó, SCB đã mạnh dạn rút bớt biên chế chuyên gia biệt phái tại ACB và cho biết công tác đã hoàn thành. Người đại diện SCB cũng nhấn mạnh không quan tâm đến những đồn đoán trên thị trường và vẫn tiếp tục là đối tác chiến lược đầu tư bền vững tại ACB. Sau sự rút người này, ACB vẫn chưa có kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT.

Trái ngược với ACB, theo nội dung gửi đến cổ đông của ABBank, NH này dự kiến bầu bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT độc lập và 1 thành viên HĐQT đến từ đối tác nước ngoài là NH Maybank (Malaysia) trong đại hội thường niên 2016. Hiện tại, cổ đông nước ngoài tại ABBank sở hữu 20% cổ phần và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) sở hữu 10% cổ phần. 2 tổ chức này cũng đang có đại diện cổ phần tại ABBank trong HĐQT. Trong việc hợp tác chiến lược với với các cổ đông ngoại, ABBank cho biết cả Maybank và IFC đều tham gia hỗ trợ trên các lĩnh vực giúp nâng cao năng lực quản trị của NH.

Ảnh minh họa: L.THANH

Ảnh minh họa: L.THANH

Không chỉ ABBank, yếu tố cổ đông ngoại tại các NH không còn xa lạ. Từ đầu năm 2016, nhiều NH đưa ra kiến nghị nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây nhất là việc Vietcombank đang tìm đối tác chiến lược để chào bán riêng lẻ tối đa 10% vốn. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Vietcombank đang là 20,9%,  nếu việc phát hành thành công, NH sẽ tiến đến sát quy định room dành cho nhà đầu tư nước ngoài là 30%. Trong khi đó, MB đã được chấp thuận nới room từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Việc có cổ đông ngoại tham gia góp vốn và điều hành tại NH được các chuyên gia đánh giá là tích cực. Theo một chuyên gia tài chính, việc hợp tác này sẽ giúp NH trong nước nâng cao năng lực quản trị từ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, trong giai đoạn tái cơ cấu tiếp theo, việc nới room sẽ có tác động tích cực đến các NH, đây sẽ là lĩnh vực hấp dẫn để quỹ đầu tư nước ngoài xem xét bỏ vốn nhiều hơn vào NH.

Các tin khác