Scandal hối lộ lớn nhất thế giới (K2): Vươn vòi khắp nơi

Scandal hối lộ lớn nhất thế giới (K1): Unaoil - Công ty hối lộ quốc tế Vỏ bọc doanh nhân

(ĐTTCO) - Unaoil đã trở thành cánh tay hối lộ của các công ty đa quốc gia tại các nước Liên Xô cũ và châu Á, châu Phi. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, FBI, Cơ quan Chống tội phạm quốc gia Vương quốc Anh và Cảnh sát Liên bang Australia đang phối hợp điều tra Unaoil và các khách hàng đa quốc gia của công ty. Đây được xem là một cuộc điều tra lớn nhất thế giới về số công ty và quốc gia liên quan.

Scandal hối lộ lớn nhất thế giới (K1): Unaoil - Công ty hối lộ quốc tế

Vỏ bọc doanh nhân

Nhà khổng lồ Halliburton của Hoa Kỳ và công ty con cũ Kellogg, Brown & Root (KBR, đã tách ra trong năm 2007) cũng bị Fairfax Media và The Huffington Post chỉ đích danh liên quan scandal hối lộ của Unaoil để giành hợp đồng ở các nước Liên Xô cũ. Hàng trăm ngàn email gửi giám đốc điều hành Unaoil Cyrus Ahsani cho thấy nhiều lãnh đạo và nhà quản lý của Halliburton và KBR đã biết hoặc nghi ngờ rằng Unaoil đã hối lộ để giành các hợp đồng ở Kazakhstan. Hãng dầu Eni cũng dính líu hối lộ ở nhiều quốc gia mà nhà khổng lồ dầu mỏ Italia này đã được chính phủ ký hợp đồng quản lý các mỏ dầu của họ. Các nhà quản lý Eni, Tecnicas Reunidas của Tây Ban Nha, Technip của Pháp, nhà khổng lồ khoan MI-SWACO và Rolls-Royce không chỉ tích cực hỗ trợ hối lộ mà còn được đề nghị nhận lại quả, hoặc bỏ túi riêng phần lại quả của họ. Nhà khổng lồ quốc phòng Honeywell của Hoa Kỳ và Leighton Offshore của Australia đã đồng ý che giấu hối lộ trong các hợp đồng gian lận ở Iraq. Những cái tên khác gồm National Oilwell Varco của Hoa Kỳ, Keppel của Singapore, Aker Kvaerner của Na Uy và GATE của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số giám đốc châu Á nhiệt tình tham gia hối lộ, cho thấy văn hóa hối lộ và tham nhũng phổ biến trong khu vực. Điều này càng trở nên nghiêm trọng khi các công ty châu Á phát triển thành những doanh nghiệp ảnh hưởng nhất trong kinh doanh toàn cầu.

Nhiều câu hỏi đặt ra về cách Unaoil hoạt động trong nhiều năm mà không bị trừng phạt, sử dụng các tài khoản ngân hàng ở New York và London để rửa tiền và chi hối lộ từ năm 2000-2012 và có thể đến gần đây. Ata Ahsani và 2 con trai Cyrus và Saman đều có hộ chiếu Anh, nhà Ahsani điều hành một công ty đầu tư bất động sản London. Nhiều giao dịch ngầm của Unaoil đã được thực hiện tại London, hoặc sử dụng những nhà trung gian, các tài khoản ngân hàng và các công ty vỏ bọc của Anh và Hoa Kỳ. Nhà Ahsani đã gia nhập giới chính trị gia và kinh doanh ưu tú của Anh và châu Âu. Saman nằm trong ban quản trị một tổ chức phi chính phủ của Iran ở London cùng cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Norman Lamont. Nhà Ahsani tổ chức các sự kiện từ thiện cùng Hoàng tử Albert và Công chúa Caroline của Monaco, bạn thân của Hoàng tử Albert là Mike Powers nằm trong ban cố vấn của Unaoil. Tài liệu rò rỉ tiết lộ rất nhiều doanh nhân người Anh và nhà trung gian, gồm các giám đốc dầu mỏ Peter Warner, Stuart K Steele, Basil Al Jarah và Leo Bortolazzo, đã tạo điều kiện cho hối lộ của Unaoil.

Để giành hợp đồng cho khách hàng ở Kazakhstan, Unaoil chi nhiều tiền hối lộ các quan chức Eni và Kazakhstan giám sát các vụ đấu thầu tại mỏ dầu khổng lồ Kashagan và các nơi khác. Các nhà quản lý cấp cao của KBR đã thúc đẩy Unaoil cố gắng giành hợp đồng. Một email của một nhà quản lý KBR yêu cầu Unaoil tập trung nỗ lực vào "một ngôi nhà spaghetti tốt" và "một shashlick nhỏ" - các từ lóng chỉ các quan chức Eni và chính phủ Kazakhstan giám sát các hợp đồng KBR muốn giành được. Để tìm lợi thế cho khách hàng trước các đối thủ, Unaoil đã tìm cách hối lộ các nhân vật có ảnh hưởng, bao gồm quản lý cấp cao của Eni là Diego Braghi và quan chức cấp cao Kazakhstan là Serik Burkitbayev.

 Quỹ đạo châu Á

Khi Hyundai, Samsung, Sinopec và Petronas mở rộng quyền lực và ảnh hưởng toàn cầu, nhà máy hối lộ Unaoil đã nhanh chóng đưa các công ty châu Á này vào quỹ đạo hối lộ. Unaoil làm việc chặt chẽ với công ty dầu mỏ quốc gia Petronas của Malaysia, các nhà khổng lồ Hyundai và Samsung của Hàn Quốc, nhà khổng lồ quốc gia Sinopec của Trung Quốc. Các tập đoàn châu Á khác liên quan gồm Yokogawa của Nhật Bản, ISU của Hàn Quốc, Keppel của Singapore và Ranhill của Malaysia.

Nhiều quốc gia gặp khó khăn trong sản xuất dầu mỏ đã thuê các công ty quốc tế quản lý các mỏ dầu nhằm cung cấp những giá trị tốt nhất cho người dân. Chính phủ Iraq đã hy vọng kết quả như vậy và chỉ định công ty dầu mỏ quốc gia Petronas của Malaysia quản lý các mỏ dầu lớn ở miền Nam Iraq vào năm 2010. Và Unaoil nhảy vào. Có một khách hàng Unaoil là công ty dịch vụ dầu khí Petrofac của Anh đã muốn bảo đảm một hợp đồng lớn mà Petronas đang giám sát. Vì vậy Unaoil mua chuộc các giám đốc Petronas để giành hợp đồng. Unaoil đồng ý chi hàng triệu USD cho Affandi Yusuf, một nhà trung gian Malaysia tuyên bố rằng mình có thể tác động lãnh đạo hàng đầu của Petronas và các quan chức Malaysia. Trong một email, Affandi nói rằng, để đổi lấy các khoản hối lộ, các đầu mối Petronas sẽ cung cấp thông tin nội bộ của một ủy ban đấu thầu, đảm bảo khách hàng Petrofac của Unaoil đủ điều kiện giành hợp đồng lớn, mà theo ủy ban này, Petrofac sẽ bị loại từ đầu về mặt kỹ thuật. Unaoil cũng đồng ý trả đến 2 triệu USD, cùng thanh toán thêm một bộ sưu tập rượu vang đắt tiền, vào các tài khoản hải ngoại của 2 nhà trung gian Algeria bí ẩn là Tewfic Guerbato và Omar Habour. Các khoản thanh toán này nhằm gia tăng ảnh hưởng của Unaoil trong Petronas và các công ty châu Á khác.

Unaoil đã trở thành cánh tay hối lộ của các công ty đa quốc gia tại các nước Liên Xô cũ và châu Á, châu Phi.

Unaoil đã trở thành cánh tay hối lộ của các công ty đa quốc gia
tại các nước Liên Xô cũ và châu Á, châu Phi.

Trong năm 2010, Unaoil thỏa thuận làm đại lý cho một công ty con của nhà khổng lồ Sinopec của chính phủ Trung Quốc. Theo thỏa thuận, Unaoil sẽ bỏ túi 5% giá trị hợp đồng bất kỳ giành được cho Sinopec. Nhưng một nhà quản lý cấp cao từ công ty con ZPEB của Sinopec đã đòi lại quả riêng từ Unaoil bằng cách ký hợp đồng tư vấn. Nhà quản lý cấp cao này được mô tả là có kết nối gia đình mạnh mẽ trong Sinopec, có "quyền tiếp cận đầy đủ" các quan chức cấp cao, có thể giúp các công ty phương Tây. Nhà quản lý này cũng "đã đăng ký một công ty ở Hoa Kỳ và là đại lý kinh doanh cho các công ty khác của Trung Quốc".

Tại 2 quốc gia được coi là ít tham nhũng nhất châu Á là Singapore và Nhật Bản, Unaoil mở rộng hoạt động đến các công ty dịch vụ dầu khí đa quốc gia. Cụ thể, Unaoil đã hối lộ ở Kazakhstan để giúp Keppel của Singapore giành hợp đồng. Một bản ghi nhớ bí mật năm 2007 của Unaoil mô tả các kế hoạch giúp Keppel giành hợp đồng giàn khoan dầu ngoài khơi và tàu dầu tại mỏ dầu lớn Kashagan ở Kazakhstan. Unaoil thu 30 triệu USD từ Keppel và xem đây là một khách hàng lý tưởng vì Keppel có chính sách chống tham nhũng lỏng lẻo so với các khách hàng đa quốc gia khác. Năm 2006, khi Keppel cạnh tranh với Technip của Pháp để giành một hợp đồng xây dựng giàn khoan dầu ngoài khơi ở Kazakhstan, Unaoil sử dụng một đầu mối hối lộ có tên mã "Small D" - được cho là một giám đốc dầu mỏ Italia làm việc với chính phủ Kazakhstan - để rò rỉ thông tin nội bộ về chiến lược đấu thầu của Technip. Tại Nhật Bản, nhà khổng lồ kỹ thuật điện và phần mềm Yokogawa ở Tokyo cũng đã nhờ vả Unaoil để tiết lộ thông tin bí mật về chiến lược đấu thầu của đối thủ cạnh tranh Yokogawa ở Trung Đông, thông tin sau đó Unaoil chuyển cho Yokogawa.

Các tin khác