Cân đo tỷ giá và lãi suất VNĐ

(ĐTTCO) - Một trong những mục tiêu giảm lãi suất huy động USD về 0% là buộc người có USD bán ngoại tệ thay vì gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua sau khi lãi suất USD giảm về 0% tiền gửi bằng ngoại tệ vẫn tăng. Một số quan điểm cho rằng có thể người gửi USD dùng “thủ thuật” để vẫn được hưởng lãi suất khi gửi. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng nguyên nhân thật sự là người dân vẫn chưa tin vào sự ổn định của tỷ giá.

(ĐTTCO) - Một trong những mục tiêu giảm lãi suất huy động USD về 0% là buộc người có USD bán ngoại tệ thay vì gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua sau khi lãi suất USD giảm về 0% tiền gửi bằng ngoại tệ vẫn tăng. Một số quan điểm cho rằng có thể người gửi USD dùng “thủ thuật” để vẫn được hưởng lãi suất khi gửi. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng nguyên nhân thật sự là người dân vẫn chưa tin vào sự ổn định của tỷ giá.

Theo số liệu từ Cục Thống kê TPHCM, tổng vốn huy động trên địa bàn TP đến đầu tháng 3-2016 đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước (chỉ số này của tháng trước âm 1,2%) và tăng 17,4% so với tháng cùng kỳ. Vốn huy động của các NHTMCP chiếm 54,2% tổng vốn huy động, tăng 15% so tháng cùng kỳ; trong đó vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 15,3%, tăng 12,7% so tháng cùng kỳ. Như vậy, trong khi dư nợ bằng nội tệ đến thời điểm đầu tháng 3-2016 giảm so với mức 19,9% cùng kỳ năm trước, thì huy động ngoại tệ của các NH vẫn tăng bất chấp lãi suất gửi USD bằng 0% từ cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, theo số liệu của NHNN, tại thời điểm 10-3, huy động vốn ngoại tệ bình quân trong hệ thống NH giảm 3,5% so với thời điểm 31-12-2015. Tại TPHCM, tiền gửi ngoại tệ của cá nhân trên địa bàn TP giảm liên tục, từ tháng 10 đến tháng 12-2015, huy động USD giảm 2,7%. 2 tháng đầu năm 2016, huy động ngoại tệ giảm 3,5% (tín dụng ngoại tệ giảm 4,9%). Điều này cho thấy tỷ lệ nắm giữ USD giảm dần, cho thấy tình trạng đô la hóa chuyển biến tích cực hơn.

Mặc dù tăng trưởng huy động ngoại tệ giảm nhưng trạng thái ngoại tệ của NH vẫn rất tốt, do đó các NH phải tìm đầu ra cho lượng vốn này và một trong những hướng ra cho nguồn vốn USD là kênh tín dụng. Tuy nhiên, NHNN đang quản lý khá chặt chẽ, hạn chế việc cho vay thoải mái. Cụ thể, Thông tư 24/2015/TT-NHNN nhằm chấm dứt cho các DN vay ngoại tệ rồi chuyển thành VNĐ để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh. Các nhu cầu được phép vay ngoại tệ chỉ bao gồm: cho vay để thanh toán nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; cho vay đối với dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch-Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài; cho vay đối với các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Thông thường NH huy động được sẽ cho vay, bán theo nhu cầu, nếu còn dư trạng thái ngoại tệ bán cho NHNN và khi cần thiết sẽ mua. Đó là nguyên tắc quản lý ngoại tệ thì trạng thái ngoại tệ của NH thương mại theo quy định dao động quanh mức ±20%. Các quy định cũng cho phép NH có thừa tiền có thể gửi ra nước ngoài có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn cũng là chuyện bình thường. Vấn đề không bình thường ở đây là tại sao lãi suất bằng 0% nhưng các NH vẫn huy động được lượng lớn ngoại tệ để gửi ra nước ngoài?

Câu trả lời chỉ với một vài kỹ thuật thuộc về nghiệp vụ NH mà cả nhà băng lẫn người gửi tiền đều đạt được mục đích. Một giả thuyết đặt ra, một người dân (hoặc tổ chức hay DN) có số tiền tối thiểu 10.000USD, họ sẽ mang số tiền trên đến gửi tại một NH với lãi suất bằng 0%. Song song đó, NH này thỏa thuận với khách hàng sẽ cho vay lại bằng VNĐ với giá trị tương đương 200 triệu đồng (thế chấp bằng số tiền USD gửi) với lãi suất 4%/năm. Bằng cách khác, người có tiền gửi sẽ nhờ người thân mang số tiền VNĐ trên đến gửi lại NH này để hưởng lãi suất tiết kiệm 5%/năm. Như vậy chỉ với vài động tác, người gửi tiền được hưởng chênh lệch 1% và dĩ nhiên có sự “tiếp tay” của các NH. Với kết quả này, NH vừa được mục tiêu tăng trưởng huy động, vừa tăng trưởng tín dụng VNĐ (mặc dù tăng trưởng ảo) và người gửi tiền vẫn nhận được lãi suất trong khi vẫn giữ được đồng USD theo ý muốn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc sử dụng thủ thuật nêu trên để hưởng lãi suất từ USD là không phổ biến. Vì thực tế nếu NH mang tiền USD ra gửi nước ngoài cũng chỉ được hưởng lãi suất tương đối thấp. Mức chênh lệch lãi suất này khó bù đắp cho chi phí quản lý và lãi suất phải trả cho người gửi USD. Ngoài ra, những giao dịch này có thể bất hợp pháp nên khá rủi ro với NH. Việc NH mang ngoại tệ dư thừa trong nước ra nước ngoài gửi ngắn hạn là do chi phí huy động trong nước thấp. Xu thế này có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới bởi việc NHNN siết việc cho vay bằng ngoại tệ.  Hiện các số liệu cho thấy tiền gửi bằng ngoại tệ đang giảm, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng rất nhiều người chấp nhận gửi ngoại tệ với lãi suất 0%. Lý giải về việc tiền gửi bằng ngoại tệ tiếp tục đổ vào NH dù lãi suất tiền gửi 0% chủ yếu là do kỳ vọng vào sự tăng giá của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ. Bằng chứng là vào cuối năm 2015, tỷ giá biến động khá mạnh theo chiều hướng tăng. Hiện nay tỷ giá đã “hạ nhiệt”, nhưng dường như tâm lý tích trữ USD chưa giảm. Có chuyên gia nhận định rằng chính sách chống đô la hóa không phải chống bằng cách hạ lãi suất về 0%, mà phải tạo ra kỳ vọng giữa tỷ giá và lãi suất VNĐ ở mức ổn định.

Không thể số ít sai, số nhiều lãnh

(ĐTTCO) - Theo lý giải của NHNN, Thông tư 24 góp phần làm giảm hiện tượng đô la hóa trong nền kinh tế, nhưng việc siết cho vay ngoại tệ vào thời điểm này là chưa phù hợp, tạo thêm gánh nặng cho DN.

Tôi rất ủng hộ chủ trương chống đô la hóa của Nhà nước. Tuy nhiên, NHNN quy định như vậy sẽ làm khó DN vì DN xuất khẩu vay ngoại tệ và có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay. Mục đích DN vay ngoại tệ là để có được lãi suất tốt, vì lãi suất ngoại tệ thấp hơn so với vay VNĐ. Điều này có lợi cho khả năng cạnh tranh sản phẩm. Vì thế, không cho vay ngoại tệ sẽ làm giá thành sản phẩm đội lên, giá thành tăng đồng nghĩa sức cạnh tranh hàng hóa bị hạn chế. Cụ thể, trước đây lãi suất vay USD khoảng 4,5%/năm, nay khi chuyển qua vay tiền VNĐ, DN phải chịu mức lãi suất khoảng 8,5%/năm, như vậy chi phí sẽ bị đội lên. Đó là chưa kể trường hợp DN mua nguyên liệu bằng USD sẽ phải thực hiện nhiều bước phức tạp và thêm một lần chịu chi phí. Theo đó, DN sẽ vay VNĐ sau đó phải mua ngoại tệ của NH để thanh toán tiền mua nguyên vật liệu. Khi xuất khẩu có ngoại tệ thu về lại phải bán cho NH và thanh toán tiền vay bằng VNĐ. Chênh lệch giữa giá mua và bán USD là một khoản không nhỏ và tất cả lại đưa vào giá thành sản phẩm như đã nói ở trên.

Nhiều ý kiến cho rằng việc siết cho vay ngoại tệ chỉ ảnh hưởng đến một nhóm DN không có nhu cầu vay USD thật, chỉ vay để hưởng lãi suất thấp rồi bán đi lấy VNĐ. Tôi không biết có DN nào làm như vậy hay không, nhưng dù có đi nữa, NHNN cũng chỉ nên xử lý đúng đối tượng, không nên để tình trạng một người làm sai nhiều người cùng phải chịu chung. Bản thân DN tôi, khi vay tiền NH để thanh toán cho người bán, tất cả thủ tục đều thực hiện qua NH, DN không thể lấy ngoại tệ để bán lấy VNĐ. Nhân đây tôi cũng kiến nghị các cơ quan nhà nước khi ra một quyết định cần xem xét sâu hơn các vấn đề, tác động đến DN và nền kinh tế ra sao, không nên lý giải chung chung. Nguyên nhân ở đâu xử lý triệt để ở đó.

Hiện nay các đơn hàng cho ngành thủ công mỹ nghệ vẫn còn khá hạn chế, mặc dù chúng ta có được lợi thế là Trung Quốc đang giảm dần các đơn hàng và khách hàng đang dịch chuyển sang các nhà xuất khẩu Việt Nam. Nguyên nhân do các khách hàng này rất chặt chẽ trong việc so sánh, thẩm định giá mua sản phẩm của Việt Nam. Đó là chưa kể khi có được hợp đồng chưa chắc DN Việt Nam có thể đáp ứng được số lượng theo đơn hàng. Bởi lẽ, cho đến nay, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi điệp khúc khi có hợp đồng lại không có công nhân, nên DN không chỉ phải tìm kiếm khách hàng, mang hợp đồng về mà còn tìm kiếm công nhân để làm hàng. Việc lắp ghép mang tính đối phó tình thế như vậy khiến DN gặp khó trong việc đáp ứng đúng mẫu mã, yêu cầu của khách hàng, nhất là khách hàng khó tính. Thời điểm này, khách hàng thường có xu hướng ép giá nhưng DN vẫn phải làm, dù biết sẽ lỗ. Nhiều người cũng từng hỏi tôi tại sao lỗ vẫn làm. Thực ra nếu có lỗ nhưng làm máy móc vẫn là máy móc, chỉ lỗ ít. Nhưng nếu không làm, máy móc thành ve chai và DN sẽ chết. Chính vì thế ngành thủ công mỹ nghệ nói chung vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Đặng Quốc Hùng
TGĐ Công ty Thủ công Mỹ nghệ Kim Bôi

Các tin khác