Bong bóng kinh tế Trung Quốc (K1): Bức tranh u ám

(ĐTTCO) - Thị trường chứng khoán rung lắc dữ dội, nền kinh tế thực đang giảm tốc với tốc độ chưa từng có, thêm vào đó đồng nội tệ mất giá và tình trạng chảy máu vốn, trong khi thị trường bất động sản nhiều rủi ro và nợ công, nợ tư nhân đều cao… Tất cả đang vẽ lên bức tranh u ám về kinh tế Trung Quốc.

(ĐTTCO) - Thị trường chứng khoán rung lắc dữ dội, nền kinh tế thực đang giảm tốc với tốc độ chưa từng có, thêm vào đó đồng nội tệ mất giá và tình trạng chảy máu vốn, trong khi thị trường bất động sản nhiều rủi ro và nợ công, nợ tư nhân đều cao… Tất cả đang vẽ lên bức tranh u ám về kinh tế Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán rung lắc dữ dội, nền kinh tế thực đang giảm tốc với tốc độ chưa từng có, thêm vào đó đồng nội tệ mất giá và tình trạng chảy máu vốn, trong khi thị trường bất động sản nhiều rủi ro và nợ công, nợ tư nhân đều cao… Tất cả đang vẽ lên bức tranh u ám về kinh tế Trung Quốc.

Cảnh báo từ Diễn đàn kinh tế

Tại Diễn đàn Kinh tế Trung Quốc hồi tháng 2 ở Bắc Kinh, nhiều chuyên gia trong nước đã đưa ra những lời cảnh báo đáng lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc. Đáng chú ý là cảnh báo của nhà kinh tế Ngô Kính Liễn. Ông Ngô cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang có những nguy cơ mang tính hệ thống. Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc đang nổi lên 2 hiện tượng tỷ suất đầu tư giảm dần và tỷ suất đòn bẩy liên tục tăng cao. Nguyên nhân do thừa cung, sụt giảm lực lượng lao động, hiệu quả đầu tư ngày càng thấp, năng lực sản xuất sụt giảm. Vì vậy, ông kêu gọi nhà nước phải nhanh chóng thay đổi phương thức phát triển kinh tế.

Trong khi đó, ông Vương Nhất Minh, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, cảnh báo về tình trạng tồn kho bất động sản. Theo ông, hiện Trung Quốc có tới 7,35 tỷ m2 chung cư hạng trung tồn kho. Để bán hết số bất động sản này mất gần 6 năm, nếu tính thêm diện tích chung cư cao cấp cần thêm nửa năm nữa mới xử lý được. Ông Trương Thự Quang, Chuyên viên Viện Nghiên cứu Kinh tế, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, lại báo động về khủng hoảng nợ và rủi ro tỷ giá. Ông nêu con số năm 2015 có tới 52 lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc tăng trưởng âm. Nhận xét về cải cách tiền tệ của Bắc Kinh, ông Vương Tiểu Lỗ, Phó Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, cho rằng chính sách đồng NDT hiện không chắc chắn. Chẳng hạn, vào tháng 1 vừa qua các khoản cho vay đã tăng 2.500 tỷ USD. Với tốc độ này, cung tiền NDT đang tiếp tục leo thang, không những không bỏ được đòn bẩy tài chính mà còn nâng cao thêm. Ông Vương cho rằng thực tiễn đã chứng minh chính sách tiền tệ thông thoáng không thể giải quyết được vấn đề yếu kém của nền kinh tế. Nếu không điều chỉnh cấu trúc mà tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ thông thoáng sẽ gánh chịu nhiều nguy cơ lớn.

Triển vọng tiêu cực

Cho đến nay, đã có 2 trong 3 hãng đánh giá tín nhiệm toàn cầu uy tín nhất là Moody’s và S&P hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc xuống mức tiêu cực, tức sẵn sàng cho việc hạ bậc tín nhiệm. Trong thông cáo ngày 31-3, S&P giải thích việc hạ triển vọng tín nhiệm Trung Quốc: “Chúng tôi điều chỉnh triển vọng để phản ánh dự báo về việc rủi ro kinh tế và tài chính của Trung Quốc đang tăng dần. Điều này theo sau dự báo của chúng tôi rằng trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ chứng kiến mức tiến bộ khiêm tốn trong việc tái cân bằng kinh tế và sự suy giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng”. Theo dự báo của S&P, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt xấp xỉ 6% trong năm nay và 3 năm tới, trong khi tỷ lệ đầu tư có thể vượt ngưỡng an toàn 30-35% GDP. S&P cảnh báo sẽ hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc nếu trong thời gian tới nước này cố giữ tăng trưởng cao bằng việc tăng tín dụng bằng mọi giá.

Trước đó ngày 2-3, Moody’s cũng quyết định hạ triển vọng tín nhiệm Trung Quốc xuống mức tiêu cực, do lo ngại về nợ công ngày càng phình to của Trung Quốc, đồng thời nghi ngờ về khả năng thực hiện các cải cách của nước này. Theo Moody’s, hệ thống tài chính công của Trung Quốc hiện đang chịu áp lực rất lớn. Moody’s lưu ý riêng nợ công của chính phủ Trung Quốc đã tăng từ mức 32,5% GDP vào năm 2012 lên mức 40,6% GDP vào cuối năm 2015. Trong khi đó, tình trạng tháo vốn bùng phát gần đây đã hạn chế khả năng ứng phó của chính phủ. Moody’s còn cho rằng sự can thiệp của nhà nước vào thị trường chứng khoán và ngoại hối thời gian qua chứng tỏ cam kết cải cách của Trung Quốc không có gì là chắc chắn.

Trung Quốc lãng phí 70 tỷ USD mỗi năm để đập bỏ nhà cũ, xây nhà mới, dù thị trường bất động sản thừa cung nghiêm trọng.

Trung Quốc lãng phí 70 tỷ USD mỗi năm để đập bỏ nhà cũ,
xây nhà mới, dù thị trường bất động sản thừa cung nghiêm trọng.

Không thể vãn hồi

Đó là nhận định của Ngân hàng Bank of America (BOA) về tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay. Trong một báo cáo, Giám đốc chiến lược BOA, David Cui, viết: “Chúng tôi đánh giá rằng nợ của Trung Quốc đã ở trong tình trạng không thể vãn hồi và họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này”. Báo cáo khẳng định sự tăng vọt trong khu vực nợ tư nhân chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính. Tỷ lệ nợ tư nhân của Trung Quốc so với GDP tăng 75% từ năm 2009 đến năm 2014. Điều này dẫn đến tổng nợ so với GDP tăng khoảng 300%. Con số này quá lớn để có thể duy trì sự ổn định của nền kinh tế.

Một số nhà phân tích tin rằng với sức mạnh dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình, Bắc Kinh có thể xử lý vấn đề này và ngăn chặn được cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, báo cáo của BOA cho rằng giả định đó hoàn toàn sai lầm, bằng chứng là từ khi tiến hành cải cách và mở cửa nền kinh tế vào năm 1978, Trung Quốc đã trải qua các khủng hoảng nợ (như đồng tiền mất giá, siêu lạm phát, hay tái cấp vốn ngân hàng). “Các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đạt khoảng 40% vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, đã khiến chính phủ phải lấy đi 20% GDP để bù đắp cho khoản nợ xấu này của hệ thống ngân hàng từ năm 1999 đến năm 2005” - báo cáo viết.

Theo ông Cui, lý do để một số nhà kinh tế tin rằng Trung Quốc có thể chống chọi khủng hoảng (dù bị thử thách nghiêm trọng) trong năm 2016 dựa trên các giả định: (1) GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh; (2) NDT sẽ tăng giá so với USD; (3) chính phủ sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán; (4) không để công ty lớn vỡ nợ; (5) chính phủ sẽ vực dậy thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết giả định này đã không còn đúng, chẳng hạn GDP sẽ giảm tốc chưa từng có, NDT sẽ phá giá mạnh hơn, bất động sản khó phục hồi, chứng khoán tiếp tục lao dốc... Báo cáo cho biết cho dù muốn duy trì 5 giả định trên, Trung Quốc vẫn không thể thực hiện vì chúng mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn, không thể giữ tăng trưởng nhanh mà không in thêm tiền, nhưng in thêm tiền sẽ làm NDT tiếp tục mất giá.

(Còn tiếp)

Các tin khác