Băng tan - thảm họa và cơ hội

Kỳ 1:Sức tàn phá biến đổi khí hậu

(ĐTTCO) - Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm dữ liệu băng, tuyết quốc gia Hoa Kỳ, khí hậu ở Bắc Cực trong tháng 1-2016 đã ấm lên trông thấy khiến 1,04 triệu km2 diện tích băng bị tan chảy so với năm 2010.  Trong khi đó, dự báo tan băng ở Nam Cực sẽ làm mực nước biển dâng cao thêm 1m từ nay đến năm 2100 và 13m vào năm 2500. Đây thực sự là thảm họa của thế giới nhưng cũng lại mở ra cơ hội tiếp cận nguồn dầu, khí thiên nhiên và khoáng sản được đánh giá là khổng lồ ở 2 cực.

(ĐTTCO) - Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm dữ liệu băng, tuyết quốc gia Hoa Kỳ, khí hậu ở Bắc Cực trong tháng 1-2016 đã ấm lên trông thấy khiến 1,04 triệu km2 diện tích băng bị tan chảy so với năm 2010.  Trong khi đó, dự báo tan băng ở Nam Cực sẽ làm mực nước biển dâng cao thêm 1m từ nay đến năm 2100 và 13m vào năm 2500. Đây thực sự là thảm họa của thế giới nhưng cũng lại mở ra cơ hội tiếp cận nguồn dầu, khí thiên nhiên và khoáng sản được đánh giá là khổng lồ ở 2 cực.

Lượng băng ở Bắc Cực và Nam Cực đều tan chảy nhanh hơn dự kiến là bằng chứng phản ánh tình trạng biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu đang ở mức báo động. Theo các nhà khoa học, sự biến mất dần dần của băng tuyết tại 2 cực sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như các loài động vật và thực vật trên toàn cầu.

Kỷ lục tan chảy

Trong năm 2015 vừa qua, khí hậu ở Bắc Cực ấm lên nhanh gấp 2 lần so với nhiệt độ trung bình trái đất. Điều này đã khiến diện tích băng ở nơi đây bị tan kỷ lục. Cụ thể, Trung tâm dữ liệu băng, tuyết quốc gia Hoa Kỳ cho biết chỉ tính riêng trong tháng 1, diện tích băng tan lên tới 90.000km2, nhiều hơn so với kỷ lục băng tan tháng 1-2011. Chưa dừng lại ở đó, băng tan ở Bắc Cực trong tháng 2-2016 vẫn tiếp tục lập những kỷ lục mới, và sẽ đạt đỉnh trong tháng 3.

Nhà khoa học James Hansen, từng làm việc cho Cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ-NASA, cho biết việc băng tan nhanh ở Greenland Bắc Cực và Nam Cực xuất hiện hiện tượng phân tầng khi các vùng nước lạnh hình thành trên bề mặt của đại dương do băng tan, khiến lượng nước ấm bị mắc kẹt ở dưới sẽ tiếp tục làm tan phần đáy của tảng băng. Những thay đổi sẽ dẫn đến chênh lệch nhiệt độ ngày càng tăng giữa miền Bắc và Xích đạo, gây ra lốc xoáy dữ dội và những cơn bão đi kèm các con sóng khổng lồ.

Khí hậu ở Bắc Cực  ấm lên là một trong những nguyên nhân chính khiến diện tích băng bao phủ mặt biển chỉ còn 13,5 triệu km2, ít hơn 1,04 triệu km2 so với diện tích băng trung bình ở cùng thời điểm tính từ năm 1981-2010. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu xu hướng băng tan nhanh vẫn tiếp tục cho đến cuối mùa hè sẽ là thảm họa nghiêm trọng với trái đất. Bởi băng tan không chỉ làm ảnh hưởng đến các loài động vật sinh sống ở Bắc Cực, mà còn khiến mực nước biển dâng cao, gây ngập lụt nhiều thành phố, khiến diện tích đất liền bị thu hẹp. Nguyên nhân dẫn tới việc này do các cơn gió lưu thông ngược chiều kim đồng hồ xung quanh Bắc Cực khiến nước biển bị thay đổi áp suất. Bên cạnh đó, nhiệt độ không khí khu vực Bắc Cực đã tăng tới 6oC khiến băng tan “chóng mặt”.

Trong khi đó, GS. Robert DeConto, Trường Đại học Massachusetts (Hoa Kỳ), công bố kết quả nghiên cứu trên Tạp chí khoa học Nature của Anh, cho rằng nếu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính giảm, nhiệt độ trái đất được giữ ở ngưỡng trên 2oC so với thời kỳ cách mạng công nghiệp, sẽ không có sự thay đổi đáng kể từ nay đến năm 2100 và mực nước biển chỉ tăng thêm 20cm vào năm 2500. Còn với tốc độ phát thải khí CO2 như hiện nay, tan băng ở Nam Cực làm mực nước biển sẽ dâng thêm 1m vào 2100 và 13m vào năm 2500. Đến nay Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc mới chỉ dự đoán mực nước biển tăng 26-82cm vào năm 2100 so với cuối thế kỷ 20, trong đó 12cm do tan băng ở Nam Cực.

Hiện nay nhiều cao nguyên băng nhiệt độ mùa hè lên đến gần hoặc hơn 0oC. Vì lý do bề mặt tiếp xúc gần với mực nước biển, sự nóng lên của không khí cũng làm tăng tốc độ tan băng bề mặt và tăng lượng mưa mùa hè. Nghiên cứu còn cảnh báo nhiệt độ đại dương tăng làm chậm thêm hàng ngàn năm quá trình hình thành và tích lũy băng, ngay cả khi lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính giảm đáng kể.

Mất 1.200 tỷ USD vì biến đổi khí hậu

Trong tài liệu nghiên cứu “Kiểm soát sức tàn phá của biến đổi khí hậu: Phép tính lạnh cho hành tinh nóng”, tổ chức Nhân đạo quốc tế DARA và Diễn đàn Các nước dễ bị tổn thương vì Biến đổi khí hậu (CVF) đã đưa ra những ước tính khủng khiếp khi trái đất nóng dần lên: gần 40.000 người/năm bị chết do biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, gây thiệt hại kinh tế khoảng 1.200 tỷ USD, tương đương 1,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của thế giới. Và nếu không có biện pháp ứng phó khẩn cấp, dự báo đến năm 2030, thiệt hại kinh tế sẽ tăng lên 3,2% GDP toàn cầu, trong đó những nước kém phát triển nhất chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả, mức thiệt hại có thể lên đến 11% GDP. Đồng thời, ô nhiễm không khí, gây ra bởi việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân của 4,5 triệu người chết/năm. Các nhà nghiên cứu DARA và CVF đánh gia các nước đang phát triển sẽ là nạn nhân lớn nhất của biến đổi khí hậu do phụ thuộc vào nông nghiệp, làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng, nghèo đói và bệnh tật.

Các nhà nghiên cứu đang đo lường mức độ tan băng tại Bắc Cực.

Các nhà nghiên cứu đang đo lường mức độ tan băng tại Bắc Cực.

Trong một nghiên cứu khác, Tổ chức phi chính phủ Oxfam (Anh) đưa ra những bằng chứng khẳng định các nền kinh tế đang phát triển sẽ thiệt hại 1.700 tỷ USD/năm vào năm 2050 do tình trạng biến đổi khí hậu. Theo báo cáo, nếu nhiệt độ thế giới tăng thêm 3oC, các nước đang phát triển sẽ phải chi 790 tỷ USD/năm để thực hiện các biện pháp đối phó với thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng cao. Nếu không có số tiền trên, nền kinh tế những quốc gia này bị thiệt hại khoảng 600 tỷ USD/năm kéo theo nhiều hệ lụy bất ổn xã hội xảy ra. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại châu Phi cho biết, khu vực nghèo nhất thế giới bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu sẽ khiến giá lương thực tăng 12% trong năm 2030 và 70% trong năm 2080. Đây sẽ là đòn giáng mạnh vào các quốc gia châu Phi, nơi chi phí thực phẩm chiếm tới 60% tổng chi tiêu các hộ gia đình nghèo nhất.

Trong một báo cáo dài 52 trang được công bố trên Tạp chí khoa học Vật lý và Hóa học Khí quyển, 19 nhà khoa học nghiên cứu khí hậu chỉ ra rằng loài người đang thải CO2 vào khí quyển nhanh hơn nhiều so với 55 triệu năm trước, và nhiệt độ trung bình tăng 2oC sẽ tác động thảm khốc đến khí hậu của hành tinh.

(Còn tiếp)

Các tin khác