Khó có sóng trong mùa ĐHCĐ

(ĐTTCO) - Các NĐT trên TTCK Việt Nam ít nhiều đều biết đến những làn sóng tăng giá của các CP khi sắp diễn ra mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), thường từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Liệu mùa ĐHCĐ năm nay có biến động hay lặng sóng?

(ĐTTCO) - Các NĐT trên TTCK Việt Nam ít nhiều đều biết đến những làn sóng tăng giá của các CP khi sắp diễn ra mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), thường từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Liệu mùa ĐHCĐ năm nay có biến động hay lặng sóng?

Trông chờ “hở room” và TPP

Thống kê cho thấy tháng 3 thường có lịch sử tăng giá khoảng 67% (10/15 lần) trong 15 năm của chỉ số VN Index. Bởi mùa ĐHCĐ là lúc các chiến lược kinh doanh, kế hoạch tài chính như chi trả cổ tức, tăng vốn, mua bán sáp nhập, cũng như các mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp được công bố. Đây là thời điểm rất dễ cho các dòng tiền đầu cơ tạo sóng. Trong gần 8 năm trở lại đây, dòng tiền đầu cơ nhắm đến các thị hiếu khác nhau được ưa chuộng của mỗi thời điểm để kích giá CP.

Vào những thời điểm như 2009-2010, lúc thị trường CP còn sốt nóng, đặc biệt là sự lên ngôi của các CP penny và sự phát triển mạnh của đội lái. Thị hiếu của NĐT là những công ty có phát hành CP thưởng, phát hành quyền mua CP riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu. Do vậy các đội lái sẽ đẩy giá CP trở lại bằng với mức giá trước khi chia thưởng, phát hành thêm, do đó sẽ tạo ra một khoản lãi rất hấp dẫn, thậm chí 100-200%. Tin đồn lan truyền và tạo nên một thứ “mốt” để các đội lái đánh lên. Thời điểm tăng giá thường xuất hiện trước khi có tin chính thức về việc chia thưởng CP.

Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, khi các NĐT ngán ngẩm với các chiêu trò “bán giấy, lấy tiền”, thị hiếu cũng thay đổi. Các NĐT tỏ ra e ngại các doanh nghiệp tăng vốn khủng. Năm nay, nhiều khả năng sóng CP đang nhắm đến các công ty “hở room” và liên quan đến TPP như dệt may (TNG, TCM), CK và ngân hàng. Tất nhiên, có một thị hiếu không thể nào thay đổi là các đội lái thường nhắm đến các công ty có kế hoạch kinh doanh đột biến trong năm tới, tiềm ẩn những yếu tố có thể gây bất ngờ. Chẳng hạn như di dời nhà máy dẫn đến chuyển đổi mục đích sử dụng bất động sản, hay nghị quyết bán đi một tài sản cố định lớn nào đó (mảng kinh doanh, hoặc một con tàu) có thể mang lại khoản lợi nhuận đột biến. Đó là lý do thị trường vẫn đang kỳ vọng và quan sát các CP đang chuẩn bị ĐHCĐ.

Vì sao vắng sóng?

Xét trên quan điểm bình diện chung toàn thị trường và thị hiếu đang được NĐT nhắm đến trong năm nay, rất khó để ĐHCĐ năm nay tạo nên cơn sóng hấp dẫn như các năm trước. Nếu như con sóng hướng đến các doanh nghiệp hở room và TPP như ngành dệt may, thị trường không phải quá khó đoán và phần nào đã nhận biết từ lâu, bởi ít nhiều các thông tin này đã được chiết khấu vào trong giá hồi đợt sóng tháng 10-2015 khi thông tin TPP được ký kết. Thực sự trong đợt tăng từ cuối tháng 1-2016 đến nay, rất nhiều CP tăng giá mạnh như EVE, BIC... đều liên quan đến chuyện hở room và rất có thể tin tức đã được rò rỉ trước đại hội. Tất nhiên, sẽ có nhiều doanh nghiệp vẫn đang chờ thông tin đại hội để biết khả năng nới room của mình, nhưng tính bất ngờ trên toàn thị trường không phải là quá lớn.

Quan sát các cơn sóng hồi phục của VN Index sau khi thị trường bước vào giai đoạn con gấu trong quý IV năm trước, cho thấy các đợt sóng hồi lại thường diễn ra trong khoảng 2-4 tháng (xem bảng). Trong lần gần nhất, chỉ số VN Index chỉ hồi phục 2 tháng từ tháng 12-2014 đến đầu tháng 3-2015 và có một đợt điều chỉnh giảm trên 10%. Với con sóng tăng đã tạo lập từ cuối tháng 1-2016, các NĐT nên thận trọng với khả năng sóng tăng đã đi về giai đoạn cuối. Bảng thống kê cũng cho thấy, thường thị trường hay tạo lập đỉnh vào tháng 3 đến tháng 5 của năm kế tiếp sau khi diễn ra một con gấu lớn (giảm 15-40%) trong quý IV năm trước đó.

Nếu giai đoạn tăng giá tháng 3 đến tháng 5 được xem là đoạn cuối của mỗi cơn sóng, thì nó thường kết thúc bằng sóng của các dòng CP penny. Vì vậy, trong khoảng thời gian tới khả năng xuất hiện sóng ở các CP dòng penny.

 Dầu khí có thể chạm đỉnh

Trong bài “Giá dầu chờ đợi cuộc họp tháng 3 của FED” đăng trên ĐTTC ngày 22-2-2016 đã nhận định: Thỏa thuận giữa Nga và Saudi Arabia không đủ để cứu giá dầu và giá dầu có tăng mạnh (trở lại các mức 60-70USD/thùng) hay không còn tùy thuộc vào việc FED có tăng lãi suất hay không.

Trên thực tế, Iran đang là trở ngại lớn nhất trong thỏa thuận “đóng băng sản lượng” giữa Nga và Saudi Arabia. Vào ngày 20-3 tới, một cuộc họp giữa các thành viên OPEC và phi OPEC sẽ diễn ra tại Moscow (Nga). Tuy nhiên, Iran không chắc chắn sẽ tham gia cuộc họp này. Như đã giải thích, thị trường dầu hiện nay đang ở trong tình trạng dư cung và bất cứ quốc gia nào tăng sản lượng cũng sẽ khiến giá dầu giảm trở lại.

Theo Bloomberg, trữ lượng sản xuất dầu của Iran hiện trong tháng 1-2016 khoảng 2,93 triệu thùng/ngày và dự kiến có thể đạt mức 4-5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2016. Ngày 13-3, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Bijan Zanganeh, nói: “Họ (cuộc họp tại Moscow) nên để chúng tôi ra ngoài cho đến khi chúng tôi đạt được trữ lượng sản xuất dầu 4 triệu thùng/ngày”. Đã có những lung lay ở những thành viên còn lại. Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait, ông Anas Al-Saleh, nói: “Mỗi thùng dầu mà tôi sản xuất tôi sẽ bán đi”. Rõ ràng, chưa có một sự đồng thuận cao giữa các thành viên.

 Trong khi đó, triển vọng FED tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 đang tăng mạnh sau cuộc họp của ECB vào ngày 10-3-2016. Trong trường hợp FED không tăng lãi suất, có thể Chủ tịch Janet Yellen cũng sẽ có những bình luận “diều hâu” để làm đồng USD tăng giá. Nếu đồng USD tăng giá, đó là một tin xấu cho giá dầu.

2 yếu tố trên cho thấy giá dầu có thể giảm trở lại trong thời gian tới. Điều này sẽ khiến các CP dầu khí của Việt Nam đã tăng giá mạnh cùng giá dầu thế giới trong thời gian qua như GAS, PVD... có thể điều chỉnh trở lại. Các CP dòng dầu khí có tỷ trọng khá lớn trong VN Index nên phần nào sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý chung của thị trường.

Các tin khác