Cần đột phá tư duy chống ngập

(ĐTTCO) - Bên cạnh nhiều thành tựu, nhiều bước phát triển đi trước các tỉnh thành khác, TPHCM đang tồn tại 3 vấn đề có thể nói là nỗi lo thường trực khiến người dân bức xúc: tình hình tội phạm, ngập nước và ùn tắc giao thông. Chính vì lẽ đó, khi vừa nhậm chức, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã ngay lập tức phát động một cuộc “tổng tấn công” các loại tội phạm trên địa bàn TP. Kinh nghiệm cho thấy mỗi lần lực lượng cảnh sát ra quân tổng tấn công tội phạm, tình hình an ninh trật tự sẽ nhanh chóng được vãn hồi và việc của lực lượng chức năng là có những biện pháp căn cơ, ổn định bền vững.

(ĐTTCO) - Bên cạnh nhiều thành tựu, nhiều bước phát triển đi trước các tỉnh thành khác, TPHCM đang tồn tại 3 vấn đề có thể nói là nỗi lo thường trực khiến người dân bức xúc: tình hình tội phạm, ngập nước và ùn tắc giao thông. Chính vì lẽ đó, khi vừa nhậm chức, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã ngay lập tức phát động một cuộc “tổng tấn công” các loại tội phạm trên địa bàn TP. Kinh nghiệm cho thấy mỗi lần lực lượng cảnh sát ra quân tổng tấn công tội phạm, tình hình an ninh trật tự sẽ nhanh chóng được vãn hồi và việc của lực lượng chức năng là có những biện pháp căn cơ, ổn định bền vững.

Nhưng 2 vấn đề còn lại là ngập nước và tắc đường, mà người dân quen gọi là nạn kẹt xe, đều liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Riêng chuyện ngập nước, nhiều chuyên gia từng nhiều lần cảnh báo TPHCM có thể phải thay đổi tư duy chống ngập. Rằng, TPHCM nằm trên nền đất trũng, yếu, chịu ảnh hưởng rõ rệt của thủy triều, đôi khi kết hợp cả thủy triều lẫn mưa lớn, nên không có cách nào khiến TP hết ngập. Rằng, thay vì chống ngập, nên thay đổi tư duy theo hướng sống chung với ngập lụt để có các giải pháp phù hợp. Bởi nâng cốt nền của cả TP là điều không thể, làm đê bao là quá sức, thậm chí phản khoa học… TPHCM đã và đang xây hoặc gia cố một số hệ thống đê bao nhằm chống ngập trong khi vẫn băn khoăn về hiệu quả, và thực tế đã có nhiều lãng phí, kém hiệu quả với phương án này. Chi hàng chục ngàn tỷ đồng xây đê bao, nạo vét kênh mương, làm nhà máy xử lý nước thải, chuẩn bị xây hồ điều hòa… nhằm cấp cứu cho hệ thống cống thoát nước mưa được nói là mới chỉ được đầu tư 50% so với quy hoạch (3.000/6.000km cống), nhưng bao nhiêu năm nay, cứ mưa xuống là nhiều điểm của TP bị ngập nước.

Chính vì thế, trước thông tin Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập của TPHCM vừa đề xuất chi 1.400 tỷ đồng ngân sách để mua 63 chiếc xe bơm hút nước triều cường, tức vị chi mỗi chiếc xe hơn hơn 20 tỷ đồng, đã khiến nhiều người dân không khỏi băn khoăn. Đặc biệt với những ai đã từng sống chung với cảnh ngập nước ở đô thị ngót chục triệu dân này chắc không khỏi ngẩn ngơ.

Người ta tính, chục năm lại đây, TPHCM đã chi ngót 29.000 tỷ đồng cho việc chống ngập. Kết quả, dường như chỉ “đuổi” nước ngập từ nội thành ra ngoại thành, chỗ này sang chỗ nọ. Dù đã có hệ thống trạm bơm cố định đầu tư cả núi tiền, nhưng cả người dân TPHCM lẫn Hà Nội đến hẹn lại lên, vẫn thi nhau bì bõm, chèo thuyền giữa phố. Nay sáng kiến chống ngập bằng xe chống ngập di động. Theo cách dùng xe hút no nước chỗ này rồi chạy sang chỗ khác xả ra… cống rãnh, ao hồ, kênh rạch? Nước ngập khắp đường phố, làm gì có chỗ nào khô ráo để các ông xả nước cho nhau? Đó là chưa kể những xe này nếu gặp lúc triều cường kết hợp với mưa, ở nơi trũng chưa có bờ kè hay cống thoát nước thì xả nước vào đâu?

Với thực tế những năm qua, có thể nói TPHCM đang dàn hàng ngang chống ngập, vỡ đâu vá đó, ngập đâu xử lý đó nhưng với nguyên lý “bình thông nhau”, với cách chống ngập bấy nay TP đang áp dụng, nước không tự mất đi, ngập chỉ chuyển từ chỗ này qua chỗ khác. Rõ ràng cho đến lúc này cơ quan chức năng chưa trả lời được câu hỏi bao giờ TPHCM hết ngập. Đề án xe bơm nước nếu được triển khai, trong khi hệ thống kênh rạch chưa đáp ứng để tiêu nước, xe chống ngập hút đầy nước vùng ngập rồi chở đi “chia xẻ” cho những khu vực không bị ngập nước chăng?

Mua xe chống ngập cấp kỳ có cần thiết bằng việc xem lại toàn bộ chương trình chống ngập của TP và cần  những bước đi đột phá trong tư duy chống ngập, bởi cách làm trong thời gian qua cho thấy  hiệu quả mang lại kém xa với mong đợi.

(quận Phú Nhuận, TPHCM)

Các tin khác