Khát vọng Bính Thân 2016

(ĐTTCO)-Việt Nam cần tỏ rõ sự dứt khoát, mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong giải quyết vấn đề biển Đông; ngành giáo dục cần lắng nghe nhân dân hơn nữa; có nhiều sản phẩm giàu chất xám phục vụ cộng đồng... là mong mỏi của người dân trong năm mới.

(ĐTTCO)-Việt Nam cần tỏ rõ sự dứt khoát, mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong giải quyết vấn đề biển Đông; ngành giáo dục cần lắng nghe nhân dân hơn nữa; có nhiều sản phẩm giàu chất xám phục vụ cộng đồng... là mong mỏi của người dân trong năm mới.

Theo đuổi vấn đề chủ quyền biển Đông suốt từ kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay, đại biểu Nguyễn Anh Sơn chia sẻ, những năm gần đây, đặc biệt từ 2014 và 2015 tình hình biển Đông trở lên phức tạp do những việc làm ngang ngược của Trung Quốc. Năm 2014, họ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm quyền chủ biển của Việt Nam; đầu năm 2015 có nhiều hoạt động mở rộng đảo, đá, bãi đá lấy của Việt Nam năm 1988. Họ sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, mở rộng đảo, xây dựng cơ sở hậu cần...

Không chỉ làm gia tăng căng thẳng trên biển, Trung Quốc còn xua đuổi tàu cá, xô, đâm va, cướp ngư lưới cụ của tàu cá Việt Nam khi ngư dân đánh bắt trên ngư trường truyền thống như Hoàng Sa. Trung Quốc đã bất chấp quy định của luật pháp quốc tế, thỏa thuận lãnh đạo cấp cao của 2 Đảng, 2 nhà nước về những tình huống trên biển Đông. Trước những hành động phi lý, thô bạo của Trung Quốc, mỗi người Việt Nam đều cảm thấy xót xa, phẫn nộ.

Đảng, nhà nước đã có nhiều cách thức khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã có những việc làm cụ thể, tỏ rõ thái độ trên trường quốc tế, tiến hành biện pháp cụ thể tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, làm rõ thực chất vấn đề biển Đông. Trong nhiều hội nghị quốc tế, các lãnh đạo Việt Nam đều tranh thủ diễn đàn để chỉ rõ việc làm sai trái của Trung Quốc. Việt Nam cũng có nhiều biện pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Về nguyên tắc, Đảng, nhà nước chủ trương giải quyết mọi việc bằng con đường hòa bình, giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế. "Nhưng tôi cho rằng Trung Quốc không bao giờ từ bỏ tham vọng. Tôi mong thời gian tới chúng ta cần mạnh mẽ, kiên quyết hơn trong những tuyên bố ở tất cả cấp độ, không chỉ có giữ gìn hòa khí. Chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, chuẩn bị những phương pháp đối phó, tính cả những tình huống xấu nhất", ông Sơn nói.

Theo đại biểu quê Nam Định này, trên diễn đàn Quốc hội ông nhiều lần đề nghị Đảng, nhà nước quan tâm hơn nữa cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng hành động cụ thể, như đầu tư cho quốc phòng an ninh. Đất nước còn nghèo, nhưng nếu không đầu tư thỏa đáng thì khi chủ quyền bị đe dọa, đến lúc muốn đầu tư sẽ không còn cơ hội. Đặc biệt, cần đầu tư hơn cho ngư dân, bởi ngư dân hiện diện thường xuyên trên vùng biển, ngư trường quen thuộc cũng là cách khẳng định chủ quyền. "Nhà nước cần đầu tư kinh phí cho người dân đóng tàu sắt công suất lớn để đánh bắt xa bờ, thu được nguồn lợi đảm bảo cuộc sống. Chi phí hỗ trợ cho cuộc sống của họ cũng là chi phí cho bảo vệ chủ quyền biển đảo", đại biểu Sơn nói.

Ngoài ra, ông cho rằng cần tăng cường các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình phức tạp hiện nay. "Tôi và hơn 90 triệu trái tim Việt Nam đều mong muốn Đảng và nhà nước năm 2016 tỏ rõ sự dứt khoát, mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong giải quyết tình hình biển Đông. Chúng ta yêu chuộng hòa bình, không mong muốn xung đột vũ trang, nhưng không chấp nhận để Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo, nói hoà bình hữu nghị tôn trọng, nhưng lại ngang ngược tuyên bố tráo trở ở nơi khác", ông Sơn nói.

Tư lệnh mới ngành giáo dục cần lắng nghe nhân dân hơn nữa

Trăn trở với những vấn đề giáo dục, PGS Văn Như Cương chia sẻ, nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục nhằm phát triển kinh tế xã hội đã thực hiện được mấy năm. Tuy nhiên, năm qua ngành giáo dục tỏ ra lúng túng toàn diện khi triển khai nghị quyết.

Bộ Giáo dục đã đưa ra nhiều chính sách, công văn, hướng dẫn... không thể hiện được tầm vóc, không thay đổi được tình thế, gặp nhiều phản ứng gay gắt của giáo viên, các nhà sư phạm và toàn xã hội. Đơn cử như kỳ thi THPT quốc gia, Bộ nói diễn ra rất tốt, rất tiết kiệm, nhưng dư luận không đồng tình; hay vấn đề vai trò của môn Lịchh sử trong dạy học tích hợp cũng đã bị phản ứng gay gắt. Như vậy là Bộ Giáo dục chưa lắng nghe ý kiến đóng góp, chưa biết làm như thế nào nên bị phản ứng.

"Tôi mong năm tới ngành giáo dục sẽ làm việc cẩn thận hơn để những dự án đưa ra khả thi, được sự đồng thuận của cộng đồng. Quan trọng nhất là phải nhớ câu mà ngày 5/9 vừa qua Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhắn nhủ: Bộ Giáo dục cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, quần chúng hơn nữa vì sự lắng nghe trong năm vừa qua để lại sự rối rắm. Mặt khác, khi đưa ra chủ trương cần nghiên cứu cẩn thận", PGS Cương nói.

Theo thường lệ, tư lệnh ngành sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4, sau khi Quốc hội họp. "Từ nay đến thời điểm đó, tôi mong rằng bộ phận cũ vẫn phải làm việc hết mình cho đến ngày cuối cùng bàn giao, chứ không được có tư tưởng nhiệm kỳ, làm từ từ để hạ cánh an toàn. Như vậy là nguy hiểm. Tôi cũng mong Quốc hội sẽ chọn được tư lệnh giáo dục mới sâu sát, có tầm nhìn, có cái tâm cống hiến cho ngành. Tất cả cá nhân trong Bộ Giáo dục cần thay đổi theo hướng đó, sâu sát hơn, lắng nghe ý kiến của nhân dân hơn nữa", PGS Cương nói.

Hy vọng đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình 

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho rằng 2016 là năm đặc biệt với Việt Nam khi gia nhập các tổ chức thương mại và hợp tác quốc tế. Đây có thể là cơ hội rất lớn đối với Việt Nam, nhưng cũng là thử thách khi các sản phẩm phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập. "Tôi hy vọng có sự phát triển cân bằng giữa kinh tế với an sinh xã hội và ngày càng có nhiều chương trình giúp người yếu thế có cuộc sống bền vững, tốt đẹp hơn. Hy vọng nước ta thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường", anh Hải nói.

Là người làm khoa học, tiến sĩ Hải cũng kỳ vọng năm nay sẽ gia tăng hàm lượng chất xám trong những sản phẩm công nghệ, dịch vụ sản phẩm nông nghiệp, làm sao để đất nước có thể cạnh tranh và dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng các nước trong khu vực và quốc tế.

Với cá nhân, tiến sĩ Hải mong nhóm nghiên cứu của mình sẽ vượt qua mọi khó khăn vật chất và tinh thần để hoàn thiện được ba nghiên cứu vốn rất đam mê là: robot phục vụ trong nhà máy tự động hóa, trong nhà hàng quán ăn; công nghệ pha chê cafe độc đáo tạo ra ly cafe hương vị Việt nhưng tốc độ pha như máy ngoại nhập, giá trị thẩm mỹ cao; lớp học một đôla sẽ có nhiều người học hơn sau khi triển khai trực tuyến.

Với chương trình kính điện tử cho người khiếm thị, được gọi là mắt thần đã phát triển 4 năm qua và vừa rồi được Thủ tướng, Bộ Khoa học Công nghệ và Trung ương Đoàn tích cực hỗ trợ, TS Hải chia sẻ: "Nhóm sẽ cố gắng sử dụng kinh phí trích ngân sách nhà nước cũng là tiền thuế của dân một cách hiệu quả và đúng đắn nhất để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất bằng cách trang bị thêm máy móc hiện đại, xây dựng thêm tính năng mới cho sản phẩm để sản phẩm nhỏ gọn, phù hợp hơn với đường sá, giao thông Việt Nam".

Trong năm nay, mhóm sẽ sản xuất 1.000 mắt thần đầu tiên để trao tặng người khiếm thị có nhu cầu đi lại đi bán vé số... Cùng với đó, nhóm sẽ phấn đấu mở kênh để chào sản phẩm công nghệ của Việt Nam đến nước ngoài.

Chế tạo tàu ngầm thứ ba phục vụ ngư dân bám biển

Là người say mê chế tạo tàu ngầm, doanh nhân Thái Bình Nguyễn Quốc Hòa hồ hởi khoe, rút kinh nghiệm từ thất bại trong lần làm tàu ngầm mini Trường Sa 1 vào năm 2014, năm 2015 ông rất vui vì chế tạo thành công con tàu thứ hai với tên gọi Hoàng Sa.

 

Con tàu có thiết kế kỹ thuật hiện đại và tính năng vượt trội hơn. Sau khi hoàn thiện, ông và đồng nghiệp nhiều lần cho tàu thử nghiệm trong bể, kết quả tàu lặn nổi nhịp nhàng, có thể nằm trong bùn và thoát ra ngoài, tiến ra biển không cần thủy triều. Những ngày cuối năm, ông đã "khoác" màu áo xanh cho Hoàng Sa và căn chỉnh lại một số chi tiết. Qua Tết, ông sẽ đưa ra biển thử nghiệm.

"Sang năm 2016, tôi chỉ mong có đủ tiềm lực tài chính để chế tạo tàu ngầm thứ ba. Tôi có kế hoạch tạo ra chiếc tàu đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, ít nhất là sẽ ra được đảo Trường Sa rồi quay về với thời gian trên biển là nửa tháng, độ sâu 50-100 m", ông Hòa nói.

Để thực hiện được mong muốn trên, vị doanh nhân quê Thái Bình cầu mong có đủ sức khỏe để nghiên cứu học hỏi và tạo ra các thế hệ tàu ngầm mới. "Cảnh ngư dân bị tàu Trung Quốc o ép thời gian qua càng giúp tôi có thêm động lực để nghiên cứu tàu ngầm. Hy vọng một ngày nào đó Việt Nam có thể tự thiết kế và chế tạo được tàu dùng cho mục đích giữ nước và phát triển đất nước", ông nói.

Ông Hòa cũng mong nhà nước có chế độ chính sách giúp đỡ người dân nghiên cứu chế tạo và tạo điều kiện về địa điểm hoặc sự hỗ trợ kỹ thuật, hành lang pháp lý thử nghiệm sản phẩm họ làm ra.

Gia đình yên vui, người lao động có việc làm

Năm 2015, nền kinh tế được cho là khởi sắc khiến đời sống người lao động có cải thiện dù còn nhiều bấp bênh. Tết là dịp để hàng triệu công nhân đoàn tụ với gia đình sau một năm làm lụng vất vả. Nguyễn Thị Trang, công nhân KCN Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) mong ước giản dị khi xuân Bính Thân về.

"Em mong sao sang năm mới trước là bố mẹ được mạnh khoẻ, gia đình yên vui. Sau là công ty phát triển, có nhiều đơn đặt hàng. Có như vậy thì công việc của công nhân bọn em mới đều đều, tăng lương, tăng thưởng, không lo lắng vì bị sa thải hay cắt việc", Trang nói.

Các tin khác