KHCN: Không tự chủ tài chính, mọi thứ đều vô nghĩa

(ĐTTCO)-Trăn trở việc thành lập Viện V-KIST để thu hút nhà khoa học giỏi, nhưng Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đang phải kiên trì thuyết phục Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan để có quy chế tài chính phù hợp.

(ĐTTCO)-Trăn trở việc thành lập Viện V-KIST để thu hút nhà khoa học giỏi, nhưng Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đang phải kiên trì thuyết phục Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan để có quy chế tài chính phù hợp.

- Xin Bộ trưởng cho biết kết quả một số công việc trọng tâm của Bộ trong năm 2015?

- Năm 2015, cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ đã tiếp tục hoàn thiện để phục vụ định hướng đổi mới trong lĩnh vực này, nhất là sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ.

Kết thúc năm 2015 những nút thắt cuối cùng trong cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ đã cơ bản được tháo gỡ. Bộ Khoa học đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành nhiều quy định mới về xây dựng định mức, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục thanh quyết toán, đặc biệt là cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học khi thực hiện nhiệm vụ.

Bộ cũng tổ chức thành công 2 buổi Gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên và nhà khoa học trẻ với Thủ tướng nhằm khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, thể hiện sự quan tâm, động viên của Chính phủ, của Bộ với những người làm khoa học.

Những kết quả đổi mới chính sách và hoạt động này đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận, thể hiện qua Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2015 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO công bố, theo đó Việt Nam tăng 19 bậc so với 2014 trên Bảng xếp hạng GII, đứng thứ 52 trên tổng số 141 nền kinh tế, thứ 2/31 quốc gia có thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, chỉ sau Singarore và Malaysia.

- Còn điều gì Bộ trưởng tiếc nuối vì chưa thực hiện được?

- Đó chính là việc chưa ban hành được cơ chế tài chính cho Viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST), nhằm xây dựng một mô hình thử nghiệm để thu hút các nhà khoa học giỏi của Việt Nam ở nước ngoài về nước cũng như các nhà khoa học giỏi trong nước cống hiến.

Nhiều nhà khoa học Việt Nam chưa muốn quay về không phải vì trong nước không có nhu cầu, mà ở chỗ môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ. Một viện nghiên cứu với cơ sở vật chất quá nghèo nàn, không có đồng nghiệp cùng chí hướng và tư duy, lương bổng thu nhập quá thấp thì làm sao họ có thể dành tối đa thời gian cho hoạt động nghiên cứu.

Từ thực tế trên, chúng tôi đã đặt mục tiêu là cố gắng thí điểm xây dựng một viện nghiên cứu có môi trường tốt nhất, ở đó môi trường làm việc có thể chưa bằng thì cũng tương đương các cơ sở nghiên cứu nước ngoài.

Chúng ta từng xây dựng Viện Toán cao cấp và mời được giáo sư Ngô Bảo Châu làm đồng viện trưởng, nhưng hàng năm giáo sư chỉ về được vài tháng. Chúng ta cũng chưa mời được các nhà khoa học người Việt hàng đầu trong lĩnh vực toán về với Viện Toán cao cấp. Dù chế độ đãi ngộ ở Viện Toán đã cao hơn so với các viện nghiên cứu khác nhưng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu và mức mà các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có thể được hưởng. Do đó, khó có thể thu hút được họ và khó có thể tạo ra sản phẩm khoa học xứng đáng.

- Dự án V-KIST đang ở giai đoạn nào?

- Bộ đã trình Chính phủ lập Hội đồng Viện, cơ quan quyền lực của Viện, đang triển khai xây dựng cơ sở vật chất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

V-KIST là một mẫu thí điểm áp dụng cơ chế quản lý mới theo kinh nghiệm của viện KIST (Viện Khoa học công nghệ Hàn Quốc). Thậm chí tôi từng nghĩ đến chuyện sẽ mời ông cựu chủ tịch của KIST sang Việt Nam làm viện trưởng V-KIST trong giai đoạn đầu thành lập. Ông là nhà khoa học và nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm, nếu sang Việt Nam ông sẽ đẩy nhanh tiến độ hoạt động của V-KIST, đi đôi với đó ông phải được hưởng mức lương và chế độ làm việc tương tương. Tương đương ở đây không có nghĩa là mức thu nhập phải bằng với Hàn Quốc, nhưng ít nhất cũng phải đáp ứng mức độ tối thiểu để những người làm khoa học ở Viện được yên tâm như khi làm việc ở Hàn Quốc. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng mức lương thấp hơn nhưng các nhà khoa học vẫn cảm thấy là chấp nhận được, bởi vì chi phí ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều, từ việc ăn uống, sinh hoạt, nhà cửa cho tới học hành của con cái...

Nhưng rất tiếc là không phải ai cũng chia sẻ quan điểm như vậy, quy chế tài chính của V-KIST đến bây giờ vẫn chưa thể ban hành. Người ta cứ nói rằng vì sao viện này lại đòi chế độ lương bổng và các chế độ khác cao thế, họ đề nghị cứ theo quy định hiện hành, phải lấy ý kiến của Bộ Lao động, Bộ Nội vụ xem mức lương như thế nào, có đúng quy định của nhà nước hay không?

Chúng tôi vẫn kiên trì thuyết phục các Bộ ngành và tôi cũng đã báo cáo Thủ tướng. Nếu quy chế tài chính không có, thì mọi thứ đều vô nghĩa, kể cả chúng ta đổ hàng nghìn tỷ đồng vào xây dựng viện này thì cũng không thành công nếu như không có những người làm khoa học giỏi. Một viện nghiên cứu tồn tại được hay không, phát triển được hay không là nhờ những người giỏi. Vì thế, quy chế tài chính như một điều kiện tiên quyết trong việc ra đời V-KIST, kinh nghiệm xây dựng KIST của Hàn Quốc là như vậy.

- Điều đó có nghĩa là không có quy chế tài chính phù hợp thì không nên thành lập V-KIST?

- Quan điểm của tôi là nếu chỉ áp dụng quy định hiện hành thì không cần V-KIST. Chúng ta đang có hàng trăm viện hoạt động theo cơ chế hiện hành và hiệu quả của nó thì ai cũng biết. Bây giờ, muốn có một viện thu hút được các nhà khoa học giỏi nhất từ nước ngoài về làm việc thì chúng ta không thể thành lập một viên nghiên cứu với khuôn mẫu như trước.

Có người lý sự rằng thời đại thế giới phẳng thì làm việc ở đâu cũng thế, làm ở Mỹ vẫn phục vụ cho Việt Nam. Tôi thì cho rằng làm khoa học ở đâu cũng là cống hiến cho nhân loại nhưng nếu nghiên cứu vấn đề của Mỹ trên đất Mỹ thì không phải vấn đề nào cũng áp dụng được ở Việt Nam và đóng góp của nó là cho GDP của Mỹ chứ không phải cho Việt Nam. Nếu họ làm ở Việt Nam thì họ đóng góp trực tiếp cho tiềm lực khoa học công nghệ của Việt Nam, đóng thuế cho nhà nước Việt Nam.

Nhưng làm sao để họ về? Đó là hệ thống chính sách của Nhà nước. Đừng để một ngày nào đó tư nhân thu hút được mà nhà nước thì không. Hiện các tập đoàn của Việt Nam chưa đủ mạnh để có viện nghiên cứu lớn thu hút nhà khoa học giỏi trở về, nhưng tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải sớm nghĩ đến việc đầu tư cho khoa học công nghệ, họ có thể thành lập các viện R&D lớn như Samsung, Apple... khi đó nếu Nhà nước không có chiến lược đầu tư thì các cơ sở công lập sẽ lép vế trước các cơ sở của doanh nghiệp và tư nhân.

- Tại sao ông lại đặt nhiều niềm tin vào V-KIST?

- Tôi nghĩ khi các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài thấy đủ điều kiện thì họ sẽ quay trở về, bởi trí thức người Việt Nam luôn hướng về Tổ quốc và có lòng yêu nước. Trong hai cuộc kháng chiến, biết bao nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa để trở về cống hiến trí tuệ cho dân tộc, chấp nhận gian khổ và hy sinh. Vấn đề là Nhà nước cần tạo cho họ một môi trường học thuật và làm việc tốt, tạo các nhóm nghiên cứu tương đương về trình độ, cùng một quan điểm, tư duy về khoa học thì họ mới hợp tác tốt với nhau.

Giới khoa học phải có điều kiện làm việc tối thiểu. Một nhà khoa học làm việc ở một viện nghiên cứu không thể không có một phòng thí nghiệm hoặc thư viện khoa học, rồi trang thiết bị trong phòng thí nghiệm ấy cũng phải ở mức tương đương các nước khác, người ta không thể đang ở nước ngoài nghiên cứu trên thiết bị rất hiện đại, về đây lại sử dụng thiết bị lạc hậu 5-7 thế hệ, không có người giúp việc mình đến nơi đến chốn, máy hỏng không biết sửa ở đâu... Đó chính là lý do mà chúng tôi rất muốn V-KIST được xây dựng và đi vào hoạt động, thí điểm cơ chế quản lý mới tiếp cận với quốc tế, sau này nhân rộng trở thành cơ chế chung cho các viện nghiên cứu Việt Nam.

- Có nhiều đề tài khoa học mang tính ứng dụng thực tế còn thấp, một số bị "đắp chiếu", trong khi ngân sách dành cho khoa học lớn. Bộ trưởng nói gì về vấn đề này?

- Thuật ngữ “bỏ ngăn kéo” đối với đề tài khoa học nhiều khi bị hiểu theo nghĩa xấu. Chúng ta đừng nghĩ bỏ ngăn kéo là xấu. Tôi đã có dịp giải trình ở Quốc hội, đề tài “bỏ ngăn kéo” có ba loại, trong đó một loại xấu là nghiên cứu không vì cuộc sống, nghiên cứu “cắt dán”, sao chép hoặc gian dối. Có hai loại là tất yếu và không phải là xấu, đó là nghiên cứu cơ bản phải đi trước làm tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng, và nghiên cứu ứng dụng nhưng phải chờ cơ hội đầu tư và thị trường để được thương mại hóa.

Ví dụ, nghiên cứu cơ bản về chất bán dẫn được các nhà khoa học Mỹ phát minh đầu tiên vào những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng không được ứng dụng. Sau đó người Nhật mua bằng sáng chế ấy chỉ hơn 4.000 USD vào đầu thập kỷ 60 và ngay lập tức ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia này và thế giới phát triển một cách kinh khủng. Nếu nói “bỏ ngăn kéo” thì nghiên cứu chất bán dẫn cũng phải bỏ ngăn kéo gần 10 năm.

Loại thứ 2 phải bỏ ngăn kéo ngắn hạn hơn là những nghiên cứu ứng dụng nhưng phải chờ cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư. Nhà khoa học có thể nghiên cứu rất thành công nhưng nếu không có người đầu tư thì kết quả ấy cũng chỉ là nằm trong phòng thí nghiệm mà thôi. Ở Việt Nam, nếu Nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được thì lập tức bị phê phán. Nhưng vấn đề là doanh nghiệp tư nhân có đầu tư hay không, bởi đối với họ đã đầu tư thì phải có lợi nhuận. Nhà nước đầu tư thì cũng phải hết sức cân nhắc. Chính vì thế cũng đành bỏ ngăn kéo, đến lúc có thị trường, doanh nghiệp nào thấy tiềm năng, lợi nhuận lớn, họ sẽ mạnh dạn đầu tư.

Tất nhiên cũng có một số đề tài nghiên cứu đúng là lãng phí, bỏ ngăn kéo là đúng, ví dụ có địa phương nghiên cứu quy trình ban hành nghị quyết của Tỉnh uỷ chẳng hạn. Các đề tài na ná nhau cũng nhiều lắm, ví dụ nghiên cứu mô hình của nước nọ, nước kia, xong không biết ai dùng.

- Ông có hướng xử lý như thế nào với các nghiên cứu "kiểu cho có" như vậy?

- Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc không thể giao tiền cho nghiên cứu vô bổ, xếp ngăn kéo theo nghĩa xấu. Tuy nhiên chúng ta đều biết trong một guồng máy thì ý định tốt là một chuyện, còn thực hiện không tốt lại là chuyện khác. Nhiệm vụ cấp Bộ và cấp cơ sở rất quan trọng bởi nó giải quyết vấn đề ở cơ sở. Có những vướng mắc khoa học rất nhỏ ở cấp cơ sở nhưng nhà nước không quan tâm không giải quyết thì nó vẫn ách tắc.

Bạn thử tưởng tượng thế này, với chiếc đồng hồ rất lớn chỉ cần một hạt cát rơi vào thì có bánh xe sẽ đứng lại, đồng hồ đó không chạy được. Vậy nên khâu nào cũng cần có người quản lý thật sự công minh, khách quan và thực hiện nghiêm những quy định của luật pháp.

Trong khoa học khó tránh khỏi những người lợi dụng việc nọ việc kia để đề xuất đề tài vì lợi ích cá nhân hay cơ quan nhà nước buông lỏng quản lý, vấn đề là làm sao hạn chế thấp nhất, và nếu như phát hiện thì phải có chế tài xử lý nghiêm để họ không vi phạm nữa. Vai trò của cơ quan quản lý, đặc biệt là người đứng đầu giao tiền của Nhà nước vào tay ai? sản phẩm cuối cùng là gì? và sản phẩm đó có sử dụng được hay không mới là quan trọng.

- Cá nhân ông kỳ vọng điều gì trong năm tới?

- Một là làm sao Luật Khoa học và Công nghệ 2013 thông qua các nghị định, thông tư phải đi vào cuộc sống. Ví dụ như việc giao quyền tự chủ cho các viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ. Nghị định 115/2005 đã triển khai 10 năm nay nhưng quyền tự chủ chưa đến tay các nhà khoa học thực sự. Nếu không có quyền tự chủ tài chính thì mọi quyền khác đều chỉ là hình thức. Bộ Khoa học đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 115, hy vọng sẽ thành công.

Mong muốn thứ hai của tôi là chương trình khởi nghiệp phải khởi động và phát triển mạnh hơn nữa để 5-10 năm sau Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. Muốn thế thì hệ thống các Chương trình, đề tài, dự án của chúng ta phải được cải tổ để hiệu quả hơn, sao cho thứ hạng của Việt Nam về đổi mới sáng tạo năm 2016 ít nhất cũng phải giữ được bằng năm 2015, đứng trong tốp đầu các nước ASEAN và dần thu hẹp khoảng cách với Malaysia, Singapore.

Các tin khác