Tiền lẻ đã dần vắng bóng tại đền, chùa

(ĐTTCO)-Năm nay là năm thứ tư Ngân hàng Nhà nước không đưa tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông, nhờ thế ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được 1.500 tỷ đồng từ chi phí in ấn, phát hành… Chính vì vậy, đồng tiền đã trở về với vị trí thực của nó chứ không dành để đi lễ tại các đền chùa, miếu mạo. Ở nhiều địa phương, đổi tiền lẻ đi lễ đã vắng bóng hẳn.

(ĐTTCO)-Năm nay là năm thứ tư Ngân hàng Nhà nước không đưa tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông, nhờ thế ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được 1.500 tỷ đồng từ chi phí in ấn, phát hành… Chính vì vậy, đồng tiền đã trở về với vị trí thực của nó chứ không dành để đi lễ tại các đền chùa, miếu mạo. Ở nhiều địa phương, đổi tiền lẻ đi lễ đã vắng bóng hẳn.

Đi lễ, tâm là chính

Những ngày cuối năm Ất Mùi, chúng tôi đến Đền Bà Chúa Kho tại tỉnh Bắc Ninh và ghi nhận được sự thay đổi đáng kể trong thói quen sử dụng tiền lẻ đi lễ của du khách thập phương cũng như công tác quản lý của Ban quản lý Đền.

Cảnh rải tiền lẻ tại các ban, thả tiền vào cung Bà Chúa đã bớt hẳn. Trên các mâm lễ, tiền mặt cũng không được gắn nhiều như trước mà thay vào đó là một, hai tờ tiền có mệnh giá cao.

 

Ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng Ban Quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho chia sẻ: Do tập quán lâu đời của người Việt Nam khi đi lễ dâng một ít tiền lẻ đặt trên đĩa. Chính vì vậy, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở khách khi về lễ tại đây nên thả tiền vào hòm, bất kể tiền to hay tiền nhỏ để đỡ phản cảm, đồng tiền không bị rơi xuống đất.

Theo Ban quản lý di tích, năm nay Đền đã cấm các hộ đổi tiền lẻ ở khu vực khuôn viên. Trong khuôn viên Đền Bà Chúa Kho, biển thông báo nghiêm cấm đổi tiền lẻ được dựng lên khắp nơi, loa tuyên truyền liên tục phát đi nội dung này.

Chị Nguyễn Tú Linh, một phật tử thường xuyên đi lễ tại Đền Bà Chúa Kho cho biết, trước đây chị cũng bằng mọi cách để đổi được tiền lẻ đi lễ chùa nhưng vài năm một phần do tiền lẻ khan hiếm, một phần do nhà chùa thường xuyên nhắc nhở nên chị Linh chỉ đặt tiền vào những ban chính trong chùa, vừa đỡ mất công đổi tiền lại không mất những chi phí không đáng có.

Tương tự, tại danh thắng Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), dù ra Giêng mới khai hội song tới thời điểm này, công tác bảo đảm an ninh, đặc biệt chấn chỉnh nạn đổi tiền lẻ “bắt chẹt” khách đã được thiết lập.

Lãnh đạo Ban quản lý di tích cho biết, đối với dịch vụ đổi tiền lẻ, ngay từ năm 2015 đã cơ bản được dẹp bỏ. Tới nay, nếu còn cũng chỉ rơi rớt một vài địa điểm “đổi kín” chứ không còn công khai như trước.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho biết cũng khó có thể loại trừ trường hợp cố tình vi phạm cam kết đối với những trường hợp này, nếu bị phát hiện, Ban quản lý sẽ lập biên bản, niêm phong toàn bộ số tiền lẻ làm dịch vụ, tới khi nào hết mùa hội mới cho lấy về.

Lượng tiền lẻ về ngân hàng đã giảm

Theo bà Đào Thị Phượng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Ninh, cách đây khoảng 5 năm, lượng tiền lẻ tại các khu di tích lịch sử, đền chùa trên địa bàn tỉnh rất lớn. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, hiện tượng này đã giảm hẳn, đặc biệt năm 2015 đã giảm rất nhiều so với các năm trước.

"Qua nắm bắt tại một số ngân hàng làm việc trực tiếp với Ban quản lý di tích thì lượng tiền đó vào khu di tích đã giảm hẳn. Tất nhiên một khi đã là phong tục thói quen thì theo tôi cũng phải có quá trình, đến một thời điểm nào đó mới hết được. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các cấp các ngành để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để làm sao người dân hiểu rõ hơn và đồng thời hỗ trợ với ngành ngân hàng để thực hiện tốt chủ trương này," bà Phượng cho biết.

Theo ông Trương Anh Dũng, Phó giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Ninh, lượng tiền lẻ thu về nhiều nhất là giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2008. Thời điểm sau này kinh tế suy thoái, cùng với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hạn chế tiền lẻ, chúng tôi không phát hành tiền mệnh giá nhỏ nên lượng thu vào cũng ít hơn.

Cũng theo ông Dũng, hiện tại lượng tiền lẻ chưa có nhiều do người đi lễ chưa đông, phải đến đầu Xuân trở ra, khi nhân dân đi lễ nhiều mới có nhiều tiền lẻ được thu về.

Các tin khác