Hàng hóa dồi dào, giá ổn định

(ĐTTCO)-Từ khuya ngày 3 đến rạng sáng 4-2, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc tại các đơn vị cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường Tết Bính Thân 2016.

(ĐTTCO)-Từ khuya ngày 3 đến rạng sáng 4-2, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc tại các đơn vị cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường Tết Bính Thân 2016.

 

Ghi nhận thực tế tại các đầu mối như chợ Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền, Bến Thành… những ngày cận tết vẫn diễn ra bình thường, trật tự, không có dấu hiệu tranh mua tranh bán hay gây mất an ninh trật tự. Lượng hàng hóa về tại các chợ khá dồi dào, đảm bảo cung cấp đầy đủ, giá cả không có dấu hiệu tăng, cá biệt có nhiều mặt hàng giảm giá, trong đó hàng trong nước chiếm khoảng 95%.

Công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi nhập vào chợ và phòng cháy chữa cháy được thực hiện nghiêm ngặt với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. 11 giờ đêm 3-2 tại chợ Thủ Đức, phía trong lồng chợ hầu hết các sạp đều đã chất đầy ắp hàng hóa với đủ loại trái cây, rau, củ…, còn phía ngoài hành lang chợ, xe tải vẫn tiếp tục đổ về xếp hàng ngay ngắn, trên xe chất đầy hàng hóa.

“Những ngày qua, tiểu thương chúng tôi đã trữ lượng hàng gấp đôi, gấp ba ngày thường để chuẩn bị bán ra dịp tết, nhưng nhu cầu vẫn bình thường. Mỗi ngày đêm sạp tôi bán ra được khoảng 12 - 14 tấn, chỉ nhích nhẹ khoảng trên dưới 500kg; còn giá cả vẫn ổn định, từ 5.000 - 7.000 đồng/kg bắp cải, tùy chất lượng tốt xấu”, chị Nguyễn Thị Thoa, chủ sạp bán bắp cải Đà Lạt cho biết.

Tại chợ Hóc Môn, hàng hóa rau, củ, quả tràn ra cả ngoài sân chợ, tình hình mua bán vẫn trật tự. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Quản lý - kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết, 24 ngày trước Tết Bính Thân, lượng hàng về chợ đạt khoảng 70.000 tấn, tương đương hơn 2.900 tấn/ngày đêm, tăng 14% so với ngày bình thường. Theo tính toán, 5 ngày trước tết còn lại, dự kiến lượng hàng về chợ khoảng 16.000 tấn, tương đương khoảng 3.200 tấn/ngày đêm, tăng 25% so với bình quân ngày thường.

Riêng ngày 28 và 29 tháng Chạp, lượng hàng về chợ sẽ giảm lại, nhưng đối với thịt heo lượng hàng nhập chợ sẽ đạt cực đỉnh khoảng 800 tấn, tăng 135% so với ngày bình thường.

“Điều đáng mừng là hàng hóa nhập chợ có nguồn gốc xuất xứ chủ yếu trong nước, chiếm khoảng 95%, còn hàng hóa Trung Quốc chỉ chiếm 4%, các nước khác khoảng 1%. Giá cả cũng sẽ ổn định, nhờ thời gian qua giá xăng dầu liên tục giảm, qua đó tạo ra chi phí đầu vào của các nông sản thực phẩm cũng giảm theo”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý - kinh doanh chợ Bình Điền cũng cho biết, tổng sản lượng hàng hóa nhập chợ tính đến đêm 24 và rạng sáng 25 tháng Chạp đạt hơn 2.300 tấn, tăng 100 tấn so với ngày thường. Lượng hàng hóa nhập vào tại chợ Bình Điền còn thấp là do đặc thù thực phẩm tươi sống không bảo quản được lâu, nhưng sẽ tăng mạnh trong 3 đêm cận tết. Trong đó, dự kiến đêm cao nhất có thể đạt 3.400 - 3.600 tấn, tăng 50% - 60%.

“Do sản lượng nhập chợ tăng nhiều, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, nên tình hình giá cả nhìn chung không có biến động nhiều. Chỉ có một số ít mặt hàng đặc thù sử dụng nhiều trong dịp tết như cá thu, cá lóc, mực, tôm, cua hay trái cây như bưởi, quýt, dưa hấu… có thể nhích nhẹ”, bà Liên nói.

Trao đổi với đại diện các ban quản lý cũng như các tiểu thương tại các chợ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động điều phối nguồn hàng dồi dào, nhằm không để xảy ra biến động, giữ được mức giá ổn định trong những ngày tết. Đồng chí Lê Văn Khoa nhấn mạnh, ban quản lý các chợ tiếp tục theo dõi đảm bảo tuyệt đối nguồn cung; tăng cường công tác phối hợp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh tuyệt đối các nguồn thực phẩm trước khi nhập chợ và nâng cao công tác phòng cháy chữa cháy.

 Trưa 4-2, đoàn công tác tiếp tục làm việc tại chợ Bến Thành về công tác phục vụ Tết Bính Thân. Nhằm phục vụ tốt nhất trong dịp Tết Bính Thân, Ban Quản lý chợ Bến Thành đã triển khai hàng loạt giải pháp như tổ chức treo băng rôn, phát thanh tuyên truyền thực hiện ký cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm đến từng tiểu thương, người dân trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức; tăng cường công tác kiểm tra các thiết bị liên quan đến cháy nổ và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy; kiểm tra chất lượng, sản lượng hàng hóa trước khi vào chợ; tăng cường lực lượng bảo vệ đảm bảo an toàn cho người kinh doanh, khách tham quan, mua sắm.

Các tin khác