Ước nguyện năm mới ở làng chài

Nuôi cá lồng trên Sông Hồng ở làng chài Thắng Lợi, xã Hồng Hà.

(ĐTTCO) - Sự hình thành và phát triển của các làng chài Thắng Lợi (xã Hồng Hà), Vạn Vỹ (xã Trung Châu, huyện Đan Phượng) gắn liền với những lở bồi của dòng Sông Hồng đỏ nặng phù sa. Nhiều thế hệ ngư dân sinh ra và lớn lên tại đây, họ am hiểu tường tận cuộc sống "thuyền là nhà, nhà là thuyền" của cha ông thuở trước...



 Nuôi cá lồng trên Sông Hồng ở làng chài Thắng Lợi, xã Hồng Hà.

Nuôi cá lồng trên Sông Hồng ở làng chài Thắng Lợi, xã Hồng Hà.

"Căn nhà" của gia đình ông Phạm Văn Luận (63 tuổi) với 5 thành viên sinh sống nằm ngay mép Sông Hồng ở vạn (làng) chài Thắng Lợi mô phỏng hình một con thuyền. Với chiều rộng chừng 2m, chiều dài không quá 10m, không gian bên trong được nối thông từ phòng bếp ở vị trí ngoài cùng, tiếp đến là nơi tiếp khách, phòng nghỉ và trong cùng là ngăn đặt một số vật dụng, nổi bật lên chiếc ti vi màn hình phẳng. Phía ngoài "căn nhà", ông Luận gia cố chắc chắn bằng các loại vật liệu bền vững như xi măng, tấm tôn, gỗ...

Để ngăn mưa gió, ông Luận "chế" thêm các tấm bạt có thể nâng lên, đặt xuống linh hoạt để che ngôi nhà rất tiện lợi và hữu dụng. Nhìn tổng thể "căn nhà" khá chật chội nhưng do được sắp đặt gọn gàng, gia chủ ưu tiên hơn hết là nội thất tiện ích nên bên trong sạch sẽ và ấm cúng. Điều bất tiện dễ nhận thấy nhất là muốn bước lên hoặc đi lại, sinh hoạt trong "căn hộ" này, người nhà ông Luận đều phải cúi gập người. Bà Lưu Thị Lý (59 tuổi) vợ ông Luận, chia sẻ: "Ở đây mãi gia đình tôi cũng quen. Chưa lên bờ được, khi nào đủ tiền thì mới tính chuyện làm nhà".

Ông Luận nhớ lại, khi xưa, Sông Hồng quanh năm đầy ăm ắp. Quy luật "bên lở bên bồi" của dòng sông tác động không nhỏ đến đời sống vạn chài. Vì thế, khi ấy những lão ngư kinh nghiệm trong làng phải tìm nơi ổn định, nhiều cá để "cắm thuyền" mưu sinh. "Khúc sông này có bãi bồi ổn định, không sạt lở, nguồn cá nhiều nên chúng tôi neo lại đây đã bao đời nay" - ông Luận nhấn mạnh.

Hiện nay, vì số lượng ngư phủ tăng nên vạn chài Thắng Lợi phải "chia ca" cho mỗi con thuyền thả lưới đánh bắt cá là 20 giờ đồng hồ bất kể ngày đêm. Nói về cuộc sống mưu sinh, lão ngư Phạm Văn Luận hướng cặp mắt ra phía dòng Sông Hồng, trầm tư: "Trước đây dễ dàng hơn chứ giờ thì khó khăn hơn nhiều, nguồn cá cạn kiệt từng ngày, nhiều hộ đã chuyển sang kết hợp đánh bắt cá tự nhiên và nuôi thả cá lồng trên sông để tăng thu nhập. Bù đi bù lại mỗi một ngày đi đánh bắt cá thu được khoảng 300 nghìn đồng. Là nghề "đi câu" nên phụ thuộc vào vận may, người "sát cá" thì thu nhập ổn định và cũng có người vài ba ngày chẳng kiếm được gì. Cuộc sống vạn chài tuy không khá giả mấy nhưng không đến nỗi quá bấp bênh".

Chị Nguyễn Thị Thu, một ngư dân ở làng chài Thắng Lợi đã lên bờ sinh sống nhưng có đến 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lồng trên Sông Hồng. Hai lồng cá rộng khoảng 50m2 nuôi được 300 con cá trắm của chị Thu cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Chị Thu tâm sự: "Dù được Nhà nước cấp đất để lên bờ sinh sống ổn định nhưng nghề chính của chúng tôi vẫn gắn liền với sông nước. Ngoài hai lồng cá, gia đình tôi còn duy trì hoạt động 3 thuyền đánh cá tự nhiên trên sông".

Bến vạn chài Thắng Lợi trước đây có 93 hộ dân sinh sống. Sau một thời gian được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện, nhiều hộ gia đình đã được cấp đất ở. Chính vì vậy, nhiều hộ đã dời lên bờ, thuyền chỉ là nơi mưu sinh, nghỉ tạm. Ông Nguyễn Đình Đà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho hay: Vạn Thắng Lợi hiện chỉ còn 13 hộ chưa được cấp đất, họ vẫn ở trong các ngôi nhà là con thuyền mô phỏng trên bờ hoặc các con thuyền neo trên sông. Ngoài nghề đánh bắt cá truyền thống hàng trăm năm qua, người dân vạn Thắng Lợi giờ có thêm nghề nuôi cá lồng. Phấn khởi hơn, làng chài đã có 37 tàu chuyên chở cát, sỏi trên sông và tính đến tháng 5-2015, bà con đã đầu tư, nuôi 25 lồng cá. Khu dân cư vạn chài trên bờ cũng sung túc, nhà văn hóa đã được xây dựng rất khang trang…

Vạn chài Thắng Lợi có nét văn hóa riêng so với người dân định cư trên bờ. Vì thế, dù là người đã lên bờ hay những người ở dưới bến sông đều giữ nét văn hóa sông nước đặc trưng. Đặc trưng ẩm thực là những món ăn chế biến từ cá sông rồi đến ngư cụ như lưới, rọ tôm... do chính bàn tay họ làm ra... Nói riêng về tâm linh, làng vạn chài đã dựng một Thuyền Đình thờ thần Bạch Hạc Long Thần, Bách Nghệ Tiên Sư với ước nguyện những chuyến đi sông sóng yên, sông lặng, thu nhiều cá tôm, nghề chài lưới được sung túc quanh năm. Ông Luận cho biết: "Tết đến xuân về, chúng tôi cùng nhau dọn dẹp, trang trí lại Thuyền Đình đón năm mới với mong ước gặp nhiều may mắn, thành công. Mong ước lớn nhất của tôi trong năm Bính Thân là kiếm đủ tiền xây dựng nhà mới trên mảnh đất hơn 100m2 đã được Nhà nước cấp để sớm ổn định cuộc sống cho con, cháu…".

Không có nhiều thuận lợi như ở vạn Thắng Lợi, làng chài Vạn Vỹ ở xã Trung Châu (Đan Phượng) không được định cư, neo thuyền sống ở một nơi cố định. Do bãi sông ở Trung Châu bồi lở không ổn định nên ngư dân phải dạt đi nhiều nơi để thả lưới, neo thuyền. Trong căn nhà ọp ẹp nằm bên bãi Sông Hồng, Trưởng thôn Vạn Vỹ Nguyễn Văn Được tâm sự: Vạn Vỹ hiện còn 55 hộ dân với 249 nhân khẩu. Trong số đó, có khoảng 16 hộ đã mua đất ở trên bờ, hiện vẫn còn 33 hộ sống hoàn toàn trên sông nước.

Người làng chài chia mùa cá thành 2 "khúc" khác biệt. Thời gian dễ kiếm cá nhất là vào khoảng tháng Ba đến hết tháng Tám (âm lịch), sông có nguồn cá dồi dào, thời gian còn lại trong năm lượng cá kiếm được không đáng là bao. Cuộc sống của ngư dân còn nhiều khó khăn, cả vạn vẫn còn đến 5 hộ nghèo và nhiều người cuộc sống cũng chật vật lắm. Vài năm gần đây, bà con mạnh dạn, vay vốn để góp tiền mua tàu chở vật liệu xây dựng nên đến nay đã có 25 tàu lớn, còn tàu cá trung bình mỗi nhà có khoảng 2 thuyền. Bà con Vạn Vỹ nuôi hơn 20 lồng cá, nhưng ngặt nỗi phải dạt đi tứ xứ, từ các xã như Chu Phan, Thạch Đà (Mê Linh) đến Trung Hà, Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc)… chứ không được ở quê nhà.

Ông Được buồn rầu: Tôi vay mượn mãi mới mua được mảnh đất bãi này, dựng ngôi nhà để ở mà nay đã trả hết nợ đâu. Sổ đỏ cũng chưa được cấp. Nếu ngư dân có nhà, đất thì nhiều người sẽ có cơ hội làm giàu vì có tài sản thế chấp với ngân hàng để vay vốn. Hàng chục con tàu lớn kia người dân đều phải đi vay ở bên ngoài, lãi suất cao lại chịu rất nhiều áp lực. Số người ở Vạn Vỹ mua được nhà, đất trên bờ cũng là do tích cóp chứ cả Vạn Vỹ chưa ai được cấp đất bao giờ…

Tuy nhiên, cuộc sống của người dân đã thay đổi khá nhiều so với trước đây, trẻ nhỏ đã được đến trường đầy đủ, cuộc sống tuy còn khó khăn, nhưng đã no ấm hơn… Bà con tuy sống tản mát khắp nơi, nhưng khi làng có công, việc cần họp bàn, tôi lại gọi điện để họ về. Vạn Vỹ không có nơi hội họp nên nhà của tôi chính là nơi tụ họp của bà con. Với cái Tết, ngư dân cũng đơn giản lắm. 30 Tết bà con mới lập ban thờ, có quả bưởi, nải chuối thắp hương, cầu mong "trời yên, bể lặng" để thuận đường mưu sinh…

Chia tay hai vạn chài, trong tôi vẫn đọng lại câu nói của ông Được: An cư mới mong lạc nghiệp. Hàng chục năm qua, chúng tôi vẫn ước nguyện được Nhà nước cấp đất, mong được lên bờ ổn định cuộc sống. Khi lên bờ, người già được đi chùa cầu an, trẻ nhỏ được đến trường thuận lợi. Cuộc sống lênh đênh sông nước nay đây mai đó, được lên bờ vẫn là khát vọng nhiều đời của ngư dân. Cái khát vọng ấy vẫn da diết, mạnh mẽ…

Các tin khác